Cách Lập Dàn ý Tả Con Chó đơn Giản Từ Việc Trả Lời Các Câu Hỏi

Dàn ý tả con chó là một trong những dàn ý bài văn tả con vật tiêu biểu mà các em học sinh thường gặp. Mỗi chú chó lại có đặc điểm về ngoại hình, tính cách khác nhau, nên các em lập dàn ý càng chi tiết càng giúp các em dễ dàng triển khai thành bài viết tả con chó hoàn chỉnh. Vì vậy mà Đọc tài liệu sẽ chia sẻ cho các em toàn bộ những bí kíp làm dàn ý bài văn tả con chó từ chung nhất tới chi tiết nhất, phù hợp với nhiều loại chó khác nhau.

1. Dàn ý tả con vật

Dàn ý chung tả con vật sẽ vô cùng ngắn gọn như sau:

Mở bài: Giới thiệu con vật sẽ miêu tả.

Thân bài:

- Tả ngoại hình con vật.

- Tả thói quen sinh hoạt và một vài hoạt động nổi bật của con vật.

Kết luận: Nêu cảm nghĩ về con vật vừa tả.

2. Lập dàn ý tả con chó ngắn

Dàn ý chung tả con chó - con vật nuôi trong nhà, các em có thể quan sát kĩ lưỡng - thì các em sẽ cần tả được các đặc điểm chính của con vật như sau:

Mở bài: Giới thiệu về chú chó sẽ miêu tả.

Thân bài: 

- Tả ngoại hình của chú chó.

+ Hình dáng, kích thước: chiều cao, cân nặng, màu lông.

+ Các bộ phận trên người chú chó: đầu, mũi, mõm, mắt, tai, đuôi, chân...

- Tả tính cách, thói quen sinh hoạt, hoạt động của chú chó

+ Hoạt động của chú chó: khi ăn, khi ngủ, khi tắm, trông nhà, chơi đùa với các con vật khác, khi khoẻ - khi ốm ...

+ Hoạt động của chú chó với con người: vui mừng khi chủ về, thích thú khi đi chơi...

Kết bài: Nêu cảm nghĩ, tình cảm của em đối với chú chó đã được tả ở trên.

3. Dàn ý tả con chó chi tiết

Từ dàn ý tả con chó ngắn gọn phía trên, các em học sinh từ đó sẽ "đắp" thêm nội dung cho từng ý để xây dựng dàn ý bài văn tả con chó chi tiết.

Dàn ý tả con chó lớp 2

Đối với các em học sinh lớp 2, các em mới bước đầu làm quen với việc viết đoạn văn nói về 1 chủ đề, vì vậy các thông tin đưa vào đoạn văn của các con sẽ đơn giản, tiêu biểu. Các bạn cùng tham khảo dàn ý tả con chó lớp 2 dưới đây để chọn lọc nhé.

Mở đoạn: Giới thiệu về con chó mà em định tả: Nhà em có một chú chó tên Tun rất xinh xắn.

Thân đoạn:

+ Tả hình dáng của con chó:

  • Chú chó có kích thước thế nào? (to hay nhỏ)
  • Bộ lông màu gì? (trắng, đen, vàng, xám, nâu) Dài hay ngắn?
  • Mắt hình gì? Màu gì?
  • Tai hình gì? Dựng hay cụp?
  • Chân dài hay ngắn? To hay nhỏ?
  • Đuôi dài hay ngắn? Lông đuôi có xù hay không?

+ Tả tính cách, hoạt động của con chó:

  • Trông giữ nhà tốt không? Khi có người lạ có sủa không hay mừng?
  • Lúc đón chủ thế nào? (vẫy đuôi, liếm tay, nhảy chồm lên...)
  • Lúc ăn, lúc ngủ có đặc điểm gì? (ăn uống sạch sẽ, gọn gàng, ngủ có ngủ mơ, ngủ ngáy không?
  • Sở thích của chú chó là gì? (ăn món gì? đi đâu? chơi đồ chơi gì?)

Kết đoạn: Nêu tình cảm, cảm nghĩ của em với chú chó: Em yêu quý chú chó, coi chú chó như người thân trong gia đình, coi như người bạn, người em bé nhỏ...

Bằng cách trả lời các câu hỏi trên, các con đã có thể tạo thành một đoạn văn tả con chó thật đơn giản. Còn để có thể viết thành một bài văn hoàn chỉnh hơn, các con có thể tham khảo dàn ý bài văn tả con chó lớp 4, lớp 5 dưới đây.

Dàn ý tả con chó lớp 4, 5 chi tiết nhất

Đối với cách lập dàn ý bài văn tả con chó lớp 4, lớp 5, các em học sinh chú ý tới việc phần thân bài sẽ đặc tả từ ngoại hình, tính cách, hoạt động của chú chó. Phần mở bài, kết bài mang tính chất chung, không quá dài dòng.

Mở bài: Giới thiệu về chú chó mà em định tả trong bài văn

Ví dụ về cách mở bài tả con chó gián tiếp:

Chiếc xe máy cà tàng của bố em vừa mới bắt đầu đi vào ngách nhỏ em đã nghe tiếng chó sủa gâu gâu. Tiếng sủa kèm tiếng cào cổng, chú Cún nhà em thính thật, bố em với em vẫn chưa về tới nơi đã nhận ra tiếng xe rồi. Chính là Cún cưng nhà em đấy, rất thông minh và tình cảm.

Thân bài:

+ Tả hình dáng, ngoại hình của con chó

  • Giới thiệu sơ qua về chú chó: Cún nhà em là giống đực, thuộc giống chó cỏ của Việt Nam.
  • Hình dáng: Chú có thân hình vừa phải và săn chắc lắm.
  • Kích thước: Cún cao khoảng 50cm, nặng 27 kg.
  • Lông: Cún có màu lông vàng, phần bụng và chân có màu vàng nhạt và trắng. Lông Cún không dài và xù nhưng mượt như nhung.
  • Mắt: Cún có đôi mắt màu nâu nhạt, trong veo. Đôi mắt Cún rất tinh anh, có thể nhìn thấy những chuyển động nhỏ từ rất xa.
  • Mũi: Mũi Cún màu đen, lúc nào cũng ươn ướt. Những lúc đánh hơi, cánh mũi Cún phập phồng, phát ra tiếng hít: khịt khịt.
  • Miệng: Miệng Cún đầy răng nhọn, chiếc lưỡi dài. Lúc trời nóng hay Cún mệt Cún thường thè lưỡi ra thở hồng hộc. Nhưng những lúc như vậy e thấy như Cún đang cười.
  • Tai: Tai Cún hình tam giác nhỏ xinh. Trong tai Cún phủ một lớp lông tơ mỏng. Lúc Cún nghe ngóng, tai Cún sẽ dựng đứng lên và hướng về phía phát ra tiếng động.
  • Đuôi: Đuôi cún dài, lông đuôi gọn gàng. Những lúc vui mừng, đuôi Cún vẫy tít. Còn lúc sợ hãi, đuôi Cún cụp lại phía dưới giữa hai chân sau.

+ Tả tính cách, hoạt động của con chó

  • Tính cách: Cún rất trung thành, ngoan ngoãn: Trông nhà, không cho ai vào nhà hay lấy đồ đạc trong nhà khi bố mẹ chưa dặn Cún. Cún cũng rất thông minh, khi bố em dạy Cún bắt tay, đứng hai chân chào, nằm xuống, chạy... chỉ cần bố ra lệnh là Cún làm theo ngay. Lúc Cún làm đúng bố thường hay thưởng cho Cún cái bánh.
  • Sở thích: Cún thích ăn thịt gà, gặm xương to. Vì Cún ngoan nên bố mẹ em rất cưng Cún, đồ gì Cún thích bố mẹ thường mua cho Cún ăn hàng tuần.
  • Sở ghét: Cún ghét những tiếng pháo nổ, những lúc có tiếng động lớn như tiếng pháo nổ Cún thường sủa vang rồi chạy đi tìm chỗ ẩn nấp. Cún cũng ghét tắm, nhưng để Cún được ở trong nhà bố mẹ em tắm cho Cún 2 lần một tuần.
  • Các hoạt động của Cún:

+ Cún trông nhà rất giỏi, đêm dến chỉ cần có tiếng động nhỏ Cún cũng sẽ tìm đến xem là gì, rồi nếu có nguy hiểm gì Cún sẽ sủa để báo hiệu cho cả nhà.

+ Lúc ngủ Cún thường nằm ở phía gầm cầu thang nhà em, đầu quay ra cửa để vờ như đang trông nhà. Mùa đông lạnh, Cún thường nằm chỗ tấm đệm mà bố mẹ em mua cho Cún vừa ấm, vừa êm.

+ Cún thích chơi đuổi bắt và trốn tìm với em lắm. Cún sẽ đi tìm xem em trốn ở đâu, Cún sẽ đánh hơi rồi tìm tới chỗ em trốn rồi hai đứa cùng chạy oà ra.

+ Cuối tuần bố mẹ em cho Cún đi chơi công viên, làm quen với các bạn cún khác cũng chơi ở khu vực một góc công viên. Cún thích lắm, có hôm Cún còn không muốn về.

Kết bài:

Nêu tình cảm, cảm nghĩ của em với chú chó.

Ví dụ kết bài tả con chó không mở rộng:

Cún đã trở thành một người bạn của em, một "người con" của bố mẹ vì vậy nên Cún luôn được gia đình em yêu thương hết mực. Em sẽ luôn chăm sóc Cún cùng bố mẹ để Cún luôn khoẻ, luôn hạnh phúc khi ở cùng gia đình em.

lap dan y ta con cho chi tiet

Dàn ý tả con chó lớp 6, 7

Đối với các em học sinh lớp 6, 7, ngoài việc đã có kiến thức về tả con chó trong chương trình tiểu học, các em được học thêm các yếu tố khác: tự sự, biểu cảm vì vậy khi làm bài văn tả con chó các em cũng cần đưa các yếu tố này vào nhưng ở mức độ thấp để không lấn át nội dung miêu tả, tránh dẫn đến tình trạng lạc đề sang kể về con chó hay nêu cảm nghĩ về con chó.

Mở bài:

Giới thiệu về chú chó mà em đinh tả.

Ví dụ:

Từ trước đến nay nhà em ít nuôi con vật nào trong nhà nhưng hôm nay lại xuất hiện con chó nhỏ này đó là món quà bà ngoại đã cho em nhân dịp em về quê thăm ông bà.

Thân bài:

a) Tả khái quát rồi đến tả chi tiết từng bộ phận của con chó.

  • Con Mực khi tới nhà em nó còn là một cậu bé nhỏ xíu, vậy mà giờ nó đã cao lớn rồi.
  • Toàn thân nó được bao bọc bởi lớp áo màu đen hung.
  • Nó nặng khoảng mười bảy ký lô gam.
  • Cái đầu nó to như trái bưởi với hai cái tai lúc nào cũng cúp xuống, hai cái tai chỉ dựng đứng lên khi nó đang nghe ngóng thấy âm thanh lạ mà thôi.
  • Đôi mắt Mực to màu nâu sẫm.
  • Chiếc mũi lúc nào cũng ươn ướt, hít hít như muốn tìm kiếm vật gì vậy.
  • Mõm chú to và dài, mỗi khi chú ngáp lộ rõ mấy cái răng nhọn hoắt, cái lưỡi màu hồng hay lè ra ngoài khi chú thở.
  • Chúc có chiếc đuôi to như bông lau, dựng đứng phía sau lưng.

b) Tả tính cách, hoạt động của con chó.

  • Mực rất khôn ngoan, mỗi khi em bảo nó nằm xuống, hay bắt tay là nó làm liền.
  • Chó là loài vật rất thính, khách lạ hay quen vào nhà chú đều phân biệt được hết. Khách lạ thì chú sủa những tràng dài như báo hiệu cho chủ biết, còn khách quen thì chú ngoe ngoẩy đuôi vui mừng như là hiếu khách lắm vậy.
  • Mực thường ngủ ngoài hiên nhà để trông coi nhà và phần vườn tược chăn nuôi của nhà em. Không một tiếng động nhỏ nào mà chú không phát hiện được cả. Dù ai trong gia đình em đi đâu thật xa, thật lâu không về nhưng khi về đến cổng là con Mực đã nhảy ào ra mừng rỡ, còn chồm cả lên người.
  • Mực rất khôn, không bao giờ Mực đánh nhau với chó nhà hàng xóm. Ngược lại chúng còn rủ nhau bảo vệ đường làng ngõ xóm khỏi những con chó ở nơi khác tới.
  • Nêu tóm tắt 1 vài kỉ niệm của em với chú chó: Em bị ốm Mực biết em mệt nên đã trốn ba mẹ để lên phòng em, nằm dưới chân em. Em bị té khi tập đi xe đạp, Mực rối rít chạy lại liếm tay, liếm chân em để động viên, an ủi em...

Kết bài: 

Khẳng định tình cảm của em với chú chó.

Ví dụ:

Người ta nói “Chó là loài vật trung thành với chủ nhất” quả không sai chút nào. Em yêu con Mực như một người bạn thân của mình, nhất là những lúc ở nhà một mình Mực đúng là người bảo vệ của em.

-/-

Từ dàn ý trên, các em có thể thấy được sự khác biệt về bài văn tả con chó giữa các lớp, vì vậy các em chỉ được tham khảo chứ không thể chép những bài văn mẫu của các lớp khác nhau được đâu nhé. Hãy tự xây dựng một dàn ý tả con chó cho riêng mình, vừa đúng với kiến thức được học vừa đúng với con chó thực tế em định tả. Chúc các em học tốt!

Từ khóa » Dàn ý Tả Con Vật Lớp 4 Con Chó