Cách Trồng đậu Rồng Siêu đơn Giản Nhanh Thu Hoạch - AVi Việt Nam

Nếu bạn có thể tận dụng không gian sân thượng hoặc vài thùng xốp đặt ở ban công và gia đình thích dùng đậu rồng trong những bữa ăn thì bạn hãy học cách trồng đậu rồng siêu đơn giản sau đây nhé! AVi Việt Nam đã nghiên cứu và sẽ hướng dẫn bạn cách dễ tiến hành nhất để ai cũng có thể làm được tại nhà. Tuy nhiên, do nhiều người còn mơ hồ về loại quả này nên thông qua bài viết, AVi sẽ nói sơ qua 1 số công dụng của đậu rồng. Sau đó sẽ hướng dẫn cách trồng và kỹ thuật chăm sóc cụ thể nhé!

Đậu rồng vừa là món ăn bổ dưỡng mà cách trồng lại đơn giản
Đậu rồng vừa là món ăn bổ dưỡng mà cách trồng lại đơn giản

Đậu rồng và công dụng của đậu rồng

Ngoài tên gọi là đậu rồng thì nó còn được biết đến qua cái tên là đậu khế. Có lẽ bởi hình lát cắt đậu rồng trông như quả khế. Trồng đậu rồng lại không mất nhiều diện tích nên nhiều gia đình từ thành thị đến nông thôn đều học cách trồng đậu rồng để trồng tại nhà.

Trong họ nhà đậu thì đậu rồng chứa hàm lượng canxi cao nhất. Vì vậy mà nó đặc biệt tốt cho xương khớp và đề phòng bệnh loãng xương ở tuổi trung niên trở đi. Ngoài ra, thành phần đậu rồng còn chứa nhiều vitamin A, vitamin C giúp ngăn ngừa lão hóa và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể từ trẻ nhỏ cho đến người già.

Đặc biệt, những chất khoáng như sắt, đồng, magie, phôt-pho và mangan cũng có nhiều trong quả đậu rồng. Vì thế mà nó còn có tác dụng ngừa thiếu máu, chóng mặt, hoa mắt hay nhức đầu,… Hạt đậu rồng còn hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày.

Đậu rồng vừa là món ăn bổ dưỡng mà cách trồng lại đơn giản
Đậu rồng vừa là món ăn bổ dưỡng mà cách trồng lại đơn giản

Cách trồng đậu rồng trong thùng xốp

Điều kiện môi trường

Đậu rồng là loại cây trồng có nguồn gốc nhiệt đới, ưa sáng, sinh trường và phát triển mạnh mẽ nhất vào khoảng nhiệt độ từ 18 – 30 độ C.

Thời điểm thích hợp để gieo trồng đậu rồng là vụ xuân (tầm khoảng tháng 2, tháng 3) hoặc vụ thu (tháng 8 và tháng 9) hàng năm.

Đất trồng

Đậu rồng ưa đất tơi xốp và chứa nhiều mùn. Do vậy bạn có thể mua đất có sẵn hoặc trộn đất với vỏ trấu, xơ dừa, phân chuồng ủ hoay để cung cấp dinh dưỡng cho đất. Nếu có thể bạn nên bón thêm 1 ít supe lân cho đất.

Dụng cụ trồng

Với cách trồng đậu rồng tại nhà, bạn có thể tận dụng bất cứ dụng cụ nào có sẵn như thùng xốp, chậu hoa hoặc chỉ cần bao xi măng. Kích thước tối thiểu chiều cao 50cm, chiều dài và chiều rộng tầm 60cm.

Lưu ý đục lỗ thoát nước tránh gây ngập úng chết cây.

Hạt giống đậu rồng

Bạn có thể dùng hạt giống của nhà hàng xóm nếu có. Nên chọn những hạt mẩy, căng tròn, bóng vỏ và có màu nâu.

Ngoài ra, bạn có thể mua hạt giống đóng gói tại các cửa hàng hoặc siêu thị.

Thậm chí ngồi nhà bấm điện thoại cũng có người giao hạt giống tận nơi cho bạn. (Nhớ chọn cửa hàng online uy tín nha!)

Hạt giống đậu rồng
Hạt giống đậu rồng

Gieo trồng hạt giống đậu rồng

Ngâm ủ hạt giống

Hạt giống nên được ngâm ủ trước khi trồng để kích thích nảy mầm nhanh chóng hơn. Ngâm hạt giống đậu rồng trong nước ấm tỷ lệ 2 sôi : 3 lạnh tầm 2 giờ đồng hồ. Sau đó rửa lại thật sạch và ủ hạt trong khăn vải ấm qua đêm cho nứt vỏ.

Gieo hạt

Sau khi hạt giống nứt vỏ, bạn đem gieo hạt vào đất đã chuẩn bị. Với cách trồng đậu rồng trong thùng xốp thì mỗi thùng bạn chỉ nên gieo trồng từ 5 -6 hạt, phủ 1 lớp đất mỏng lên trên và tưới nước nhẹ để tạo độ ẩm. Mỗi ngày bạn tưới nước 2 lần (sáng và tối).

Sau tầm 4 – 5 ngày, bạn sẽ thấy những mầm đầu tiên nhú lên khỏi mặt đất. Bạn nên đặt chậu cây ở nơi có ánh nắng mặt trời nhưng cần tránh nắng gắt.

Sau 7 – 10 ngày cây sẽ đạt độ cao từ 5 – 10cm. Lúc này bạn nên lựa chọn loại bỏ cây còi cọc kém phát triển đi chỉ giữ lại cây to khỏe để tập trung phát triển.

Cây đậu rồng con
Cây đậu rồng con

Kỹ thuật chăm sóc

Cách trồng đậu rồng khá đơn giản. Kỹ thuật chăm sóc cũng không cầu kỳ. Bạn chỉ cần tưới nước, bón phân và làm giàn cho cây đúng thời điểm là được.

Tưới nước

Mỗi ngày tưới nước 2 lần sáng sớm và chiều mát. Khi cây ra hoa bạn chỉ nên tưới nước vào gốc, tránh tưới trực tiếp lên hoa ảnh hưởng đến năng suất trái sau này.

Bón phân

Bón lót bằng phân hữu cơ, phân bò hoặc phân chuồng khác cộng thêm phân ure 5% khi cây được 15 ngày tuổi.

Cứ sau 15 ngày bạn lại thêm 1 đợt phân như vậy cho đến khi cây ra hoa kết trái và sau mỗi đợt thu quả.

Khi cây ra hoa kết trái bạn nên bón thêm phân Kali để cây đậu trái chắc khỏe và ngon ngọt hơn.

Làm giàn

Khi cây đạt độ cao từ 20 – 25cm và xuất hiện tua cuốn, bạn hãy làm giàn cho cây.

Với cách trồng đậu rồng trong thùng xốp thì đơn giản nhất là bạn làm giàn chữ A. Hoặc nếu tận dụng được tường rào, lan can hay cổng ngõ, bạn cũng có thể cho dây đậu rồng leo theo đó. Giàn nên làm cao từ 2 -2,5m để cây thoải mái phát triển.

Ngoài ra, trong quá trình cây phát triển, đặc biệt là giai đoạn ra hoa kết trái, bạn nên chú ý tỉa tót cành lá để tập trung nuôi hoa nuôi trái cho cây. Thời gian cây sinh trưởng và phát triển của cây chỉ mất tầm 45 ngày là lá rậm rạp, phủ xanh giàn.

Giàn đậu rồng
Giàn đậu rồng

Thu hoạch đậu rồng

Từ những kẽ lá, đậu rồng sẽ ra những chùm hoa màu trắng. Sau 2 – 3 ngày là hoa héo đi và xuất hiện quả. Quả đậu rồng trưởng thành có màu xanh đậm và kích thước tầm 10 – 17cm tùy theo điều kiện chăm sóc.

Khi hoa ở đầu quả chuyển qua trạng thái khô thì bạn nên thu hoạch quả ngay. Tránh để lâu làm quả già đi ăn mất ngon.

Ngoài thu hoạch quả thì lá non và nụ non của đậu rồng cũng có thể dùng món xào, nấu canh hay luộc cũng rất ngon và bổ dưỡng.

Sau mỗi đợt thu hoạch quả, bạn nên bón phân, tưới nước, vun xới gốc cây để tiếp thêm sức sống cho cây ra nhiều hoa và quả quanh năm.

Quả đậu rồng
Quả đậu rồng

Đậu rồng là một trong những loại quả bổ dưỡng, dễ trồng, ít sâu bệnh hại lại nhanh thu hoạch. Nếu bạn áp dụng triệt để các bước trong cách trồng đậu rồng nêu trên thì chỉ tầm 1 tháng rưỡi là bạn đã có một giàn đậu rồng trĩu quả rồi. Chỉ cần bạn bỏ chút thời gian sau giờ làm việc để chăm sóc thì cả nhà bạn sẽ được dùng những quả ngon ngọt, không hóa chất đấy.

Chúc bạn thành công với giàn đậu rồng nhé!

Từ khóa » đậu Rồng Trồng Tháng Mấy