Cách Lập Dàn ý Tả Mẹ Từ Ngắn Gọn đến Chi Tiết

Trước khi làm bất kì bài văn nào các em học sinh cùng đều nên xây dựng cho đề bài đó một dàn ý. Dàn ý càng chi tiết thì em càng làm bài văn của mình một cách:

  • Khoa học, logic
  • Đầy đủ các ý, các phần của bài văn
  • Điều chỉnh dung lượng nội dung từng phần
  • Dễ dàng kiểm tra lại bài sau khi hoàn thành.

Vì vậy mà Đọc tài liệu tổng hợp và chia sẻ cho các bạn cách lập dàn ý tả mẹ chung nhất tới dàn ý bài văn tả mẹ chi tiết của mỗi lớp. Từ đó các em học sinh có thể biết và ghi nhớ được cách làm bài văn tả mẹ theo trình tự, không bỏ sót, không lẫn lộn, dễ dàng đạt điểm khá, giỏi. Cùng tìm hiểu nhé.

Dàn ý tả mẹ ngắn gọn

Mở bài: Giới thiệu về người mẹ yêu quý của em

Thân bài:

- Giới thiệu sơ qua về mẹ: Tuổi tác, nghề nghiệp, dáng người.

- Tả về ngoại hình của mẹ:

  • Khuôn mặt: mái tóc, đôi mắt, mũi, miệng, răng...
  • Tay mẹ: cánh tay, bàn tay, ngón tay
  • Trang phục của mẹ: lúc ở nhà, lúc đi làm, lúc đi chơi,...

- Tả về tính cách, sở thích của mẹ:

  • Tính cách mẹ lúc thường ngày: hiền lành, chăm chỉ, yêu chồng, thương con,...
  • Tính cách mẹ khi dạy bảo em: nghiêm túc, mềm mỏng.

- Tả về các hoạt động của mẹ: dậy sớm nấu cơm cho cả nhà, tập thể dục, yoga buổi sáng, đi làm, đi chợ, nấu cơm, giặt - phơi quần áo, lau dọn nhà cửa...

(Đối với các em học sinh lớp 5, 6, 7 các em có thêm phần miêu tả mẹ khi đang làm các hoạt động: nấu ăn, làm việc: gặt lúa, may vá, làm vườn... ở phần dàn ý bài văn tả mẹ chi tiết phía dưới)

Kết bài: Nêu cảm nghĩ, tình cảm của em đối với mẹ của mình.

Với dàn ý tả mẹ chung ở trên, các em học sinh lớp 2, lớp 3, lớp 4 đã có thể viết một bài văn tả mẹ ngắn gọn nhưng cũng đảm bảo đầy đủ các ý. Còn đối với các em học sinh từ lớp 5 tới lớp 7, các em có thể tham khảo thêm dàn ý bài văn tả người mẹ chi tiết hơn dưới đây.

Dàn ý bài văn tả mẹ chi tiết

Mở bài: Giới thiệu về mẹ yêu quý của em.

Có nhiều cách mở bài khác nhau, mở bài tả mẹ trực tiếp bằng cách trực tiếp nhắc tới mẹ, mở bài gián tiếp tả mẹ: các em có thể nhắc tới những kỉ niệm, những thói quen, sở thích,... của mẹ từ đó dẫn dắt tới việc tả mẹ sau đó.

Ví dụ mở bài tả mẹ gián tiếp

Đang ngồi học bài, bỗng em ngửi thấy mùi thơm rất quen thuộc, đây là mùi tóc rất đặc trưng của mẹ. Em liền ngoảnh lại nhìn, mẹ bước vào với một đĩa trái cây tươi ngon. Mẹ luôn yêu thương, quan tâm tới em từng li từng tí như vậy, nên mẹ là người em yêu thương nhất trên đời.

Thân bài

- Tả hình dáng chung của mẹ

  • Mẹ em năm nay 40 tuổi, vẻ ngoài của me được mọi người khen là trẻ hơn so với tuổi.
  • Dáng người mẹ không cao nhưng nhìn cân đối.
  • Khuôn mặt hình trái xoan, miệng hay cười để lộ hàm răng trắng sáng.
  • Tóc mẹ đen và dài tới ngang lưng.
  • Đôi mắt mẹ tròn và sáng.
  • Chiếc mũi của mẹ cao và nhỏ nhắn.

- Tả các hoạt động của mẹ

  • Mẹ em ở làm công việc nội trợ và chăm sóc gia đình.
  • Mẹ có sở thích đọc báo và đọc sách. May vá quần áo của gia đình mỗi khi có thời gian rảnh rỗi.
  • Trong gia đình mẹ rất ân cần chu đáo và quan tâm tới mọi người.

- Tả tính cách của mẹ

  • Bình thường mẹ rất hiền, nhưng khi em mắc lỗi mẹ lại nghiêm khắc chỉ dạy để em biết mình sai và sửa lỗi.
  • Mẹ rất yêu thương bố con em, chăm sóc chu đáo cho gia đình: nấu những bữa ăn thơm ngon bổ dưỡng cho cả nhà, giặt, ủi quần áo phẳng phiu, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp…
  • Mẹ ân cần hướng dẫn em để giúp em giải các bài tập về nhà. Kiên nhẫn giảng giải cho em khi em không hiểu bài.
  • Mẹ cũng hay giúp đỡ những người xung quanh: giúp cô hàng xóm đón con, giúp cụ dọn dẹp nhà cửa, quyên góp ủng hộ người nghèo,…

Ngoài phần nội dung dàn ý tả mẹ cụ thể phía trên, các bạn học sinh có thể tham khảo thêm phần nội dung bổ sung với các tính từ miêu tả ngoại hình của mẹ như sau:

a) Miêu tả mái tóc

Một số từ ngữ các em tham khảo để miêu tả mái tóc của mẹ: đen nhánh, đen mượt, đen mướt, đen huyền, hoa râm, muối tiêu, bạc phơ, mượt mà, mượt như tơ, óng ả, óng mượt, óng chuốt, lơ thơ, xơ xác, cứng như rễ tre, dày dặn, lưa thưa…

b) Miêu tả đôi mắt

Một số từ ngữ các em tham khảo để miêu tả đôi mắt của mẹ:một mí, hai mí, bồ câu, ti hí, đen láy, linh lợi, linh hoạt, sắc sảo, tinh anh, gian giảo, soi mói, long lanh, mờ đục, lờ đờ, lim dim, mơ màng…

c) Miêu tả khuôn mặt

Một số từ ngữ các em tham khảo để miêu tả khuôn mặt của mẹ: trái xoan, thanh tú, nhẹ nhõm, vuông vức, vuông chữ điền, đầy đặn, bầu bĩnh, phúc hậu, mặt choắt, mặt ngựa, mặt lưỡi cày…

d) Miêu tả làn da

Một số từ ngữ các em tham khảo để miêu tả làn da của mẹ: trắng trẻo, trắng nõn nà, trắng hồng, trắng như trứng gà bóc, đen sì, ngăm đen, ngăm ngăm, bánh mật, đỏ như đồng hun, mịn màng, mát rượi, mịn như nhung, nhẵn nhụi, căng bóng, nhăn nheo, sần sùi, xù xì, thô ráp…)

e) Miêu tả dáng người

Một số từ ngữ các em tham khảo để miêu tả dáng người của mẹ: vạm vỡ, mập mạp, to bè bè, lực lưỡng, cân đối, thanh mảnh, nho nhã, thanh tú, vóc dáng thư sinh, còm nhom, gầy đét, dong dỏng, tầm thước, cao lớn, thấp bé, lùn tịt…

g) Miêu tả mũi

Một số từ ngữ các em tham khảo để miêu tả mũi của mẹ: dọc dừa, cao, thẳng, to bè, hếch, khoằm,...

h) Miêu tả đôi tay mẹ

Một số từ ngữ các em tham khảo để miêu tả đôi tay của mẹ: gầy guộc, búp măng, mũm mĩm, trắng hồng, chai sạn, nhăn nheo, thô ráp, run run, ấm áp, mềm mại, khéo léo, đen đúa.

Kết bài

Khẳng định lại tình cảm của em dành cho mẹ, lời hứa luôn yêu thương, đỡ đần mẹ.

Ví dụ: 

Mỗi lần nhắc đến mẹ, lòng em lại dạt dào những tình cảm thiêng liêng nhất. Em thầm nhủ: "Mình phải cố gắng học thật giỏi và không ngừng rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội". Đó cũng là nguyện vọng lớn lao nhất mà hằng ngày mẹ vẫn thường nhắn nhủ với em.

Dàn ý bài văn tả mẹ lớp 5

Đề bài văn tả mẹ lớp 5 của các em học sinh sẽ là tả mẹ khi làm một hoạt động nào đó: nấu ăn, làm việc, chăm sóc em khi em ốm, khi em mắc lỗi, khi em làm được việc tốt... Vì vậy dàn ý bài văn tả mẹ lớp 5 sẽ khác so với dàn ý chung. Các em học sinh cùng xem cách làm dàn ý tả mẹ chi tiết dành riêng cho lớp 5.

Mở bài: Giới thiệu về hoàn cảnh tả mẹ: tả mẹ khi mẹ đang nấu cơm, tả mẹ khi đang làm việc như may vá, làm vườn, cấy lúa..., chăm sóc em khi ốm, khi em mắc lỗi, khi em làm được việc tốt...

Thân bài:

- Tả dáng vẻ của mẹ: dáng vẻ vội vã - lo lắng khi em ốm, thoăn thoắt khi làm việc

- Tả các hành động của mẹ

- Tả cảm xúc của mẹ

Kết bài

Nêu cảm xúc của em với những hành động của mẹ trong mỗi công việc khác nhau. Khẳng định lại tình cảm của em đối với mẹ.

>>>Tham khảo chi tiết:

  • Bài văn tả mẹ đang nấu cơm lớp 5
  • Tả người mẹ của em lúc em đau ốm

Cach lap dan y bai van ta me lop 5

Dàn ý bài văn tả mẹ lớp 6

Mở bài: Giới thiệu về mẹ em.

Thân bài: 

- Miêu tả tổng quát về mẹ:

  • Dáng người
  • Ngoại hình: mắt, mũi, miệng, tóc, tay, chân...

- Sở thích của mẹ: đọc sách, mua sắm, cắm hoa, nấu ăn...

- Kể về một số hành động, công việc, lời nói của mẹ

Kết bài:

Khẳng định lại tình cảm của em với mẹ.

Dàn ý của bài văn tả mẹ lớp 6 không có gì khác so với dàn ý bài văn tả mẹ các lớp 4,5 nhưng để bài văn tả mẹ lớp 6 của các em khác biệt so với bài văn tả mẹ lớp 4, 5 đó là việc sử dụng các biện pháp tu từ mà các em đã được học. Cùng với đó là kết hợp với phương thức biểu đạt khác là tự sự, nhưng các em cũng cần đưa yếu tố tự sự vào một cách vừa phải để tránh bài văn tả mẹ trở thành bài văn kể về người mẹ lớp 6.

Dàn ý bài văn tả mẹ lớp 7

Lập dàn ý bài văn tả mẹ lớp 7 cũng có thể dựa trên phần dàn ý chi tiết để từ đó tả mẹ sao cho thật hay và cảm xúc. Đối với các em học sinh lớp 7, các em được học thêm các yếu tố biểu cảm trong khi viết bài, các em có thể vận dụng để đưa yếu tố biểu cảm vào bài viết. Nhưng không nên đưa yếu tố biểu cảm vào bài quá nhiều để tránh lạc đề sang nêu cảm nghĩ về mẹ trong nhóm bài nêu cảm nghĩ về người thân trong gia đình.

-/-

Hi vọng với những kiến thức, những chia sẻ phía trên các em sẽ tự lập dàn ý tả mẹ thật đầy đủ, chi tiết, thật khoa học và phù hợp với kiến thức của từng lớp. Từ đó chính dàn ý bài văn tả mẹ chi tiết các em sẽ viết được bài văn tả mẹ thật hay, thật cảm xúc để tặng cho mẹ mình.

Từ khóa » Dàn ý Tả Mẹ Lớp 5 Ngắn Gọn