Cách Trồng Chăm Sóc Sầu Riêng đạt Năng Suất Cao Nhất | Thông Đỏ

Sầu riêng là cây trồng có giá trị kinh tế cao. Là loại quả nhiệt đới được ưa chuộng ở nhiều nước Đông Nam Á. Quả có hương vị nặng mùi nhưng ăn cực thơm ngon. Giống cây sầu riêng khá dễ trồng và cho năng suất cao nên ngày càng được nhiều nhà vườn ưa chuộng. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bà con cách trồng chăm sóc sầu riêng đạt năng suất cao nhất.

1. Đặc điểm sinh thái của cây sầu riêng:

Nhìn chung khí hậu và đất đai tại Việt Nam thích hợp với hầu hết các giống sầu riêng. Đặc biệt các tỉnh Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, Bình Phước, Đồng Nai.

Đất trồng sầu riêng phải thoát nước tốt, không ngập úng, không nhiễm mặn, pH của đất từ 5-6. Kết cấu đất phải tơi xốp, giàu mùn. Tầng canh tác từ 1m trở lên. Nếu trồng ở vùng đất phù sa phải tiến hành đắp mô đào mương để hạn chế ngập úng

Về khí hậu

 Phải có sự phân chia rõ rệt giữa 2 mùa mưa nắng. Mùa nắng không kéo dài quá 4 tháng. Lượng mưa trung bình trong năm phải từ 1500-2000mm/năm. Độ cao so với mặt nước biển không yêu cầu quá khắt khe, từ 300m trở lên là trồng được sầu riêng

Về gió và ánh sáng

Sầu riêng là cây gỗ lớn, tán rộng, nên cần nhiều ánh sáng để sinh trưởng. Không nên trồng mật độ dày, trồng xen với các loại cây lớn. Xung quanh vườn nên trồng các cây chắn gió để hạn chế gãy cành, tăng tỷ lệ đậu quả.

2. Lựa chọn cây giống sầu riêng:

Các giống sầu riêng được thị trường ưa chuộng hiện nay hầu hết là sầu riêng có nguồn gốc từ Thái Lan. (Sầu riêng Dona, Sầu riêng Mongthong) hoặc Malaysia (Sầu riêng Musang King)… Các giống trong nước thì có giống Sáu ri (còn gọi sầu riêng RI6) . Đây đều là các giống có năng suất cao, cơm vàng, hạt lép, vỏ mỏng… nhiều ưu điểm nổi trội. Thị trường tiêu thụ rộng, phù hợp trong nước lẫn xuất khẩu.

3. Mật độ trồng cây sầu riêng:

  • Trồng thuần: khoảng cách 8 x 8m hoặc 8 x 10m. Tương đương 125 – 156 cây/hecta
  • Trồng xen (cà phê, ca cao): Khoảng cách 9 x 9m hoặc 9 x 12m. Tương đương 70 – 100 cây/hecta.

Hố trồng sầu riêng có kích thước 60 x 60 x 60cm. Đất xấu thì có thể đào 70 x 70 x 70cm. Mỗi hố ta bón 1kg phân chuồng hoai mục + 0,3-0,5kg lân + 0,2kg NPK (16-16-8 hoặc 20-20-10) + 10-20g thuốc Basudin / Furadan (chống mối, côn trùng). Trộn đều với lớp đất mặt, lấp đầy hố, tưới đẫm nước và ủ trong vòng 15-30 ngày trước khi trồng. Nếu trồng theo cách đắp ụ thì bà con cần chú ý bồi ụ thật kỹ để tránh làm sạt lỡ đất khiến ảnh hưởng không tốt đến bộ rễ của cây. Những vùng có địa hình thấp nên xẻ liếp, đào mương để giúp thoát nước tốt nhất, nâng cao tầng canh tác đất để tránh ngập úng cho cây

4. Cách trồng chăm sóc cây sầu riêng:

4.1 Giai đoạn mới trồng:

Giai đoạn 1-3 năm đầu cây sinh trưởng tương đối chậm. Cần chăm sóc cây sầu riêng kỹ để giữ cho cây khỏe mạnh, tạo dáng cân đối.

Tưới nước

Mùa khô 7-10 ngày tưới 1 lần. Mỗi lần tưới vừa đủ để giữ độ ẩm cho đất, kết hợp tủ gốc bằng rơm rạ, vỏ trấu, xác bèo… Có thể đánh bồn xung quanh gốc để tiện cho việc tưới nước, phần gốc cần vun cao tránh đọng nước.

Làm cỏ:

Thường xuyên dọn cỏ thông thoáng, đặc biệt là phần gốc. Tránh cỏ dại rậm rạp dể phát sinh các bệnh nấm, côn trùng ẩn nấp tấn công cây. Thời gian đầu cây còn nhỏ có thể xen canh các loại cây họ đậu (tán thấp, tránh cạnh tranh ánh sáng và không gian sinh trưởng của cây) để tăng thu nhập và tăng độ mùn cho đất.

Bón phân:

Mỗi năm bón bổ sung vào đầu mùa mưa mỗi gốc 15-20kg phân chuồng. Đào rãnh theo hình chiếu của tán cây xong lấp lại. Phân đa lượng dùng NPK có tỷ lệ N (đạm) và P (lân) cao để kích thích cành, rễ phát triển. Năm đầu tiên bón 2 tháng 1 lần, mỗi lần 100g. Năm thứ 2 trở đi bón 0,8 – 1kg/gốc/năm chia làm 4-6 lần. Khi bón cần bảo đảm đất đủ ẩm và phải lấp nhẹ phân để tránh bay hơi. Phân trung-vi lượng phun hoặc đổ gốc, mỗi năm 1-2 lần

Cắt tỉa cành:

Trong khoảng 6-8 tháng đầu tiên cho cây phát triển tự nhiên. Sau đó chọn nuôi 1 chồi khỏe nhất (chồi thân, mập, vươn thắng). Khi cây có chiều cao từ 2m trở lên thì cắt bỏ các cành ngang cách mặt đất 0,8 – 1m, giữ cho phần gốc thông thoáng.

4.2 Giai đoạn kinh doanh:

Sầu riêng ghép sẽ cho quả bói từ năm thứ 4 thứ 5 trở đi, để tránh làm cây mất sức, gãy đổ cành, khi cây ra bói bà con chỉ nên giữ lại mỗi cây từ 5-7 quả, vị trí ra quả sát với phần thân. Các năm về sau số lượng quả sẽ tăng lên, trái cũng nhỏ lại, trung bình từ 2-4kg/trái tùy theo giống.

Tưới nước:

Sầu riêng từ năm thứ 4 trở đi đã phát triển bộ rễ đủ sâu, lượng nước tưới không cần nhiều nhưng phải đủ, trung bình mùa khô tưới cho cây 2-4 đợt mỗi đợt cách nhau 25-30 ngày. Có thể đánh bồn sâu 10-20cm, đường kính 3-5m xung quanh gốc để tiện cho việc tưới nước

Làm cỏ:

Giai đoạn cây kinh doanh tán cây đã bắt đầu giao với nhau, cỏ dại sẽ giảm nhưng vẫn phải làm cỏ thường xuyên giữ cho vườn tược thông thoáng, hạn chế nơi ẩn nấp của sâu bệnh và giảm sự cạnh tranh dinh dưỡng với cây

Bón phân: 

Phân đa lượng – Cây kinh doanh cần rất nhiều phân bón để tăng chất lượng trái. Mỗi gốc cần 4-6kg phân NPK/năm. Chia làm 4-6 lần bón. Giai đoạn nuôi quả nên tăng lượng K (Kali) trong phân (NPK 14-14-24) lên cao để tăng chất lượng quả, tăng tỷ lệ đậu trái. Sau thu hoạch thì giảm Kali tăng Đạm và Lân trong phân (NPK 27-12-6) để cây phục hồi nhanh. Khi bón phân bà con bón theo hình chiếu của tán cây. Đất phải đủ ẩm và phải lấp nhẹ để phân để tránh bay hơi. Phân chuồng mỗi năm bổ sung 20-25kg, bón bằng cách đào rãnh đối xứng quanh gốc (khoảng cách so với gốc dựa vào hình chiếu của tán lá xuống đất). Bón vào đầu mùa mưa, không bón trùng vào vị trí của năm trước. Phân vi lượng-trung lượng nên bón vào gốc, vì tán cây khi này đã khá lớn, phun qua lá bất tiện mà không hiệu quả.

Cắt tỉa cành:

Nếu trồng thuần có thể nuôi cành ngang từ 1,5m trở lên, hãm ngọn khi cây đạt chiều cao 7-10m. Trồng xen thì cành ngang phải cao hơn ngọn cây bên dưới từ 1-2m. Tạo dáng cân đối cho cây, phân tầng mỗi tầng cách nhau 40-60cm, có 3-4 cành cấp 1 tỏa đều ra các hướng.

Tùy theo giống mà thời gian đeo quả trên cây ngắn hoặc dài, thông thường từ lúc ra hoa đến khi thu hoạch thường kéo dài 4-6 tháng. Quả thường được thu hoạch khi đủ độ già hoặc để cho quả tự rụng.

Để cây sầu riêng cho năng suất, chất lượng cao bà con cần áp dụng đồng thời nhiều biện pháp trồng và chăm sóc khác nhau, đặc biệt bà con nên chuyển đổi phương thức canh tác truyền thống sang canh tác hữu cơ bền vững, cải tạo đất canh tác tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho cây sầu riêng phát triển. Hy vọng bài viết cách trồng chăm sóc sầu riêng sẽ hữu ích cho bà con.

Từ khóa » Khoảng Cách Trồng Sầu Riêng Ri6