Cách Thức Trình Bày đoạn Văn: Diễn Dịch, Quy Nạp, Tổng Phân Hợp ...

Hôm nay, Download.vn sẽ giới thiệu tài liệu Cách thức trình bày đoạn văn: Diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích, song hành, so sánh.

Cách trình bày đoạn văn
Cách trình bày đoạn văn

Hy vọng rằng tài liệu này sẽ giúp các bạn học sinh biết cách viết các kiểu đoạn văn trong văn bản. Mời tham khảo nội dung chi tiết được chúng tôi đăng tải dưới đây.

Cách thức trình bày các kiểu đoạn văn trong văn bản

  • I. Một số vấn đề chung
  • II. Cách trình bày các đoạn văn
    • 1. Đoạn văn diễn dịch
    • 2. Đoạn văn quy nạp
    • 3. Đoạn văn tổng phân hợp
    • 4. Đoạn văn song hành
    • 5. Đoạn văn móc xích
    • 6. Đoạn văn so sánh
    • 7. Đoạn văn có kết cấu đòn bẩy, bắc cầu

I. Một số vấn đề chung

- Các kiểu đoạn văn gồm có: diễn dịch - quy nạp - song hành, móc xích - so sánh - tổng phân hợp.

- Mỗi một kiểu đoạn văn sẽ có những quy chuẩn riêng, nhằm đạt được hiệu quả nghệ thuật cao.

II. Cách trình bày các đoạn văn

1. Đoạn văn diễn dịch

- Đoạn văn diễn dịch có câu chủ đề đứng ở đầu đoạn, các câu còn lại triển khai cụ thể ý của câu chủ đề.

- Ví dụ:

Lời chào hỏi có ý nghĩa quan trọng trong giao tiếp giữa con người với con người. Đặc biệt là đối với con người Việt Nam vốn coi trọng những quy tắc, lễ nghĩa. Lời chào hỏi thường được sử dụng cho cả những người thân quen hoặc xa lạ. Đa số đều do người nhỏ tuổi chào hỏi người lớn tuổi trước. Vai trò của lời chào trong cuộc sống không mang ý nghĩ xã giao như nhiều người thường nghĩ. Một lời chào hỏi trước hết thể hiện được sự tôn trọng đối với người nhận được. Đồng thời, nó còn cho thấy tình cảm quý mến, quan tâm của người nói với người nhận. Một lời chào cũng giống như một lời cảm ơn hay xin lỗi, không làm con người nghèo đi hay giàu lên. Nhưng nó góp phần thể hiện một nhân cách tốt đẹp, trình độ văn minh của con người. Bởi vậy mà ông cha mới có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ” hay “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” để khuyên nhủ con người có ý thức giữ gìn những lễ nghi, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

2. Đoạn văn quy nạp

- Đoạn văn quy nạp là đoạn văn có câu chủ đề ở cuối đoạn. Nội dung của đoạn văn được triển khai chi tiết từ cụ thể đến khái quát. Đối với đoạn văn quy nạp, câu chủ đề không có tính định hướng nội dung cho toàn đoạn văn, mà sẽ khái quát lại nội dung.

- Ví dụ:

Tinh thần yêu nước của nhân dân ta trong quá khứ được thể hiện qua những trang sử những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Đến ngày hôm nay tinh thần đó lại tiếp tục được phát huy. Tinh thần yêu nước luôn tồn tại trong mỗi người không phân biệt tuổi tác: “Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ”. Hay giai cấp: “Từ những nam nữ công nhân… đến những đồng bào điền chủ…”. Thậm chí là cả khoảng cách địa lý: “Từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng bị tạm chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi...”. Tinh thần yêu nước giống như chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định là “thứ của quý”, và trách nhiệm của mỗi người dân là phải giữ gìn và phát huy truyền thống quý giá đó.

3. Đoạn văn tổng phân hợp

- Đoạn văn tổng phân hợp có sự kết hợp giữa đoạn văn diễn dịch và quy nạp. Câu mở đầu nêu khái quát về nội dung, câu kết đoạn có tính tổng hợp, liên hệ mở rộng. Các câu trong đoạn văn tập trung triển khai nội dung của đoạn văn.

- Ví dụ:

Thời đại công nghệ với sự ra đời của nhiều mạng xã hội đã phục vụ cho nhu cầu giải trí của con người. Các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, Youtube... được rất nhiều người sử dụng, đặc biệt là đối tượng học sinh. Bên cạnh những tiện ích mà nó mang lại, thì các trang mạng xã hội này cũng đem đến nhiều tác hại. Nhiều học sinh chìm đắm trong thế giới của mạng xã hội, dẫn đến tình trạng “nghiện mạng xã hội”. Mạng xã hội khiến chúng ta dần rời xa cuộc sống thực tế. Đôi khi trên các trang mạng xã hội còn những nguồn thông tin không lành mạnh về cách hành vi bạo lực, các web đen, các loại văn hóa phẩm đồi trụy… ảnh hưởng không tốt đến nhân cách, đạo đức của học sinh. Chính vì vậy, gia đình và nhà trường cần phải có biện pháp quản lí trong việc sử dụng mạng xã hội của học sinh. Bản thân mỗi học sinh cũng cần tỉnh táo trong việc sử dụng các trang mạng xã hội. Việc học sinh sử dụng mạng xã hội là tốt, nhưng cần biết sử dụng sao cho phù hợp và khoa học.

4. Đoạn văn song hành

- Đoạn văn song hành là đoạn văn mà các nội dung được triển khai song song nhau. Các nội dung tồn tại độc lập, mỗi câu trong đoạn nêu một khía cạnh chủ đề đoạn văn để làm rõ nội dung cho đoạn.

- Ví dụ:

Nam Cao tên khai sinh là Trần Hữu Tri. Quê làng Đại Hoàng, phủ Lý Nhân (nay là xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân), tỉnh Hà Nam. Ông được coi là một nhà văn hiện thực xuất sắc trước Cách mạng tháng 8, với những truyện ngắn, truyện dài chân thực viết về người nông dân nghèo đói bị vùi dập và người trí thức nghèo sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ. Sau Cách mạng, Nam Cao sáng tác tận tụy sáng tác phục vụ kháng chiến. Ông đã hy sinh trên đường vào công tác vùng sau lưng địch tháng 11 năm 1951.

5. Đoạn văn móc xích

- Đoạn văn móc xích là đoạn văn triển khai ý bằng cách câu sau kế thừa và phát triển ý câu trước, luận cứ của câu trước tạo tiền đề cho sự phát triển ý của câu sau và cho đến hết đoạn.

- Ví dụ:

Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

(Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh)

6. Đoạn văn so sánh

- Đoạn văn so sánh có sự đối chiếu giữa các đối tượng để thấy được sự giống hoặc khác nhau, từ đó làm nổi bật luận điểm của đoạn văn. Có hai kiểu so sánh khi viết đoạn văn là: so sánh tương đồng và so sánh tương phản.

- Ví dụ:

So sánh tương đồng: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khuyên nhủ con người phải sống có ý chí:

“Không có việc gì khó Chỉ sợ lòng không bền Đào núi và lấp biển Quyết chí ắt làm nên”

Liệt sĩ, Bác sĩ Đặng Thùy Trâm cùng từng viết trong nhật kí của mình: “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”. Cũng đồng quan điểm đó, tục ngữ Việt Nam có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Câu tục ngữ đã để lại lời khuyên có giá trị cho mỗi người trong cuộc sống.

So sánh tương phản: Kho tàng lịch sử dân tộc ta có rất nhiều ca dao, tục ngữ được đúc rút từ kinh nghiệm của nhân dân ta từ bao đời nay. Và trong quá trình tồn tại, con người nhận thấy được ảnh hưởng của môi trường tác động rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của chúng ta. Từ đó, ông cha ta đã gói gọn thông điệp đó trong câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Tuy nhiên, rất nhiều người lại không chịu ảnh hưởng của môi trường sống, mà vẫn giữ được phẩm chất, đạo đức thanh cao, tốt đẹp. Bởi vậy mà có ý kiến đã khẳng định: “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”.

7. Đoạn văn có kết cấu đòn bẩy, bắc cầu

- Đoạn văn có kết cấu đòn bẩy, bắc cầu là đoạn văn phần mở đầu nêu một nhận định, dẫn một câu chuyện hoặc một đoạn thơ văn, những dẫn chứng gần giống hoặc trái với chủ đề đoạn văn, từ đó tạo thành điểm tựa, làm cơ sở để phân tích sâu sắc ý tưởng đề ra.

- Ví dụ:

Albert Camus đã từng nói: “Sự thật, giống như ánh sáng, làm người ta chói mắt. Sự giả dối thì ngược lại, là ánh chiều hôm tươi đẹp bao trùm lên mọi vật”. Có thể nói, sự thật và giả dối là những vấn đề gợi cho chúng ta nhiều suy tư, trăn trở. Đầu tiên, sự thật là những điều có thật trong thực tế hay việc phản ánh đúng hiện thực khách quan trong cuộc sống. Sự thật là điều con người luôn phải tôn trọng, vì nó luôn luôn đúng, giúp con người nhìn nhận đúng đắn bản chất vấn đề ở một người nào đó hoặc một sự vật nào đó. Nhưng đôi khi sự thật cũng làm cho người khác phật ý, gây mất lòng đối phương, tình cảm giữa con người với con người trở nên xa cách và rạn nứt. Sự thật mang đến cho con người niềm tin yêu vào cuộc sống. Đối với hai chữ “giả dối” lại hoàn toàn trái ngược với sự thật. Giả dối thường đi liền với hành động nói dối. “Nói dối” là hành vi cố tình cung cấp thông tin sai với sự thật về vấn đề nào đó để đạt được mục đích mà họ mong muốn - thường là không chính đáng. Có hai khía cạnh của nói dối: lời nói dối với mục đích xấu và lời nói dối với mục đích tốt. Những lời nói dối với mục đích xấu xa thường mang tính vụ lợi cho bản thân người nói. Như vậy, trong cuộc sống, sự thật hay giả dối đều mang đến những mặt tích cực hay tiêu cực. Quan trọng là mỗi người hãy cố gắng đem đến những điều tốt đẹp cho bản thân và cho những người xung quanh.

Từ khóa » đoạn Văn Song Hành Tiếng Anh Là Gì