Cách Ly Y Tế Tại Nhà: Cần đồng Bộ Giữa Chủ Trương Và Thực Tiễn

Chú thích ảnh
Dán thông báo tại từng nhà có người cách ly tại phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng.

Thiếu kiểm tra, giám sát

Chị N.M.N ở phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) cho biết, con trai chị đang là sinh viên của một trường đại học có tiếp xúc gần, uống cafe cùng bàn với F0 nhưng không đeo khẩu trang. Ngay sau khi biết con thuộc diện F1, khoảng 15 giờ ngày 25/11, chị chủ động thông báo với Trạm Y tế phường và nhận được trả lời, con chị sẽ cách ly ở nhà, hẹn ngày hôm sau sẽ lấy mẫu xét nghiệm PCR. Ngày 26/11, đợi mãi không thấy nhân viên y tế đến như đã hẹn, sốt ruột, chị thông tin tới lãnh đạo UBND phường Thanh Xuân Trung. Tới hơn 12 giờ cùng ngày, nhân viên y tế mới đến lấy mẫu xét nghiệm.

Theo chị N, sau khi lấy mẫu xong, nhân viên y tế không hướng dẫn gia đình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt của F1 như thế nào, đồng thời không kiểm tra gia đình có đủ điều kiện để cách ly tại nhà hay không. Tại cổng nhà, phường không treo biển thông báo là gia đình đang có người cách ly y tế tại nhà để người dân xung quanh giám sát.

Chứng kiến những điều trên chị N bày tỏ nghi ngại, băn khoăn, "trường hợp quản lý cách ly lỏng lẻo, thiếu kiểm tra giám sát, người nhiễm hoặc nghi nhiễm không có ý thức, vẫn tiếp xúc với người trong gia đình, sau đó tiếp xúc với cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng rất cao".

Khác biệt với cách làm trên, phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng) ngay sau khi phát hiện ca F0, không thể đi cách ly tập trung do có mẹ già và con bị bại liệt, UBND phường đã ra quyết định cách ly y tế tại nhà. Phía ngoài cửa ra vào được treo tấm biển đỏ, chữ vàng "Khu vực cách ly y tế" rõ ràng để người dân biết, theo dõi và giám sát. Hằng ngày, lực lượng y tế đến kiểm tra thân nhiệt, tư vấn cách chăm sóc sức khỏe.

Cho biết rõ hơn về cách quản lý F0 cách ly tại nhà, ông Phan Bá Tường, Chủ tịch UBND phường Phố Huế nhấn mạnh, việc cách ly y tế tại nhà khiến cán bộ cơ sở vất vả hơn, đòi hỏi chính quyền phải sát sao, tăng cường giám sát của cộng đồng đối với trường hợp cách ly tại nhà. Khi chính quyền phó mặc cho người nhiễm hoặc nghi nhiễm tự cách ly mà không có giám sát sẽ rất nguy hiểm, có thể coi là thiếu trách nhiệm với công tác phòng, chống dịch COVID-19. Phường nhận thức sẽ giám sát chặt trường hợp cách ly tại nhà nhưng nếu trên địa bàn có quá nhiều F0, F1 tạo áp lực lớn cho chính quyền cơ sở, không đủ nhân lực để theo dõi ca bệnh suốt 24/24 giờ.

Những ngày ngần đây, số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại Hà Nội liên tiếp tăng cao. Ngày 5/12, Hà Nội ghi nhận 462 ca dương tính tại 25 quận, huyện. Ngày trước đó, thành phố ghi nhận 628 ca dương tính, trong đó có 190 ca cộng đồng, 338 ca ở khu cách ly, 100 ca tại khu phong tỏa. Số ca nhiễm cao cho thấy, tình hình dịch bệnh ở Hà Nội còn phức tạp.

Tạo tâm lý thích ứng với dịch bệnh

Để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, ngày 2/12, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo, Sở Y tế hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tăng cường triển khai biện pháp phòng, chống dịch trên cơ sở phương án cách ly, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm, nghi nhiễm (đảm bảo các điều kiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế). Theo đó, Hà Nội rà soát được 1.993.336 hộ dân tại 26 quận, huyện với 778.781 hộ đủ điều kiện cách ly F1 tại nhà. Nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố đang cách ly y tế tại nhà với 5.585 người tiếp xúc gần (F1).

Ghi nhận tại huyện Đông Anh, việc cách ly F1 tại nhà đang được triển khai hiệu quả. Tính đến ngày 2/12, huyện đang cho 992 trường hợp F1 cách ly tại nhà. UBND huyện Đông Anh cho biết, tâm lý người thuộc diện cách ly cũng như các hộ dân xung quanh không còn e ngại, kỳ thị đối với trường hợp F1 như trước đây.

Từ khóa » Số điện Thoại Trạm Y Tế Phường Phố Huế