Cách Làm Thạch Dừa Ngon Nhất | Thật Là Ngon - Công Thức Nấu Ăn
Có thể bạn quan tâm
Thạch dừa 🧊 là món tráng miệng rất quen thuộc. Cùng tìm hiểu công thức cách làm thạch dừa trong bài viết hôm nay nhé.
Không hề cầu kỳ trong cách làm hay hình thức, nhưng thạch dừa lại có sức lôi cuốn với cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Đặc biệt là khi thời tiết nóng lên từng ngày, ăn một miếng thạch dừa vừa mát lạnh vừa ngọt ngào thì còn gì bằng.
Bạn có thể dễ dàng mua được thạch dừa ở chợ, tiệm bánh, hay quán cà phê. Hoặc nếu bạn muốn làm một món gì đó để gia đình cùng thưởng thức thì thạch dừa rất đáng được lựa chọn. Bởi vì món ăn vặt này vừa dễ làm, không mất nhiều thời gian và tỷ lệ thất bại gần như không có. Chỉ cần làm đúng theo công thức thì bảo đảm bạn sẽ có ngay món thạch dừa chuẩn xịn rồi.
In Công Thức 5 from 6 votesCách Làm Thạch Dừa
Chỉ với vài thao tác đơn giản, là bạn đã có thể tự chế biến món thạch dừa vừa ngon vừa sạch cho cả gia đình mình rồi. Chuẩn bị10 phút Nấu30 phút Tổng thời gian40 phút Bữa ăn: DessertĐặc sản: Việt NamKeyword: thạch dừa Khẩu phần: 5 Calories: 40kcalNguyên Liệu
- 1 gói bột rau câu dẻo (loại 10 g)
- 1 lít nước dừa tươi
- 50 ml nước cốt dừa
- 80 - 90 gr đường
Dụng Cụ
- Khuôn đổ thạch hoặc hộp thủy tinh
Hướng dẫn
- Bước 1: Chuẩn bị hỗn hợp thạch nước dừaCho nước dừa tươi vào nồi. Cho bột rau câu và đường vào khuấy đều. Nấu đến khi hỗn hợp rau câu chuyển sang màu trong là được.
- Bước 2: Làm phần thạch nước cốt dừaChia hỗn hợp làm 2 phần. Một phần giữ nguyên. Phần kia bạn cho nước cốt dừa đã chuẩn bị vào và khuấy đều.
- Bước 3: Hoàn thành Bạn đổ thạch theo lớp xen kẽ giữa phần thạch nước dừa trong và thạch cốt dừa. Để nguội, cất tủ lạnh hai tiếng là ăn được.
Nutrition
Calories: 40kcal Bạn thử chưa?Đăng ảnh lên @ThatLaNgon hoặc tag #thatlangon nhé!Cách Làm Thạch Dừa Chi Tiết
Bước 1: Chuẩn bị hỗn hợp thạch nước dừa
1. Bạn cho nước dừa tươi vào nồi.
Ngon nhất là bạn nên chọn nước dừa xiêm hoặc dừa dứa. Vì nước dừa xiêm hoặc dừa dứa rất thanh vào ngọt, dùng làm thạch sẽ rất ngon. Còn những dừa khác đôi khi có vị chua, làm thạch sẽ không ngon bằng.
2. Bạn tiếp tục cho hết gói rau câu dẻo và lượng đường vào chung với nước dừa. Lưu ý là lượng đường trong công thức bạn có thể gia giảm cho phù hợp với khẩu vị của mình nhé.
Thạch bạn không nên làm ngọt quá. Vì như vậy sẽ làm giảm sự thanh mát khi ăn của thạch.
Ngoài ra các bạn lưu ý là sử dụng rau câu dẻo nhé. Vì rau câu dẻo mới cho ra được thạch dừa có vị mềm và dai dai đặc trưng.
3. Bạn bắc nồi lên bếp và khuấy đều để đường tan hết.
4. Bạn nấu với lửa lớn cho đến khi hỗn hợp sôi thì hạ nhỏ lửa.
5. Bạn tiếp tục đun thêm 5 phút nữa thì hỗn hợp rau câu sẽ trong. Điều đó có nghĩa là rau câu đã tan hết.
Bước 2: Làm phần thạch nước cốt dừa
1. Bạn chia hỗn hợp rau câu nấu được ở trên làm 2 phần bằng nhau.
2. Một phần bạn giữ nguyên.
3. Phần kia bạn cho phần nước cốt dừa đã chuẩn bị vào và khuấy đều.
Bạn có thể sử dụng nước cốt dừa lon. Tuy nhiên sẽ không ngon bằng nước cốt dừa vắt trực tiếp vì không thơm và béo bằng.
Bạn có thể mua dừa nạo ở chợ về tự vắt lấy nước cốt dừa. Hoặc bạn cũng có thể nhờ người bán vắt luôn tại chỗ.
4. Bạn đặt 2 phần nước rau câu trong nồi đựng nước nóng. Điều này giúp thạch không bị đông trong quá trình bạn đổ lớp thạch.
Bước 3: Hoàn thành
1. Bạn có thể sử dụng một hộp lớn hình chữ nhật có nắp để hoàn thành bước đổ rau câu cuối cùng này rồi dùng dao cắt thạch dừa thành miếng khi ăn. Hoặc bạn có thể chuẩn bị những khuôn rau câu để tạo kiểu được đẹp hơn. Các loại khuôn bạn có thể dễ dàng mua được ở chợ hoặc siêu thị.
2. Bạn cứ đổ xen kẽ 1 lớp rau câu nước dừa trong với 1 lớp rau câu nước cốt dừa với nhau. Bạn lưu ý khi đổ xong 1 lớp, bạn phải đợi rau câu hơi se mặt lại thì mới đổ lớp tiếp theo.
Nếu bạn đổ sớm quá thì chúng sẽ hòa lẫn vào nhau, không tách biệt thành 2 lớp rõ ràng được. Còn nếu bạn đổ quá trễ thì 2 lớp rau câu sẽ không kết dính với nhau.
Bạn có thể đổ mỗi lớp dày khoảng 0.5 cm. Với độ dày này sẽ tạo nên rau câu nhiều lớp rất đẹp mắt. Tuy nhiên, tùy vào sở thích và thời gian bạn có mà bạn có thể đổ dày hơn.
Nếu bạn không có thời gian để đổ nhiều lớp rau câu, bạn có thể đổ hết phần rau câu nước dừa trong, rồi mới tới phần rau câu nước cốt dừa. Ở lớp nước dừa trong bạn có thể cho thêm cơm dừa thái lát mỏng vào để rau câu được đẹp mắt và ngon hơn.
3. Sau khi thạch nguội, bạn đem cất vào tủ lạnh trong 2 tiếng là đã có thể đem ra thưởng thức được rồi.
Các Món Ăn Bạn Có Thể Làm Với Thạch Dừa
Thạch dừa còn có thể sử dụng để chế biến những món tráng miệng khác cũng rất ngon và dễ làm. Dưới đây là một số kết hợp hay với cách làm món thạch dừa trên.
Thạch dừa hạt é hay còn gọi là hạt chia: Món đơn giản nhất bạn có thể làm ngay là món thạch dừa hạt é. Chỉ cần cho hạt é vào nước cho nở ra, thêm đường, thêm thạch dừa cắt nhỏ, thêm ít đá vào nữa là đã có ngay ly thạch dừa hạt é mát lạnh rồi.
Bạn cũng có thể thay hạt é bằng hạt chia để tăng dinh dưỡng nhé.
Thạch dừa đường phèn lá dứa: Cầu kỳ hơn 1 chút nữa, bạn có thể nấu nước đường phèn lá dứa, để nguội hẳn rồi cho thạch dừa cất nhỏ vào. Cho thêm đá nữa là bạn có ngay món thạch dừa đường phèn lá dứa. Rất đơn giản phải không nào!
Sữa chua thạch dừa: Với các bạn thích ăn sữa chua, bạn có thể cắt nhỏ thạch ra, trộn chung với sữa chua, thêm chút đá bào nữa là hết ý. Bạn cũng có thể cho thêm trân châu, hoa quả bạn thích và cả hạt chia nữa.
Chè vải thạch dừa: Bạn mua hộp quả vải ngâm về. Cho thạch dừa cắt nhỏ vào. Thêm đá vào và thưởng thức thôi.
Chè nhãn nhục thạch dừa: Nhãn nhục khô bạn mua về ngâm nước cho nở ra. Nấu chung với đường phèn. Đợi nguội hẳn rồi cho thêm thạch dừa và đá vào là có ngay ly chè nhãn nhục thạch dừa vô cùng bổ dưỡng rồi.
Thạch dừa trái cây: Nguyên liệu sẽ bao gồm hạt sen, quýt, dứa, và nước đường phèn nấu tan ra để nguội. Khi ăn bạn cho tất cả ra chén, thêm thạch, thêm đá là hoàn thành.
Món thạch dừa trái cây này rất bổ dưỡng và rất ngon nữa. Vị bùi của sen, vị ngọt của quýt, vị chua chua của dứa, tất cả hòa quyện tạo thành món tráng miệng siêu ngon cho những ngày nóng nực.
Như vậy là chỉ từ món thạch dừa, bạn có thể làm thêm nhiều món tráng miệng vừa ngon miệng và dễ làm rồi phải không nào? Tha hồ cho các bạn sáng tạo và thay đổi món cho cả nhà nhé!
Nguồn Gốc Món Thạch Dừa
Thạch dừa hay còn gọi là "Nata de Coco", là một món ăn có nguồn gốc từ Philippin. “Nata” trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là kem. Còn “coco” có nghĩa là dừa. Cho nên “nata de coco” có nghĩa là kem dừa, hay mình vẫn gọi là thạch dừa.
Thạch dừa sau này có nhiều cách chế biến đa dạng hơn nguyên bản.
Thạch dừa từ công thức truyền thống sẽ vừa dai vừa mềm, nhưng vẫn có độ giòn và ăn rất mát. Loại thạch này không sử dụng bột rau câu để làm đông mà được hình thành bởi sự lên men của vi khuẩn. Quá trình làm này khá cầu kỳ, phức tạp và mất thời gian. Và nó rất khó để làm tại nhà.
Sau này, để đơn giản hơn, người ta làm thạch dừa từ rau câu dẻo. Thành phẩm vẫn sẽ là miếng thạch dừa dai dai, nhưng không có độ giòn bằng cách làm truyền thống.
Thạch Dừa Và Thạch Dừa Thô
Chắc bạn cũng sẽ thắc mắc rằng thạch dừa mình vừa giới thiệu và thạch dừa thô khác nhau như thế nào.
Bạn có thể thấy trong siêu thị có loại thạch dừa hình quân cờ nhỏ màu trắng trong, đóng vào bịch hoặc hộp nhựa và đã pha sẵn với nước đường. Đó chính là thạch dừa thô đã được ngâm nở và nấu lên.
Thạch dừa thô là lớp hemicellulose – sản phẩm sinh khối được tạo thành bởi sự lên men của vi khuẩn Acetobacter xylinum trong môi trường nước dừa già có bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết. Thông qua một số bước xử lý nữa sẽ thu được thạch dừa. Sau đó thạch dừa sẽ được ép khô rồi mới đem bán.
Khi mua thạch dừa thô về, bạn phải ngâm nước lạnh, bóp xả nhiều lần để thạch nhanh nở và hết mùi chua. Sau khi ngâm nước, thạch sẽ nở ra thành những viên thạch như trong loại đóng gói bạn thấy.
1 kg thạch thô sẽ thu được tới 15 kg thạch thành phẩm. Thạch dừa thô sau khi chế biến thường trở thành món ăn vặt hấp dẫn với vị thạch dai dai, mềm mềm cực mát lạnh, thường được đóng túi lớn bán trong các siêu thị, khi ăn chỉ cần cắt túi đổ ra cốc, bỏ đá là có thể thưởng thức trực tiếp luôn.
Khi đi ăn ở quán, người ta cũng sử dụng loại thạch này bởi giá thành quá rẻ và bảo quản được rất lâu.
Hạn sử dụng của dừa thô là 24 tháng. Sau khi nấu lên thì dùng được 1 tháng trong điều kiện để ngăn mát tủ lạnh. Thông thường ở các quán cafe, tiệm bánh ngon, người ta sẽ nấu lên cùng nước đường, và cứ thế để sử dụng dần.
Cách Làm Thạch Dừa - Công Nghệ Dừa Thô
Thạch dừa thô nếu làm đúng quy trình thì hoàn toàn yên tâm để thưởng thức. Nhưng thực sự mà nói, rất khó biết được đâu là thạch dừa sạch để sử dụng. Thạch dừa thô chủ yếu được làm từ Bến Tre. Theo 1 bài báo chính thức từ trang tuoitre.vn, thạch dừa thô ở đây được chế biến theo công nghệ “siêu bẩn”.
Nước làm thạch được lấy từ sông, rạch. Phụ gia để nấu thạch là các loại phân bón cây trồng. Khi nấu người ta sẽ cho các loại phân bón cây trồng cùng hàng chục loại phụ gia khác vào. Làm số lượng càng lớn thì càng phải cho phân bón cây trồng càng nhiều. Theo người sản xuất, phân bón giúp cho thạch tăng độ cô đặc và và giúp miếng thạch dày lên. Và điều quan trọng là theo điều tra, công thức “thạch dừa siêu bẩn” này được áp dụng chung cho tất cả các cơ sở tại đây.
Thạch làm ra thì chất đống để trên nền nhà bốc mùi chua và tanh khó chịu, có cái đã bị mốc đen. Rồi những dụng cụ đựng thạch đen ngòm, ruồi nhặng bâu kín vào đó. Công nhân thì đi chân trần đạp liên tục cho thạch được tơi ra.
Để khử mùi hôi thối và làm cho thạch được trắng đẹp, người làm sẽ sử dụng dấm. Rồi sau đó họ cho thuốc tẩy vào, mục đích là để bảo quản được lâu hơn. Và thông thường, tuy gọi là thạch dừa như nước dừa chỉ chiếm tối đa khoảng 30%, còn lại 70% là nước lã. Đó là lý do vì sao họ phải dùng thêm các loại phụ gia bẩn kia, vì tỷ lệ như vậy là quá loãng, không đủ để nước dừa lên men thành thạch.
Trên báo chí cũng đã từng cảnh báo nhiều lần về việc nguy cơ sử dụng phải các loại thạch thô rẻ không rõ nguồn gốc. Do vậy, muốn ăn thạch thì bạn nên tự làm hoặc tìm nơi cung cấp thạch dừa thật uy tín để sử dụng nhé.
Các Loại Khuôn Đổ Thạch Dừa
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại khuôn để đổ thạch khác nhau.
Đang “hot” hiện nay là loại khuôn làm thạch bi. Với khuôn này bạn sẽ làm ra được những viên thạch tròn trong veo như viên ngọc, trông rất đẹp và sang chảnh luôn.
Ngoài ra còn có rất nhiều loại khuôn với hình dáng rất phong phú. Bạn tha hồ sáng tạo theo sở thích của mình nhé!
Cách Làm Thạch Dừa - Các Biến Tấu
Ngày nay, để món thạch dừa thêm bắt mắt, ngon miệng và đa dạng, người ta đã có rất nhiều kiểu biến tấu thạch dừa khác nhau.
Điển hình nhất là món thạch dừa nhân phô mai. Ở giữa viên thạch là miếng phô mai Con Bò Cười. Khi ăn phần thạch thanh mát hòa quyện cùng vị phô mai beo béo rất ngon miệng.
Chúng ta còn có món thạch dừa nhân bánh flan. Món này đặc biệt được các bé yêu thích. Bản thân mình cũng rất thích món này. Mình thấy nhân bánh flan ngon hơn vị phô mai vì bánh flan 🍮 thì có vị béo và ngọt nhẹ nên ăn thích hơn.
Ngoài ra để tăng thêm phần màu sắc, bạn có thể pha thêm màu vào phần thạch nước dừa trong để tạo thêm vô vàn màu yêu thích. Đặc biệt là khi làm thạch dừa bi nhiều màu, phải nói là những viên thạch trông vô cùng đẹp, đến mức không nỡ ăn luôn các bạn ạ!
Từ công thức cách làm thạch dừa cơ bản trên 🧊 mà mình giới thiệu các bạn hãy thỏa sức sáng tạo để làm ra món thạch dừa của riêng mình nhé. Và các bạn cũng đừng quên chia sẻ thành phẩm của mình với Thật Là Ngon qua phần comment bên dưới.
Ảnh nguồn: Internet.
Từ khóa » Cách Làm Thạch Dừa đơn Giản Nhất
-
Cách Làm Thạch Dừa Đơn Giản Tại Nhà
-
Cách Làm THẠCH DỪA đơn Giản Nhất Tại Nhà - YouTube
-
Cách Làm Thạch Dừa đơn Giản - YouTube
-
Tự Làm Rau Câu Dừa Quá Đơn Giản Mà Lại Ngon Và Thơm Mát
-
CÁCH LÀM THẠCH DỪA NGON MÀ ĐƠN GIẢN | Bếp Nhà Tôm
-
Cách Làm Thạch Dừa Bổ Miếng Thơm Ngon Tươi Mát - Điện Máy XANH
-
Cách Làm Thạch Dừa Ngon Tươi Mát Cho Ngày Hè
-
Cách Làm Thạch Dừa đơn Giản Tại Nhà
-
Thạch Dừa: 3 Cách Làm đơn Giản Mà Trắng Dẻo Dai Ngon - Yêu Trẻ
-
Cách Làm Thạch Dừa Xiêm Cho Mùa Hè Mát Lạnh
-
3 Cách Làm Thạch Dừa Ngon Như Quán Nổi Tiếng - Unica
-
2 Cách Làm Thạch Dừa Ngon Miễn Chê - đơn Giản Cực Kỳ - WikiOhana
-
5 Cách Làm Thạch Dừa Xiêm Nguyên Trái, Thạch Rau Câu Dừa Và Bánh ...
-
6 Cách Làm Thạch Dừa Dẻo, Tươi Mát Cho Ngày Hè Tại Nhà