Cách Mua, Bán Và Tặng đồ đã Qua Sử Dụng ở Nhật Bản

Table of Contents
  1. Tại sao lại mua bán đồ cũ?
  2. Những nơi có thể mua và bán đồ cũ ở Nhật Bản
    1. Các nền tảng mua bán trực tuyến của Nhật Bản
    2. Các cửa hàng mua bán đồ cũ ở Nhật Bản
    3. “Chợ trời” ở Nhật Bản
    4. Cộng đồng mua bán đồ cũ trực tuyến tại Nhật
  3. Quyên góp đồ đã qua sử dụng ở đâu?
    1. Các chương trình tái chế ở Nhật Bản
  4. Giảm lãng phí và những đồ đạc không cần thiết bằng cách mua bán và sử dụng đồ cũ!

Tại sao lại mua bán đồ cũ?

quần áo

Việc đặt mua đồ mới trên mạng hay vứt bỏ những thứ bạn không muốn nghe có vẻ thật hấp dẫn, nhưng bạn có biết những lợi ích của việc tận dụng thị trường đồ cũ đang phát triển mạnh tại Nhật Bản? Giá cả có thể thay đổi tùy theo từng mặt hàng nhưng nhìn chung các mặt hàng đã qua sử dụng thường sẽ có giá thấp hơn hàng mới. Mặt khác, đây cũng là cơ hội tuyệt vời để kiếm tiền nếu bạn đang dọn dẹp nhà cửa theo phương pháp KonMari (được nhắc đến trong cuốn “Nghệ thuật bài trí của người Nhật“) hay chỉ đơn giản muốn bỏ đi những món đồ không cần thiết. Nếu bạn không có thời gian để đăng bán đồ trên mạng hoặc muốn làm việc thiện thì có thể mang đi quyên góp.

Tại Nhật Bản, những loại đồ cũ phổ biến nhất là sách, đồ chơi và quần áo. Tuy nhiên, ở một số nơi, bạn có thể tìm thấy những món đồ độc lạ mà bạn luôn tìm kiếm. Hoặc ngược lại, bạn có thể bán những món đồ độc lạ của mình cho người khác.

Những nơi có thể mua và bán đồ cũ ở Nhật Bản

Nhật Bản không thiếu các nền tảng mua bán đồ cũ bao gồm cả trực tuyến và tại cửa hàng. Bạn nên cân nhắc những ưu và nhược điểm của từng nơi, đặc biệt là những nơi gần khu bạn sống. Ví dụ: khi mua bán trực tuyến thì bạn có thể thoải mái mặc cả và đặt giá, nhưng khi tới trực tiếp cửa hàng thì bạn sẽ dễ dàng bán được đồ nhanh chóng hơn.

Các nền tảng mua bán trực tuyến của Nhật Bản

ứng dụng Mercari trên điện thoại
slyellow / Shutterstock.com

Nếu bạn là người mới bắt đầu, một lựa chọn an toàn để mua và bán hàng trực tuyến là Mercari (メルカリ) – ứng dụng trao đổi mua bán lớn nhất Nhật Bản. Vào tháng 12 năm 2020, Mercari đã ghi nhận con số khổng lồ – 2 tỷ mặt hàng được đăng bán kể từ khi ứng dụng này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2013. Với tư cách là người mua, bạn sẽ có khá nhiều mặt hàng để lựa chọn. Còn nếu là người bán, bạn có thể yên tâm rằng những mặt hàng của bạn sẽ tiếp cận được những người mua tiềm năng từ khắp Nhật Bản.

Mặc dù Mercari được biết đến như một “ứng dụng chợ đồ cũ” (フリマアプリ), nhưng người bán trên ứng dụng này lại có xu hướng bán theo giá cố định. Vì vậy Mercari không dành cho những người muốn mặc cả. Tuy nhiên, đôi khi sẽ có một số người bán điều chỉnh giá sau khi thương lượng với người mua một cách lịch sự hoặc sau một thời gian mặt hàng này không bán được.

Búa đấu giá trên máy tính xách tay

Một dịch vụ tiện lợi khác là “Yahoo! Auctions” (ヤフオク!). Đúng như tên gọi (“auction” trong tiếng Anh nghĩa là “đấu giá”), đây là một nền tảng đấu giá trên Internet được bảo trợ bởi Yahoo! Japan, với tùy chọn tạo danh sách định giá thông thường. Nền tảng này còn khác Mercari ở điểm nào? Một giả thuyết cho rằng Yahoo! Auctions có xu hướng thu hút những người quan tâm về giá cả, vì người mua và người bán đều mong muốn tận dụng lợi thế của danh sách bán theo kiểu đấu giá. Điều này có thể mang lại cho bạn một mức giá tốt hơn so với Mercari – ứng dụng có xu hướng cố định sẵn giá bán. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó phù hợp với mọi người dùng, nhưng cũng là một trong những ứng dụng bạn có thể tham khảo khi muốn mua/bán đồ cũ trực tuyến.

Tuy nhiên, đối với người bán thông thường, Yahoo! Auctions có thể không thuận tiện cho lắm. Nếu không phải thành viên cao cấp, bạn sẽ chỉ có thể đặt một mặt hàng tại một thời điểm và bị hạn chế các tùy chọn giao hàng. Ngoài ra còn một số hạn chế khác. Trong khi đó nếu đăng ký thành viên, bạn sẽ được liên kết với các dịch vụ mua sắm, du lịch và truyền thông khác của Yahoo!. Đây có thể là một ưu điểm tùy thuộc vào thói quen mua bán của bạn.

hộp đựng hàng của Amazon Japan
Koshiro K / Shutterstock.com

Bạn cũng có thể tìm thấy các mặt hàng đã qua sử dụng trên Amazon Japan thông qua dịch vụ Amazon Marketplace. Bạn có thể sử dụng tài khoản Amazon Japan sẵn có, chuyển sang ngôn ngữ tiếng Anh nếu khả năng đọc, hiểu tiếng Nhật chưa tốt. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn vẫn phải làm quen với việc đọc mô tả sản phẩm bằng tiếng Nhật nếu chúng chưa có bản dịch tiếng Anh.

Đối với người bán, nền tảng này có ưu điểm là bạn không cần phải tốn công đăng bán các mặt hàng, vì chúng sẽ tự động được thêm vào hồ sơ tổng thể các mặt hàng do Amazon tạo. Nhờ đó, bạn sẽ không cần đăng hình ảnh hoặc cung cấp thông tin về sản phẩm, một quá trình vô cùng tốn thời gian trên các nền tảng khác.

Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là bạn không thể bán các mặt hàng chưa có trong danh sách sản phẩm của Amazon. Đây cũng là nhược điểm đối với người mua, vì họ không thể nhìn thấy mặt hàng thực tế mà họ sẽ nhận. Họ chỉ biết tin vào mô tả về tình trạng của sản phẩm khi đã qua sử dụng.

Tiến hành mua bán trực tuyến tại Nhật Bản

Người phụ nữ sử dụng máy tính xách tay với quần áo ở hai bên

Mặc dù mỗi nền tảng đều có những ưu, nhược điểm riêng nhưng quá trình bắt đầu mua bán về cơ bản là giống nhau. Nếu là người mua, bạn chỉ cần tạo một tài khoản trực tuyến và xác minh số điện thoại của bạn nếu cần. Sau khi mua một mặt hàng, hãy làm theo hướng dẫn để thanh toán, sau đó đợi người bán gửi mặt hàng đó. Sau khi bạn nhận hàng, hãy nhớ xác nhận đã nhận hàng trên nền tảng, thường viết là 受取評価 (uketori hyōka) hoặc 受け取り連絡 (uketori renraku).

Nếu là người bán, bạn sẽ phải xác nhận danh tính của mình ở phần 本人確認 (honnin kakunin). Thông thường, khi thực hiện quy trình này, bạn có thể sử dụng hộ chiếu và thẻ cư trú cũng như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế hoặc thẻ My Number để xác nhận thông tin cá nhân. Khi đến bước lập danh sách sản phẩm, hoặc 出品する (shuppin suru), hãy nhớ thêm mô tả, chi tiết giao hàng và ảnh để giúp mọi người biết rõ hơn về sản phẩm của bạn

Chụp ảnh đôi giày thể thao bằng điện thoại di động

Khi xem hoặc tạo danh sách, hãy nhớ rằng các mặt hàng đã qua sử dụng có thể được phân chia thành khá nhiều loại điều kiện, hay còn gọi là 状態 (jōtai). Các cụm từ phổ biến dùng để mô tả sản phẩm bao gồm:

  • 中古 (chūko) = đã qua sử dụng
  • 新品 (shinpin) = đồ mới
  • 未開封 (mikaifu) = chưa mở
  • 未使用 (mishiyō) = chưa sử dụng
  • 傷や汚れあり・なし(kizu ya yogore ari/nashi) = có vết xước, vết bẩn/ không có vết xước, vết bẩn

Sau khi có một đơn hàng được xác nhận và bạn đã gửi món hàng của mình đến người mua, hãy làm theo hướng dẫn ở mục 発送通知 (hassō tsūchi) để xác nhận rằng bạn đã gửi hàng. Khi hàng đến tay người mua một cách an toàn, hãy nhớ để lại đánh giá. Sau đó, bạn có thể đăng ký rút tiền thông qua chuyển khoản ngân hàng hay còn gọi là 振り込み (furikomi). Ngoài ra, hãy thử sử dụng số tiền được thanh toán để mua đồ hoặc thậm chí thanh toán mà không cần tiền mặt tại các cửa hàng thông thường thông qua các ứng dụng như Mercari’s Melpay hoặc đối tác PayPay của Yahoo! Auction

Mua sắm qua các “chợ trực tuyến” ở Nhật Bản

nhập thông tin thẻ tín dụng

Mua hàng qua các “chợ trực tuyến” thường vô cùng đơn giản, miễn là bạn có địa chỉ và khả năng thanh toán hợp lệ. Ngay cả khi bạn không có thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ, bạn vẫn có thể thanh toán qua các cửa hàng tiện lợi コンビニ支払い (konbini shiharai). Ngoài ra, một số phương thức vận chuyển (như Mercari, đối tác của Yahoo! Auction – Japan Post và Kuroneko Yamato) thậm chí sẽ cho phép bạn nhận hàng tại một số cửa hàng tiện lợi thay vì giao tại nhà. Dù là nền tảng nào đi chăng nữa, hãy nhớ kiểm tra phí vận chuyển thực tế. Thông tin sản phẩm thường ghi 送料込み (sōryō komi) nếu giá đã bao gồm phí vận chuyển. Còn nhiều tùy chọn khác như thanh toán khi nhận hàng – 着払い (chakubarai), và mô tả đơn giản về phí tùy thuộc vào từng khu vực.

tiền xu và tiền giấy Nhật Bản

Như đã đề cập trước đây, cách thức đàm phán có thể khác nhau tùy thuộc vào mỗi nền tảng và người bán. Mercari không phải lúc nào cũng là nơi bạn có thể mặc cả ráo riết, nhưng bạn có thể thử để lại một bình luận lịch sự như コメント失礼いたします。こちらの商品は○○円にお値下げしていただくことは可能でしょうか?(Komento shitsurei itashimasu. Kochira no shōhin wa ◯◯ en ni onesage shite itadaku koto wa kanō deshō ka?). Câu này có nghĩa là, “Xin lỗi, nhưng liệu bạn có thể giảm giá xuống ◯◯ yên được không?”

Trong khi đó, Yahoo! Auctions có chức năng thương lượng tích hợp, nơi bạn chỉ cần nhập giá đề xuất mà không cần lời lẽ gì thêm. Bạn có thể truy cập vào chức năng này thông qua liên kết 値下げ交渉する (nesage koushou suru) trên trang sản phẩm.

Một điều nữa cần lưu ý là có khi người bán sẽ giữ lại hàng theo yêu cầu của người mua tiềm năng, ngay cả khi mặt hàng đó thuộc danh mục “mua ngay”. Để tránh khó xử, hãy cảnh giác với những từ như 取り置き (torioki) và 専用 (senyō) trong danh sách. Mặt khác, cũng có những người sử dụng các từ này để nói rằng họ không bán với giá như vậy, vì vậy hãy nhớ đọc mô tả đầy đủ!

Bán hàng qua các “chợ trực tuyến” ở Nhật Bản

cô gái đang xếp quần áo vào trong thùng

Thông thường, bạn có thể bán gần như mọi loại hàng trên các trang trực tuyến. Tuy nhiên, hãy nhớ xác nhận để đảm bảo mặt hàng của mình không vi phạm bất kỳ nguyên tắc nào của nền tảng thương mại. Ví dụ, cả Mercari và Yahoo! Auctions đều cấm các sản phẩm thuốc lá (bao gồm cả thuốc lá điện tử) và các mặt hàng có thể sử dụng làm vũ khí

Khi quyết định nơi bán, bạn cũng cần cân nhắc tới một yếu tố quan trọng là phí bán hàng. Cả Mercari và Yahoo! Auctions đều tính phí 10% ngay khi bạn bán được hàng, nhưng Yahoo! Auctions giảm phí còn 8,8% cho các thành viên cao cấp. Trong khi đó, Amazon Marketplace phức tạp hơn: tuy không tốn bất cứ chi phí nào để đăng bán các mặt hàng, nhưng với mỗi mặt hàng bán được, bạn sẽ phải trả một khoản phí 100 yên, cộng với phí giới thiệu tùy từng danh mục sản phẩm và phí khóa sổ có thể thay đổi đối với các mặt hàng truyền thông như sách và DVD. Do đó, nếu thi thoảng bạn mới bán hàng thì Mercari có thể bớt rắc rối hơn. Còn nếu bạn đặt mục tiêu lợi nhuận lên đầu thì có thể thử Yahoo! Auctions hoặc Amazon.

Nói về chi phí, bạn có thể phải trả một loại phí nữa khi rút tiền kiếm được từ các mặt hàng bạn đã bán. Mercari tính phí 200 yên khi chuyển khoản vào bất kỳ tài khoản ngân hàng nào, còn Yahoo! Auctions trừ 100 yên trừ khi bạn sử dụng Japan Net Bank. Nếu bạn không muốn rút tiền mặt, cả hai nền tảng đều cho phép bạn chuyển đổi lợi nhuận của mình thành số dư có thể sử dụng trên Melpay và PayPay tương ứng.

Cuối cùng, nếu bạn cần sự thuận tiện và/hoặc sự riêng tư khi vận chuyển các mặt hàng, cả Mercari và Yahoo! Auctions đều có thể đáp ứng nhu cầu của bạn nhờ liên kết với Kuroneko Yamato và Japan Post. Khi bạn chọn phương thức vận chuyển, hãy chọn Raku Raku Mercari Bin (らくらくメルカリ便) hoặc Yu Yu Mercari Bin (ゆうゆうメルカリ便) trên Mercari và Yu-Pack/Yupacket (Otegaru Ban) (ゆうパック・ゆうパケット(おてがる版)) trên Yahoo! Auction. Bạn sẽ nhận được các đặc quyền như: có thể gửi từ nhiều vị trí khác nhau, hay có thể thực hiện các bước chỉ với một mã QR mà không cần phải tiết lộ địa chỉ của mình. Tuy nhiên, lưu ý rằng khi đó bạn phải tuân theo những hạn chế về kích thước và trọng lượng của mặt hàng.

Một số mẹo hay cho bạn

các thùng giao hàng và thẻ tín dụng

Nếu bạn thường xuyên mua bán trên các nền tảng trực tuyến, hãy tận dụng tùy chọn số dư của nền tảng để tránh mất phí chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Bạn thậm chí có thể nhận được thêm một ít tiền để chi tiêu thông qua các chiến dịch phiếu thưởng và tích điểm trực tuyến hoặc trên các ứng dụng tương ứng của các nền tảng này. Ngoài ra, hãy nhớ rằng mặc dù Mercari và Amazon Japan có các đối tác đang hoạt động ở nước ngoài, nhưng bạn không thể chuyển điểm thưởng hoặc danh sách hiện có sang tài khoản nước ngoài. Vì vậy, bạn hãy nhớ tạo tài khoản mới tại các nền tảng của Nhật Bản.

Cuối cùng, đừng quên một việc quan trọng là phản hồi lại bất kỳ lời nhắc nào xác nhận rằng bạn đã gửi hoặc nhận hàng, vì giao dịch không thể chính thức hoàn thành nếu bạn bỏ qua bước này. Sau đó, cũng cần phải nhận xét và đánh giá trải nghiệm giao dịch, vì nó sẽ ảnh hưởng đến hồ sơ tổng thể của bạn với cả tư cách người mua và người bán. Ngay cả khi bạn không có bất kỳ nhận xét cụ thể nào, bạn có thể chỉ cần cảm ơn người kia bằng câu この度はありがとうございました (kono tabi wa arigatō gozaimashita).

Các cửa hàng mua bán đồ cũ ở Nhật Bản

Book Off storefront
Ned Snowman / Shutterstock.com

Nếu bạn thích giao dịch trực tiếp, thì các cửa hàng mua bán đồ cũ là địa chỉ phù hợp dành cho bạn! Các cửa hàng mua bán đồ cũ nổi tiếng của Nhật Bản có thể kể đến như chuỗi cửa hàng Hard Off, với nhiều chi nhánh trên toàn quốc, tập trung vào các danh mục hàng hóa khác nhau. Một số cửa hàng khác bao gồm Book Off (sách, CD, DVD), Mode Off (quần áo, phụ kiện), Off House (nội thất, đồ điện tử) và Hobby Off (đồ chơi, tượng, hàng hóa độc lạ). Nếu bạn thấy chữ Off trong tên cửa hàng, rất có thể đó là một cửa hàng chuyên mua, bán đồ cũ. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về hệ thống các cửa hàng này qua bài viết “Mua sắm giá rẻ với chuỗi cửa hàng “OFF” tại Nhật Bản“.

Mặc dù các cửa hàng đồ cũ khác không có phạm vi hoạt động rộng lớn như Hard Off, bạn cũng sẽ tìm thấy các cửa hàng hoặc chuỗi cửa hàng khác nhau, có thể kinh doanh nhiều danh mục hàng hóa hoặc chỉ giới hạn ở một số ít danh mục. Ví dụ như 2nd STREET cũng là một chuỗi cửa hàng phổ biến, nhưng nhiều chi nhánh của hệ thống này chuyên về quần áo và phụ kiện. Nếu không biết rõ về các cửa hàng trong khu vực của mình, bạn có thể tìm kiếm cụm từ chung リサイクルショップ (risaikuru shoppu).

cửa hàng đồ cũ 2nd Street
VTT Studio / Shutterstock.com

Giờ bạn đã tìm thấy những cửa hàng gần nơi mình sinh sống, vậy bước tiếp theo sẽ là gì? Mua đồ tại các cửa hàng tái chế cũng giống như mua đồ ở một cửa hàng thông thường. Còn nếu muốn bán hàng, bạn hãy hỏi nhân viên tại quầy về việc bán đồ – 買取 (kaitori). Nói chung, bạn sẽ cần đăng ký thông tin nên đừng quên mang theo một trong các loại giấy tờ tùy thân (hộ chiếu, giấy phép lái xe, thẻ cư trú, v.v.). Sau đó, cửa hàng sẽ đánh giá các mặt hàng của bạn. Việc này có thể sẽ mất một chút thời gian tùy thuộc vào lúc đó có bao nhiêu người đang chờ. Sau đó, họ sẽ đưa ra giá cho các mặt hàng và đây có thể là tình huống khiến bạn hơi khó xử. Việc các cửa hàng tái chế trả giá vô cùng thấp là chuyện hoàn toàn bình thường, thậm chí họ còn không muốn trả tiền, đặc biệt là đối với các mặt hàng thông thường như sách và quần áo. Do đó, việc bán đồ cho các cửa hàng tái chế thường không phải là lựa chọn lý tưởng để kiếm lời mà chỉ là giải pháp khi bạn muốn nhanh chóng giải phóng không gian cho căn nhà của mình.

Một số cửa hàng tái chế còn có dịch vụ 出張買取 (shucchō kaitori) và 宅配買取 (takuhai kaitori). Đối với 出張買取 (shucchō kaitori), một nhân viên sẽ trực tiếp đến nhà bạn để đánh giá các mặt hàng bạn có, còn đối với 宅配買取 (takuhai kaitori) bạn có thể gửi sản phẩm đến cửa hàng bằng dịch vụ chuyển phát. Cả hai cách thức này thường yêu cầu đăng ký trực tuyến và lên lịch trình bằng tiếng Nhật, nhưng vô cùng thuận tiện nếu bạn không có thời gian trực tiếp đến các cửa hàng mua bán đồ cũ.

“Chợ trời” ở Nhật Bản

chợ đồ cũ ở Nhật Bản
Attila JANDI / Shutterstock.com

Nếu bạn có thời gian, hãy thử đi chợ đồ cũ. Vì những khu chợ này không họp thường xuyên, một số chợ chỉ họp trong những mùa nhất định hoặc kết hợp với các buổi họp chợ khác, hãy thử tìm kiếm フリーマーケット (furī māketto) hoặc kiểm tra lịch tại フリマガイド để biết các buổi họp chợ sắp diễn ra ở khu vực bạn sinh sống. Giống như các cửa hàng mua bán đồ cũ, người mua sẽ thường là người hưởng lợi nhiều nhất, còn người bán phải trả một khoản phí thuê quầy hàng hoặc khu vực riêng nên việc bán đồ ở chợ đồ cũ sẽ đòi hỏi thời gian và tiền bạc để thu lợi nhuận. Tuy nhiên, một điều mà người mua nên nhớ là bạn khó có thể mặc cả được vì đây không phải là thói quen của người Nhật.

Cộng đồng mua bán đồ cũ trực tuyến tại Nhật

hai người đang cầm hộp đựng quần áo

Bạn thích mua bán bằng tiếng Anh? Các nhóm Facebook như Sayonara Sales có thể là một lựa chọn tốt dành cho bạn. Thường được phân chia theo khu vực, các nhóm như vậy sẽ có các bài đăng từ những người nước ngoài sắp chuyển nhà hoặc sắp rời khỏi Nhật Bản – do đó có tên Sayonara Sales, mặc dù không phải tất cả các nhóm này đều được đặt tên như vậy. Sau khi tìm thấy một nhóm đang hoạt động trong khu vực của bạn, hãy đăng nhập hoặc tạo tài khoản Facebook để tham gia nhóm. Khi trở thành thành viên, bạn có thể bán và mua các mặt hàng bằng cách tạo bài đăng, bình luận và nhắn tin trực tiếp cho mọi người.

Các trang web tổ chức rao vặt trực tuyến như GaijinPot Japan Classifieds và Craigslist cũng thu hút những người nói tiếng Anh, giúp bạn dễ đọc hiểu thông tin hơn. Nếu bạn muốn đa dạng hơn nữa, hãy thử Jimoty để xem danh sách sản phẩm tiếng Nhật. Nếu như cả GaijinPot và Jimoty đều yêu cầu đăng ký thông tin cho cả người mua và bán thì bạn có thể sử dụng Craigslist để đăng ký chỉ bằng một địa chỉ email.

đồ gia dụng

Mua bán thông qua những phương thức này là một cách hiệu quả để bỏ bớt đồ đạc hoặc mua hàng giá rẻ ở gần nơi bạn sống, vì nhiều người bán yêu cầu người mua đến tận nơi để lấy hàng và chỉ nhận thanh toán bằng tiền mặt. Điều này đặc biệt phổ biến đối với các mặt hàng cồng kềnh như đồ gia dụng và đồ nội thất. Tuy nhiên, một số người bán cũng đồng ý với việc giao hàng đến các khu vực khác nhau. Nếu chưa rõ yêu cầu của người bán, bạn có thể hỏi họ cụ thể hơn.

Một mẹo khác cho người mua là hãy đợi đến mùa chuyển nhà ở Nhật Bản, trước khi năm học mới và năm tài chính bắt đầu vào tháng 4. Thời điểm này, nhiều người chuyển nhà sẽ muốn bỏ đi những vật dụng không cần thiết càng nhanh càng tốt. Vì vậy mà bạn sẽ dễ dàng mua được những món đồ mình cần với giá hời hơn, đặc biệt là những món đồ có giá trị cao.

Chúng ta sẽ nói thêm về hoạt động quyên góp đồ cũ ở phần sau, nhưng bạn cũng sẽ thấy rằng những cộng đồng trực tuyến kể trên cũng có những mặt hàng được đăng bán miễn phí. Để tìm các nhóm trao đổi và tặng đồ đã qua sử dụng, hãy thử gõ từ khóa “mottainai” (tiếng Nhật có nghĩa là “thật lãng phí!”). Nhóm Mottainai Japan ban đầu mở công khai cho toàn bộ cư dân trên toàn quốc, nhưng cũng có rất nhiều nhóm phụ khác tập trung vào một số khu vực nhất định.

Mặc dù vậy, một nhược điểm của các cộng đồng trực tuyến này là không có hệ thống thanh toán đặc biệt và không hỗ trợ khi xảy ra sự cố. Nếu một món hàng không được giao hoặc người mua không xuất hiện, bạn có thể khiếu nại với nhóm hoặc quản trị viên trang web, nhưng cũng có thể bạn sẽ phải bỏ qua giao dịch đó. Điều đó nói lên rằng, hầu hết người dùng của những nhóm và trang này là những người bình thường đang có nhu cầu mua bán. Vì vậy, hãy luôn thận trọng và xem xét một món hàng đã qua sử dụng có thực sự rẻ như vậy hay không nhé!

Quyên góp đồ đã qua sử dụng ở đâu?

Thùng quyên góp đồ đã qua sử dụng

Nếu bạn không có thời gian để tìm kiếm người mua, hãy thử cho đi! Tùy thuộc vào từng loại mặt hàng, nhưng thường thì quyên góp một món đồ có thể nhanh chóng và dễ dàng hơn so với việc bán món đồ đó. Chưa kể, bạn sẽ cảm thấy vui vì làm được một việc tốt.

Các chương trình tái chế ở Nhật Bản

hộp tái chế quần áo Uniqulo
Ned Snowman / Shutterstock.com

Nếu bạn có những quần áo không dùng tới, các thương hiệu như Uniqlo, H&M và Zara sẽ nhận những món đồ này để tái sử dụng và tái chế. Bạn có thể mang quần áo cũ tới cho nhân viên tại quầy hoặc thả vào những chiếc thùng tái chế trong cửa hàng. Tuy nhiên, bạn cần kiểm tra điều kiện do công ty đặt ra trước khi đến. Ví dụ: Uniqlo sẽ chỉ chấp nhận các sản phẩm của Uniqlo, còn H&M nhận quần áo của bất kỳ thương hiệu và ở điều kiện nào – thậm chí họ sẽ tặng bạn một phiếu mua hàng trị giá 500 yên cho một túi đầy quần áo cũ.

Một cách thức khác để bạn quyên góp đồ cũ đó là tìm hiểu là các chương trình quyên góp tại địa phương, hay còn gọi là 寄付 (kifu). Chẳng hạn như Chợ đồ cũ Mottainai ở Tokyo thu thập và bán các mặt hàng cũ có thể sử dụng được rồi dùng số tiền thu được để chuyển đến Phong trào Vành đai Xanh – một dự án có trụ sở tại Kenya nhằm thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường và trao quyền cho cộng đồng. Bạn cũng có thể quyên góp cho các nhóm tìm kiếm sách, đồ chơi, v.v. cho những thư viện hoặc trung tâm cộng đồng gần nơi bạn sống.

Giảm lãng phí và những đồ đạc không cần thiết bằng cách mua bán và sử dụng đồ cũ!

Có rất nhiều lý do để bạn tận dụng tối đa thị trường đồ cũ ở Nhật Bản. Đây không chỉ là một giải pháp “xanh” để bỏ đi những thứ không cần dùng đến mà còn là một cơ hội tuyệt vời để dọn dẹp những đống bừa bộn và giải phóng không gian cho căn nhà của mình, cũng như tìm kiếm những món đồ đã qua sử dụng với giá cả phải chăng hơn. Hãy thử vận dụng những phương thức mua bán đồ cũ chúng tôi vừa giới thiệu ở trên xem sao nhé!

Nếu bạn đang có nhu cầu chuyển việc tại Nhật Bản, bạn có thể truy cập vào trang web tsunagu Local Jobs! Tại đây có rất nhiều công việc chính thức dành cho người nước ngoài đang sinh sống ở Nhật, và nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương hấp dẫn. Hãy đăng ký tài khoản trên trang web để bắt đầu hành trình tìm kiếm công việc mơ ước của bạn nhé! 

Thông tin trong bài viết được cập nhật tại thời điểm công bố

Từ khóa » Bán đồ điện Tử Cũ ở Nhật