Cách Pha Cà Phê Sữa Đá Ngon Nhất - TopListCafe

Khỏi cần giới thiệu, chắc hẳn hầu hết mỗi người trong chúng ta đều đã một lần nghe về cà phê sữa trứ danh của Việt Nam. Thật khó để tìm được một quán cafe mà công thức này lại không có mặt trong menu.

Thoạt nhìn có vẻ đơn giản và tầm thường, nhưng cafe sữa Việt Nam thực sự đã tạo nên một cú hích mạnh mẽ, thu hút hàng triệu du khách và các tín đồ ẩm thực toàn cầu tới đất nước hình chữ S, để được thưởng thức và học hỏi cách pha cà phê sữa ngon đình đám.

Còn gì bạn chưa biết về công thức cà phê đặc trưng của quê nhà? Cùng TopListCafe khám phá hết trong bài viết này nhé!

Lịch sử ra đời cà phê sữa Việt Nam

Theo Curious Cuisine, hạt cà phê du nhập vào Việt Nam từ năm 1857, được mang đến bởi một linh mục người Pháp. Từ đó, người Việt bắt đầu làm quen và học cách pha chế, thưởng thức cà phê.

Tới năm 1986, Việt Nam chính thức trở thành cái tên nổi bật về tiềm lực và điều kiện nuôi trồng, sản xuất cà phê lớn hàng đầu – nhờ vào tính chất đất đỏ bazan ở Tây Nguyên cực kỳ thích hợp. Hầu hết sản lượng thu hoạch cà phê của nước ta thuộc chủng loại hạt Robusta, không phải Arabica quen thuộc tại nhiều quốc gia Âu Mỹ.

Mặc dù được đánh giá có vị đắng mạnh mẽ đặc trưng, có thể không mang đến sắc thái nhẹ nhàng như Arabica, nhưng chủng hạt Robusta lại khỏe mạnh và dễ nuôi trồng hơn, ít bị ảnh hưởng bởi bệnh hoặc sâu bọ.

Người dân thu hoạch cà phê. (Ảnh: dantri)

Lúc bấy giờ, sữa tươi đang trở nên cực kỳ khan hiếm trên thị trường, khiến công thức pha chế cà phê sữa gốc Âu không còn khả thi. Do vậy, cả người dân Việt Nam lẫn lính Pháp khi đó đều dần thử chuyển sang dùng sữa đặc thay thế.

Không có ghi chép cụ thể về ai là người đầu tiên nghĩ ra phương pháp dùng sữa đặc pha cà phê này. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được toàn thế giới công nhận là nơi sinh ra công thức pha cà phê sữa ngon có một không hai, bởi bất kỳ ai nếm thử cũng đều cảm thấy bất ngờ với độ dễ chịu và hấp dẫn của hương vị.

Do vậy, tới nay, song hành với cà phê trứng, cà phê sữa đá cũng là một ứng viên sáng giá khác của Việt Nam trên bảng xếp hạng những cách pha cà phê độc đáo nhất toàn cầu.

ĐỌC THÊM:

  • Robusta vs Arabica: Cách phân biệt 2 chủng hạt cà phê đình đám thế giới
  • Cà phê muối đặc sản gốc Huế: Công thức độc đáo ai thử cũng mê

Phân loại cà phê sữa

Cà phê sữa truyền thống Việt Nam

Cà phê sữa Việt Nam được pha chế từ bột cà phê ủ lọc qua phin, hòa cùng sữa đặc (có đường), sau đó khuấy đều và thưởng thức. Tùy vào khẩu vị mà mỗi người có thể tự chọn uống lạnh hoặc nóng.

Dựa vào chủng loại hạt và quá trình rang xay đặc trưng, nước cốt cà phê ở nước ta thường mang sắc nâu sẫm, khá gần với màu đen. Khi trộn cùng sữa đặc, màu sắc tổng thể ngả sang nâu truyền thống, sinh ra 2 tên gọi quen thuộc là “nâu đá” hoặc “nâu nóng” ngoài các quán cafe.

(Ảnh: sharphealthcare)

Đối với cộng đồng quốc tế, công thức này thường được biết đến với tên gọi “Vietnamese iced milk coffee”, hoặc “iced brown coffee.”

Cà phê sữa tươi

Thực chất, cà phê sữa tươi là tên gọi khá rộng, bao hàm nhiều cách thức pha chế đa dạng – miễn là dựa trên 2 thành phần nguyên liệu chính là cà phê và sữa tươi.

Nếu muốn “Tây hóa” sang chảnh một chút, bạn có thể tham khảo cách làm cafe sữa tươi từ châu Âu như như Latte, Mocha, Cappuccino… Tiêu chuẩn nguyên liệu phổ biến dành cho những công thức này bao gồm hạt Arabica và sữa tươi nguyên chất (whole milk).

Mặt khác, nếu bạn không muốn bị bó buộc, hãy thoải mái sử dụng loại hạt cà phê yêu thích cũng như sữa tươi tiệt trùng thông thường để tự làm một tách cà phê sữa tươi tại nhà cho mình. Cách pha chế đơn giản, nhanh gọn nhẹ này sẽ được bật mí ở phần tiếp theo nhé.

Bạc xỉu

Bạc xỉu cũng là một công thức cà phê sữa, nhưng thành phần sữa sẽ nhiều hơn so với lượng cà phê. Để tránh pha nhiều sữa đặc quá béo và ngậy, sữa tươi hoặc nước nóng sẽ được pha cùng để hương vị trở nên dễ chịu và loãng hơn.

Theo Wikipedia, bạc xỉu là thức uống có nguồn gốc từ Sài Gòn, pha trộn giữa 3 nền văn hóa Hoa-Việt-Pháp. Những năm Pháp thuộc, cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn đã lấy cà phê làm mặt hàng kinh doanh phổ biến tại hàng quán.

Ngoại hình quen thuộc của một cốc bạc xỉu. (Ảnh: frank-mckenna)

Tuy nhiên, cà phê đen hay thậm chí cà phê sữa khi đó vẫn là thức uống khó thưởng thức với phụ nữ hoặc trẻ con, bởi vị đắng đặc trưng khó làm quen.

Dần dần, các chủ quán người Hoa nghĩ ra cách thay đổi tỷ lệ thành phần linh hoạt hơn, bằng cách tăng thêm lượng sữa tươi và giảm bớt cà phê so với trước cho dễ uống. Bạc xỉu từ đó cũng chính thức được ra đời và hoàn thiện công thức.

Cà phê sữa chua

Trên thực tế, công thức này nên được hiểu chính xác là sữa chua cà phê, bởi nguyên liệu chiếm tỷ lệ lớn nhất là sữa chua, còn cà phê chỉ đóng vai trò phụ rắc lên sau cùng. Nói cách khác, khái niệm “cà phê sữa chua” không có nghĩa, vì không ai trộn sữa chua làm thành phần phụ pha chế cùng một cốc cà phê cả.

Khi làm sữa chua cà phê, bạn chỉ cần chuẩn bị một hộp sữa chua có đường, khoảng 5g bột cà phê, thêm chút nước cốt chanh hoặc sữa đặc để đa dạng hóa hương vị là đã hoàn thành.

Cà phê sữa dừa

Cà phê sữa dừa – tên gọi khác là cà phê cốt dừa – là thức uống ưa thích với nhiều người nhờ mùi hương thơm ngậy, pha chút ngọt béo của dừa lẫn với vị đậm đà của cà phê.

2 thành phần quan trọng nhất tất nhiên là cà phê và nước cốt dừa, đồng thời bạn có thể thêm chút sữa đặc, dừa khô và đá bào để tăng trải nghiệm thưởng thức thêm phần thú vị.

Cà phê cốt dừa (Ảnh: vinwonders)

Cà phê sữa lắc

Về cơ bản, cà phê sữa lắc có cách chuẩn bị nguyên liệu gần như y hệt cà phê sữa truyền thống. Chỉ có điều, thay vì khuấy đều, bạn sẽ cần dùng một bình lắc chuyên dụng để thao tác trước khi cho ra thành quả cuối cùng. Cách làm này lấy cảm hứng gốc từ công thức Frappe của Hy Lạp.

Ngoài ra, cà phê sữa lắc cũng có thể tận dụng thêm một số thành phần khác như sữa tươi, siro tạo vị khi lắc – vốn không có ở cách làm cafe sữa đá truyền thống.

Tổng hợp cách pha cà phê sữa ngon chuẩn vị

1. Cách pha cà phê sữa đá

Chuẩn bị nguyên liệu

  • Cà phê (đã xay): 20-30g
  • Sữa đặc có đường: 2-3 thìa (tùy chỉnh theo ý thích)
  • Nước sôi: 100-200ml
  • Đá viên
  • Dụng cụ pha chế: phin cà phê, cốc, ly…
Chuẩn bị đồ pha cà phê sữa Việt Nam. (Ảnh: foodpleasureandhealth)

Quy trình & công thức làm cà phê sữa đá

  • Bước 1: Tráng nước sôi qua phin và cốc pha cà phê để khử trùng và làm ấm đều, tránh sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa các lần tiếp xúc dụng cụ khi pha chế, giúp hương vị tổng thể được ngon hơn.
  • Bước 2: Cho bột cà phê vào phin. Lắc nhẹ vài lần rồi dùng tấm nén ép với lực vừa đủ, giúp bột cà phê rải đều và phẳng hơn.
  • Bước 3: Cho nước nóng vào trong phin, rót chậm và từ từ, vừa đủ ngập mặt lượng bột cà phê. Chờ 1-2 phút để cà phê bắt đầu nở đều. Sau cùng, tiếp tục rót nước nóng đến gần đầy phin thì dừng và đậy nắp.
  • Bước 4: Chờ nước cốt cà phê nhỏ giọt từ phin xuống cốc. Thời gian dao động từ 5-10 phút tùy độ mịn của bột cà phê được xay.
  • Bước 5: Thêm sữa đặc vào cốc. Khuấy đều và thêm đá để thưởng thức.

2. Cách pha cà phê sữa nóng

Về cơ bản, cách làm cà phê sữa nóng sẽ y hệt cà phê sữa đá, chỉ trừ bước thêm đá lạnh vào mà thôi. Vì vậy, các bạn có thể tham khảo ngay công thức bên trên để tự tay làm một cốc nâu nóng ngon nhức nách trong tiết trời se lạnh cuối năm nhé.

3. Cách pha cà phê sữa tươi

Như đã đề cập ở phần giới thiệu trước đó, cách làm cà phê sữa tươi có thể chia thành 2 hướng, tùy nhu cầu và ý thích của mỗi người:

  1. Công thức pha chế cafe chuẩn gốc Âu như Latte, Mocha, Capuchino…
  2. Sáng tạo và ứng biến tự do theo sở thích cá nhân

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về những loại cà phê sữa tươi nổi tiếng từ châu Âu, hãy tham khảo bài viết của TopListCafe chia sẻ cách phân biệt từng loại cafe pha máy phổ biến.

Mặt khác, nếu bạn muốn “tự biên tự diễn” không ràng buộc theo quy chuẩn có sẵn, tiếp tục đi theo hướng dẫn cơ bản cần thiết dưới đây để làm được một tách cà phê sữa tươi đúng vị.

Chuẩn bị nguyên liệu

  • Bột cà phê: Khoảng 20g
  • Sữa tươi không đường: 150ml
  • Nước sôi: 100-200ml
  • Sữa đặc: 10-15ml (không bắt buộc)
  • Đá viên (không bắt buộc)

Quy trình/công thức

  • Bước 1: Chuẩn bị một chiếc cốc vừa miệng tấm lọc của phin cà phê. Đổ sẵn sữa tươi vào trong cốc.
  • Bước 2: Tráng qua phin cà phê với một chút nước sôi để vệ sinh và làm ấm. Cho bột cà phê vào phin, lắc và nén nhẹ để bề mặt bột cà phê trải đều, phẳng và mịn.
  • Bước 3: Ủ cà phê – đổ 50ml nước sôi đều quanh phin, chờ khoảng 1 phút cho bột cà phê nở dần. Sau đó, đổ thêm nước vừa đủ ngập cà phê, đậy nắp phin và chờ từ 5-10 phút.
  • Bước 4: Nước cốt cà phê lọc xong hết qua phin sẽ tự chảy xuống cốc sữa. Dùng thìa khuấy nhẹ, đều tay. Có thể rót chút sữa đặc để tạo vị thơm béo. Thêm đá lạnh hoặc uống nóng tùy ý bạn.
Cà phê sữa tươi có thể tùy biến khá dễ dàng tùy theo sở thích. (Ảnh: Demi DeHerrera)

Lưu ý khi pha cà phê sữa tươi

  • Sữa tươi có thể là sữa bò, sữa dê, sữa thực vật (sữa hạt như óc chó, hạnh nhân, đậu nành…) đều pha chế được.
  • Nên dùng sữa tươi nguyên chất (whole milk) và không đường để kiểm soát hương vị tốt hơn. Nếu muốn có độ ngọt, hãy thêm đường hoặc sữa đặc ở khâu hoàn thiện cuối cùng.
  • Bạn có thể tùy ý chọn cho cà phê chảy thẳng xuống sữa khi lọc từ phin (như hướng dẫn trên), hoặc ủ cà phê xong trước rồi mới hòa cùng sữa cũng không sao.
  • Tận dụng một số nguyên liệu và phụ phẩm như bột cacao, bột quế, vài giọt siro cũng sẽ giúp hương vị trở nên đa dạng và hấp dẫn hơn nhiều.

ĐỌC THÊM:

  • Cafe Cold Brew là gì? Cách làm Cold Brew tại nhà siêu đơn giản
  • Vì sao uống cafe mãi vẫn buồn ngủ? Liệu bạn đã “miễn nhiễm” với cafe?

3 mẹo pha cà phê sữa đá ngon đúng vị

Để thành thục cách pha cà phê sữa đá ngon chuẩn vị và không làm gián đoạn trải nghiệm thưởng thức, đừng bỏ qua những mẹo hữu ích sau đây.

Đảm bảo vệ sinh dụng cụ và nguyên liệu pha chế an toàn

Không gian pha chế, các dụng cụ cần thiết đều cần được đảm bảo vệ sinh kỹ càng, đặc biệt là phin, cốc, thìa. Đối với nguyên liệu như nước, cà phê và sữa, hãy nhớ kiểm tra chất lượng đạt chuẩn, không quá hạn hoặc có dấu hiệu nhiễm bẩn và xuống cấp. Đây là nguyên tắc cơ bản nhưng tối quan trọng để làm ra một tách cà phê ngon đúng ý bạn.

Đổ nước sôi chậm khi ủ cà phê

Trừ khi bạn có máy pha cà phê hiện đại, còn nếu sử dụng phương pháp ủ cà phê bằng phin, hãy luôn giữ tốc độ rót nước sôi thật từ từ và chậm rãi theo đường viền tròn, không đổ tập trung một chỗ, để bột cà phê trong phin nở đều cùng lúc.

Tóm lại, không nên đổ nước sôi vào quá nhanh, nhưng cũng không nên quá chậm, vì chúng đều có thể gây ra những kết quả không mong muốn.

Thêm quá nhiều nước nóng cùng lúc có thể gây hiện tượng nước đọng cục bộ, hoặc bột cà phê còn thô bị cuốn theo nước lọt qua tấm lọc phin xuống cốc, tạo thành cặn. Khi đó, cà phê chưa được ủ đủ thời gian cần thiết sẽ có vị chua rõ rệt. Nếu lỡ tay đổ nhiều nước khiến cà phê chảy quá nhanh, hãy vặn chặt nắp nén trong phin thêm một chút để hãm lại tốc độ lọc.

Ngược lại, tốc độ rót nước sôi quá chậm (hoặc nước quá nóng) sẽ làm bột cà phê bị ủ lâu, lọc nước cốt chậm, tạo vị đắng hơn mức cần thiết. Nhiệt độ nước dùng ủ cà phê nên đạt mức gần sôi, tức khoảng 95°C. Bạn có thể đun sôi nước và chờ khoảng 3-5 phút trước khi rót để đạt mức nhiệt lý tưởng này.

Thêm sữa đặc ở bước cuối cùng

Thực chất, bạn có thể chọn thêm sữa đặc theo bất kỳ cách nào bạn muốn: (1) Để sẵn sữa trong cốc và đặt phin lọc lên để cà phê chảy trực tiếp vào; hoặc (2) chờ ủ cà phê từ phin xong xuôi rồi mới cho sữa đặc vào sau cùng.

Rót sữa đặc vào sau cùng sẽ tiện hơn ở nhiều mặt. (Ảnh: Culturemap Dallas)

Cả 2 cách đều không có sự khác biệt gây ảnh hưởng đến hương vị chung. Tuy nhiên, ý kiến chủ quan từ TopListCafe vẫn nghiêng về cách 2.

Việc chọn thêm sữa đặc vào sau cùng có những lợi ích sau:

  • Hình thức cốc cà phê sữa chuẩn và đẹp hơn: Khi đổ sữa đặc, hãy rót ở vị trí trung tâm mặt cốc, để sữa chảy từ từ, cho tới khi bạn dần thấy một lớp sữa trắng xuất hiện ở đáy cốc. Cách này sẽ giúp lớp sữa dàn đều hơn, phân tầng rõ rệt. Thay vào đó, nếu bạn chọn cách 1, lớp sữa ban đầu có thể bị loãng và “lộn xộn” hơn do tác động của giọt cà phê nhỏ xuống liên tục từ phin.
  • Dễ dàng điều chỉnh lượng sữa đặc phù hợp: Thêm sữa vào bước cuối cùng như cách 2 sẽ giúp bạn kiểm soát thành phần sữa tốt hơn, bởi bạn đã nắm rõ lượng cà phê được ủ hoàn thành, chỉ cần tự chỉnh tỷ lệ sữa cho cân đối. Mặt khác, khi làm theo cách 1, bạn có thể hối hận nếu chẳng may hôm đó ủ cà phê hơi ít so với lượng sữa chuẩn bị sẵn trong cốc, khiến độ ngọt tổng thể đi quá giới hạn. Đây chắc chắn là vấn đề không thể bỏ qua với những ai quan tâm đến dinh dưỡng và cân nặng.

Uống cà phê sữa có tốt không? (Tác dụng & tác hại của cà phê sữa)

a. Tác dụng của cà phê sữa

Uống cà phê sữa có tác dụng gì? Thật ra, những lợi ích của cà phê sữa cũng đến từ tác dụng cốt lõi của cà phê nói chung, giúp tăng cường chất lượng cảm xúc và phòng chống một số bệnh nguy hiểm.

Cải thiện cảm xúc và tinh thần

Các tín đồ cà phê thật sự nên cảm thấy biết ơn caffeine, bởi đây là chất đóng vai trò nền móng cho rất nhiều tác dụng thần kỳ liên quan tới cảm xúc và não bộ chúng ta. Một số dấu hiệu dễ thấy nhất là khả năng tỉnh táo, tập trung được đẩy cao, ghi nhớ thông tin và phản xạ tốt hơn, thậm chí hạn chế được cả cảm xúc tiêu cực và buồn bực tạm thời.

Bổ sung năng lượng

Mặc dù cà phê đen nguyên chất không cung cấp nhiều năng lượng thuần để cơ thể hấp thụ và chuyển hóa, nhưng cà phê sữa thì khác. Với thành phần sữa đặc thêm vào, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu và sẵn sàng hơn cho nhiều hoạt động mạnh, kể cả khi trước đó chưa nạp đủ thức ăn cần thiết.

Ngăn ngừa bệnh tật

Khi sử dụng điều độ và khoa học, caffeine sẽ là nhân tố hiệu quả giúp giảm trừ tỷ lệ mắc một số bệnh nguy hiểm. Đây là bằng chứng đã được kết luận trên nhiều nghiên cứu liên quan.

Các chứng bệnh có thể được ngăn ngừa tốt hơn nhờ cà phê bao gồm: Alzheimer, Parkinson, Gout, tiểu đường, ung thư da, ung thư vú…

b. Tác hại của cà phê sữa

Quá liều caffeine

Dù mang đến nhiều mặt tích cực nhưng không thể phủ nhận, caffeine vẫn là yếu tố tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu bạn không kiểm soát được chế độ uống cà phê điều độ. Nhẹ nhàng thì say cà phê, căng thẳng, mất ngủ, hoặc nặng hơn thì có thể dẫn tới đau cơ, ngộ độc, tăng huyết áp, có hại cho đường tim mạch.

Ảnh hưởng tới cân nặng

Trớ trêu thay, chính nguyên liệu sữa đặc trong công thức cà phê sữa lại trở thành con dao hai lưỡi – tuy có thể giúp bạn có trải nghiệm thưởng thức cà phê ngọt ngào dễ chịu hơn, nhưng lại là tác nhân không tốt đối với cân nặng.

Thành phần năng lượng và dinh dưỡng của sữa đặc chủ yếu bao gồm chất đường bột. Các chất khác như đạm và vitamin, khoáng chất cũng có nhưng không thật sự đáng kể.

Đối với những ai có ý định tăng cân, sữa đặc có đường là một thực phẩm bổ trợ khá tốt. Tuy nhiên, nếu bạn có ý định giữ cơ thể ở trạng thái cân đối, hãy tự vạch ra giới hạn tiêu thụ sữa đặc một cách khoa học nhất trước khi kim bàn cân nhảy số bất ngờ.

ĐỌC THÊM:

  • 10 tác hại khôn lường của việc uống cà phê quá độ & thiếu khoa học
  • Uống cafe khiến cơ thể nặng mùi và hôi miệng: Lý do & cách khắc phục?

Câu hỏi thường gặp về cà phê sữa

Uống cà phê sữa buổi sáng có tốt không?

Thực chất, không riêng gì cà phê sữa, uống cà phê vào buổi sáng nói chung không tốt như bạn nghĩ.

Phải thừa nhận tác dụng kích thích tỉnh táo của caffeine giúp bạn lập tức cảm thấy hứng khởi và dồi dào năng lượng khi mới ngủ dậy. Tuy nhiên, đi cùng với đó là nhiều tác động không tốt đến dạ dày và hormone tự nhiên trong cơ thể chúng ta. Thậm chí, uống cà phê khi bụng rỗng còn có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày.

Bạn có thể tham khảo bài viết này để hiểu rõ uống cà phê sáng có tốt không, và thời điểm nào trong ngày là lý tưởng nhất để uống cà phê.

Uống cà phê sữa nhiều có tốt không?

Nếu bạn không chủ động quan tâm đến tần suất và liều lượng, chắc chắn uống cà phê sữa nhiều sẽ không tốt.

Trước hết, nạp quá nhiều caffeine trong thời gian liên tục sẽ khiến cơ thể bạn gặp phải nhiều triệu chứng có hại như say cà phê, bồn chồn, mất ngủ, thậm chí khó thở hoặc ngộ độc. Ngoài ra, lượng sữa đặc trong cà phê sữa được tiêu thụ nhiều cũng sẽ khiến chế độ dinh dưỡng của bạn bị đảo lộn, gây thừa cân, có thể dẫn đến béo phì hoặc các vấn đề sức khỏe khác.

Do vậy, dù có “nghiện” đi chẳng nữa, hãy luôn tự kiểm soát thói quen uống cà phê sữa đúng cách và điều độ, tránh lạm dụng dẫn đến nhiều hậu quả khó lường.

Uống cà phê sữa có béo không?

Hạt cà phê nguyên chất chứa cực kỳ ít calo, thậm chí không đáng để bạn phải mất công đo đếm. Do vậy, phần lớn năng lượng sinh ra bởi một cốc cà phê sẽ đến từ các thành phần khác như đường, sữa…

Với công thức pha chế cà phê sữa, việc bạn có trở nên béo và mập hơn hay không sẽ tùy thuộc vào cách kiểm soát tỷ lệ nguyên liệu. Dĩ nhiên, một tâm hồn hảo ngọt luôn thích cho nhiều hẳn sẽ phải dè chừng rất nhiều nếu không muốn lên cân mất kiểm soát trong một thời gian ngắn.

Uống cà phê sữa có giảm cân không?

Thói quen uống cà phê sữa sẽ khiến bạn cực kỳ khó giảm cân, bởi nó chứa nhiều calo hơn mức cần thiết.

Như đã đề cập bên trên, lượng calo của cà phê sữa nạp vào cơ thể chủ yếu đến từ đường và sữa. Do đó, nếu bạn thực sự muốn giảm số đo cân nặng mà vẫn nhớ hương vị cà phê, câu trả lời duy nhất chỉ có thể là cà phê nguyên chất, không pha kèm bất kỳ phụ phẩm nào trong quá trình ủ và pha chế.

1 ly cà phê sữa bao nhiêu calo?

Nếu làm theo chính xác cách pha cà phê sữa đá đề cập với tỷ lệ nguyên liệu bên trên, một ly cà phê sữa sẽ chứa khoảng 90-100 calo.

Tuy nhiên, kết quả thực tế cho bài toán cafe sữa bao nhiêu calo sẽ dao động tùy công thức pha chế và điều chỉnh nguyên liệu theo sở thích mỗi người.

Đối với một ly cà phê sữa tươi như Latte, Mocha hay Capuchino, năng lượng cung cấp có thể lên tới 120-150 calo, do thành phần sữa pha cùng chiếm tỷ lệ khá lớn, chưa kể các nguyên liệu trang trí phụ khác như bột cacao, bọt kem sữa

Phụ nữ có bầu uống cà phê sữa có sao không?

Tác động tiêu cực của cà phê nói chung đối với phụ nữ có thai vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn nghiêng về bảo vệ quan điểm không nên uống cà phê khi đang có bầu.

Về cơ bản, cơ thể người mẹ sẽ không bị ảnh hưởng gì, nhưng thai nhi lại có thể gặp những rủi ro nhất định. Lượng caffeine được khuyến nghị cho các mẹ bầu là dưới 200mg/ngày.

Nói vậy chứ rất khó để biết chính xác tỷ lệ caffeine trong một cốc cà phê mà tránh đạt giới hạn 200mg. Hàm lượng caffeine thay đổi rất phức tạp tùy vào nhiều yếu tố – size cốc, chủng hạt, quá trình rang xay và pha chế – và không có công thức tính toán cố định. Ngoài ra, các đồ uống khác như trà, nước ngọt cũng chứa caffeine mà bạn không hay biết.

Nếu để mọi việc đi quá xa, các hậu quả có thể xảy ra sẽ bao gồm: sinh non, suy dinh dưỡng, thậm chí sảy thai hoặc thai chết lưu nếu caffeine được nạp vào quá nhiều.

Trên đây là toàn bộ những chia sẻ chi tiết về cà phê sữa, đặc điểm phân loại, tác dụng cũng như cách pha cà phê sữa ngon chuẩn hương vị truyền thống Việt Nam. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể tự sáng tạo và thay đổi theo sở thích cá nhân để làm ra một ly nâu đá mãn nguyện nhất.

Trên hết, nếu bạn có niềm đam mê được tự tay trải nghiệm cách pha chế những món cà phê thú vị và nổi tiếng, đừng bỏ qua chuyên mục công thức cafe của chúng mình nhé!

Từ khóa » Hình Cà Phê Sữa đá