Cách Làm Lò Sấy Tĩnh Sấy Cà Phê đơn Giản Nhất

Ở phạm vi bài viết này chúng tôi xin được trình bày các bước để làm lò sấy tĩnh, sấy cà phê quả. Lò sấy tĩnh có sức chứa 150-200kg cà phê quả tươi/met vuông, đốt bằng vỏ cà phê, lượng vỏ cà phê xay ra vừa đủ để đốt sấy cho chính một lượng quả tương đương.

[divider]

Xem thêm: Kỹ thuật ghép cà phê mới, cách chọn máy rang cà phê

Hầu hết bà con đã quen thuộc với các hình thức sơ chế sau khi thu hoạch cà phê ví dụ như: Cà phê quả hái về cứ để vậy và phơi trên sân cho đến khi khô hay là Xay dập ra để phơi cho nhanh khô

Mỗi phương pháp đều có ưu điểm và nhược điểm khác nhau tuy nhiên đều chịu sự phụ thuộc vào thời tiết.

phoi ca phe
phơi cà phê cách truyền thống

Phương pháp sấy nguyên cả quả được biết đến hình thức sơ chế hiệu quả và mang lại giá trị thành phẩm cao hơn hẳn các  phương pháp truyền thống.

Tuy nhiên kỹ thuật chế tạo chưa đúng dẫn đến lò bị nứt nẻ, hoặc hoạt động không hiệu quả. Chúng tôi xin được trình bày chi tiết các yếu tố kỹ thuật và đính kèm bản vẽ để người thợ cơ khí bình thường cũng có thể chế tạo được lò sấy cho quý bà con như sau:

1. Vật liệu xây lò

Gạch thẻ: 1100 viên kích thước 50x85x190 – loại thường dùng để xây nhà bình thường, không cần phải sử dụng gạch chịu lửa có giá quá cao.

Silicate (Sodium Silicate) lỏng hay còn gọi là thủy tinh lỏng: 30 lít

Đất sét trắng, loại cực mịn (thường có tại các điểm bán VLXD) – Khoảng 80kg.

Đất sét trắng chất lượng thấp, loại thô nhất, không cần mịn – Khoảng 20kg.

Khung sắt dùng để định hình, để chúng ta dể xây theo đó, mà không cần thợ xây.

Cửa lò bằng sắt gắn vào khung sắt định hình.

Thang đốt gắn vào khung sắt định hình (thang đốt cần gắn di động vào khung sắt định hình, để khi đốt bằng củi dễ dàng tháo ra)

2. Cách làm vữa để xây lò

Trộn 1 phần nước Silicate với 4 phần nước, khuấy đều, vì Silicate rất đặc và nhớt, tránh đụng tay vào vì có thể gây ngứa.

Đổ đất sét trắng loại mịn và loại thô ra hai đống riêng biệt khác nhau, làm một lỗ ở giữa đống như người ta chuẩn bị trộn hồ bằng tay.

Đổ hỗn hộp nước và Silicate vào lỗ giữa đống đất sét trắng rồi trộn đều (nhớ là hai loại đất sét trắng thô và mịn riêng nhau). Điều chỉnh lượng hỗn hợp nước+silicate sao cho vừa đủ ướt như người ta vẫn làm khi trộn hồ để xây nhà.

Ngâm ủ khoảng 3-4 tiếng đồng hồ sau rồi mới bắt đầu xây, mục đích của việc ngâm ủ là làm cho Silicate ngấm sâu hẳn vào trong đất sét. Trong quá trình ủ, có thể bị khô đi một chút thì chúng ta có thể đổ thêm hỗn hợp Nước + Silicate vào khi bắt đầu xây.

Gạch xây lò
Gạch xây lò

3. Một số lưu ý khi xây lò

Chỉ cần nương theo khung định hình để xây như bảng vẽ đã hướng dẫn, xây 4 bức tường chung quanh trước và các bức tường ngang cao đều lên một lúc. Dùng vữa hồ loại đất sét mịn, tráng một lớp thật mỏng lên viên gạch để xây, lưu ý phần lớn bà con nghĩ rằng: lớp vữa hồ phải dày thì mới chắc, trên thực tế không phải vậy, vữa hồ càng dày, càng dễ bị nức khe xây.

Khi xây đến phần vòm, sẽ cần một số khung sắt uốn hình vòm đỡ bên dưới để chúng ta đặt gạch lên mà không bị rớt, khi xây xong có thể rút vòm sắt tạm này ra. Trên thị trường có bán một số gạch hình thang, gọi là gạch búa (chỉ cần 60 viên) dùng để xây vòm rất bền nhưng giá đắt hơn gạch thẻ, bà con có thể cân nhắc sử dụng, ở đây chúng tôi chỉ hướng dẫn cách xây vòm bằng gạch thẻ thông thường.

Dùng vữa hồ loại đất sét thô để trét vào khoảng trống giữa các viên gạch đang xây vòm, khe giữa các viên gạch trên vòm cần trét cho thật chắc, với kết cấu mái vòm, nếu khe này chắc chắn thì sau khi xây xong, đứng lên vòm vẫn không sập. Xây xong vòm đến đâu, rút thanh sắt đỡ vòm tạm ra đến đó.

4. Đốt xông lò

Sau khi xây xong, do sự bốc hơi nước cho nên sẽ có một số điểm bị khe nức chân chim, có thể dùng tỷ lệ Silicate cao hơn một chút để làm hồ trét vào khe nức.

Đốt lò với cường độ thấp, chủ yếu cho ấm dần để cho hơi nước từ từ bay đi, nếu nóng quá, lượng hơi nước bay đi đột ngột dễ gây nứt khe. Thời gian xông nóng lò cần khoảng 3-4 tiếng đồng hồ. Quan sát các khe nức sau khi xông lò để dùng vữa mịn trét vào.

Xin bà con lưu ý, bản chất của Silicate là một dạng thủy tinh lỏng, khi gặp nhiệt độ cao Silicate sẽ hóa thành thủy tinh để liền kín lại các mạch vữa, nếu chúng ta cho tỷ lệ thủy tinh cao quá, thì khi hóa thành quá nhiều thủy tinh mà thiếu đất sét thì dễ vỡ, nếu ít quá thì dễ nứt lò khi hơi nước bay đi. Đó là lý do tại sao chúng ta cần ủ cho Silicate trộn lẫn trong thành phần của đất sét. Mạch vữa dày quá sẽ tạo chênh lệch độ giãn nỡ khác nhau giữa viên gạch và vữa, cũng gây nứt nẻ khe xây.

Đốt xông lò
Đốt xông lò

Một số lưu ý an toàn khi đốt lò:

Một số bà con nghĩ rằng lò đốt bằng vỏ cà phê không có gì nguy hiểm, trên thực tế khi đốt, có khi lượng vỏ cà phê điều chỉnh nạp xuống quá nhiều, trôi qua khỏi thang đốt và nằm trong buồng đốt nhưng chưa kịp cháy hết, lượng vỏ này bao bọc một nhiệt lượng bên trong gây ra hiện tượng cháy yếm khí và tạo nên khí hóa bên trong (Gasifier). Khi chúng ta khơi cho cháy lượng vỏ này, vô tình giải phóng lượng gas thoát ra đột ngột và tạo nên sự bùng cháy rất mạnh, tuy không nổ, nhưng đủ để cháy hết râu tóc, cũng khá nguy hiểm.

Cua nap Cua thoat Tong-the-dot-trau-550x440 Vach ngan vach-ngan-550x440

Kính chúc bà con xây lò sấy thành công!

Nếu có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến kỹ thuật hoặc tư vấn xin vui lòng liên lạc theo địa chỉ email:

support@mayrangviet.com hoặc purecafe.com.vn@gmail.com

Posted by Leo

Từ khóa » Cách Xây Lò Sấy Cà Phê