Cách Trồng Dưa Leo Tại Nhà ''Đơn Giản'' Và Hiệu Quả!

Dưa leo (dưa chuột) là loại cây trồng thông dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, dưa leo được đánh giá là loài cây tương đối “khó chiều”. Vì vậy, nắm bắt được cách trồng dưa leo tại nhà đúng cách là rất cần thiết.

Hình ảnh cây dưa leo

Nội dung

Đặc điểm hình thái

Bộ rễ của dưa không phát triển mạnh, chỉ phân bố khoảng 30 đến 40 cm so với mặt đất. Nếu đất tơi xốp, rễ có thể ăn sâu khoảng 60 đến 100 cm. Trong điều kiện lý tưởng, rễ có thể ăn sâu hơn nữa.

Dưa leo là giống cây thân thảo hay thân leo, dài. Chiều dài thân phụ thuộc vào giống và điều kiện gieo trồng cũng như chăm sóc. Trên thân có thêm nhiều tua cuốn để hỗ trợ cây khi phát triển lớn hơn.

Lá dưa leo là những lá đơn to bản nhìn bên ngoài khá giống với lá cây bí. Cuống lá mọc cách trên thân. 2 mặt lá thường có hoặc không có lông tùy thuộc vào giống.

Hình ảnh lá và quả dưa chuột mèo
Lá dưa chuột mèo

Trái (quả) dưa còn non có gai, khi lớn vỏ quả trơn nhẵn hơn do gai tiêu biến. Trái dưa khi hình thành có thể có màu xanh đậm hoặc xanh nhạt, tùy vào giống. Có hoặc không có hoa văn (sọc, vệt, chấm). Khi chín trái chuyển sang màu vàng sậm, nâu hay trắng xanh.

Trong điều kiện canh tác tốt, trái có thể phát triển và cho thu hoạch trong khoảng từ 8-10 ngày tính từ khi hoa bắt đầu nở. Chất lượng trái không chỉ tùy thuộc vào thành phần dinh dưỡng trong trái. Mà còn tùy thuộc vào độ chặt của thịt trái, độ lớn của ruột trái và hương vị trái.

Cách trồng dưa leo tại nhà

Giúp cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể. Nhưng do nhiều người trồng lại quá lạm dụng các hóa chất để cho năng suất cao. Nên người tiêu dùng đang cảm thấy mất an toàn khi sử dụng dưa leo được bán ở chợ hay tại các siêu thị.

Vì vậy hãy cùng nuoitrong.vn tham khảo kỹ thuật và cách trồng dưa leo tại nhà đơn giản mà hiệu quả nhé.

Chuẩn bị

Hiện nay người ta đã lai tạo ra rất nhiều giống dưa leo khác nhau. Làm phong phú thêm cho sự lựa chọn của người tiêu dùng. Phổ biến nhất là giống dưa chuột leo giàn, ngoài ra còn có dưa leo xanh, dưa leo trắng, dưa leo gai, dưa leo Thái…

Tùy theo mục đích sử dụng và điều kiện canh tác, bạn nên cân nhắc để lựa chọn giống dưa leo nào cho phù hợp để tiến hành gieo trồng và chăm sóc. Bạn có thể tìm mua hạt giống ở các cửa hàng bán hạt giống rau hoặc siêu thị.

Hình ảnh hạt giống dưa leo
Hạt giống dưa leo

Đất trồng là yếu tố quan trọng không thể thiếu. Loại đất thích hợp để gieo trồng dưa leo mà bạn nên lựa chọn là đất có độ tơi xốp cao và thông thoáng. Như đất thịt hay đất mùn hữu cơ …

Xem thêm Kỹ thuật trồng bầu sao tại nhà cho nhiều quả

Chậu trồng hoặc thùng xốp đã đục lỗ dưới đáy để đảm bảo cây không bị úng nước khi tưới quá nhiều. (Nếu bạn chọn cách trồng dưa bằng cây con thì cần chuẩn bị thêm cốc nhựa nữa nhé).

Cách trồng

Trồng dưa tại nhà bằng cách gieo hạt trực tiếp

Trộn hỗn hợp gồm 50 dm3 đất với phân bò theo tỉ lệ 7/3. Tiếp theo bổ sung thêm 20 gr NPK, 20 gr phân lân, 50 gr vôi, 20 gr hữu cơ vi sinh.

Sau đó đổ đất vào thùng xốp đã chuẩn bị, độ dày khoảng 20 đến 30 cm.

Hạt dưa chuột gieo trực tiếp xuống đất, cách bề mặt khoảng 0,5-1 cm. Sau khi gieo xong thì phủ kín hạt bằng lớp đất xung quanh. Nếu bạn thực hiện trồng dưa trong chậu thì với chậu có đường kính 30 cm, tiến hành gieo từ 5-7 hạt.

Cây dưa leo khi gieo trồng được 5 ngày
Dưa leo sau khi gieo trồng được 5 ngày

Sau khi gieo từ 7 đến 10 ngày, cây dưa chuột con đã cao khoảng 10 cm, bạn bắt đầu cấy từ thùng xốp sang các chậu nhỏ hơn hoặc nhổ bỏ các cây không đạt yêu cầu. Mỗi chậu chỉ nên trồng tối đa 3 cây dưa chuột. Và nên tiến hành cấy vào buổi chiều mát.

Cây dưa chuột có thể mọc bò trên mặt đất hoặc leo quanh thân cọc thẳng đứng.

Việc mọc quanh cọc có ưu điểm giúp dưa chuột có thể sinh trưởng vượt trội. Ngoài ra còn giảm khả năng tiếp xúc với đất ẩm lâu ngày khiến cho quả bị hỏng hay thối/nát.

Nếu không có cọc sẵn, bạn cần thêm rơm khô hay bìa các-tông bên dưới để giữ quả không tiếp xúc trực tiếp với đất.

Trồng dưa tại nhà bằng kỹ thuật ươm bầu cây con

Thay vì gieo hạt trực tiếp, bạn có thể pha nước ấm (2 sôi 3 lạnh) và thả hạt dưa vào ngâm trong vòng từ 4 đến 6 tiếng. Sau đó vớt hạt giống ra và ủ trong khăn ấm. Khoảng 2 ngày sau, hạt giống dưa chuột sẽ nảy mầm.

Bạn nên dùng cốc nhựa sử dụng 1 lần để gieo những hạt giống đã nảy mầm. Sau từ 1 đến 2 ngày, mầm giống sinh trưởng rất nhanh thành cây con.

Khi cây con bắt đầu cứng cáp và có chiều dài khoảng 5 đến 7 cm, bạn bắt đầu đưa cây từ các cốc nhữa hoặc các bọc nilong sang thùng xốp. Nhưng phải đảm bảo khoảng cách giữa 2 cây đủ để dưa chuột co thể tiếp tục sinh trưởng và phát triển bình thường.

Khi cây đã phát triển gần hoàn thiện, bạn cần buộc dây hoặc cắm cọc vào thùng gỗ để cây có thể leo lên một cách dễ dàng. Thường vào khoảng 20 ngày tùy thuộc vào giống và điều kiện chăm sóc.

Chăm sóc dưa leo tại nhà

Cây dưa leo không cần kỹ thuật chăm sóc quá cầu kỳ. Chỉ cần tưới nước định kỳ 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều. Cây vẫn có thể sinh trưởng và cho thu hoạch đúng hạn.

Xem thêm Trồng và chăm sóc cà chua bi "sai trĩu quả" vô cùng đơn giản

Khi tưới cây bạn nên tưới lượng nước vừa phải. Nếu tưới lượng nước quá nhiều sẽ làm cho đất quá ẩm ướt, ngập úng sẽ dẫn đến cây bị yếu và dễ chết. Tưới ít nước cũng khiến cho cây bị thiếu nước, không thể sinh trưởng và phát triển tốt.

Nên trồng dưa chuột ở những nơi có nhiều ánh sáng thì quả sẽ mau lớn và đạt được năng suất cao.

Cọc tre giúp cây dưa chuột leo lên

Khi dưa leo bắt đầu phát triển hoàn thiện. Bạn có thể sử dụng lưới, cọc tre hoặc cành cây để làm giàn dưa chuột. Nếu không có sẵn các nguyên liệu ấy, bạn cũng có thể buộc dây để dưa có thể leo lên.

Bạn cần bón phân đạm và NPK cho cây theo định kỳ 2 lần/tháng.

Xử lý khi có sâu bệnh hại

Cần kiểm tra cây trồng thường xuyên để ngăn ngừa sâu bệnh. Giống như mướp đắng và các cây thuộc họ Bầu bí khác, dưa leo có thể bị bọ phấn hoặc bọ trĩ tấn công. Nhện đỏ có thể làm cho lá bị phồng rộp sau đó teo lại. Khi mật độ cao chúng sẽ tấn công làm cành non khô và chết.

Lá dưa leo bị bọ phấn tấn công

Nếu phát hiện côn trùng gây bệnh, bạn có thể dùng các chế phẩm sinh học để bảo vệ cây qua tư vấn của cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật.

Dưa leo dễ bị nhiễm các bệnh hại giống như các loại cây thuộc họ Bầu bí khác như: phấn trắng hay lở cổ rễ do nấm. Biểu hiện là bề mặt lá cây và phần bị bệnh của cây được bao phủ một bởi lớp phấn trắng xám.

Thân và rễ dưa leo nhiễm nấm

Bạn nên phòng ngừa bằng cách làm giàn giúp tăng lưu thông khí để giảm nguy cơ mắc nấm cho cây. Khi thấy biểu hiện của bệnh, bạn có thể cắt bỏ các lá bị bệnh, hoặc sử dụng một số thuốc theo khuyến cáo của cửa hàng.

Thu hoạch dưa leo

Sau một thời gian chăm sóc khoảng từ 60-80 ngày, tùy thuộc vào từng giống cây trồng và cách chăm sóc thì dưa chuột có thể cho thu trái vào thời gian khác nhau.

Thời điểm thu hoạch dưa chuột phù hợp nhất là vào lúc sáng sớm. Khi đó nhiệt độ không quá gay gắt, và còn có thể giữ lại được nhiều vitamin có trong quả dưa leo. Bạn càng chăm chỉ thu hoạch nhiều dưa chuột thì cây càng có thể sinh trưởng và phát triển tốt hơn.

Dưa leo Nhật đến kỳ thu hoạch

Giai đoạn thích hợp nhất để thu hoạch dưa là khi quả có chiều dài khoảng 15 đến 17 cm, đầu quả còn cánh hoa chưa rụng hết và còn lớp phấn trắng dính trên vỏ dưa chuột. Tùy thuộc vào giống mà độ dài của quả khi có thể thu hoạch là khác nhau. Như vậy, sẽ tạo điều kiện cho cây tiếp tục sinh trưởng và ra quả.

Xem thêm Cách trồng sả tại nhà ''cực kì đơn giản'' và hiệu quả

Cách bảo quản dưa leo

Nếu bạn muốn dưa chuột có thể giữ được độ tươi ngon và có hàm lượng dinh dưỡng tốt nhất, đừng vội nhét chúng vào tủ lạnh.

Dưa chuột nên được bảo quản tốt nhất ở nhiệt độ phòng. Khi bảo quản ở nhiệt độ khoảng từ 25 đến 30 độ C, dưa leo có thể phát triển mạnh và kéo dài thời gian tuổi thọ hơn. Bạn không nên bảo quản ở nhiệt độ dưới 10 độ C, vì dưa leo rất nhảy cảm khi ở nhiệt độ lạnh. Quả dưa dễ bị hỏng hơn do lạnh và héo.

Bạn vẫn có thể trữ dưa leo trong tủ lạnh nếu không dùng hết. Tuy nhiên phải ăn liền trong 1 đến 3 ngày, vừa giữ được vitamin có trong dưa, vừa an toàn cho sức khỏe. Bạn cũng nên để dưa leo ở cánh tủ lạnh, vì nhiệt độ ở đó thường cao hơn.

Ngoài ra, bạn nên bọc trong túi ni long trước khi cất trong tủ lạnh. Tránh để hướng quạt gió thổi trực tiếp vào dưa. Tất nhiên, hãy nhớ dùng dưa leo càng sớm càng tốt để đảm bảo độ ngon, dinh dưỡng của chúng nhé.

Một số lưu ý khi trồng dưa leo tại nhà

  • Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Ánh nắng là yếu tố không thể thiếu đối với dưa chuột. Bạn nên để dưa ở nơi có thể đón ánh sáng từ 6 đến 8 tiếng một ngày. Con số này đã được tính toán một cách chính xác nhất để cây phát triển tốt và cho ra trái đạt năng suất cao.
  • Bón phân: Trong mùa sinh trưởng, dưa chuột cần được cung cấp một lượng phân bón nhiều hơn bình thường. Vì thế trong thời gian này, hãy tăng cường thêm lượng phân bón cho cây.
  • Tưới nước: Hãy đảm bảo rằng đất trồng dưa chuột của bạn luôn giữ được đủ độ ẩm, không quá khô cằn hay sũng nước. Đất cần được cung cấp độ ẩm vừa phải để nước có thể đến được rễ cây.
  • Nhiệt độ: Dưa chuột có thể phơi nắng 6 – 8 tiếng một ngày nhưng bạn cần chắc chắn rằng nhiệt độ môi trường luôn vào khoảng 21 độ C. Đây là nhiệt độ lý tưởng để dưa chuột phát triển một cách tối ưu nhất.
  • Thu hoạch: Dưa chuột có thể sinh trưởng rất nhanh chóng.Nên thu hoạch quả dưa chuột khi chúng còn lớp phấn trắng và có màu xanh. Khi chúng ngả sang vàng, hay trắng, quả sẽ có vị đắng.
  • Thuốc trừ sâu hữu cơ nên được sử dụng để diệt trừ sâu bọ, vi khuẩn và các loại nấm.

Trên đây là kỹ thuật cũng như cách trồng dưa leo tại nhà. Hi vọng bạn có thể tự tay trồng cho mình những trái dưa chuột sạch, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình. Nuoitrong.vn chúc các bạn thành công!

Theo: Minh Ngọc

5/5 - (2 bình chọn)

Từ khóa » Cách Trồng Cây Dưa Leo Từ Hạt