Cách Sơ Cứu Gãy Xương đúng Kỹ Thuật: Lưu ý Khi Thực Hiện Các Bước

Nếu không thực hiện sơ cứu gãy xương sớm và đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời, nạn nhân có thể đối diện với biến chứng nguy hiểm; thậm chí di chứng, tử vong.

so cuu gay xuong

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), té ngã là nguyên nhân hàng đầu gây thương tích ở người lớn tuổi. Ước tính mỗi năm, cứ 4 người trên 65 tuổi thì có hơn một người bị té ngã, nhiều trường hợp bị té ngã nhiều lần. Khoảng 1/5 trong số những vụ té ngã đó dẫn đến gãy xương, nứt xương hoặc chấn thương đầu. Gãy xương hông có thể làm tăng nguy cơ tử vong lên tới 25% trong một năm sau đó. (1)

Trong số những người còn sống sau tai nạn, gãy xương có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nếu một người lớn tuổi còn di chuyển được trước khi bị gãy xương, họ có thể cần đến gậy hoặc khung đỡ sau khi gãy xương. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, một số người cao tuổi có thể gặp khó khăn trong việc hồi phục khả năng vận động.

Triệu chứng người bị gãy xương cần sơ cứu ngay

Gãy xương có thể chia thành 2 dạng: Gãy xương bệnh lý và gãy do căng thẳng. (2)

banner tâm anh quận 7 content
  • Gãy do bệnh lý là gãy xương ở nơi xương có bệnh từ trước, xương gãy do một lực nhẹ mà xương lành không bị gãy. Nguyên nhân do bệnh loãng xương ở tuổi già, gãy trên một xương có cổ di căn từ một khối u ác tính nơi khác, đôi khi bị gãy do ung thư xương tại ổ gãy có một bệnh từ trước như u nang xương ở thiếu nhi.
  • Gãy do căng thẳng là gãy do các lực tác động tái diễn, khi luyện tập căng thẳng như tập ném vật nặng, nghệ sĩ múa ba lê (gãy xương đốt bàn 5), vận động viên thể thao (xương bị gãy khi cơ bị quá mỏi và mất chức năng),…

Gãy xương cũng được phân loại theo cơ chế thương tổn, bao gồm:

  • Gãy xương kín (hay gãy xương đơn giản) là tình trạng xương gãy nhưng không tạo ra vết thương hở trên da. (3)
  • Gãy hở (hay gãy xương hỗn hợp) xảy ra khi xương bị gãy xuyên qua da, tạo thành vết thương hở.
  • Gãy xương hoàn toàn là tình trạng xương bị gãy/nghiền thành 2 hay nhiều mảnh.
  • Gãy xương không hoàn toàn, xương chỉ bị tổn thương một phần mà không mất hoàn toàn tính liên tục.

Cùng với kiến thức phân loại gãy xương, thực hiện các bước sơ cứu gãy xương đúng kỹ thuật cũng giúp giảm thương tổn cho nạn nhân. Theo đó, những biểu hiện cho thấy nạn nhân cần được áp dụng nhanh chóng kỹ thuật sơ cứu gãy xương và dịch vụ y tế khẩn cấp, bao gồm:

  • Nạn nhân không phản ứng, không thở hoặc không cử động. Thực hiện hô hấp nhân tạo nếu không thấy nhịp thở hoặc nhịp tim của nạn nhân.
  • Nạn nhân bị chảy máu nhiều.
  • Xuất hiện tình trạng chi bị ngắn lại, gập góc, xoắn vặn hoặc khớp biến dạng; ngón chân/ ngón tay bị tê hoặc hơi xanh tím ở đầu chi.
  • Xương xuyên thủng qua da.
  • Nghi ngờ tình trạng gãy xương cổ, đầu hoặc lưng.
  • Nạn nhân cảm thấy hoặc nghe thấy tiếng kêu “rắc” của xương gãy.
  • Cảm giác đau ở vị trí chấn thương hoặc xung quanh, mức độ đau tăng thêm khi cử động hay khi có một lực tác động nhẹ lên vị trí chấn thương.
  • Giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng vận động của xương gãy.
  • Biểu hiện sưng phù, bầm tím ở vị trí chấn thương.
  • Có thể xuất hiện triệu chứng của sốc, thường xảy ra trong các trường hợp gãy xương hở, gãy xương chậu, xương đùi và đa chấn thương.

Mục đích sơ cứu khi bị gãy xương

Từ những biểu hiện trên, mục đích của việc sơ cứu gãy xương là cố định vị trí xương gãy, giảm sốc, giảm đau,… và hạn chế phát sinh thêm những tổn thương cho nạn nhân trong lúc chờ được tiếp cận dịch vụ y tế khẩn cấp.

Các bước sơ cứu gãy xương

Một lưu ý quan trọng, không nên di chuyển nạn nhân trừ trường hợp cần thiết để tránh tổn thương thêm nặng. Thực hiện phương pháp sơ cứu khi bị gãy xương ngay lập tức theo các bước sau:

  • Cầm máu. Băng ép vết thương bằng băng vô trùng, vải hay quần áo sạch.
  • Bất động vùng bị thương. Không nên cố nắn xương hoặc đẩy xương ra phía sau. Nếu đã được đào tạo về cách nẹp khi chưa tiếp cận dịch vụ y tế chuyên nghiệp, người sơ cứu nên áp nẹp vào mặt trên và dưới vị trí gãy xương. Độn nẹp có thể giúp giảm bớt sự khó chịu cho nạn nhân.
  • Chườm đá để hạn chế sưng tấy và giúp giảm đau. Lưu ý, không chườm đá trực tiếp lên vùng bị thương mà lấy khăn, vải,… bọc đá lại rồi mới chườm.
  • Điều trị sốc. Nếu nạn nhân rơi vào trạng thái ngất xỉu hoặc thở gấp, khó thở, hãy đặt nạn nhân xuống mặt phẳng, đầu thấp hơn thân và nâng cao chân nếu có thể.

Sơ cứu gãy xương tay

ky thuat so cuu gay xuong
Dùng nẹp cố định xương bị gãy

Sơ cứu gãy xương cẳng tay

Xương cẳng tay được tính từ 2cm dưới nếp khuỷu đến 5cm trên nếp cổ tay. Thực hiện sơ cứu gãy xương cẳng tay bằng cách:

  • Bước 1: Cố định cẳng tay bị gãy vào sát thân người, cẳng tay vuông góc cánh tay, lòng bàn tay ngửa.
  • Bước 2: Chuẩn bị 2 nẹp, 1 nẹp đặt phía trong cẳng tay (từ lòng bàn tay đến nếp khuỷu tay), nẹp kia đặt phía ngoài cẳng tay (từ đầu các ngón tay đến quá khuỷu tay).
  • Bước 3: Dùng garo buộc cố định nẹp bàn tay, thân cẳng tay (trên, dưới ổ gãy). Dùng khăn tam giác đỡ cẳng tay treo trước ngực.

Sơ cứu gãy xương cánh tay

Xương cánh tay nằm giữa hai khớp: Khớp vai và khớp khuỷu tay. banner subs ctch content

  • Bước 1: Tương tự bước sơ cứu gãy xương cẳng tay, phần cánh tay bị gãy cần để sát thân người, cẳng tay vuông góc với cánh tay (tư thế co).
  • Bước 2: Dùng 2 nẹp, 1 nẹp đặt phía trong từ hố nách tới quá khuỷu tay, nẹp kia đặt phía ngoài từ bả vai đến quá khớp khuỷu.
  • Bước 3: Dùng garo rộng bản buộc cố định nẹp ở hai vị trí phía trên và dưới ổ gãy.
  • Bước 4: Dùng khăn tam giác đỡ cẳng tay trước ngực, vuông góc với cánh tay, bàn tay cao hơn khuỷu tay và để ngửa.
  • Bước 5: Dùng garo rộng bản băng ép cánh tay vào thân mình. Thắt nút phía trước nách bên không bị chấn thương.

Sơ cứu gãy xương chân

Lưu ý chung khi thực hiện quy trình sơ cứu gãy xương đùi và gãy xương cẳng chân: buộc chắc chắn 2 nẹp nhưng không quá chặt để không ngăn cản quá trình lưu thông máu.

Sơ cứu gãy xương đùi

  • Bước 1: Đặt nạn nhân nằm trên mặt phẳng, chân duỗi thẳng, bàn chân vuông góc với cẳng chân.
  • Bước 2: Dùng hai nẹp, 1 nẹp đặt ở mặt trong (từ bẹn đến quá gót chân) và 1 nẹp đặt ở mặt ngoài (từ hố nách đến quá gót chân). Độn bông vào hai đầu nẹp và mấu lồi của các đầu xương cả bên trong và bên ngoài.
  • Bước 3: Buộc cố định hai nẹp ở các vị trí trên và dưới ổ gãy, dưới khớp gối, ngang mào chậu (gờ trên cùng của xương chậu), ngang ngực.
  • Bước 4: Băng số 8 để giữ bàn chân vuông góc với cẳng chân
  • Bước 5: Buộc 3 dây ở các vị trí cổ chân, gối và sát bẹn để cố định chân

Sơ cứu gãy xương cẳng chân

Xương cẳng chân bao gồm xương chày và xương mác. Trong đó, xương chày có kích thước lớn hơn, đảm nhiệm chức năng chịu lực tỳ nén của cơ thể. Các bước sơ cứu gãy xương cẳng chân bao gồm:

  • Bước 1: Tương tự sơ cứu gãy xương đùi.
  • Bước 2: Dùng hai nẹp đặt ở mặt trong (từ bẹn đến quá gót chân) và ngoài (từ mào chậu đến quá gót chân) của chân gãy. Độn bông vào hai đầu nẹp; phía trong, ngoài của các đầu xương.
  • Bước 3: Buộc cố định hai nẹp ở các vị trí trên và dưới vùng gãy (trên khớp gối khoảng 3 – 5cm).
  • Bước 4: Băng số 8 ở cổ chân để cố định bàn chân vuông góc với cẳng chân.

Sơ cứu gãy xương cột sống

so cuu khi bi gay xuong
Gãy xương vùng cổ là chấn thương nghiêm trọng cần nhanh chóng tiến hành sơ cấp cứu

Gãy xương cột sống vùng cổ

Nạn nhân bị gãy xương cột sống vùng cổ cần được đưa đi cấp cứu bằng xe cứu thương nhằm đảm bảo cố định vùng cổ. Không di chuyển nạn nhân bằng xe máy, tránh làm nặng tình trạng chấn thương.

  • Bước 1: Đặt nạn nhân nằm ngửa trên mặt phẳng, tay chân duỗi thẳng, cố định đầu và cổ nạn nhân để tránh chấn thương nặng hơn.
  • Bước 2: Nới lỏng trang phục trên người, cởi bỏ mũ, vòng cổ… trong thời gian chờ xe cứu thương.
  • Bước 3: Kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn (mạch đập, nhịp tim, nhịp thở…) để bác sĩ tiếp nhận, cấp cứu nhanh chóng hơn.
  • Bước 4: Dùng 2 bao cát hoặc gạch chèn hai bên tai để cổ nạn nhân giữ thẳng khi nằm để cố định cột sống cổ.
  • Bước 5: Nếu vết thương chảy máu, thực hiện cầm máu bằng băng ép hay quần áo sạch. Vết thương ở đầu, cần quấn băng quanh đầu để cầm máu. Lưu ý, giữ cố định đầu.

Gãy xương cột sống vùng lưng

Gãy xương cột sống lưng có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh hoặc để lại di chứng nếu không cấp cứu sớm hoặc sơ cứu không đúng cách. Các bước sơ cứu gãy xương cột sống bao gồm:

  • Đặt nạn nhân nằm thẳng trên một tấm ván cứng, chiều dài tấm ván tương ứng với chiều dài cơ thể. Trong lúc di chuyển hay nâng nạn nhân, giữ cố định cột sống, không làm gấp hoặc xoắn cột sống.
  • Khi đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế, cố định người nạn nhân vào cáng bằng cách buộc thân người và cố định cột sống cổ.
  • Cầm máu bên ngoài để xử trí ban đầu cho chấn thương gãy xương cột sống, đồng thời giảm đau chống sốc, tránh biến chứng nguy hiểm như mất máu gây sốc, liệt tứ chi do xương cột sống gãy chèn ép vào tủy.
  • Dùng thuốc giảm đau, thở oxy, truyền dịch tùy vào tình trạng của bệnh nhân.

Lưu ý khi sơ cứu gãy xương

Nguyên tắc sơ cứu khi gãy xương cần tuân thủ các lưu ý sau:

  • Khẩn cấp đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
  • Chiều dài nẹp dùng cố định xương gãy phải đủ dài để bất động chắc khớp trên và dưới ổ gãy.
  • Dây cố định nẹp phải buộc ở vị trí trên và dưới chỗ gãy, khớp trên và dưới chỗ gãy.
  • Không nên cố gắng cởi quần áo nạn nhân, nếu cần phải để lộ vết thương thì cắt theo đường chỉ. Trường hợp cần phải cởi quần áo thì cởi bên lành trước.
  • Không đặt trực tiếp nẹp vào da nạn nhân. Các mấu lồi đầu xương, vùng tỳ đè phải có lót bông rồi mới đặt nẹp.

Chăm sóc và hồi phục cho người bệnh gãy xương

Khác với liền sẹo diễn ra trong khoảng 7-10 ngày tại các vết thương phần mềm (da, cơ,…), nội tạng (ống tiêu hóa, gan,…), vết sẹo tồn tại vĩnh viễn. Quá trình liền xương sau gãy xương diễn ra trong những tháng đầu, sau đó chậm dần và tiếp diễn suốt đời. Song song là quá trình tạo cốt, hủy cốt diễn ra cùng lúc để bồi đắp những đoạn xương gãy liền lại.

Một số trường hợp gãy chân mức độ nhẹ cho phép người bệnh đi lại bình thường ngay sau đó. Các trường hợp gãy phức tạp và gãy xương đùi có thể cần một thời gian nghỉ ngơi, ăn uống tại giường, các hoạt động và cường độ cần thực hiện chậm rãi, từ từ theo hướng dẫn của bác sĩ. Tâm lý quá nôn nóng trở lại các hoạt động thường ngày có thể gây ảnh hưởng đến phần xương bị gãy, kéo dài thời gian hồi phục.

Trong tình huống khẩn cấp, bạn có thể liên hệ khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh thông tin chi tiết:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Sơ cứu gãy xương quan trọng nhất là hạn chế di chuyển nạn nhân, cần cố định nạn nhân và lập tức liên hệ dịch vụ y tế khẩn cấp. Do đó, bạn cần ghi nhớ số điện thoại cấp cứu của cơ sở y tế địa phương nơi gần nhất để có thể nhanh chóng tiếp cận dịch vụ này khi cần cấp cứu gãy xương hoặc các trường hợp khẩn cấp khác.

Từ khóa » Sốc Chấn Thương Y Hà Nội