Cách Tính Thuế Thu Nhập Cho Người Nước Ngoài Năm 2022

Người nước ngoài là cá nhân cư trú

Khi nào người nước ngoài là cá nhân cư trú

Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

  • Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
  • Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.

Mức lương phải nộp thuế thu nhập cá nhân

Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 quy định mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân như sau:

  • Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);
  • Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
  • Đối với người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 01 hoặc từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam trong năm tính thuế (được tính đủ theo tháng).

Như vậy, căn cứ Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 và Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC, người nước ngoài ký hợp đồng lao động chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân nếu có thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/tháng với điều điều kiện không có người phụ thuộc.

Trường hợp có 01 người phụ thuộc thì chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân nếu thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 15,4 triệu đồng/tháng.

Cách tính thuế thu nhập cá nhân với người nước ngoài

Căn cứ Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC, số thuế thu nhập cá nhân phải nộp tính theo công thức sau:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thuế suất x Thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế được xác định như sau

  • Thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân = Thu nhập chịu thuế – Các khoản giảm trừ
  • Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân = Tổng thu nhập – Các khoản thu nhập được miễn thuế

Thuế suất theo lũy tiến từng phần

Bậc thuế Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng) Thuế suất (%) Tính số thuế phải nộp (triệu đồng)
Cách 1 Cách 2
1 Đến 5 5 0 triệu đồng + 5% TNTT 5% TNTT
2 Trên 5 đến 10 10 0,25 triệu đồng + 10% TNTT trên 5 triệu đồng 10% TNTT – 0,25 triệu đồng
3 Trên 10 dưới 18 15 0,75 triệu đồng + 15% TNTT trên 10 triệu đồng 15% TNTT – 0,75 triệu đồng
4 Trên 18 dưới 32 20 1,95 triệu đồng + 20% TNTT trên 18 triệu đồng 20% TNTT – 1,65 triệu đồng
5 Trên 32 đến 52 25 4,75 triệu đồng + 25% TNTT trên 32 triệu đồng 25% TNTT – 4,75 triệu đồng
6 Trên 52 đến 80 30 9,75 triệu đồng + 30% TNTT trên 52 triệu đồng 30% TNTT – 9,75 triệu đồng
7 Trên 80 35 18,15 triệu đồng + 35% TNTT trên 80 triệu đồng 35% TNTT – 18,15 triệu đồng

Người nước ngoài là cá nhân không cư trú

Thế nào là cá nhân không cư trú

  • Người nước ngoài không đáp ứng đủ điều kiện của cá nhân cư trú thì được xác định là cá nhân không cư trú.
  • Cá nhân nước ngoài là cá nhân không cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

Mức lương bao nhiêu phải nộp thuế

  • Cá nhân không cư trú thì không được tính giảm trừ gia cảnh nên chỉ cần có thu nhập chịu thuế sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân (thu nhập chịu thuế > 0 sẽ phải nộp thuế).
  • Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công là tổng số tiền lương, tiền công mà cá nhân không cư trú nhận được do thực hiện công việc tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập.
  • Thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công nhân với thuế suất 20%, trường hợp có đóng góp từ thiện, khuyến học, nhân đạo, khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo quy định thì được trừ khoản này.

Cách tính thuế đối với cá nhân không cư trú

Khoản 1 Điều 18 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định số thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân không cư trú được xác định theo công thức sau:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = 20% x Thu nhập chịu thuế

Thu nhập chịu thuế được xác định như sau

  • Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế.
  • Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.
  • Riêng thời điểm xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân đối với khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm có tích lũy là thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hữu trí tự nguyện trả tiền bảo hiểm.
  • Việc xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công tại Việt Nam trong trường hợp cá nhân không cư trú làm việc đồng thời ở Việt Nam và nước ngoài nhưng không tách riêng được phần thu nhập phát sinh tại Việt Nam  thực hiện theo công thức sau:

Đối với trường hợp cá nhân người nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam

Tổng thu nhập phát sinh tại Việt Nam = Số ngày làm việc cho công việc tại Việt Nam x Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế) + Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam
Tổng số ngày làm việc trong năm

Trong đó: Tổng số ngày làm việc trong năm được tính theo chế độ quy định tại Bộ Luật Lao động của Việt Nam.

Đối với các trường hợp cá nhân người nước ngoài hiện diện tại Việt Nam

Tổng thu nhập phát sinh tại Việt

Nam

= Số ngày có mặt ở Việt Nam x Thu nhập từ tiền lương, tiền công toàn cầu (trước thuế) + Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam
365 ngày

Thu nhập chịu thuế khác (trước thuế) phát sinh tại Việt Nam tại điểm a, b nêu trên là các khoản lợi ích khác bằng tiền hoặc không bằng tiền mà người lao động được hưởng ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả hoặc trả hộ cho người lao động.

Một số khoản không tính vào thu nhập chịu thuế của lao động nước ngoài

  • Trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm (kể cả trường hợp mua bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam) thì khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm này không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
  • Khoản hỗ trợ của người sử dụng lao động cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân của người lao động.
  • Khoản tiền ăn giữa ca, ăn trưa do người sử dụng lao động tổ chức bữa ăn giữa, ăn trưa ca cho người lao động.
  • Khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi do người sử dụng lao động trả hộ (hoặc thanh toán) cho người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người lao động là người Việt Nam làm việc ở nước ngoài về phép mỗi năm một lần.
  • Khoản tiền học phí cho con của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam học tại Việt Nam, con của người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài học tại nước ngoài theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông do người sử dụng lao động trả hộ.
  • Các khoản thanh toán mà người sử dụng lao động trả để phục vụ việc điều động, luân chuyển người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại hợp đồng lao động.

Một số công văn hướng dẫn cách tính thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài:

  • Công văn số 6633/CT-TTHT ngày 13/7/2016;
  • Công văn số 10784/CT-TTHT ngày 4/11/2016;
  • Công văn số 3438/TCT-TNCN ngày 2/8/2017;

….

Trên đây là hướng dẫn cách tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công cho người nước ngoài. Quý doanh nghiệp xin vui lòng liên hệ Đại lý thuế Việt An để được hỗ trợ kê khai thuế, báo cáo thuế nhanh chóng, kịp thời và chính xác!

Từ khóa » Thu Nhập Chịu Thuế Tính Ntn