Cách Nào để Chấm Dứt Việc Chửi Bới, Xúc Phạm Trên Mạng?

Cách nào để chấm dứt việc chửi bới, xúc phạm trên mạng? - Ảnh 1.

Nhà báo Hàn Ni gửi đơn đề nghị khởi tố bà Phương Hằng vì cho rằng bà Hằng đã livestream vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng quyền tự do dân chủ...- Ảnh: T.M.

Việc này đang gây rối trật tự xã hội, khiến dư luận bức xúc đặt ra yêu cầu cần chấn chỉnh và có khuôn khổ cho việc sử dụng mạng xã hội.

Người dân cũng đòi hỏi pháp luật phải là thước đo để xử lý các hành vi gây rối trật tự từ mạng xã hội và tạo ra khuôn khổ cho hành xử chung.

Xử lý nghiêm để răn đe

Luật sư Hà Hải - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM - cho hay các hành vi sử dụng mạng xã hội để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hành chính, nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định xử phạt cụ thể nếu cá nhân, trang tin điện tử, tổ chức thiết lập mạng xã hội thông tin xúc phạm nhân phẩm, danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức tại các điều 99, 100, 101.

Về trách nhiệm hình sự, người sử dụng mạng xã hội để vu khống, xúc phạm, tấn công người khác tùy mức độ có thể bị xử lý hình sự về tội danh "vu khống", tội "làm nhục người khác" hoặc tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của cá nhân, tổ chức".

Cá nhân, tổ chức bị xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm cũng có thể khởi kiện dân sự đòi xin lỗi, cải chính và bồi thường thiệt hại.

Đồng tình, luật sư Lê Quang Vũ - Đoàn luật sư TP.HCM - cũng phân tích để xử lý hành chính hoặc hình sự thông thường người bị xúc phạm có thể đề nghị đến sở thông tin và truyền thông, tố cáo tới cơ quan cảnh sát điều tra đối với cá nhân, tổ chức đưa thông tin sai lệch, xúc phạm.

Đối với các tội "vu khống" và "làm nhục người khác", thông thường cơ quan cảnh sát điều tra xử lý trên cơ sở tố giác của người bị vu khống, bị làm nhục.

Còn đối với tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của cá nhân, tổ chức", cơ quan chức năng sẽ xử lý mà không cần tố giác của người bị xúc phạm.

"Với những trường hợp livestream xúc phạm nhiều người, nhiều giới, tạo ra dư luận xấu, gây rối trật tự trị an trong thời gian dài thì cơ quan công an cần chủ động vào cuộc thu thập chứng cứ xử lý nghiêm để răn đe chung, tránh tạo tiền lệ nguy hiểm phát sinh các hành vi tương tự. Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cũng có ý kiến vấn đề này tại kỳ họp Quốc hội mới đây" - luật sư Quang Vũ nói.

Siết vai trò nhà mạng

Góp thêm giải pháp, tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung - Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng Nhà nước cần có các biện pháp để hướng các tranh chấp trên mạng xã hội phải được giải quyết bằng pháp luật.

Để giảm bớt việc Nhà nước chạy theo những phát sinh rất phức tạp từ mạng xã hội, cần ban hành quy định chuyển trách nhiệm xử lý ban đầu cho các công ty công nghệ, ràng buộc điều kiện đối với các công ty để giảm bớt hậu quả phát sinh từ hành vi xúc phạm uy tín, danh dự cá nhân, tổ chức.

Những hành vi vi phạm trên không gian mạng ngày càng nhiều, đa dạng. Trong đó, những vụ lợi dụng truyền thông, mạng xã hội để bôi nhọ, tấn công, xúc phạm người khác gần đây nhưng không bị xử lý sẽ khiến họ nhầm tưởng rằng sẽ không sao cả khi vi phạm tràn lan như một hiện tượng xã hội...

Tiến sĩ TUYẾT DUNG

Theo tiến sĩ Tuyết Dung, hiện nay nhiều quốc gia đang tính đến xử lý, buộc các công ty công nghệ như Facebook, YouTube, Google... phải lập hàng rào kỹ thuật để xử lý hậu quả nhanh hơn trước khi tiến hành thủ tục pháp lý. Và Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ các quốc gia này.

Ví dụ Singapore đã ban hành Luật ngăn ngừa sai lệch và thao túng tin tức trên mạng (có hiệu lực tháng 10-2019) cho phép xử lý cả các mạng trung gian, kể cả tài khoản có nguồn gốc ngoài Singapore nhưng thông tin đang lan truyền ở Singapore. Cơ quan chức năng có quyền yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ Internet (hoặc trung gian Internet) chặn truy cập với thông tin sai lệch hoặc sai sự thật. Nếu không tuân thủ lệnh chặn truy cập sẽ bị phạt tới 20.000 SGD (đôla Singapore)/ngày.

Cá nhân vi phạm sẽ bị phạt đến 50.000 SGD (khoảng 850 triệu đồng), hoặc phạt tù đến 5 năm. Mức phạt gấp 2 lần nếu đăng bằng tài khoản online không chính danh.

Còn Ai Cập năm 2018 đã thông qua "Luật tổ chức báo chí, truyền thông và Hội đồng tối cao về phương tiện truyền thông số 180" cho phép lập ra hội đồng để quản lý các tài khoản mạng xã hội blog hoặc trang web có hơn 5.000 người theo dõi...

Cần xử lý nhanh

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng việc dùng mạng xã hội livestream để nói xấu, chửi bới với lời lẽ thô tục là hành vi phi văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục. Lên mạng xã hội nói xấu, lăng mạ, chửi bới thì không thể chấp nhận được. Cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý.

Tôi biết Công an TP.HCM cũng như các tỉnh cũng đã vào cuộc, nhận đơn tố giác, đề nghị khởi tố của nhiều cá nhân. Cá nhân tôi cũng muốn phải xử lý nhanh để sớm trả lời cho dư luận. Vừa qua, tại cuộc họp Quốc hội, nhiều đại biểu cũng có ý kiến cần xử lý nhanh, sớm các vụ việc dư luận quan tâm. (T.LONG)

Đề xuất Đề xuất 'quản' livestream

TTO - Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 72 được coi là siết chặt quản lý với các hoạt động livestream, kiếm tiền trên mạng xã hội, buộc các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải tuân thủ những quy định của Việt Nam.

Từ khóa » Google Dịch Chửi Bậy Tiếng Anh