Cách Nhận Biết Lợn Rừng Việt Nam

Cách nhận biết lợn rừng Việt Nam

Lợn rừng Việt Nam và cách phân biệt lợn rừng Việt Nam, lợn rừng Thái Lan. Nhận dạng lợn rừng Việt Nam, lợn rừng Thái Lan với các loại lợn đen vùng núi và lợn lai mang máu lợn rừng.

Lợn rừng Việt Nam sống rất nhiều ở các vùng sinh thái khác nhau. Đến nay theo xuất xứ có 4 loại được nuôi...

Kết quả điều tra trên 77 cơ sở chăn nuôi lợn rừng trên cả nước của Viện Chăn nuôi cho thấy, 61,1% cơ sở nuôi lợn rừng Thái Lan thuần, 38,9% cơ sở nuôi nhiều loại, gồm lợn rừng Thái Lan, Việt Nam, lợn bản địa và các loại lai. Có 6 cơ sở còn nuôi cả lợn rừng Việt Nam thuần.

Lợn rừng Thái Lan được nhập về từ Thái Lan. Tuy nhiên ở miền Nam còn có lợn rừng Malaysia, được ông Châu Xuân Vũ (xã Phú Quới, Long Hồ, Vĩnh Long) nhập mấy chục con từ Malaysia năm 2006. Đàn lợn này sau đã bị giải thể và bán đi tới nhiều địa điểm ở Vĩnh Long và Đồng Nai. Tại Đồng Nai, chúng tôi thấy có sự phối giống lẫn lộn giữa các giống lợn, thậm chí số tai cũng không gắn, nên lợn Malaysia không chắc đã còn dạng thuần.

Lợn rừng Việt Nam sống rất nhiều ở các vùng sinh thái khác nhau. Đến nay theo xuất xứ có 4 loại được nuôi: Lợn rừng Việt miền Bắc (được nuôi tại Ba Vì, Hà Nội); Lợn rừng Phú Yên (nuôi tại trang trại động vật quý hiếm Hòa Khánh - Khánh Hòa); Lợn rừng Cát Tiên (nuôi tại trang trại ông Chín - Cần Giuộc, Long An), ông Kỳ (Đồng Nai); Lợn rừng Bình Phước (nuôi tại trang trại ông Bảy Dũng - Bình Phước – ông này được xem là người khởi đầu nghề nuôi lợn rừng tại Việt Nam). Các loại lợn rừng vùng Đông Nam bộ, miền Bắc và Lào có thể là một.

Phân biệt lợn rừng Việt Nam và Thái Lan:

Đây là hai loại lợn có bản chất di truyền khác nhau qua nghiên cứu về gen mà chúng tôi mới thực hiện. Các đặc điểm cơ bản của chúng:

Lợn mới đẻ ra đều có sọc dưa: các sọc vàng đến nâu trên nền lông sẫm hơn (nâu – đen), kéo dài từ vai tới mông và thường có 6 sọc. Lợn rừng Việt có sọc vàng hơn, lông lơ phơ, mọc thẳng đứng... Ngược lại lợn rừng Thái có sọc đen hơn, lông cứng mượt mà hơn, ngắn hơn...

Đến tuổi hậu bị, các sọc biến mất, xuất hiện đám lông bạc vùng mắt và dưới yết hầu, lông bờm đã xuất hiện, lông toàn thân đã trở nên màu hung mốc. Lợn rừng Việt có tai nhọn bé (tai chuột), mõm dài, thân lép, mông tóp, chân cao, móng chân chụm. Ngược lại lợn rừng Thái có tai to hơn, nằm ngang, mặt ngắn, gãy, thân tròn, mông nở, chân ngắn, móng chân choãi... Thịt của lợn rừng Việt ở tuổi này hầu như không có mỡ lưng nhưng thịt lợn rừng Thái đều có mỡ.

Đến tuổi trưởng thành lợn rừng Việt Nam còn có thêm đặc điểm mới là lông bờm phát triển hơn, lông cứng, dựng đứng ngược với lợn rừng Thái Lan.

Nhìn chung mà nói, lợn rừng Thái Lan cũng có mang một vài đặc điểm như thân to, tròn, tai ngang... của các loại lợn đen miền núi (LĐMN) mà chúng ta thường gặp trên các bản của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam (như lợn Vân Pa ở Quảng Trị, Mường Khương ở Lào Cai, lợn Sóc ở Tây Nguyên, lợn Khùa ở Quảng Bình, lợn Mường Lay ở Điện Biên, lợn Mường Tè ở Lai Châu...).

Nhận dạng lợn rừng Việt Nam/Thái Lan với các loại lợn đen vùng núi nước ta:

Lợn rừng phân biệt khá dễ với các giống lợn khác có tại Việt Nam, đó là mõm dài, lông nâu bạc, lúc nhỏ có sọc dưa, chân cao, có lông bờm, thân mảnh, ở tuổi trưởng thành lợn rừng có răng nanh, 3 lông chụm.

Tuy nhiên một số LĐMN vẫn có một đôi nét giống lợn rừng: thí dụ như lợn Mường Lay, Mường Khương và lợn VânPa khi già cũng có răng nanh như lợn rừng. Lợn VânPa và một vài loại lợn đen vùng núi Bình Phước cũng có ba lông chân chụm.

Ở lợn rừng trưởng thành lông ở lưng cắm khá sâu vào da, còn ở các loại LĐMN không thế.

Các loại lợn lai mang máu lợn rừng:

Trong tự nhiên, thì tại các bản làng dọc miền núi phía Bắc (Lai Châu, Hà Giang), dãy Trường Sơn (Thanh Hoá, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai), vùng Bình Phước đều có con lai loại này, do người dân nuôi thả lợn nhà vào rừng và xảy ra giao phối giữa lợn rừng với lợn nhà. Giờ đây khi mà phong trào nuôi lợn rừng đang nổi lên, thì một số nơi thậm chí đã đưa ra chương trình nuôi loại lợn này, như ở huyện Bá Thước (Thanh Hoá).

Từ năm 2001 đến nay việc lai tạo giữa lợn rừng với các loại lợn địa phương tại Việt Nam như lợn Sóc Tây Nguyên, lợn Vân Pa, lợn ỉ, lợn Móng Cái... trở nên phổ biến. Đặc điểm sọc dưa của lợn lai giữa lợn rừng và các giống khác thay đổi tùy theo:

- Giống lợn để lai với giống lợn rừng là giống gì.

- Tỉ lệ máu giống lợn rừng trong con lai cao hay thấp.

Thế hệ con lai đầu (F1) giữa lợn rừng Thái/Việt với lợn ỉ hầu như không có sọc dưa, hoặc nếu có cũng rất mờ nhạt.

Thế hệ F1 giữa lợn rừng Thái/Việt với lợn Mường Tè ở Lai Châu, có sọc dưa nhưng không đủ số sọc và sọc không gọn, sắc như thể lợn rừng thuần.

Cũng ở thế hệ F1 lai giữa đực lợn rừng Thái/Việt với cái lợn VânPa, thì một nửa số con giống mẹ và nửa khác giống bố. Màu sọc những con có sọc cũng không phải vàng - đen như thể lợn rừng, màu cẳng chân, móng chân một số con là trắng không đen như lợn rừng.

Ở những đàn lợn lai mà tỉ lệ gen lợn rừng cao, thì thế hệ con trông hệt như lợn rừng. Tuy nhiên nếu mang thế hệ con đó mà phối với nhau thì đẻ ra một tỉ lệ lợn con (thế hệ cháu) có ngoại hình không phải lợn rừng, như lông sọc không đẹp, chân trắng, loang đen...

Như vậy ta thấy rằng, để phân biệt được đâu là lợn rừng thuần và con lai, cần phải xem cả lý lịch nữa.

Một loại lợn rừng lai nữa xuất hiện ở vùng vùng Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Long An, có tỉ lệ nạc rất cao, mặc dù được nuôi nhốt trong chuồng xi măng, ăn cám công nghiệp. Có thể đó là con lai giữa lợn rừng và loại lợn nâu có ở một vài nơi ở miền núi Việt Nam.

“Lợn rừng Trung Quốc”: Một số trang trại phía Bắc nhập loại này từ Trung Quốc qua các đường tiểu ngạch. Trên thân chúng có nhiều vết đen, một đặc điểm không có ở lợn rừng thuần, vậy nên đó là con lai.

“Lợn rừng Thái Lan mặt ngắn”: Một số lợn nhập từ Thái Lan trong những chuyến đầu có hai loại: Lợn mặt dài mà chúng ta gọi là lợn rừng Thái Lan như đã nói trên. Loại hai gọi là lợn mặt ngắn: Đặc điểm là to con, màu đen, thân tròn, đẻ nhiều con. Loại này tương đối giống với con lai giữa lợn rừng Việt Nam hoặc lợn rừng Thái lai với các giống lợn đen ở vùng cao. Theo tài liệu của Thái Lan khi giao phối lợn rừng mặt dài và mặt ngắn, và 6 con đã đẻ ra, 3 trong đó là màu đen, và 3 là sọc dưa. Cho nên lợn Thái Lan mặt ngắn không phải là lợn rừng. Từ năm 2007 chúng tôi đã trao đổi vấn đề này với các Công ty như Bạn & Bạn, Cty Thiên Thiên Ý chuyên nhập lợn rừng từ Thái Lan và sau đó họ đã không nhập loại “lợn rừng Thái Lan mặt ngắn” nữa.

68142-ntm.00359_chan-nuoi-lon-rung.pdf

Võ Văn Sự

Từ khóa » Các Giống Lợn Rừng