Cách Sử Dụng Tủ Lạnh Trong Mùa Hè Hiệu Quả để Tiết Kiệm điện

Tủ lạnh là một trong những thiết bị tiêu tốn rất nhiều điện năng vì nó thường xuyên được sử dụng cả ngày lẫn đêm liên tục trong năm, đặc biệt là vào mùa hè. Do đó, nếu sử dụng tủ lạnh đúng cách vừa tiết kiệm được điện năng tiêu thụ vừa giữ cho tủ có tuổi thọ cao hơn. Ngược lại nếu mắc sai lầm trong sử dụng tủ lạnh vào mùa hè không những tốn điện mà còn khiến tủ lạnh nhanh hư hỏng.

Đặt tủ lạnh sát với vách, tường làm giảm hiệu suất làm lạnh

Nhiều gia đình hiện nay có xu hướng thiết kế khu vực tủ lạnh thường có tấm chắn bằng gỗ xung quanh, về mặt thẩm mỹ, khu vực để tủ sẽ đẹp hơn, tuy nhiên, đó lại là một mối “đe dọa” cho tuổi thọ và hiệu suất làm lạnh của tủ.

Thông thường, tủ lạnh được thiết kế dàn nóng (dàn ngưng tụ - hỗ trợ giải nhiệt, nếu giải nhiệt càng tốt thì tủ lạnh càng sâu và ngược lại) được bố trí tại các điểm mặt sườn tủ hoặc mặt sau của tủ.

Do đó, nếu để tủ trong không gian hẹp, sát vách tường có thể dẫn đến hiện tượng khó giải nhiệt cho dàn nóng. Về lâu dài, điều này làm cho khoang lạnh của tủ sẽ kém lạnh hơn, tủ bắt buộc phải hoạt động lâu hơn để đạt được ngưỡng nhiệt độ mong muốn.

Theo khuyến cáo từ nhà suản xuất, vị trí đặt tủ cần thông thoáng, khô ráo, các mặt của tủ lạnh cần cách bề mặt xung quanh tối thiểu 20cm.

Sai lầm trong sử dụng tủ lạnh vào mùa hè gây tốn điện, hư hỏng nhanh. Ảnh minh họa

Để tủ lạnh gần các nguồn nhiệt nóng

Tương tự với việc để tủ lạnh sát các vách/kệ, việc để tủ lạnh gần với các nguồn nhiệt gây nóng cũng gây ra tình trạng tủ lạnh tiêu hao điện năng nhiều hơn.

Cụ thể, khi để gần nguồn nhiệt gây nóng như bếp gas, bếp lò, lò vi sóng… sẽ khiến cho tủ lạnh hoạt động kém hơn do liên quan đến việc giải nhiệt của dàn nóng, lâu dần dẫn đến hiệu suất làm lạnh giảm đi.

Để đồ ăn còn nóng cho vào tủ lạnh

Nhiều người có thói quen muốn làm nguội đồ ăn nhanh chóng thường để đồ ăn vào trong tủ lạnh, điều này sẽ khiến cho nhiệt độ trong khoang tủ tăng lên và khi đó tủ lạnh sẽ cần phải hoạt động với công suất cao hơn hoặc thời gian hoạt động sẽ tăng lên. Từ đó dẫn đến tủ lạnh sẽ tiêu hao điện năng nhiều hơn so với bình thường.

Để quá nhiều đồ ăn trong tủ lạnh

Để nhiều đồ ăn trong tủ lạnh sẽ dẫn đến việc lưu thông luồng không khí lạnh trong tủ sẽ bị giảm đi, cũng như thực phẩm được để phía giữa sẽ không tiếp xúc được với không khí lạnh, khiến thực phẩm được làm lạnh không đồng đều. Điều đó gây ra tình trạng hỏng thực phẩm, cũng như giảm hiệu quả làm lạnh của tủ.

Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất, khoang tủ chỉ nên chứa tối đa 80% dung tích và cần được xếp so le để luồng khí lạnh trong tủ có thể đi đến từng thực thẩm để bảo quản tốt nhất.

Để khoang tủ lạnh quá nhiều khoảng còn trống

Trái ngược với việc để quá nhiều thực phẩm trong khoảng tủ, thì việc tủ lạnh không được sử dụng tối đa cho việc bảo quản thực phẩm cũng gây ra việc tiêu tốn điện cho gia đình.

Theo đó, hiện nay nhiều gia đình thích dùng những dòng tủ có dung tích lớn nhưng không sử dụng hết dung tích cho phép và mỗi lần mở cửa tủ làm cho việc nhiệt bị thất thoát lớn hơn so với tủ lạnh để nhiều thực phẩm.

Một số lưu ý khác khi sử dụng tủ lạnh để tiết kiệm điện

Dùng chén đĩa bằng thủy tinh hoặc sứ vì thủy tinh và sứ giúp cân bằng nhiệt độ trong tủ lạnh tốt hơn là các hộp đựng thức ăn bằng nhựa. Nên nhớ đậy nắp hộp trước khi cất vào tủ lạnh để ngăn đọng nước. Không để lớp tuyết bám vào dàn lạnh (tủ đông tuyết) dày quá 5mm.

Khi đặt chai nước mát có thể quấn quanh chai nước bằng khăn ướt, như vậy chai nước sẽ nhanh lạnh hơn và sẽ không tốn nhiều điện năng.

Khí lạnh sẽ thoát hơi khi cửa tủ mở và tủ lạnh phải tốn nhiều điện hơn để làm lạnh lại từ đầu. Vậy nên người dùng không nên mở tủ lạnh quá lâu và nhớ đóng tủ thật sát, tránh để cửa tủ hở khiến máy gặp khí nóng bên ngoài, phải làm lạnh liên tục nhiều lần.

Việc để thực phẩm sát thành tủ là một sai lầm phổ biến của các hộ gia đình. Tiếp xúc với phía trong cùng của tủ vô hình chung khiến rau củ hỏng đồng thời cũng khiến tủ lạnh làm việc kém hiệu quả, dẫn đến tốn điện hơn. Hãy để thực phẩm cách phía trong tủ một khoảng nhất định, không nên quá nhồi nhét nhiều đồ khiến tủ chật kín, ép rau củ vào sát thành tủ.

Nên sắp xếp, tính toán một cách hợp lý lượng thực phẩm chứa trong tủ lạnh. Để cho tủ một số khoảng trống để khí lạnh đối lưu nhằm giúp lượng điện máy tiêu thụ giảm xuống. Các loại thịt, cá tươi sống... nên cho vào các hộp bằng thép hoặc inox thay thế cho hộp nhựa, bởi tính dẫn lạnh của kim loại nhanh hơn, thời gian làm lạnh rút ngắn, ít hao điện.

Ngọc Nga (T/h)

Từ khóa » Gỗ Tủ Nhựa