Cách Phân Biệt Cao Hổ Cốt Thật Giả - Báo Sức Khỏe & Đời Sống

Theo dược học cổ truyền, cao hổ cốt vị mặn, tính ấm, vào được hai kinh can và thận; có công dụng bổ dương, trục phong hàn, trấn thống (giảm đau), làm mạnh gân cốt, trừ thấp; thường được dùng để chữa các chứng tê thấp, đau nhức gân xương, đi lại khó khăn, chân tay co quắp, thoái hóa xương khớp, suy nhược cơ thể...
Hổ - động vật quý hiếm cấm săn bắn.
Có thể nói, cao xương hổ có hai thế mạnh là: bổ dưỡng cơ thể và phòng chống các bệnh lý liên quan đến xương khớp như viêm đa khớp dạng thấp, thoái khớp gối, hư xương sụn cột sống cổ và cột sống thắt lưng, viêm cột sống dính khớp, viêm quanh khớp vai, viêm gân, gãy xương lâu liền, loãng xương...

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong thành phần hổ cốt có chứa collagen, mỡ, calcium phosphate, calcium carbonat, magiesium phosphat, trong đó collagen là hoạt chất chính; gelatin của hổ cốt chứa 17 amino-acid, lượng acid amin trong xương hổ cao gấp 900 các loại xương động vật khác và có tỷ lệ đạm toàn phần rất cao. Về tác dụng dược lý, hổ cốt có công dụng chống viêm, giảm đau, an thần và làm lành nhanh xương gãy.

Cách phân biệt thật giả

Thực ra, với mắt thường rất khó phân biệt đâu là cao hổ thật và đâu là cao hổ giả. Trong dân gian, người ta có một số cách thử như: nếu là cao hổ thật thì ngọn cỏ tươi cắm trên mặt cao phải héo úa, chó ngửi thấy phải bỏ chạy hoặc cho chó tiếp xúc với bộ xương hổ chó sẽ rên hư hử và rúm ró toàn thân, người uống cao sẽ cảm thấy một luồng khí nóng chạy khắp cơ thể. Tuy nhiên những cách thử này xem ra cũng thiếu căn cứ khoa học.

Chất lượng cao hổ cốt

Nấu cao hổ cốt tốt nhất phải có 5 bộ xương hổ và cứ 1kg xương đã chế biến theo đúng quy chuẩn sẽ nấu được hơn 200g cao. Để cho cao hổ thêm mạnh và “dẫn” nhanh người ta thường pha thêm xương sơn dương với tỷ lệ 5 hổ 1 sơn dương. Cũng vì vậy mà có câu “phi sơn dương bất thành hổ cốt”. Bộ xương hổ để nấu cao, tốt nhất là phải nặng trên 10kg, nếu được từ 15kg trở lên thì tuyệt vời và đặc biệt là phải đầy đủ, không được thiếu mảnh xương nào và cũng không được lẫn các loại xương khác, trong đó không thể thiếu xương chân trước và xương bánh chè.

Cao hổ cốt rởm

Vì cao hổ cốt là một trong những chế phẩm đông dược quý hiếm và rất đắt tiền nên kẻ xấu thường tìm mọi phương cách chế ra cao hổ cốt “rởm” để trục lợi. Những thủ đoạn thường được dùng là:

- “Treo đầu dê bán thịt chó”, nghĩa là dùng các loại cao xương động vật khác như trâu, bò, lợn, gà... mạo danh là cao hổ cốt để bán với giá tương đương. “Nhân đạo” hơn một chút, kẻ xấu có thể sử dụng xương hổ thật để nấu lẫn nhưng với tỷ lệ không đáng là bao.

- Dùng các kỹ xảo tinh vi phù phép, đánh bóng, gọt giũa tạo ra những bộ xương hổ “rởm” từ các loại xương động vật khác để lừa bán trục lợi. Xương gấu thường được sử dụng nhiều nhất vì khá giống xương hổ, rẻ tiền hơn và lại dễ chế tác. Thậm chí với công nghệ lăng xê, nối, cạo, mài, khoan... kẻ xấu còn dùng cả xương lợn, xương trâu, xương bò, xương chó... để tạo ra hổ cốt “rởm” mà nom như thật!

- Dùng trò ảo thuật để “mông má” một số động vật thành “hổ tươi nguyên con, ướp lạnh”. Ví như, kẻ xấu thường tìm mua giống chó hung dữ và có vóc dáng to lớn, nặng từ 50-60kg, thậm chí có con nặng tới 100kg, mõm ngắn, đầu tròn, bộ mặt ngắn tũn và nhăn nhúm rồi nhuộm lông, uốn xương, tạo dáng, ướp lạnh... sao cho có hình hài trông giống như hổ thật. Hiện nay, tại Thái Lan cũng đã xuất hiện công nghệ “cải chó thành hùm” nhằm đáp ứng phong trào nấu cao hổ rởm ở Việt Nam.

- Trộn một số thuốc Tây vào cao xương hổ để tạo ra cảm giác “hiệu nghiệm” tức thì nhằm tạo niềm tin cho khách hàng và khiến họ sẵn lòng bỏ tiền ra mua. Ví như, kẻ xấu thường trộn vào cao hổ cốt các thuốc có tác dụng chống viêm, giảm đau mạnh để lừa những người đang bị hành hạ bởi chứng đau khớp.

- Dùng bột xương hoặc các loại cao thực vật trộn lẫn với cao hổ cốt để tạo ra những miếng cao có màu sắc hấp dẫn, mềm quánh và có tỷ trọng lớn hơn cao hổ thật!

Kiêng kỵ

Nhìn chung, phạm vi sử dụng của cao hổ cốt tương đối rộng rãi. Tuy nhiên, theo y học cổ truyền, loại cao này có tính nóng và trợ dương khá mạnh nên những người có thể chất hoặc bị mắc các chứng bệnh thuộc thể âm hư hỏa vượng biểu hiện bằng các triệu chứng người gầy, hay có cảm giác nóng trong hoặc sốt về chiều, hay có cơn bốc hỏa, đầu choáng mắt hoa, tai ù tai điếc, lòng bàn tay và bàn chân nóng, trong ngực rạo rực không yên, hai gò má đỏ, môi khô miệng khát, đổ mồ hôi trộm, đại tiện táo kết, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ, không hoặc ít có rêu lưỡi... thì không được dùng. Những người bị tăng huyết áp cũng cấm chỉ định dùng cao xương hổ.

ThS. Hoàng Khánh Toàn

Từ khóa » Cao Hổ Cốt Là Gì