Cách Thực Hành Niệm Phật Hàng Ngày Tại Nhà đúng Nhất - Sống Đẹp

NỘI DUNG BÀI VIẾT
  • Ý nghĩa của việc niệm Phật
  • Nghi thức niệm Phật tại nhà
    • 1. Đảnh lễ 
    • 2. Sám hối
    • 3. Tán Phật
    • 4. Niệm Phật
    • 5. Phát nguyện Nguyện sanh Tịnh Độ ở Tây Phương
    • 6. Hồi hướng 
    • 7. Tam tự quy y 

Ý nghĩa của việc niệm Phật

Có người nói rằng, niệm Phật là con đường nhanh nhất để thoát khỏi vòng luân hồi đau khổ của cõi Ta Bà. Do đó, phương pháp tu tập này trở thành một trường phái phổ biến nhất trong Phật giáo hiện đại.

Chữ niệm có nghĩa là nhớ, suy nghĩ, chữ Phật lại có nghĩa là giác. Như vậy, niệm Phật tức là chúng ta luôn luôn nhớ, nghĩ đến Phật hay nói rộng hơn là chúng ta luôn sống trong tỉnh thức và có chánh niệm trong mọi hành động. 

Ta niệm Phật là nhớ đến Phật và ghi nhớ những đức tính đó thật rõ để chúng nảy sinh trong tâm, giúp loại trừ các vọng niệm ở ta. Niệm Phật có thể niệm lớn hay mật niệm, điều cần yếu là đừng đọc suông nơi miệng mà phải chuyên nghĩ đến Phật và phải tin sâu, nguyện thiết tha và thực hành chuyên cần. Nên tin rằng: “Niệm một câu Phật hiệu tiêu được cả ngàn kiếp tội lỗi và làm sinh trưởng vô lượng phước đức”. Tâm ý luôn luôn hướng về đức Phật A Di Đà và thế giới Cực lạc.

Nam mô A Di Đà Phật: quy mạng đức Phật vô lượng thọ, vô lượng quang và vô lượng công đức. Đó là câu niệm của hàng giờ, hàng phút của người tu theo pháp môn Tịnh độ để cầu được vãng sinh về thế giới tốt đẹp này. Ở cảnh giới Tịnh độ – theo như kinh mà đức Phật dạy – thì có những cảnh sống rất thuận lợi cho sự tu tập giải thoát. Những chúng sinh nào nhờ phước duyên tu tập được sinh trưởng ở đó thì nhất định không còn bị thối chuyển trên bước đường giải thoát nữa. Ở đây có bạn hiền, thầy tốt, đủ mọi điều kiện nội cũng như ngoại, thuận lợi cho việc tiến bộ tu tập để cầu làm Phật

cach-thuc-hanh-niem-phat-hang-ngay-tai-nha-dung-nhat-1

Kinh Di Đà có câu: “Xá Lợi Phất, không thể do nhân duyên phước đức của thiện căn nhỏ mọn mà được sinh về Cực lạc”. Chúng ta nên biết rằng, muốn được vãng sinh thì phải gây nghiệp nhân Tịnh độ, nghĩa là ta phải tiêu diệt ác nghiệp, nuôi dưỡng thiện căn và phước đức rồi nối liền thiện căn và phước đức ấy với cõi Cực lạc bằng phép niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà. Phải niệm đến chỗ nhất tâm bất loạn, đến lúc tâm trí mình không còn tạp niệm nữa mà chỉ còn Phật niệm. Thực hành như thế, phát nguyện như thế mới có thể vãng sinh.

Bên cạnh đó, những lợi ích của việc niệm Phật mang lại cho các Phật tử:

  • Giúp làm giảm các cảm xúc tiêu cực như tức giận, thù hận hay chấp trước
  • Giúp làm giảm sự thèm khát, tham lam và thay vào đó là nuôi dưỡng Bồ đề tâm để giúp chúng sinh thoát khỏi đau khổ
  • Niệm Phật là một hình thức chánh niệm giúp chúng ta sống tích cực trong khoảnh khắc hiện tại
  • Niệm Phật là một liệu pháp trấn an tâm lý tuyệt vời
  • Niệm Phật tạo niềm hy vọng, giúp chúng ta có niềm tin vào những điều tốt đẹp trong tương lai
  • Niệm Phật như một lời nhắc nhở chúng ta là con của Phật, phải suy nghĩ và hành động theo những lời dạy của Phật.

Nghi thức niệm Phật tại nhà

1. Đảnh lễ 

- Chí tâm đảnh lễ: Nam mô tận hư không biến pháp giới quá, hiện, vị lai thập phương chư Phật, Tôn Pháp Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam Bảo. (1 lạy)

- Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Ta Bà Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát, Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát. (1 lạy)

- Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật, Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (1 lạy)

2. Sám hối

(Hành giả quỳ lên chấp hai tay lại khấn nguyện):

Con tên họ, tuổi, pháp danh nếu có….....Hôm nay, con nguyện ăn năn, sám hối tất cả tội lỗi từ vô thỉ, vô chung đến nay do tham, sân, si, giận hờn, si mê, tà kiến, thân khẩu ý không thanh tịnh tạo nên vô lượng, vô biên tội lỗi như: giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, làm cho thân phật ra máu, hủy hoại chánh pháp, phá sự hòa hợp của chúng tăng, ăn thịt uống rượu, sát sanh hại vật, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ... Nay con thành tâm ăn năn, sám hối nghiệp chướng của con, thành tâm sám hối, không dám che dấu tội đã làm, nguyện được trừ diệt. Tội ác vị lai thề không dám tạo nữa.

- Nam mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát. (3 lạy)

3. Tán Phật

Phật A Di Đà thân kim sắc

Tướng tốt quang minh tự trang nghiêm

Năm Tu Di uyển chuyển bạch hào

Bốn biển lớn trong ngần mắt biếc

Trong hào quang hóa vô số Phật

Vô số Bồ Tát hiện ở trong

Bốn mươi tám nguyện độ chúng sanh

Chín phẩm sen vàng lên giải thoát.

Nam-mô Tây phương Cực lạc thế giới đại từ đại bi A Di Đà Phật.

cach-thuc-hanh-niem-phat-hang-ngay-tai-nha-dung-nhat-2

4. Niệm Phật

Nam-mô A Di Đà Phật. (108 lần hoặc tùy niệm càng nhiều càng tốt)

Nam-mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát. (10 lần)

Nam-mô Đại Thế Chí Bồ Tát. (10 lần)

Nam-mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát. (10 lần)

Nam-mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (10 lần)

5. Phát nguyện Nguyện sanh Tịnh Độ ở Tây Phương

Chín phẩm hoa sen là Cha Mẹ,

Hoa nở thấy Phật chứng vô sanh,

Bồ Tát bất thối là bạn lữ.

6. Hồi hướng 

Nguyện đem công đức này,

Trang nghiêm Phật Tịnh Độ

Trên đền bốn ân nặng (ân cha mẹ, ân Tam bảo, ân Tổ quốc và ân chúng sanh vạn loại)

Dưới cứu khổ ba đường (địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh)

Nếu có ai thấy nghe,

Đều phát lòng bồ đề

Hết một báo thân này,

Đồng sanh cõi Cực Lạc.

(Quỳ xuống chấp hai tay lại đưa lên ngang ngục thành tâm hồi hướng, nguyện):

- Con nguyện đem công đức này, cúng dường lên 3 ngôi tam bảo, 4 ơn cùng 3 cõi pháp giới chúng sinh đồng thành Phật đạo.

- Con xin hồi hướng công đức này nguyện cho quốc thái dân an chúng sinh an lạc thế giới hòa bình.

- Hồi hướng cho tất cả các vong linh ở xung quanh đây, các oán hồn yểu tử thập loại cô hồn đầu ngành cuối bể, không nhà không cửa, chiến sỹ trận vong, đồng bào tử nạn, các oan gia trái chủ nhiều đời nhiều kiếp của con xả bỏ oán thù, cùng con niệm phật, được nhiều phước báu tốt đẹp, thảy đều siêu thoát, hồi hướng về Tây Phương Tịnh Độ.

- Nguyện hồi hướng công đức này đến cho.. (người mất tên gì nói ra..) được nhiều phước báu tốt đẹp sanh về cõi Tịnh độ an nhàn.

- Nguyện hồi hướng công đức này đến Cha Mẹ anh chị em thân bằng quyến thuộc hiện tiền của con thân tâm an lạc, thiện căn tăng trưởng, thọ mạng lâu dài, nghiệp chướng tiêu trừ, tứ đại điều hoà, làm lành lánh dữ, biết đến Phật Pháp, chuyên tâm tu hành.

- Nguyện hồi hướng công đức này đến với Cửu Huyền Thất Tổ nội ngoại đôi bên đồng sanh Tịnh Độ.

- Nguyện cho con ba chướng tiêu trừ, ba độc tiêu trừ phúc huệ tăng trưởng, thân tâm an lạc, tứ đại điều hòa, tâm Bồ Đề tăng trưởng, hết một báo thân này con nguyện sinh về Tây Phương Cực Lạc.

- Nam mô A Di Đà Phật! (3 lạy)

7. Tam tự quy y 

Tự quy y Phật, đương nguyện chúng sanh, thể giải Đại đạo, phát vô thượng tâm. (1 lạy).

Tự quy y Pháp, đương nguyện chúng sanh, thâm nhập Kinh tạng, trí huệ như hải. (1 lạy).

Tự quy y Tăng, đương nguyện chúng sanh, thống lý Đại chúng, nhứt thiết vô ngại. (1 lạy).

Xem thêm: Những bài kệ Kinh Pháp Cú ngắn gọn, ý nghĩa của đức Phật Thích Ca

Từ khóa » Cách Niệm Phật Hàng Ngày