Cách Nhận Biết Nụ Cười Giả Tạo - PLO

khoa học, đồng cảm, đánh giá

Dù là ở đâu trên thế giới, nụ cười đều thể hiện sự chào đón – nhà văn Max Eastman từng nhận xét. Nhưng liệu chúng ta có chắc chắn rằng nụ cười của ai đó là thật lòng? Câu trả lời có thể tìm thấy ở bài kiểm tra khả năng đồng cảm của nhà tâm lý học Richard Wiseman. Bài kiểm tra này có thể dự đoán khả năng đánh giá cảm xúc của người khác thông qua khuôn mặt.

Nhiếp ảnh gia đã yêu cầu đối tượng thí nghiệm tưởng tượng rằng họ đang gặp một người mà họ không thích và phải giả vờ cười. Sau đó, đối tượng này được gặp một người bạn mà họ yêu quý. Khi họ trò chuyện với nhau, nhiếp ảnh gia đã chụp lại nụ cười thực sự của đối tượng. Như vậy, cả 2 nụ cười đều được ghi lại.

Câu hỏi đặt ra là: Nhận ra sự khác biệt có dễ không? “Nếu bạn thiếu sự đồng cảm, bạn sẽ rất kém trong việc phân biệt 2 bức ảnh” – ông Wiseman, hiện đang dạy tại ĐH Hertfordshire nói.

Nhưng làm thế nào để biết được khả năng phát hiện nụ cười giả của mỗi người? Cụ thể trong trường hợp này là khả năng phát hiện nụ cười giả của các nhà khoa học và các nhà báo? Cuộc gặp gỡ giữa các nhà khoa học và nhà báo hồi tháng trước do tờ Observer là bảo trợ truyền thông đã cho ông Wiseman một cơ hội hoàn hảo để so sánh nhóm người ở 2 ngành nghề này.

Tham dự bữa tiệc được tổ chức ở Bảo tàng Khoa học (London) có cả các nhà nghiên cứu hàng đầu của Anh và các nhà báo khoa học tới từ nước này. Khoảng 150 khách mời được cho xem 2 bức ảnh với nụ cười giả tạo và nụ cười thật. Sau đó, họ được yêu cầu phân biệt 2 nụ cười này và kết quả thu được thì rất bất ngờ.

“Khoảng 60% khách mời đoán đúng và có sự khác nhau giữa các nhóm tuổi. Nhóm dưới 40 tuổi phân biệt được tốt hơn nhóm trên 40 tuổi một chút” – ông Wiseman cho biết.

Tuy nhiên, tỷ lệ đoán đúng dựa theo ngành nghề thì khác nhau: các nhà khoa học vật lý đoán đúng 60%, các nhà khoa học sinh học đúng 66%, còn các nhà báo thì khá ấn tượng – 73%. Tuy nhiên tất cả đều đứng sau các nhà khoa học xã hội, họ đoán đúng 80% - mặc dù nhóm này chỉ có 4 người tham gia khiến kết quả ít ấn tượng hơn.

Quay lại với 2 bức ảnh phía trên: bức ảnh bên phải là nụ cười giả. “Bạn phải sử dụng nhiều cơ mặt hơn khi cười thật và bạn nhìn thấy các nếp nhăn xung quanh mắt nhiều hơn ở người phải sử dụng nhiều cơ mặt hơn” – ông Wiseman khẳng định.

Theo Nguyễn Thảo/Vietnamnet (Theo Observer)

Từ khóa » Nụ Cười Giả Tạo