Cách Mạng Tháng Mười Nga Và Sự Vận Dụng Vào Công Tác Xây ...

Cách mạng Tháng Mười Nga và sự vận dụng vào công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam

Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga đã nổ ra và giành thắng lợi. Đó là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa vĩ đại, một cuộc cách mạng chính nghĩa, làm cho mơ ước ngàn đời của quần chúng bị áp bức, bóc lột về một cuộc đời mới tốt đẹp, công bằng và nhân đạo trở thành hiện thực. Cách mạng Tháng Mười ảnh hưởng sâu sắc đến phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Hơn một trăm năm trôi qua nhưng những bài học từ cuộc cách mạng ấy vẫn vẹn nguyên giá trị trong công tác xây dựng Đảng ở nước ta hiện nay.

1. Hoàn cảnh nước Nga đầu thế kỉ XX dẫn đến Cách mạng Tháng Mười Nga

Đầu thế kỷ XX, nước Nga vẫn là một nước nông nghiệp với quan hệ sản xuất phong kiến lạc hậu. Tàn tích của chế độ nông nô vẫn còn tồn tại sâu rộng, thể hiện rõ nét ở việc phần lớn ruộng đất tập trung trong tay quý tộc, địa chủ. 30 000 đại địa chủ chiếm tới 70 triệu mẫu Nga. Địa chủ ra sức bóc lột nông dân một cách tàn bạo, nhất là chế độ lao dịch. Mâu thuẫn giữa địa chủ và nông dân ngày càng trở nên gay gắt. Nông dân bị đẩy đến bờ vực bần cùng, bị bóc lột nặng nề và tàn bạo. Trình độ sản xuất nông nghiệp lạc hậu dẫn đến năng suất thấp, nạn mất mùa và đói kém xảy ra thường xuyên. Theo đánh giá của Lênin, nền kinh tế lúc bấy giờ chỉ là “một chế độ sở hữu ruộng đất lạc hậu nhất, một nông thôn man rợ nhất” [1].

Nước Nga là nước khổng lồ, nhưng trước cách mạng là nước lạc hậu bậc nhất châu Âu. Nga là con nợ lớn của tư bản phương Tây. Năm 1913, trong cơ cấu xuất khẩu, Nga chỉ có 5,6% sản phẩm công nghiệp chế tạo, còn 94,4% là sản phẩm nông nghiệp và nguyên liệu công nghiệp. Nếu so sánh sản lượng công nghiệp tính theo đầu người thì Nga kém Mĩ 14 lần, Anh 14 lần, Đức 13 lần. Hơn 76% dân cư là lao động nông nghiệp, chỉ 10% lao động trong lĩnh vực công nghiệp mà thôi. Chính sự lạc hậu ấy đã khiến nước Nga rơi vào tình trạng phụ thuộc nặng nề vào tư bản phương Tây. Lúc bấy giờ, tư bản nước ngoài gần như thao túng nền kinh tế. Nga bị các thế lực phương Tây nắm nhiều vị trí then chốt trong nền kinh tế gồm: hơn 50% tổng số tư bản trong công nghiệp khai khoáng và chế biến kim loại; gần 50% công nghiệp dầu mỏ; 85% khai thác quặng ở Kriôrôgie, 75% công nghiệp kĩ thuật điện; 70% khai thác than ở Đônbát...[2] Nga bị cuốn vào chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) trong liên minh Anh - Nga - Pháp đối đầu với Đức - Áo - Hung. Chiến tranh đã làm cho nền kinh tế bị kiệt quệ, với tiềm lực công nghiệp chỉ còn một nửa mức trước chiến tranh, sản lượng nông nghiệp bị giảm 20%, chỉ còn lại 1/2 chiều dài đường sắt và các phương tiện vận tải, tiền tệ lạm phát nghiêm trọng.

Về mặt văn hóa giáo dục, trước khi cách mạng nổ ra, nước Nga có tới 76% dân số từ 18 tuổi trở lên mù chữ. Các sản phẩm sách báo vô cùng hạn chế: chỉ có 1 cuốn sách xuất bản bằng tiếng Mônđavi, 1 cuốn sách bằng tiếng Iacút, 12 cuốn bằng tiếng Biêlôrútxia... Báo “Lĩnh vực” của Anh đã khái quát về nước Nga trước cách mạng như sau: “Đây là bộ mặt của nước Nga: cả một nước nông dân, bần cùng, mù chữ”.

Giữa bức tranh tăm tối của kinh tế, chính trị, xã hội, giai cấp công nhân Nga nổi bật lên như một nguồn sáng cuối đường hầm. Giai cấp công nhân ở Nga có sự phát triển khá khác biệt so với ở các nước khác. Công nhân Nga tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn nên có lợi cho sự đoàn kết, tập trung lực lượng. Họ phải làm việc 12 tiếng, thậm chí đến 17 tiếng mỗi ngày, đổi lại là mức lương thấp nhất trong các nước tư bản chủ nghĩa. Do điều kiện làm việc vô cùng khắc nghiệt nhưng lại bị đối xử bất công nên công nhân Nga sớm có ý thức đấu tranh cao. Sự phát triển của phong trào công nhân đã đẩy nhanh việc truyền bá chủ nghĩa Mác vào nước Nga. Trong khi đó, giai cấp tư sản Nga yếu cả về kinh tế lẫn chính trị do sự phát triển muộn của chủ nghĩa tư bản, mang tính phụ thuộc cao vào chế độ quân chủ chuyên chế và tư bản nước ngoài. Vì vậy, giai cấp tư sản Nga không thể trở thành lực lượng lãnh đạo cuộc cách mạng và không có đủ khả năng để đàn áp giai cấp vô sản.

Những khó khăn về kinh tế, chính trị, xã hội cùng với sự phát triển cao độ của giai cấp công nhân đã dẫn đến cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga 1917. Ngày 07/11/1917, tại nước Nga, dưới sự lãnh đạo của Lênin và Đảng Bônsêvich, giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã đứng lên lật đổ chế độ Sa hoàng, lập lên nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới, mở ra thời đại mới trong lịch sử phát triển của nhân loại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội; mở đường cho chủ nghĩa Mác - Lênin thâm nhập vào các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

2. Những nhân tố dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là sự kiện vĩ đại trong lịch sử loài người, như ánh sáng giác ngộ đối với các dân tộc đang bị áp bức, bóc lột trên toàn cầu. Với thắng lợi ấy, chủ nghĩa tư bản bị chọc thủng một mảng lớn, không còn vai trò độc tôn thống trị toàn thế giới, mở ra thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Thắng lợi cách Cách mạng Tháng Mười là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó, những yếu tố cơ bản là:

Thứ nhất, Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng triệt để nhất, đặt mục tiêu bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Ngày 7 tháng 11 năm 1917, dưới sự lãnh đạo của Lênin và Đảng Bônsêvich, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã đứng lên đập tan ách thống trị của địa chủ và tư bản. Những người công nhân, nông dân, quần chúng lao động lần đầu tiên tự mình đấu tranh, tự mình nắm lấy chính quyền, tự mình bắt tay xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa, mà bước đầu là chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Mười Nga khác hẳn về bản chất so với các cuộc cách mạng trước đó. Đây là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nó loại bỏ mọi hình thức áp bức, bóc lột, khắc phục được tính hạn chế, nửa vời của các cuộc cách mạng trong quá khứ. Nhờ cuộc cách mạng lịch sử ấy, quần chúng lao động được giải phóng khỏi gông cùm của sự áp bức bóc lột, thoát khỏi thân phận người nô lệ làm thuê mà trở thành địa vị người chủ chân chính của xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người” [3].

Sau cách mạng, Lênin và Đảng Bônsêvich đã tập trung củng cố chính quyền, xây dựng chế độ xã hội mới. Mục tiêu đặt ra là đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho quần chúng nhân dân. Ngay sau khi cách mạng thành công, “Sắc lệnh hòa bình” và “Sắc lệnh ruộng đất” được ban hành đã đáp ứng được ý nguyện của quần chúng nhân dân lao động Nga. Sự thống nhất về mặt lợi ích của giai cấp vô sản với nhân dân lao động đã hình thành và phát triển một nguyên tắc đạo đức mới, đó là chủ nghĩa tập thể.

Thứ hai, sự lãnh đạo sáng suốt của Lênin và Đảng Bônsêvich.

Tháng 4/1917, Lênin và Đảng Bônsêvich nêu cao khẩu hiệu “Toàn bộ chính quyền về tay các Xôviết”. Đây là khẩu hiệu của sự phát triển cách mạng một cách hòa bình, chủ trương hạn chế sự đổ máu ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, đến đầu tháng 7/1917, khi chính quyền đã chuyển sang tay bọn độc tài quân phiệt thì khẩu hiệu ấy không còn đúng nữa và Lênin đã thay bằng khẩu hiệu “Chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang”.

Chiều tối 6/11/1917, Lênin đến Điện Xmônnưi, trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang nhằm lật đổ Chính phủ tư sản lâm thời và thiết lập chính quyền Xôviết. Ðêm 6/11/1917, khởi nghĩa vũ trang bắt đầu nổ ra ở Thủ đô Petrograd. Rạng sáng ngày 7/11/1917, toàn thành phố Xanh Pêtécbua thuộc quyền kiểm soát của quân khởi nghĩa. Đến đêm ngày 7/11/1917, Cách mạng Tháng Mười Nga toàn thắng. Chính quyền về tay Nhân dân. Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đã ra đời.

Cách mạng Tháng Mười Nga là một trang sử kiệt xuất về chiến lược, sách lược và phương pháp cách mạng của giai cấp vô sản. Cách mạng Tháng Mười Nga dưới sự lãnh đạo tài tình của Lênin và Đảng Bônsêvich, đã phân tích tình hình cách mạng một cách khách quan, đánh giá chính xác các yếu tố và điều kiện cách mạng, đề ra chiến lược, sách lược đúng đắn cho từng giai đoạn chuyển biến cách mạng. Bên cạnh đó, những nguyên lý của Mác và Ăngghen đã được Lênin vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, mà đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga lịch sử.

Thứ ba, Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi vì tập hợp và phát huy được sức mạnh của quần chúng nhân dân.

Trong hoàn cảnh mâu thuẫn đỉnh điểm trong lòng xã hội Nga, Đảng Cộng sản đã tập hợp về mình những người đồng minh trung thành, hùng hậu, có tinh thần cách mạng. Đó là giai cấp công nhân và nhân dân lao động - một giai cấp có tinh thần cách mạng triệt để, được rèn luyện, thử thách trong quá trình cách mạng và có nhiều kinh nghiệm đấu tranh. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là một điển hình về sự chuẩn bị lực lượng: tập hợp sức mạnh từ quần chúng nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng kế hoạch khởi nghĩa vũ trang với những nguyên tắc cơ bản như phải dựa vào quần chúng nhân dân mà nòng cốt là liên minh giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác.

Lênin và Đảng Bônsêvich đã tập hợp được sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân, truyền bá cho họ những lí tưởng cách mạng cao đẹp, lãnh đạo họ thực hiện cách mạng. Sự đoàn kết, đồng lòng từ trên xuống dưới đã tạo thành một khối liên minh vững chắc, đủ sức đập tan mọi xiềng xích của chủ nghĩa tư bản. Lênin đã khẳng định: “Không có sự đồng tình ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình, tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được”[4].

Thứ tư, cuộc cách mạng nổ ra trong hoàn cảnh quốc tế hết sức thuận lợi, khi các nước đế quốc đang tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ nhất, không có điều kiện can thiệp vào nước Nga.

Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt nguồn tại châu Âu từ ngày 28/7/1914 đến ngày 11/11/1918. Đây là cuộc chiến tranh có chiến trường bao trùm khắp châu Âu và ảnh hưởng toàn thế giới, lôi kéo tất cả các cường quốc châu Âu và Bắc Mỹ vào cuộc chiến. Chính vì vậy, các nước đế quốc phải tập trung lực lượng cho cuộc chiến này và không đủ lực lượng để chống phá cách mạng. Hơn nữa, kẻ thù của cách mạng là giai cấp tư sản Nga vừa lạc hậu, yếu đuối, vừa phụ thuộc vào chủ nghĩa tư bản Anh, Pháp, có lúc còn phải dựa vào các đảng cơ hội khác nên cũng không đủ vị thế, vai trò và khả năng để đàn áp phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Trong hoàn cảnh ấy, sức mạnh nội tại đã phát huy tác dụng quyết định, đem đến thành công của cuộc cách mạng

3. Bài học từ Cách mạng Tháng Mười Nga với công tác xây dựng Đảng ở Việt Nam

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin, đưa con người chạm đến những ước mơ cao đẹp. Cuộc cách mạng ấy là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nó đã để lại rất nhiều bài học sâu sắc, mang ý nghĩa thời đại về cả lí luận và thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Cách mạng tháng Mười, chủ nghĩa Mác - Lênin “đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kì, không những là kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng”[5].

Trong đó, những bài học về công tác xây dựng Đảng có thể đúc rút từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là:

Thứ nhất, Đảng phải xứng đáng “là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã mang sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh đạo trực tiếp, toàn diện đối với Nhà nước, các tổ chức đoàn thể xã hội và toàn thể nhân dân. Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản, có trách nhiệm hoạch định đường lối đúng đắn, hợp quy luật, thuận lòng dân và đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Sự lãnh đạo của Đảng là nhằm “lấy tài dân, sức dân để làm những công việc có lợi cho dân”, chứ không phải vì lợi ích của người lãnh đạo. Trong Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn dân, toàn quân, toàn Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Với Người, Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của nhân dân không hề có sự đối lập, mâu thuẫn nhau. Ngược lại, quan điểm ấy vô cùng thống nhất chặt chẽ, mặt này làm điều kiện, tiền đề của mặt kia và phải làm tốt cả hai mặt thì đảng cộng sản mới hoàn thành được trách nhiệm to lớn mà nhân dân đã tin tưởng giao phó.

Thứ hai, Đảng phải xây dựng khối liên minh công - nông - trí vững chắc, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Đảng phải chú trọng lãnh đạo tăng cường và giữ vững khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức làm nòng cốt cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là vấn đề quan trọng bởi lẽ đại đoàn kết toàn dân tộc được xem là động lực hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong điều kiện kinh tế - xã hội mới, Đảng càng cần có những hình thức và nội dung phù hợp nhằm phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và sức mạnh của mọi giai tầng xã hội, các dân tộc, tôn giáo, thành phần kinh tế...

Nhận thức sáng suốt, đúng đắn về tầm quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định đây là một quan điểm lớn cần được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực gìn giữ, phát huy trong chặng đường tiếp theo của cách mạng nước ta. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ đảng viên gương mẫu, có đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ đường lối chính trị đúng đắn, từ tính tiên phong, gương mẫu, phẩm chất đạo đức trong sạch của từng cán bộ, đảng viên. Việc bồi dưỡng lí luận chính trị cho đảng viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được đặt ra. Bởi lực lượng nòng cốt cách mạng có vững vàng thì mới đảm bảo Đảng vững mạnh, đảm bảo đất nước phát triển hòa bình, ổn định. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc học tập lí luận, Người khẳng định: “lí luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi” [6]. Trong Đảng, “về tư tưởng, nhất định phải học tập lý luận Mác - Lênin” và “giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”[7]. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nêu cao công tác phê bình và tự phê bình, tránh sự cảm tính, nể nang, ngại va chạm; phê phán những quan điểm cơ hội, khắc phục căn bệnh bảo thủ, giáo điều; ra sức ngăn chặn sự độc đoán, chuyên quyền, cục bộ địa phương, bè phái gây mất đoàn kết nội bộ; không ngừng học tập và rèn luyện, đặc biệt là tri thức khoa học tiên tiến để tránh “thoái bộ”, góp phần khiến Đảng thực sự “là đạo đức, là văn minh”.

Thứ tư, phải biết nắm bắt cơ hội, thúc đẩy và chớp thời cơ đưa Đảng và đất nước phát triển.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã nhiều lần vận dụng thành công bài học về tận dụng thời cơ và chớp thời cơ. Năm 1986, Trung ương Đảng đã kịp thời tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, đưa Việt Nam thoát khỏi những khó khăn của thời kỳ bao cấp và ảnh hưởng của chiến tranh. Năm 1991, Liên Xô sụp đổ dẫn đến những biến cố chính trị lớn đã tạo ra cho chúng ta những thách thức rất lớn, nhưng chúng ta đã vượt qua, nắm bắt được thời cơ, chuyển hóa khó khăn thành cơ hội để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Những năm sau đó, Việt Nam cũng đã nắm bắt tốt thời thế để gia nhập ASEAN năm 1995, đồng ý bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ; năm 2007 gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc… Vị thế, vai trò và uy tín của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Ngày nay, trong công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế, mỗi giây trôi qua, thế giới đều vận động và phát triển không ngừng. Vậy nên Đảng ta càng cần nhạy bén, nắm bắt xu thế thời đại để chớp lấy thời cơ, khắc phục nguy cơ, đưa Việt Nam ngày càng phát triển. Đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID - 19 đã diễn ra hết sức phức tạp tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhân loại phải đối mặt với hàng loạt thách thức về kinh tế, chính trị, xã hội. Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn của đại dịch này. Đến nay, Việt Nam đã và đang trải qua 4 làn sóng dịch COVID - 19. Trong 3 đợt bùng phát trước, nhờ sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng, nước ta đã thuận lợi vượt qua và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Trong báo cáo tổng kết tình hình kinh tế cuối năm 2020, Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới (tăng trưởng dương 2,91% GDP). Việt Nam được bạn bè quốc tế và tổ chức y tế thế giới WHO đánh giá cao trong công tác phòng, chống dịch. Đến giữa năm 2021, sự xuất hiện của biến chủng virus Delta với tốc độ lây lan khủng khiếp đã đe dọa đến thành quả chống dịch của rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Lần đầu tiên kể từ khi COVID - 19 xuất hiện tại Việt Nam, chúng ta ghi nhận hàng ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày, cả xã hội phải thực hiện giãn cách. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian gần 5 tháng, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đất nước ta đã kiên cường vượt qua khó khăn, thách thức, dần trở lại trạng thái bình thường mới…

Thực tiễn Cách mạng Tháng Mười Nga đã để lại nhiều bài học quý báu, đặc biệt là các bài học về công tác xây dựng Đảng. Trải qua hơn 91 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy các bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, “cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế” chưa từng có. Vì lẽ đó, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ngày nay, mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng phải tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, vận dụng các bài học kinh nghiệm của cuộc cách mạng vĩ đại ấy cũng như của cách mạng Việt Nam để ngày càng hoàn thiện phẩm chất, năng lực và củng cố, nâng cao uy tín lãnh đạo, cùng với toàn thể nhân dân thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Bài, đồ họa: Khoa K1

---------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, bản tiếng Nga, 1981, t.16, tr.417

2. I.B.Beckhin, Lịch sử Liên Xô, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, bản tiếng Nga, 1978

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.397.

4. V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1981, t.3, tr.251.

5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr.563.

6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.273-274

7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.8, tr.279.

Tin khác

Cách mạng Tháng Mười Nga - Bản hùng ca vang mãi

Cách mạng Tháng Mười Nga - Bản hùng ca vang mãi(07/11/2021)

Cuộc Cách mạng đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của loài người - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quê hương Cách mạng Tháng Mười anh hùng đã giành được những thành tựu vĩ đại.

Chi bộ cơ sở Khoa An ninh xã hội tổ chức “Hội nghị tổng kết công tác đảng năm học 2020 - 2021”

Chi bộ cơ sở Khoa An ninh xã hội tổ chức “Hội nghị tổng kết công tác đảng năm học 2020 - 2021”(22/10/2021)

Hội nghị tổng kết công tác đảng năm học 2020 - 2021

Bế mạc Hội thi Báo cáo viên, Tuyên truyền viên giỏi tuyên truyền về Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương năm 2021

Bế mạc Hội thi Báo cáo viên, Tuyên truyền viên giỏi tuyên truyền về Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương năm 2021(22/10/2021)

Hội thi Báo cáo viên, Tuyên truyền viên giỏi tuyên truyền về Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương năm 2021 đã thành công tốt đẹp vào chiều ngày 21/10/2021

Đường Hồ Chí Minh trên biển - Nét sáng tạo, độc đáo của chiến tranh nhân dân thời đại Hồ Chí Minh

Đường Hồ Chí Minh trên biển - Nét sáng tạo, độc đáo của chiến tranh nhân dân thời đại Hồ Chí Minh(21/10/2021)

Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành một phần quan trọng của lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một trong những biểu tượng đầy tự hào của dân tộc ta về ý chí, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.

Trường Đại học An ninh nhân dân tham gia vòng chung kết Hội thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong Công an nhân dân năm 2021

Trường Đại học An ninh nhân dân tham gia vòng chung kết Hội thi Báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong Công an nhân dân năm 2021 (21/10/2021)

Đồng chí Đại tá, TS. Phạm Duy Hoàng - Phó Hiệu trưởng tham dự Hội thi với chủ đề: Trường Đại học An ninh nhân dân quán triệt, vận dụng quan điểm về “an ninh con người” tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam

Chi bộ cơ sở Phòng Quản lý đào tạo và bồi dưỡng nâng cao tổ chức thành công Hội nghị đảng viên kiện toàn cấp ủy cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025

Chi bộ cơ sở Phòng Quản lý đào tạo và bồi dưỡng nâng cao tổ chức thành công Hội nghị đảng viên kiện toàn cấp ủy cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025(19/10/2021)

Chi bộ cơ sở Phòng Quản lý đào tạo và bồi dưỡng nâng cao Trường Đại học An ninh nhân dân tổ chức thành công Hội nghị đảng viên kiện toàn cấp ủy cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025

Chi bộ cơ sở Khoa Quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tổ chức thành công Hội nghị đảng viên kiện toàn cấp ủy cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025

Chi bộ cơ sở Khoa Quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tổ chức thành công Hội nghị đảng viên kiện toàn cấp ủy cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025(15/10/2021)

Chiều ngày 14/10/2021, Chi bộ cơ sở Khoa Quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đã tổ chức Hội nghị đảng viên kiện toàn cấp ủy cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025

Hội nghị Chi bộ cơ sở Khoa Phản gián về việc kiện toàn cấp ủy cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025

Hội nghị Chi bộ cơ sở Khoa Phản gián về việc kiện toàn cấp ủy cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025(14/10/2021)

Chiều ngày 12/10/2021, Chi bộ cơ sở Khoa Phản gián tổ chức Hội nghị đảng viên về việc kiện toàn cấp ủy cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025

Chi bộ cơ sở Trung tâm Lưu trữ và Thư viện tổ chức Hội nghị đảng viên về việc kiện toàn cấp uỷ cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025

Chi bộ cơ sở Trung tâm Lưu trữ và Thư viện tổ chức Hội nghị đảng viên về việc kiện toàn cấp uỷ cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025(13/10/2021)

Ngày 04/10/2021 Chi bộ cơ sở Trung tâm Lưu trữ và Thư viện tổ chức Hội nghị đảng viên về việc kiện toàn cấp uỷ cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Chi bộ Khoa An ninh điều tra tổ chức Hội nghị đảng viên kiện toàn cấp ủy chi bộ cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025

Chi bộ Khoa An ninh điều tra tổ chức Hội nghị đảng viên kiện toàn cấp ủy chi bộ cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025 (13/10/2021)

Ngày 12/10/2021 Chi bộ Khoa An ninh điều tra đã tổ chức Hội nghị đảng viên kiện toàn Cấp ủy Chi bộ cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025

Từ khóa » Sự Kiện Tháng 10 Năm 1917