Cách Tăng Cân Theo BMI Cho Bà Bầu - Báo Người Lao động

Vừa qua, gia đình chúng tôi đón cùng lúc hai tin vui khi tôi và chị tôi lần lượt mang thai cách nhau 1 tháng. Do nhà vợ chồng tôi và vợ chồng chị đều gần nhà cha mẹ ruột nên mẹ tôi đảm nhiệm luôn các suất cơm đặc biệt cho bà bầu và bồi bổ cho hai chị em như nhau.

Đáng nói, tôi thuộc dạng người khá mảnh khảnh, còn chị tôi lại mập. Có người nói tăng cân trong thai kỳ phải tùy cân nặng, theo tỉ lệ cơ thể trước khi có thai, người lại nói miễn cứ 3 tháng tăng thêm 3-4 kg là được. Tôi khá hoang mang. Tôi lại bị nghén nặng nên gần 3 tháng rồi mà mới tăng được 1 kg. Như vậy có nguy hiểm không? Tôi và chị tôi có nên bồi bổ theo cách khác nhau không?

(Trương Hà Mỹ Nhi, 27 tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM)

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM:

Đúng như bạn suy nghĩ, việc tăng cân như thế nào còn phụ thuộc vào cơ thể người mẹ trước khi mang thai. Đơn giản nhất, hãy tăng cân tùy theo chỉ số khối cơ thể (BMI) của bạn.

Cách tính BMI khá đơn giản: lấy cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (mét).

Bà mẹ có tình trạng dinh dưỡng bình thường (BMI: 18,5-24,9 kg/m2): Mức tăng cân của người mẹ nên đạt là 10-12 kg. Mức tăng cân cụ thể như sau:

- 3 tháng đầu (quý I): khoảng 1 kg

- 3 tháng giữa (quý II): 4-5 kg

- 3 tháng cuối (quý III): 5-6 kg

Đối với bà mẹ bị thiếu năng lượng trường diễn (BMI <18,5 kg/m2): mức tăng cân nên đạt 25% cân nặng trước khi có thai.

Bà mẹ bị thừa cân, béo phì (BMI ≥ 25 kg/m2): mức tăng cân nên đạt 15% cân nặng trước khi có thai

Bạn nên tính BMI cho bản thân và cho chị gái để có phương án tăng cân phù hợp. Mức tăng cân cho 3 tháng đầu, 3 tháng giữa, 3 tháng cuối cũng căn cứ theo tỉ lệ ở người có BMI bình thường.

Vì vậy, bạn cũng không nên quá lo lắng vì ốm nghén mà mình chỉ tăng được 1kg khi thai được gần 3 tháng. Theo tỉ lệ tôi đã nêu, điều đó hoàn toàn bình thường. Bị ốm nghén, khó tăng cân trong các tháng đầu thai kỳ nhiều thai phụ khác cũng bị, không chỉ riêng bạn.

Tăng cân hợp lý sẽ giúp cho bạn có thai kỳ khỏe mạnh và an toàn nhất bởi tăng cân quá nhiều hay quá ít đều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai và tăng nguy cơ các tai biến. Nếu bạn hoặc chị bạn sau này gặp tình trạng tăng cân quá ít, khó khăn hoặc ngược lại là lỡ tăng quá nhiều nên trao đổi với bác sĩ theo dõi thai của mình để được điều chỉnh chế độ dinh dưỡng.

Từ khóa » Bmi Phụ Nữ Mang Thai