Cách Làm Thuyết Minh Báo Cáo Tài Chính Theo Thông Tư Số 133/2016 ...

Cách làm Thuyết minh báo cáo tài chính theo thông tư số 133/2016/TT-BTC

Ngày 20/01/2020 - LV.Thao

Thuyết minh báo cáo tài chính là bản mô tả mang tính tường thuật và phân tích chi tiết các thông tin số liệu đã được trình bày trong các báo cáo: Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

cách làm thuyết minh báo cáo tài chính mới nhất

Cơ sở để lập Thuyết minh BCTC là: Bảng Cân Đối Kế Toán, Báo cáo kết quả kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Bảng cân đối số phát sinh tài khoản, Bảng trích Khấu hao TSCĐ và các sổ sách liên quan để lập.

Cách lập Thuyết minh báo cáo tài chính theo thông tư 133 gồm 2 phần chính.

  1. Phần thứ nhất là các mục I, II, III, IV là phần mô tả đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị tiền tệ trong báo cáo, chế độ hay chuẩn mực kế toán đang áp dụng, và một số nguyên tắc kế toán đang áp dụng. Ở phần này bạn điền các thông tin ngắn gọn dễ hiểu theo thông tin doanh nghiệp và chế độ kế toán đang thực hiện và theo sự hiểu biết của các bạn.
  2. Phần thứ hai là các mục còn lại: là phần giải thích chi tiết thông tin và bổ sung cho các khoản mục đã trình bày trong các báo cáo tài chính. Bây giờ chúng ta cùng tập trung tìm hiểu cách làm này nhé.

Phần giải thích chi tiết thông tin và bổ sung cho các khoản mục đã trình bày trong các báo cáo tài chính

Tiền và các khoản tương đương tiền (Mục V.01)

Các chỉ tiêu trong phần này lấy số dư nợ cuối kỳ (NCK) và số dư nợ đầu kỳ (NĐK) của 111, 112 trên bảng cân đối tài khoản.

Các khoản đầu tư tài chính (Mục V.02)

  1. Chứng khoán kinh doanh: lấy số dư NCK và dư NĐK của tài khoản 121
  2. Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn: lấy số dư NCK và dư NĐK của các tài khoản 1281, 1288.
  3. Phòng chống tổn thất đầu tư tài chính: lấy số dư NĐK và dư NCK của các tài khoản 2291, 2292.

Các khoản phải thu (Mục V.03)

Theo thông tư 133 thì tùy theo yêu cầu quản lý của DN, có thể thuyết minh chi tiết ngắn hạn, dài hạn. Ở đây chúng ta có thể làm theo cách đơn giản nhất là theo tài khoản.

  1. Phải thu khách hàng: Lấy số dư NCK và dư NĐK của tài khoản 131, trường hợp bạn liệt kê chi tiết theo đối tượng cũng được, nhưng không cần thiết.
  2. Phải thu khác: Bao gồm các khoản phải thu nội bộ và tài khoản khác, số liệu điền vào chỉ tiêu này là số dư NCK và dư NĐK của các tài 141, 1388.
  3. Tài sản thiếu chờ xử lý: lấy số dư NCK và dư NĐK của tài khoản 1381, các bạn phân biệt từng loại như về tiền, vật tư, TSCĐ … càng tốt nhé.
  4. Nợ xấu: là tổng giá trị các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi. Số liệu nhập vào chỉ tiêu này do bạn tập hợp và thống kê báo cáo về công nợ phải thu.

Hàng tồn kho (Mục V.04)

Số liệu ghi vào chỉ tiêu này nhằm giải thích chi tiết cho chỉ tiêu 141 trên bảng cân đối kế toán. Cụ thể lấy số dư NCK và dư NĐK của các tài khoản 151, 152, 153, 154, 155, 156, 157.

Tăng, giảm TSCĐ (Mục V.05)

  1. Số dư đầu năm của TSCĐ: Nguyên giá đầu năm thì lấy số dư NĐK của các tài khoản 211, giá trị hao mòn lũy kế đầu năm lấy số dư có đầu kỳ (CĐK) của các tài khoản 214.
  2. Số tăng trong năm của TSCĐ: Nguyên giá tăng trong năm thì lấy số nợ phát sinh (NPS) của các tài khoản 211, giá trị hao mòn lũy kế tăng trong năm thì lấy có phát sinh (CPS) của các tài khoản 214.
  3. Số giảm trong năm của TSCĐ: Nguyên giá giảm trong năm thì lấy có phát sinh (CPS) của các tài khoản 211, giá trị hao mòn lũy kế giảm trong năm thì lấy nợ phát sinh (NPS) của các tài khoản 214.
  4. Số dư cuối năm của TSCĐ: Nguyên giá dư cuối năm thì lấy số dư NCK của các tài khoản 211, giá trị hao mòn lũy kế dư cuối năm thì lấy số dư CCK của các tài khoản 214
  5. Giá trị còn lại: bạn chỉ cần lấy hiệu số chênh lệch là được.

Tăng, giảm Bất động sản đầu tư (Mục V.06)

Số đầu năm, số tăng giảm trong năm, số dư cuối năm của bất động sản đầu tư: Phần nguyên giá thì lấy số dư và số phát sinh của tài khoản 217, giá trị hao mòn lũy kế thì lấy số dư và số phát sinh của tài khoản 2147.

Xây dựng cơ bản dở dang (Mục V.07)

Giá trị mua sắm, xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn TSCĐ thì lấy số dư NCK và dư NĐK của các tài khoản tương ứng là 2411, 2412, 2413.

Chi phí trả trước (Mục V.08)

Số liệu nhập vào chỉ tiêu này là số dư NCK và dư NĐK của tài khoản 242. Ngoài ra bạn có thể chi tiết hơn là sự ngắn hạn hoặc dài hạn theo yêu cầu quản lý của doanh nghiệp.

Các khoản phải trả (Mục V.09)

  1. Phải trả người bán: Là số dư có cuối kỳ (CCK) và số dư có đầu kỳ (CĐK) của tài khoản 331
  2. Người mua trả tiền trước: Là số dư NCK và dư NĐK của tài khoản 331
  3. Các khoản phải trả: Là số dư CCK và dư CĐK của các tài khoản 335, 3368, 3388.

Thuế và các khoản phải nộp nhà nước (Mục V.10)

Số liệu để nhập các chỉ tiêu chi tiết là số dư có cuối kỳ của các tài khoản thuế như: 3331, 3332, 3333, 3334, 3335, 3336, 3337, 3338, 3339.

Vay nợ thuê tài chính (Mục V.11)

  1. Các khoản vay ngắn hạn, dài hạn: Số liệu nhập vào chỉ tiêu này được căn cứ trên bảng tổng hợp các khoản vay ngắn hạn, vay dài hạn theo tài khoản 3411.
  2. Các khoản nợ gốc thuê tài chính: Số liệu nhập vào chỉ tiêu này là số liệu trên tài khoản 3412.

Dự phòng phải trả (Mục V.12)

Số liệu để nhập vào các chỉ tiêu này là số dư NCK và dư NĐK của các tài khoản: 3521, 3522, 3523.

Vốn chủ sở hữu (Mục V.13)

Số liệu để nhập vào các chỉ tiêu này là số dư, số phát sinh của các tài khoản: 4111, 4112, 4113, 419, 413, 421.

Các khoản mục ngoài báo cáo tài chính (Mục V.14, V.15, V.16)

Phần này thông tin thêm chi tiết về: Tài sản thuê ngoài, giữ hộ, ngoại tệ các loại, các khoản nợ khó đòi đã xử lý, và các thông tin khác về các khoản mục ngoài Báo cáo tình hình tài chính.

Thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (Mục VI)

Phần này nhằm cung cấp số liệu chi tiết hơn cho từng chỉ tiêu trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

  1. Tổng Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ: Số liệu để nhập vào các chỉ tiêu này là số phát sinh có của tài khoản 5111, 5112, 5113, 5118 trong năm hiện tại và năm trước đó.
  2. Giá vốn hàng bán: Số liệu nhập vào các chỉ tiêu này là số phát sinh nợ của tài khoản 6321, 6322, 6323, 6328 trong năm lập báo cáo và năm trước đó.
  3. Doanh thu hoạt động tài chính: Số liệu để nhập vào các chỉ tiêu này là số phát sinh có của các tài khoản 5151, 5152, 5158 trong năm lập báo cáo và năm trước đó.
  4. Chi phí tài chính: Số liệu để nhập vào các chỉ tiêu này là số phát sinh nợ của các tài khoản 6351, 6352, 6358 trong năm hiện tại và năm trước đó.
  5. Chi phí quản lý kinh doanh: Số liệu để nhập vào các chỉ tiêu này là số phát sinh nợ của các tài khoản 6421, 6422 trong năm lập báo cáo và năm trước đó.
  6. Thu nhập khác: Số liệu để nhập vào các chỉ tiêu này là số phát sinh có của các tài khoản 7111, 7118 trong năm lập báo cáo và năm trước đó.
  7. Chi phí khác: Số liệu để nhập vào các chỉ tiêu này là số phát sinh nợ của các tài khoản 8111, 8118 trong năm lập báo cáo và năm trước đó.
  8. Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành: Số liệu để nhập vào các chỉ tiêu này là số phát sinh có của tài khoản 821 đối ứng với tài khoản 911 trong năm lập báo cáo và năm trước đó.

Thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và những thông tin khác (Mục VII và VIII)

Trong phần này bạn cần trình bày phân tích số liệu đã được thể hiện trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ để giúp người sử dụng báo cáo hiểu rõ hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến lưu chuyển tiền trong kỳ của doanh nghiệp.

Ngoài các thông tin trình bày ở trên, những thông tin khác có liên quan đến báo cáo tài chính mà bạn xét thấy là cần thiết thì được trình bày bổ sung ở chỉ tiêu này./.

>> Xem thêm: Cách làm Thuyết minh báo cáo tài chính theo thông tư số 200/2014/TT-BTC

Từ khóa » Thuyết Minh Báo Cáo Tài Chính Theo Thông Tư 133