Cách Tính đại Vận Trong Tứ Trụ - Bát Tự Tử Bình - Học Viện Lý Số

1/5 - (1 bình chọn)

Đại vận là một khái niệm quan trọng trong bát tự Tử Bình, đại vận không những quan trọng trong việc xác định các giai đoạn tốt – xấu mà còn là một nhân tố quan trọng trong việc xác định thứ tầng quý tiện của bát tự. Phương pháp tính đại vận phổ biến trong các sách xem qua tưởng chừng đơn giản nhưng ẩn sau đó lại là những tính toán thiên văn thú vị.

1 – Phương pháp tính đại vận phổ thông

Cách tính đại vận trong các sách qua một số bước như sau

Bước 1: Xác định mệnh chủ thuộc nhóm dương nam, âm nữ hay âm nam, dương nữ.

Tùy theo mệnh chủ bát tự là nam hay nữ, rồi xem năm sinh mệnh chủ là năm có chi dương hay chi âm.

Các năm có chi dương là: tý, dần, thìn, ngọ, thân, tuất. Nam sinh các năm này là dương nam, nữ sinh các năm này là dương nữ.

Các năm có chi âm là: sửu, mão, tỵ, mùi, dậu hợi. Nam sinh các năm này là âm nam, nữ sinh các năm này là âm nữ.

Dương nam và âm nữ thì các đại vận là can, chi các tháng tiếp theo. Âm nam và dương nữ thì các đại vận là can, chi các tháng trước đó.

Bước 2: sắp xếp can chi các đại vận

Với dương nam và âm nữ thì các đại vận là can, chi các tháng (tháng trong bát tự là tháng tiết khí không phải tháng âm lịch) tiếp theo. Ví dụ người sinh tháng Giáp Thân thì đại vận đầu tiên là Ất Dậu, tiếp theo là Bính Tuất, Đinh Hợi…

Với âm nam và dương nữ thì các đại vận là can, chi các tháng trước đó. Ví dụ người sinh tháng Giáp Thân thì đại vận đầu tiên là Quý Mùi, tiếp theo là Nhâm Ngọ, Tân Tỵ, Canh Thìn…

Bước 3: tính ngày chuyển đại vận đầu tiên

Để tính ngày chuyển đại vận thì phải xác định được ngày bắt đầu và ngày kết thúc của tháng tiết khí mà mệnh chủ sinh ra.

Với dương nam, âm nữ thì đếm số ngày tính từ ngày sinh tới ngày kết thúc của tháng tiết khí.

Với âm nam, dương nữ thì đếm số ngày tính từ ngày sinh tới ngày bắt đầu của tháng tiết khí.

Sau đó dùng công thức sau để tính thời điểm gọi là thời điểm “nhập vận”

Lấy số ngày chia cho 3 để tính số tuổi “nhập vận”, ví dụ ta đếm được 18 ngày, thì nhập vận vào năm 6 tuổi, nếu đếm được 19 ngày thì chia 3 sẽ được 6 tuổi mà vẫn dư 2 ngày, 2 ngày đó quy đổi thành 1/3 năm tức là 4 tháng vậy 6 tuổi 4 tháng nhập vận, nếu đếm được 20 ngày thì 6 tuổi 8 tháng nhập vận.

Bước 4: tính thời điểm chuyển các đại vận tiếp theo

Từ kết quả số tuổi bước 3 sẽ tính được thời điểm chuyển vận đầu tiên. Sau đó cộng thêm 10 năm sẽ ra kết quả chuyển đại vận tiếp theo, cứ tiếp tục như vậy đến các đại vận sau đó.

2 – Nguyên lý rút ra được từ cách tính đại vận

Dựa trên quy trình tính đại vận như trên có thể rút ra một số điều:

  • Cổ nhân quy đổi 1 tháng tiết khí thành 10 năm
  • Bản chất việc chia cho con số 3 để tính thời điểm mà đại vận có can, chi là tháng sinh kết thúc. Cổ nhân đã làm tròn 1 tháng tiết khí là 30 ngày, từ đó mới tính 3 ngày thể hiện 1 năm, 1 ngày thể hiện 4 tháng.
  • Đại vận đầu tiên không phải là can chi tháng tiếp theo ( với dương nam, âm nữ hoặc tháng trước đó với âm nam, dương nữ) mà chính là đại vận có can, chi là can, chi của tháng sinh.

  • Cách tính phổ thông có sai số nhất định bởi 1 tháng tiết khí có số ngày dao động từ xấp xỉ 29,4 – 31,15 ngày. Với khoảng cách số ngày giữa ngày sinh và thời điểm chuyển tiết càng lớn thì sai số càng lớn. Điều này hoàn toàn có thể thông cảm được bởi trước kia việc xác định chính xác tiết khí đã là 1 điều khó khăn, hơn nữa việc sử dụng phép chia chính xác với số lẻ cũng rất khó.

3 – Cách tính đại vận của phần mềm lập lá số tứ trụ – bát tự Tử Bình của hocvienlyso.org

Ngay từ những ngày bắt đầu lập trình từ 2016, chúng tôi đã tìm cách giảm thiểu đi những sai số này vì vậy phần mềm của chúng tôi thường ra kết quả ngày chuyển vận khác biệt so với những phần mềm khác. Sau việc phần mềm ở tuvivietnam.vn từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2020 ra kết quả trùng số ngày chuyển vận với chúng tôi (hiện nay họ đã thừa nhận sở hữu mã nguồn của chúng tôi), từ tháng 5/2020 chúng tôi đã nâng cấp thuật toán để hiện nay dương nam dù sinh sau thời điểm chuyển tiết khí bắt đầu 1 phút thì cũng có thể bắt đầu đại vận tiếp theo sau đúng 10 năm chỉ sai số 1 vài ngày, hoặc sai số sẽ lớn hơn nếu sinh vào thời điểm có nhuận.

Ví dụ dương nam sinh 11h58p ngày 5/6/2020 (chưa tới 1 phút sau tiết mang chủng) sẽ bắt đầu đại vận tiếp theo vào ngày 3/6/2030 chỉ cách sinh nhật thứ lần thứ 10 của anh ta 2 ngày ( tỷ lệ 0,05/100). Với các trường hợp âm nữ, âm nam, dương nữ cũng tương tự.

Chúng tôi sử dụng thuật toán tính tiết khí của tác giả Hồ Ngọc Đức, phù hợp các kết quả của website https://www.timeanddate.com/ những tính toán này được đông đảo các nhà khoa học công nhận.

Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục lập trình dựa trên việc giải mã và tính toán lại thật tỉ mỉ, chi tiết các công thức của cổ nhân, mong rằng sẽ góp một phần nhỏ bé của mình giúp những người yêu thích huyền học thuận tiện hơn trong nghiên cứu. Trong quá trình làm việc sẽ còn nhiều sai sót, mong nhận được nhiều ý kiến xây dựng từ các tiền bối cũng như các dịch hữu gần xa.

Tài liệu tham khảo:

https://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/amlich/DuLieu/index.html

Thiên Lý Mệnh Cảo  http://tubinhdieudung.net/forumdisplay.php?37-Thi%C3%AAn-L%C3%BD-M%E1%BB%87nh-C%E1%BA%A3o

Video minh họa của chúng tôi:

https://www.youtube.com/watch?v=rFOpwQ-YURw

Từ khóa » đại Vận Lưu Niên Tứ Trụ