Cách Phân Biệt Nhựa Có Thể Tái Chế - V Blog

Biểu tượng tam giác gồm 3 mũi tên đuổi theo nhau mà bạn thường nhìn thấy trên các hộp và sản phẩm bằng nhựa không có nghĩa là sản phẩm đó có thể tái chế được. Con số nhỏ nằm bên trong của tam giác đó mới chính là thứ cho  biết loại nhựa đó có thể tái chế được hay không.

Bảng phân loại các loại nhựa

Hiểu được 7 loại mã nhựa này sẽ giúp bạn chọn được đúng loại nhựa và bạn sẽ biết được rằng nhựa nào có thể tái chế được. Lấy ví dụ, nếu chai nước in mã 3 hoặc 5 thì sẽ không tái chế được. Số 3 thể hiện là chai nước được làm từ nhựa PVC, còn số 5 thể hiện là làm từ nhựa PP, đa phần các trung tâm tái chế hiện nay không chấp nhận hai loại nguyên liệu này.

SỐ 1: NHỰA PETE

Sản phẩm làm từ nhựa PETE

Nhựa PETE hay còn gọi là PET, có tên đầy đủ là Polyethylene Terephthalate. Nhựa PET là một trong những loại nhựa dùng phổ biến nhất trong các sản phẩm tiêu dùng, và được dùng nhiều nhất trong các chai nước khoáng hoặc chai nước ngọt có ga. Nó thường chỉ được dùng 1 lần, nếu dùng lại sẽ làm tăng nguy cơ rò rỉ và phát triển của vi khuẩn. Nhựa PET khó khử trùng, và để làm sạch đúng cách thì đòi hỏi phải sử dụng những hoá chất có hại.

Nhựa PET có thể tái chế được. Khi tái chế, nhựa sẽ được ép và băm thành những hạt nhỏ, và những hạt này sẽ được xử lý lại để tạo thành những chai nhựa mới, hoặc kéo thành những sợi Polyester. Loại sợi nhựa tái chế này có thể được dùng để làm quần áo, thảm, áo cứu hộ…

Sản phẩm làm từ nhựa PET chỉ nên được tái chế chứ không nên được sử dụng lại.

SỐ 2: NHỰA HDPE

Sản phẩm làm từ nhựa HDPE

Nhựa HPDE (Polyethylene tỷ trọng cao) là nhựa cứng dùng để làm hộp sữa, chai dầu và chất tẩy, đồ chơi và một số loại túi nhựa. HPDE là loại nhựa tái chế phổ biến nhất và được xem như là dạng an toàn nhất của nhựa. Nó cũng khá đơn giản và tốn ít chi phí để tái chế nhựa HPDE để có thể dùng lại được.

Nhựa HPDE rất cứng, chịu được mài mòn tốt và không bị giòn khi phơi dưới ánh nắng ngoài trời hoặc để ngoài trời lạnh. Vì lý do này, HPDE được dùng để làm bàn ghế nhựa, ống nước, thùng rác, ghế dài ngoài công viên và các sản phẩm yêu cầu độ bền, và chịu được thời tiết.

Các sản phẩm từ nhựa HPDE đều có thể được dùng lại và tái chế.

SỐ 3: NHỰA PVC

Sản phẩm làm từ nhựa PVC

Nhựa PVC (Polyvinyl Chloride) là loại nhựa mềm, linh hoạt, thường được dùng làm màng bọc thực phẩm, chai dầu ăn, đồ chơi cho trẻ con và vật nuôi, xốp bọt khí bảo vệ hàng. Nó cũng thường được dùng để làm vỏ ngoài của dây điện, dây mạng, ống nhựa và các vật tư để lắp đường ống nước. Do PVC là vật liệu chịu được ánh nắng mặt trời và thời tiết nên nó cũng thường được dùng để làm khung cửa sổ, giàn mắt cáo…

PVC bị gọi là “nhựa độc hại” vì nó bao gồm một số chất độc có thể rò rỉ trong suốt quá trình tồn tại của nó. Hầu như tất cả các sản phẩm làm từ nhựa PVC đỏi hỏi phải làm từ nhựa mới, chỉ có khoảng dưới 1% vật liệu PVC là được tái chế lại.

Những sản phẩm làm từ nhựa PVC không tái chế được.  Một số sản phẩm PVC có thể dùng lại được, tuy nhiên những sản phẩm PVC dùng cho trẻ con hay đựng thực phẩm thì bạn không nên tái sử dụng lại.

SỐ 4: NHỰA LDPE

Sản phẩm làm từ nhựa LDPE

Nhựa LDPE (Polyethylene tỷ trọng thấp) thường dùng làm màng bọc co, chai lọ có thể bóp được (vịt dầu…),  và một số loại túi nhựa dùng để gói bánh. Túi nhựa tạp hoá được dùng nhiều nhất trong các cửa hàng ngày nay là được làm từ nhựa LDPE. Một vài loại quần áo và đồ gia dụng cũng được làm từ loại nhựa này.

Nhựa LDPE ít độc hại hơn các loại nhựa khác, và tương đối an toàn khi dùng. Nó không thường được tái chế lại, tuy nhiên cộng đồng ngày nay cũng đang nỗ lực đưa ra các chương trình để tái chế loại vật liệu này. Khi tái chế, nhựa LDPE được dùng để làm sàn nhựa, bảng, gạch lát sàn. Những sản phẩm làm từ nhựa tái chế LDPE không cứng vững như những sản phẩm làm từ nhựa HDPE.

Những sản phẩm làm từ nhựa LDPE sử dụng lại được nhưng không phải lúc nào cũng tái chế được.

SỐ 5: NHỰA PP

Sản phẩm làm từ nhựa PP

Nhựa PP (Polypropylene) là loại nhựa bền và nhẹ, ngoài ra nó có khả năng kháng nhiệt tuyệt vời. Nó thường được dùng để làm vỏ bảo vệ chống hơi nước, dầu mỡ và hoá chất. Khi bạn mở một túi nhựa trong hộp ngũ cốc, thì nhiều khả năng đó là nhựa PP, chính nhựa PP giữ cho ngũ cốc của bạn được khô và tươi mới. PP cũng thường dùng để làm bỉm, nắp chai nhựa, hộp đựng bơ hoặc sữa chua, túi khoai tây chip, dây và băng gói đồ.

Nhựa PP an toàn khi sử dụng lại và có thể được tái chế nhưng chỉ khoảng 3% nhựa PP ngày nay được tái chế. Nhựa tái chế PP được dùng làm vỏ pin, chổi nhựa, hộp, khay…

SỐ 6: NHỰA PS

Sản phẩm làm từ nhựa PS

Nhựa PS (Polystyrene) là loại nhựa rẻ, nhẹ và dễ để tạo hình. Nó thường được dùng để làm cốc nhựa, khay đựng đồ ăn, khay đựng trứng,  xốp mềm bọc bảo vệ sản phẩm. PS cũng được sử dụng rộng rãi để làm lớp cách nhiệt bằng bọt cứng và tấm lót cho sàn gỗ trong việc xây dựng nhà cửa.

Bởi vì nhựa PS có cấu trúc yếu và cực nhẹ, nên nó rất dễ vỡ và bị phát tán trong môi trường tự nhiên.  Khi các loài sinh vật ăn phải loại nhựa này thì sức khỏe của chúng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Nhựa PS có thể tiết ra chất styrene, một chất có thể gây ung thư, vào thức ăn (đặc biệt là khi đun nóng trong lò vi sóng). Hóa chất có trong nhựa PS có liên quan đến việc rối loạn chức năng sinh sản và sức khỏe con người.

Việc tái chế không được áp dụng rộng rãi cho các sản phẩm polystyrene. Hầu hết các dịch vụ tái chế rác sẽ không chấp nhận polystyrene, đó là lý do tại sao vật liệu này chiếm khoảng 35% lượng rác của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhận thức của người tiêu dùng ngày càng phát triển và PS đang được tái sử dụng thường xuyên hơn.

Bạn nên tránh sử dụng nhựa PS khi có thể.

SỐ 7: CÁC LOẠI NHỰA KHÁC

Sản phẩm làm từ nhựa các loại nhựa khác

Danh mục số 7 bao gồm tất cả nhựa polycarbonate (PC) và các loại nhựa khác, vì vậy các phương thức tái sử dụng và tái chế không được tiêu chuẩn hóa trong danh mục này. Tuy nhiên, vấn đề chính với các loại nhựa số 7 là có khả năng tiết hóa chất vào các sản phẩm thực phẩm hoặc đồ uống được đóng gói trong các thùng polycarbonate chế tạo bằng BPA (Bisphenol A). BPA là một chất gây rối loạn nội tiết đã được biết đến.

Nhựa số 7 thường được sử dụng để làm cho chai em bé, chai nước mát và phụ tùng xe hơi. BPA được tìm thấy trong hộp đựng thức ăn làm bằng nhựa polycarbonate thường được đánh dấu ở phía dưới cùng với các chữ cái “PC” và nhãn tái chế #7. Một số chai nước polycarbonate được quảng cáo là “không độc hại”, tuy nhiên vẫn có khả năng lượng BPA sẽ tiết ra từ các thùng chứa này, đặc biệt nếu chúng được sử dụng để làm nóng chất lỏng hoặc đựng chất đồ nóng.

Một thế hệ mới của nhựa có thể phân huỷ, được làm từ các polyme sinh học như tinh bột ngô, đang được phát triển để thay thế nhựa polycarbonate. Chúng cũng nằm trong danh mục nhựa số 7, điều này có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Những loại nhựa có thể phân hủy này sẽ có chữ cái “PLA” ở phía dưới gần biểu tượng tái chế.

Nhựa số 7 không thể tái sử dụng, trừ khi chúng có ghi mã có thể phân huỷ PLA. Tốt nhất là bạn nên tránh nhựa số 7, đặc biệt là khi có liên quan tới thức ăn của trẻ em. Nhựa có nhãn tái chế số 1, số 2 và số 4 ở dưới cùng là các lựa chọn an toàn hơn và không chứa BPA. Nhựa được mã hóa PLA nên được bỏ vào thùng ủ và không phải thùng tái chế vì nhựa PLA không thể tái chế được.

Ngành công nghiệp nhựa đã phải tuân thủ các quy định bằng cách áp dụng các mã này cho các sản phẩm tiêu dùng, nhưng nó tùy thuộc vào bạn để đọc và hiểu mã. Bằng cách hiểu các phân loại đơn giản này, bạn có thể sử dụng loại nhựa có lợi nhất cho sức khoẻ của mình.

(nguồn Eartheasy)

Từ khóa » Các Loại Nhựa Tái Chế