Cách Tính Tiền điện ở Mỹ Và Các "mánh" Của Nhà Cung Cấp - Dân Trí

Đáng tiếc, phần lớn người sử dụng điện ở Mỹ không hề biết giá điện liên tục lên xuống trong cùng ngày và chênh lệch đáng kể giữa các thời điểm khác nhau, nên bị các công ty móc tùi dài dài.

Mánh của các công ty điện lực là không bao giờ tiết lộ thông tin cụ thể về mức giá điều chỉnh của từng giờ cho khách hàng. Thay vào đó, họ chỉ thông báo mức giá trung bình trong hóa đơn tiền điện cuối tháng.

Bởi vì, cũng giống như gọi điện thoại đường dài hay mua vé máy bay giá rẻ, nếu biết tránh sử dụng các giờ cao điểm trong ngày, dân Mỹ có thể tiết kiệm một khoản lớn tiền điện mà vẫn không phải cắt giảm khối lượng tiêu thụ đi chút nào.

Nếu tinh ý, sẽ thấy ở các nhà máy luôn lắp đặt công tơ điện đọc giá mỗi giờ trong khi hầu hết các hộ gia đình thì chỉ có máy đọc hàng tháng. Đây cũng là một “mánh” của công ty điện, bởi họ thừa sức hiểu rằng nếu người sử dụng hiểu tường tận mỗi lúc bật/ tắt đèn sẽ tốn bao nhiêu thì nhu cầu tiêu thụ của họ sẽ giảm đáng kể, hoặc chí ít họ sẽ chọn cách “nhịn” đến lúc giá điện thấp hơn - một thời điểm không lâu khác trong ngày.

Chicago hiện đang thực hiện một dự án thí điểm với sự tham gia của 1.100 người dân thành phố, theo đó, những người này sẽ học cách tiết kiệm tiền điện bằng cách “giảm nhu cầu dùng điện vào thời gian cao điểm trong ngày”. Họ có thể truy cập website riêng để xem giá điện là bao nhiêu - thông tin này được cập nhật từng giờ theo sự lên xuống của giá, thậm chí còn nhận được email thông báo bất cứ khi nào giá vượt trên mức 20 cent/kwh

Theo đạo luật vừa được bang Illinois thông qua vào cuối tháng 12, sắp tới chương trình này sẽ mở rộng trên phạm vi lớn gấp 100 lần, và Commonwealth Edison - công ty cung cấp điện cho toàn thành phố Chicago sẽ buộc phải thuê một đơn vị thứ 3 (có thể là công ty Comverge - nhà cung cấp hệ thống quản lý năng lượng toàn Bắc Mỹ) để thực hiện chương trình này một cách khách quan và minh bạch.

Theo ước tính của các nhà nghiên cứu trường ĐH Carnegie Mellon, chỉ cần dân Mỹ biết cách giảm 7% nhu cầu tiêu thụ điện trong giờ cao điểm sang giờ khác trong ngày, mỗi năm họ sẽ tiết kiệm được 23 tỷ USD - tương đương với việc 1 quốc gia sử dụng miễn phí điện trong vòng 1 tháng.

Ngoài cơ hội tiếp cận thông tin về giá điện, dân Mỹ còn có thêm một quyền lợi đặc biệt khác: được công ty điện trả lại tiền cho phần điện họ không sử dụng tới. Đơn cử như thành phố New York tháng 7 năm ngoái, khi khu toàn bộ Queens mất điện thì dân cư thuộc tòa nhà Central Park West đã nhất loạt tự nguyện cắt giảm 42% lượng tiêu thụ điện trong tháng, bán lại cho công ty điện để phân phối cho khu vực khác cần sử dụng hơn.

Dù sao đây cũng chỉ là một trường hợp hi hữu. Ở Hoa Kỳ hiện nay, vấn đề đại đa số người dân “mù tịt” về giá điện đang là điểm mấu chốt trong nỗ lực tái cơ cấu ngành kinh doanh điện quốc gia, theo đó chính phủ liên bang dự định sẽ chuyển từ cơ chế giá điện độc quyền do chính phủ áp đặt, sang cơ chế giá được xác định theo cung cầu của thị trường.

Dưới cơ chế giá do chính phủ hoặc công ty nhà nước áp đặt, các công ty sản xuất và phân phối điện gần như “trốn” việc lắp đặt công tơ điện tính giờ cho khách hàng, bởi lượng tiêu thụ càng thấp thì lợi nhuận họ thu về càng giảm. Còn trong cơ chế thị trường, chỉ trong mùa cao điểm, nhu cầu tăng mới làm giá tăng. Lại thêm người tiêu dùng bằng mọi cách giảm nhu cầu vào thời điểm cao giá nữa thì một số nhà máy điện nhỏ cầm chắc nguy cơ phá sản.

Chắc chắn, việc chuyển đổi hai cơ chế này sẽ vấp phải nhiều cản trở từ phía các công ty cung cấp điện - những người xưa nay luôn chiếm ưu thế tuyệt đối với khách hàng của họ về thông tin giá.

Khôi Vinh

Theo NewYork Times

Từ khóa » Tiền điện Nước ở Mỹ