Cách Nhận Diện Vết Nhện Cắn Và Các Bước Sơ Cứu Nhanh - VOH

Cũng giống như nhiều loại côn trùng khác như bọ cạp, ong... nhện không “hiền lành” nhưng nhiều người vẫn nghĩ. Mặc dù phần lớn các loài nhện không gây ra vết cắn có mức độ nguy hiểm cao nhưng một số loài nhện có thể có chứa chất độc và gây một số ảnh hưởng cho sức khỏe.

Làm sao để nhận biết vết cắn của nhện?

Hiện có hơn 50 loại nhện có thể cắn người nhưng hầu hết các vết thương thường không nghiêm trọng, triệu chứng chỉ thường xuất hiện xung quanh khu vực vết cắn. Hiếm khi nhện có thể tạo ra vết thương hoại tử da hoặc đau dữ dội, trừ 2 loại nhện được ghi nhận là nguy hiểm chính là nhện góa phụ áo đen và nhện nâu ẩn dật.

Việc phân biệt được vết cắn của 2 loài nhện này với các loài nhện khác sẽ giúp bạn đánh giá được mức độ nguy hiểm và cân nhắc xem có cần tìm đến sự chăm sóc y tế hay không.

Cách nhận biết vết cắn của loài nhện góa phụ đen

Nhện góa phụ đen là loài nhện có kích thước lớn hơn một chiếc kẹp giấy. Toàn thân con vật màu đen, thân tròn, bóng và có một dấu hình thoi (hoặc hình đồng hồ cát) màu đỏ đặc trưng trên bụng.

khi-bi-nhen-can-phai-xu-ly-the-nao-voh

Vết cắn nhện góa phụ áo đen thường gây đau ngay lập tức (Nguồn: Internet)

Vết cắn của nhện góa phụ áo đen thường gây đau ngay lập tức và có thể phân biệt với các vết cắn của các loài nhện khác bằng lỗ thủng trên da. Vết thương sẽ nhanh chóng tấy đỏ, viêm và hình thành nốt sưng. Cảm giác đau tại vết cắn có thể tăng lên và lan rộng trong khoảng 1 giờ.

Ngoài ra, bạn cũng có thể gặp phải một số dấu hiệu khác như:

  • Xuất hiện hiện tượng co rút cơ bắp ở đùi, lưng và vai. Nọc độc có thể làm tê liệt hệ thống dẫn truyền thần kinh.
  • Cơ thể trở nên lạnh và sốt. Có hiện tượng khó thở, mạch yếu, mê sảng, tình trạng đau đớn và co giật tăng lên.
  • Có thể bị đau bụng dữ dội do chất độc alpha-latrotoxin có trong nọc độc gây tê liệt và làm tổn thương đầu mút dây thần kinh.
  • Buồn nôn và ói mửa.

Vết cắn của nhện góa phụ áo đen hiếm khi gây tử vong cho người lớn khỏe mạnh. Sau 12 - 24 giờ, cơn đau và các triệu chứng bắt đầu giảm dần. Đa số nạn nhân phục hồi hoàn toàn sau 3 - 5 ngày, nhưng với những người thể trạng yếu thì các triệu chứng có thể kéo dài suốt nhiều tuần và nhiều tháng.

Cách nhận biết vết cắn của loài nhện nâu ẩn dật

Nhện nâu ẩn dật là loài nhện có màu nâu hoặc hơi vàng, chân dài, mảnh khảnh, có thân mình gắn với đầu và bụng hình oval. Bạn có thể nhận dạng nhện ẩn dật bằng hình dáng cây đàn violin trên lưng của nó.

khi-bi-nhen-can-phai-xu-ly-the-nao-1-voh

Vết cắn của loài nhện nâu ẩn dật thường không đau hoặc chỉ như kim châm nhẹ (Nguồn: Internet)

Vết cắn của loài nhện nâu ẩn dật thường không đau hoặc gây cảm giác như kim châm nhẹ như muỗi đốt. Tuy nhiên, trong vòng 30 -60 phút, vùng bị cắn sẽ tấy đỏ và viêm với vết thương ở trung tâm, gọi là tổn thương “mắt bò”.

Tình trạng đỏ và đau dữ dội tăng dần trong vòng 8 tiếng tiếp theo khi vết thương ở trung tâm lan rộng hơn, tụ máu. Những vết phồng rộp chứa đầy dịch hình thành tại nơi bị cắn và sau đó vỡ ra, để lại vết loét rất đau. Trong giai đoạn này, vùng da màu xanh đậm hoặc tím hình thành xung quanh vết cắn, thông thường có một vòng màu đỏ bao quanh.

Những phản ứng khác của vết cắn nhện nâu ẩn dật là:

  • Sốt nhẹ và phát ban.
  • Buồn nôn.
  • Người bơ phờ.

Rất hiếm có trường hợp vết cắn của nhện ẩn dật gây tử vong, nếu có thì thường gặp nhiều ở trẻ em.

Cách xử lý khi bị nhện cắn

Mặc dù có thể gây ngứa và đau đớn nhưng hầu hết các trường hợp bị nhện cắn đều không nghiêm trọng và có thể xử lý tại nhà. Dưới đây là các bước xử lý bạn cần nhớ nếu bị nhện cắn:

Bước 1: Xác định loại nhện

Nếu bị nhện cắn bạn cần xác định được con nhện thuộc loại nào bằng cách cố gắng giữ lại con nhện, ngay cả khi nó đã bị đập chết. Có thể xoa cồn để bảo vệ xác nhện (Việc giữ lại xác nhện sẽ giúp các bác sĩ nhận diện và đưa ra cách điều trị phù hợp hơn trong những trường hợp cần thiết).

Nếu không tìm ra được được con nhện, hãy chuyển sang bước vệ sinh và kiểm tra vết cắn.

khi-bi-nhen-can-phai-xu-ly-the-nao-2-voh

Khi bị nhện cắn hãy kiểm tra vết thương và xử lý vết cắn ngay (Nguồn: Internet)

Bước 2: Kiểm tra và xử lý vết cắn

  • Dùng nước và xà phòng lạnh để rửa sạch vùng da bị nhện cắn để làm sạch vết thương và ngừa nhiễm trùng.
  • Nếu vết nhện cắn nằm trên cánh tay hoặc chân, hãy buộc một băng ép chặt ngay phía trên vết cắn và nâng cao chi để giúp làm chậm hoặc ngăn chặn sự lây lan của nọc độc. Lưu ý, không buộc quá chặt vì sẽ khiến máu không tuần hoàn được.
  • Dùng túi đá lạnh chườm lên vết cắn. Chườm khoảng 20 – 30 phút để giảm cơn đau và giảm sưng.
  • Theo dõi vết cắn trong vòng 24 giờ, nếu các triệu chứng không nặng thêm thì bạn an toàn. Nếu các triệu chứng không giảm bớt, hãy đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, kiểm tra.

Trong trường hợp bạn bị loài nhện góa phụ áo đen hoặc nhện nâu ẩn dật cắn thì cần phải nhờ đến sự hỗ trợ y tế ngay lập tức. Điều trị vết cắn của loài nhện góa phụ áo đen có thể đòi hỏi việc dùng thuốc chống nọc độc. Và điều trị vết cắn của loài nhện nâu ẩn dật cần phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau.

Ngoài ra, một số trường hợp vết cắn nhện không độc có thể gây phản ứng dị ứng và bạn cần đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy:

  • Khó thở
  • Buồn nôn
  • Co thắt cơ bắp
  • Các tổn thương trên da ngày càng nghiêm trọng
  • Khó nuốt
  • Đổ mồ hôi nhiều, muốn xỉu.

Có thể phòng tránh nhện cắn bằng cách nào?

Nhện thường xuất hiện trong nhà nhiều nhất vào mùa thu do chúng đi tìm một nơi ấm áp để tránh rét mùa đông. Bạn bạn có thể ngăn chặn và kiểm soát các vấn đề liên quan đến nhện trong nhà bằng các cách sau đây:

  • Hút bụi thường xuyên, quét sạch các mạng nhện lớn.
  • Bịt kín các khe hở trên tường và dưới các cửa để ngăn không cho nhện vào nhà.
  • Dọn sạch những nơi nhện thường trú ẩn như: đống đá và gỗ... ở gần nhà của bạn.
  • Xịt thuốc diệt côn trùng có chứa thành phần DEET lên áo quần và giày dép.
  • Ngăn ngừa côn trùng và nhện trong nhà bằng cách lắp các cửa lọc lên cửa sổ và cửa ra vào, hàn kín các kẽ hở hoặc vết nứt nơi nhện có thể ra vào.

Tài liệu tham khảo

  1. Trang wikihow.vn
  2. Trang hellobacsi.com
  3. Trang vi.wikipedia.org – Bách khoa toàn thư mở

Bọ xít hút máu người nguy hiểm như thế nào? : Bọ xít hút máu người là một loại côn trùng hút máu và có thể lây truyền nhiều căn bệnh nguy hiểm. Tuy không phân bố tại Việt Nam nhưng chúng đã xuất hiện trên diện rộng ở nước ta.

Bị kiến ba khoang đốt: Cách xử lý và phòng ngừa đơn giản : Chất độc của kiến ba khoang được cho là cực kỳ nguy hiểm vì còn độc hơn so với nọc rắn hổ mang. Vậy bị kiến ba khoang đốt sẽ có dấu hiệu gì và cách xử lý nào mới là an toàn nhất?

Từ khóa » Nhện Cắn Có độc Không