Cách Phân Biệt Dị ứng Cà Phê Với Cảm Giác Khó Chịu Do Say Cà Phê

Người dị ứng cà phê sẽ có phản ứng bất lợi khi tiếp xúc với hạt cà phê hoặc dung nạp thức uống có nguyên liệu này vào cơ thể. Song song đó, đối với người không dị ứng, tình trạng nhạy cảm với caffeine (say cà phê) hoặc uống nhiều cà phê cũng gây ra những triệu chứng khó chịu như mất ngủ, tim đập nhanh, bồn chồn, lo lắng…

Dị ứng với cà phê, say cà phê là những trường hợp thường dễ gây nhầm lẫn. Vì vậy, nếu bạn chưa thể phân biệt được dị ứng với cà phê có gì khác so với triệu chứng say cà phê hoặc khó chịu do uống nhiều cà phê thì đừng bỏ qua bài viết sau đây. Sau khi tìm hiểu thông tin, bạn nên đến bệnh viện làm một số kiểm tra cần thiết nếu nghi ngờ mình có nguy cơ dị ứng với loại đồ uống này nhé!

Cơ chế gây ra dị ứng cà phê

Dị ứng cà phê là một trong những loại dị ứng hiếm gặp. Cơ chế gây ra dị ứng là do hệ miễn dịch phản ứng mạnh mẽ với bụi cà phê hoặc các hợp chất có trong cà phê. Như vậy, có hai trường hợp dị ứng chủ yếu bao gồm:

  • Đối với những người thu hoạch và sản xuất cà phê, họ thường có nguy cơ dị ứng với bụi từ hạt cà phê.
  • Đối với người uống cà phê, dị ứng bộc phát do hệ miễn dịch nhầm lẫn các hợp chất trong cà phê là tác nhân có hại nên giải phóng histamin để chống lại. Từ đó gây ra các triệu chứng dị ứng nguy hiểm.

Các triệu chứng của dị ứng cà phê

Dị ứng với cà phê đen

Người bị dị ứng cà phê hay dị ứng caffeine sẽ có những triệu chứng nào, dị ứng cà phê có nguy hiểm không? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây!

Trên thực tế, cà phê là thức uống an toàn với hầu hết mọi người. Thế nhưng, nếu bạn dị ứng với cà phê, các triệu chứng sẽ xảy ra rất nhanh trong vòng vài giờ sau khi cơ thể dung nạp thức uống này. Theo thời gian, các triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị kịp thời, bao gồm:

  • Phát ban, nổi các đốm đỏ trên da
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Khó nuốt
  • Thở khò khè, thở gấp hoặc khó thở
  • Co thắt bụng hoặc đau bụng
  • Tiêu chảy
  • Da nhợt nhạt
  • Mạch yếu, huyết áp đột ngột giảm
  • Chóng mặt hoặc nghiêm trọng hơn là mất ý thức.

Phản ứng nghiêm trọng nhất trong mọi trường hợp dị ứng nói chung và dị ứng với cà phê nói riêng là tình trạng sốc phản vệ. Nếu không được cấp cứu kịp thời, sốc phản vệ có thể gây tắc nghẽn đường thở do phản ứng dị ứng làm phù nề thanh môn và hạ họng (sưng cổ họng và miệng, chặn đường thở), làm rối loạn nhịp tim và tụt huyết áp đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Vì vậy, cách tốt nhất khi phát hiện các triệu chứng dị ứng thức ăn hoặc đồ uống thì người bệnh nên được nhập viện ngay lập tức.

Các triệu chứng khó chịu do bạn nhạy cảm hoặc uống quá nhiều cà phê

triệu chứng say cà phê

Biểu hiện của dị ứng cà phê thường khiến chúng ta nhầm lẫn với các triệu chứng do say cà phê hoặc dung nạp quá nhiều caffeine trong một ngày. Thế nhưng, về cơ chế thì dị ứng xảy ra ở người là do phản ứng của hệ miễn dịch đối với các chất có trong thực phẩm hoặc đồ uống nào đó.

Vì vậy, khi bạn cảm thấy khó chịu do nhạy cảm với caffeine hoặc uống quá nhiều cà phê thì điều này không đồng nghĩa với việc bạn dị ứng với cà phê.

Tình trạng nhạy cảm với caffeine (say cà phê) xảy ra khi bạn chỉ dung nạp một chút cà phê nhưng cơ thể lại phản ứng mạnh mẽ để xử lý và “chống” lại caffeine. Từ đó gây ra một số triệu chứng như cảm giác bồn chồn, khó chịu, tim đập nhanh, hồi hộp, lo lắng, mất ngủ, đau bụng…

Đối với trường hợp bạn uống cà phê vượt quá mức khuyến nghị là 400mg caffeine/ngày, tương đương với 4 cốc cà phê nhỏ, thì cơ thể cũng có những phản ứng không tốt. Các triệu chứng sẽ khá giống trường hợp say cà phê nhưng thêm vào đó là những biểu hiện đáng lo ngại như:

  • Tức ngực, khó thở
  • Tim đập nhanh
  • Tê ở tứ chi
  • Đau cơ
  • Đau đầu hoặc đau nửa đầu
  • Đổ mồ hôi lạnh
  • Ảo giác
  • Các triệu chứng giống như cúm
  • Cảm xúc bất ổn, dễ cáu gắt, lo lắng hoặc hoảng sợ.

Nhìn chung, các triệu chứng của dị ứng cà phê thường nghiêm trọng hơn so với tình trạng nhạy cảm với caffeine hoặc uống quá nhiều cà phê. Sự khác biệt đó là dị ứng với cà phê thường thể hiện chủ yếu qua làn da và không làm thay đổi cảm xúc của bạn. Trong khi đó, việc say cà phê hoặc dung nạp quá nhiều caffeine có thể gây ra những cảm xúc bất ổn khiến bạn bồn chồn, hồi hộp, lo lắng, tim đập nhanh…

Bạn nên làm gì khi nhạy cảm với caffeine?

Dị ứng cà phê là tình trạng rất hiếm gặp nhưng vấn đề nhạy cảm với caffeine hoặc nghiện cà phê lại vô cùng phổ biến. Mặc dù cà phê là thức uống an toàn nhưng việc dung nạp quá nhiều caffeine thật sự không tốt cho sức khỏe của bạn. Vì vậy, dù thế nào thì bạn cũng nên cắt giảm lượng caffeine hoặc thay thế cà phê bằng những thức uống ít caffeine hơn.

Đồ uống thay thế cà phê bạn nên thử nếu nhạy cảm với caffeine

bạc sỉu thay thế cà phê

  • Bạc xỉu (cà phê trắng) là thức uống nhẹ nhàng cho những người yêu cà phê nhưng lại nhạy cảm với caffeine.
  • Các loại trà thảo mộc như trà xanh, trà hoa hồng… với hàm lượng caffeine thấp không gây hại đến sức khỏe nhưng vẫn giúp bạn tỉnh táo làm việc.
  • Trà Rooibos (hồng trà Nam Phi) không chứa caffeine và có hương vị đậm đà hấp dẫn.
  • Trà gạo rang có nguồn gốc từ Nhật Bản có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như chống oxy hóa, ổn định huyết áp, tốt cho tim mạch…
  • Nước chanh pha mật ong giúp thải độc. Đây là thức uống vừa tốt cho sức khỏe vừa có công dụng làm đẹp mà bạn nên dùng để thay thế cà phê.

Thức uống và thực phẩm bạn nên tránh nếu dị ứng với caffeine

Khi bị dị ứng cà phê kiêng gì? Dị ứng cà phê nghĩa là cơ thể bạn dị ứng với một trong những hợp chất có trong thức uống này, đặc biệt là caffeine. Nếu không may dị ứng với caffeine thì bạn nên tránh những đồ uống và thực phẩm sau nhé:

  • Các loại cà phê
  • Trà đen và trà xanh
  • Nước ngọt
  • Nước tăng lực
  • Chocolate, kem và sữa chua chứa caffeine
  • Đồ ăn nhẹ, kẹo cao su có chứa caffeine
  • Thuốc không kê đơn chứa caffeine.

Bạn có thể xem chi tiết danh sách đồ uống, đồ ăn vặt và thuốc chứa caffeine tại đây.

Vì tình trạng dị ứng với cà phê rất ít khi xảy ra nên bạn không cần quá lo lắng đến việc phải từ bỏ thức uống yêu thích. Tuy nhiên, hãy lưu ý đến vấn đề nhạy cảm với caffeine (say cà phê) và tránh việc dung nạp caffeine quá mức cho phép để bảo vệ sức khỏe tốt hơn nhé!

[embed-health-tool-bmr]

Từ khóa » Dị ứng Khi Uống Cafe