Cách Trồng Dưa Lưới Trên Vườn Sân Thượng - VnExpress Đời Sống

Vật tư

- Chậu trồng cây dung tích 15-20l để trồng 1 cây và 30-50l để trồng 2 cây. Chậu trồng càng to cây dưa sẽ phát triển bộ rễ mạnh và hấp thu được nhiều dinh dưỡng hơn.

- Vỉ ươm hạt

- Sợi se nông nghiệp để treo cây

- Phân bón : Trùn quế, phân viên tổng hợp, phân cá, npk chuyên dụng dành cho cây trái

- Túi bao trái kích thước 30×35cm

- Thuốc bảo vệ thực vật : Phòng nấm + sâu bệnh

- Vôi nông nghiệp + nấm đối kháng Tricodema

Anh Giàu bên giàn dưa sai trĩu quả. Ảnh: Nguyễn Giàu

Anh Giàu bên giàn dưa sai trĩu quả. Ảnh: Nguyễn Giàu

Đất trồng và đất vỉ ươm hạt

Đất mới và đất vỉ ươm: Trộn hỗn hợp gồm 60% là đất sạch, 40% tro trấu, xơ dừa, vỏ đậu phộng, thêm một ít vôi, phân trùn quế, trộn đều hỗn hợp, rải thêm một lớp nấm tricodema trên bề mặt và tưới đủ ẩm, đậy kín ủ 7-10 ngày.

Đất cũ: Sau khi thu hoạch xong tiến hành xả tràn nước vào chậu 2,3 lần để rửa trôi hết phân bón tồn dư của vụ trước, phơi ải đất 7-10 ngày sau đó trộn lại như cách trên.

Ngâm ủ hạt giống

- Hạt giống mua về ngâm trong nước ấm (25-30 độ C) hoặc nước bình thường 3-4 tiếng. Vớt ra rồi ủ vào khăn ẩm, để nơi thoáng mát, dùng túi nilon bọc lại và để trong bóng tối hạt sẽ nhanh nảy mầm hơn.

-Sau khoảng 24-48h hạt sẽ nứt nanh, tiến hành gieo hạt vào vỉ ươm (một số hạt lì hơn có thể 3-4 ngày mới nứt nên nếu sau 48h mà hạt không nứt thì cũng không nên bỏ mà phải ủ thêm).

- Khi gieo hạt nên để hạt theo phương nằm ngang hoặc hơi chúi phần đầu hạt nứt rễ xuống phía dưới. Gieo xong tưới ẩm và để vỉ vào chỗ cũ, ở nơi tối hạt sẽ nhanh lên mầm hơn.

- Khoảng hai ngày sau hạt sẽ nhô lên khỏi mặt đất, tiến hành mang vỉ ươm ra để nơi có nắng nhẹ, che mưa hoàn toàn, tưới nước ngày hai lần lúc sáng sớm và chiều mát.

- Bổ sung thêm ít phân trùn quế vào thời điểm này giúp cây con khoẻ mạnh hơn (hoặc có thể tưới phân cá pha loãng tỉ lệ 3-5ml/1l nước).

- Tiến hành đánh cây trồng ra chậu khi cây có 1 hoặc 2 lá thật.

Trồng và chăm sóc giai đoạn ra cây để chèo thụ phấn:

- Nhẹ nhàng trồng cây từ vỉ ươm vào chậu, tránh làm bể bầu đất, đặt cây sao cho đất bầu ươm ngang với lớp đất mặt chậu trồng. Không chôn thêm thân dưa sâu xuống đất dễ gây bệnh teo cổ rễ.

- Đất chậu trồng đã trộn sẵn dinh dưỡng rồi mới ủ nên không cần bón thêm phân vào giai đoạn này. Chỉ tưới nước vừa đủ hai lần sáng chiều, nếu trời mưa thì không cần tưới.

- Khoảng 5-7 ngày sau khi trồng tiến hành bón thúc đợt 1 gồm hỗn hợp phân trùn quế và phân viên tổng hợp. Ba ngày sau tưới xen một lần phân cá (chú ý bón và tưới phân xung quanh gốc, không phạm vào phần thân cây).

- Sau khi trồng khoảng hai tuần cây sẽ bắt đầu ra tua cuốn để leo giàn, tiến hành tỉa bỏ các chèo nhỏ trong giai đoạn này. Bón thúc thêm một lần phân như trên và một thìa cà phê NPK.

- Cột dây treo thân dưa theo chiều thẳng đứng, cây leo đến đâu thì quấn vào dây đến đó. Vặt bỏ hết các chèo phụ để cây dồn sức lên giàn, chỉ để lại các chèo ở vị trí lá thứ 12-15.

- Ngày hoa nở tiến hành thụ phấn bổ sung vào tầm 7-8h sáng nếu nắng đẹp, 9-10h nếu ít nắng để hạt phấn đạt độ chín hoàn toàn sẽ tăng khả năng đậu quả. Vặt bỏ ngọn của chèo mang quả, chỉ để lại hai lá (quả nằm ở vị trí lá đầu tiên).

- Việc bón phân duy trì đều đặn mỗi tuần một lần kể từ lần bón đầu tiên (5-7n sau trồng), cứ bón hỗn hợp phân trùn và viên tổng hợp xong thì 3 ngày sau lại xen một lần phân cá. Nếu gặp mưa cần che miệng chậu trồng để tránh bị trôi dinh dưỡng và phòng úng rễ.

Những cây ở giai đoạn ra hoa. Ảnh: Nguyễn Giàu

Những cây ở giai đoạn ra hoa. Ảnh: Nguyễn Giàu

Tuyển trái

- Khi quả dưa đạt kích thước bằng quả trứng vịt thì tiến hành tuyển trái. Chọn một trái ở vị trí chèo khoẻ nhất, trái đẹp, không méo mó hay xây xước.

- Sau khi chọn xong tiến hành dùng túi bọc trái chuyên dụng bọc lại nhẹ nhàng. Tỉa bỏ hết các chèo và trái còn lại trên cây.

- Bấm ngọn khi cây đạt 30 lá và tỉa đi 3-5 lá ở phần gốc cho thoáng để phòng nấm bệnh, như vậy cây sẽ còn lại khoảng 25-27 lá.

Nuôi quả sau giai đoạn tuyển quả (30 ngày sau thụ phấn)

- Vẫn bón phân hàng tuần theo chế độ như trên + thêm 1 ít vôi để cây cứng cáp và phòng tránh hụt canxi làm nứt quả.

- Lượng nước tưới giai đoạn này khoảng 2l/cây/ngày.

- Kiểm tra cây thường xuyên để kịp thời xử lí khi phát hiện sâu hay nấm bệnh.

Những quả dưa đẹp nhất được tuyển chọn để giữ lại nuôi dưỡng. Ảnh: Nguyễn Giàu

Những quả dưa đẹp nhất được tuyển chọn để giữ lại nuôi dưỡng. Ảnh: Nguyễn Giàu

Từ giai đoạn 30- 45 ngày sau thụ phấn

- Vẫn duy trì bón phân hàng tuần nhưng giảm liều lượng đi 1 chút (giảm đạm để phòng nứt trái) - Bắt đầu bổ sung kali bằng cách tưới hoặc phun lên lá năm ngày một lần để làm ngọt cho dưa - Từ 45 ngày sau thụ phấn, bắt đầu ngưng phân hoàn toàn và tiến hành giảm nước từ từ. Không được ngưng nước đột ngột, duy trì ở mức 50-70% so với bình thường.

-Thường xuyên kiểm tra cuống trái để nhận biết dấu hiệu quả dưa sắp rụng, đối với giống Honey red thì trước khi rụng 2,3 ngày quả dưa sẽ có mùi thơm nhẹ, hơi vàng vỏ và xuất hiện vết nứt tròn ở xung quanh cuống trái.

-Thu hoạch khi quả dưa đạt 47 hoặc 48 ngày sau thụ phấn, quả nhỏ có thể chín sớm hơn và quả to có thể chín muộn hơn 2,3 ngày so với data, nói chung cũng còn tùy nhiều thứ ảnh hưởng, nếu ngửi thấy mùi thơm thì có thể thu hoạch.

Nguyễn Giàu

Từ khóa » Trồng Dưa Lưới Leo Giàn