Cách Trồng Mướp đắng (khổ Qua) Trong Thùng Xốp Tại Nhà
Có thể bạn quan tâm
Cây mướp đắng hay còn gọi là cây khổ qua là loại cây dây leo rất dễ trồng. Các bạn có thể trồng loại cây này trong thùng xốp tại nhà rất đơn giản. Nếu bạn đang muốn tìm hiểu về cách trồng mướp đắng trong thùng xốp tại nhà thì hãy xem ngay hướng dẫn sau từ NNO để biết cách thực hiện và những lưu ý khi trồng. Cách trồng mướp đắng các bạn cần biết thời vụ trồng thích hợp, chuẩn bị hạt giống, đất trồng, thùng xốp, làm giàn sau đó gieo hạt và chăm sóc cây cho đến khi ra quả.
- Mướp đắng tiếng anh là gì
- Mướp đắng sấy khô có tác dụng gì
- Mướp đắng rừng có tác dụng gì
- Tác hại của mướp đắng
- Thời vụ trồng đậu đũa
Mướp đắng trồng vào mùa nào
Trước khi đi vào cách trồng mướp đắng thì các bạn cần biết mướp đắng nên trồng vào thời gian nào trong năm là phù hợp. Mướp đắng là một cây thuộc họ nhà Bầu bí nên nó ưa thích khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt. Với điều kiện khí hậu ở Việt Nam thì người dân có thể trồng mướp đắng quanh năm. Tuy nhiên, có chút khác biệt về thời vụ trồng mướp đắng chính đối với từng vùng. Ở khu vực miền Bắc, mướp đắng thường được trồng từ tháng 3 cho tới tháng 9, cho thu hoạch trái mướp đắng từ tháng 5 cho tới tháng 12. Thời vụ trồng mướp đắng chính trong năm ở các tỉnh miền Trung là từ tháng 11, tháng 12 cho tới tháng 6, tháng 7 năm sau. Đối với các tỉnh phía Nam, khổ qua có thể được trồng quanh năm, nhưng thời điểm trồng khổ qua thích hợp nhất là từ tháng 10 cho tới tháng 3 năm sau.
Các bước chuẩn bị
1. Chuẩn bị đất trồng và phân bón
Mướp đắng là một loại cây dễ trồng, có thể sinh trưởng phát triển trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, khi trồng mướp đắng trong thùng xốp, nên chọn loại đất thịt nhẹ, đất pha cát, tơi xốp và giàu dinh dưỡng để tạo điều kiện cho cây phát triển tốt nhất. Đất trước khi cho vào thùng xốp cần được phơi ải để diệt trừ mầm sâu nấm bệnh. Nếu như trồng mướp đắng ngoài ruộng hoặc vườn, các bạn cần làm đất kĩ, làm sạch cỏ và lên luống để việc thoát nước được thuận tiện, tránh bị ngập úng làm chết cây vào mùa mưa.
Việc bón lót trước khi trồng khổ qua cũng rất cần thiết để giúp trồng khổ qua cho sai quả. Sử dụng các loại phân hữu cơ để trộn cùng đất trước khi cho vào thùng xốp như phân trùn quế, phân bò, phân gà, phân dê, hoặc lót các rác thải hữu cơ như vỏ trứng, vỏ trái cây, rau dưới đáy thùng xốp để làm phân cho cây.
2. Lựa chọn hạt giống mướp đắng
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều giống mướp đắng khác nhau, mang lại nhiều sự lựa chọn cho người trồng. Tuỳ theo nhu cầu mà các bạn lựa chọn hạt giống mướp đắng khác nhau, nhưng dù chọn giống nào thì cũng cần chú ý mua hạt giống của các công ty, cửa hàng bán hạt giống có uy tín, xuất xứ rõ ràng, thời hạn sử dụng còn dài. Chọn các hạt chắc mẩy, không bị lép, bị nấm mốc hoặc sứt mẻ.
3. Làm thùng xốp trồng mướp đắng
Khi trồng mướp đắng, việc thoát nước không hợp lý có thể khiến cây bị chết vì ngập úng. Chính vì vậy, cần thiết kế thùng xốp hợp lý để thùng chứa vừa có khả năng giữ nước hợp lý mà không bị rửa trôi dinh dưỡng và gây ngập úng. Các bạn nên chọn những thùng xốp có thành dày, sâu đáy, và rộng, không nên chọn thùng nhỏ quá để có thể chứa nhiều đất cho bộ rễ phát triển.
Bạn dùng dao gọt trái cây chọc thẳng vào cạnh thùng cách đáy 5cm để làm lỗ thoát nước. Mỗi thùng chọc 3 – 4 lỗ, chú ý lỗ không được to quá, và không đục lỗ dưới đáy thùng. Nhiều bạn mới trồng cây trong thùng xốp lần đầu, chưa có kinh nghiệm nên thường chọc các lỗ dưới đáy, việc này khiến cho thùng xốp không thể giữ được nước, đồng thời làm rửa trôi nhiều dinh dưỡng trong đất. Chính vì thế, NNO khuyến khích bạn nên dành chút thời gian để tạo một chiếc thùng xốp thông minh mà rất đơn giản để thuận tiện cho việc chăm sóc mướp đắng sau này. Mời các bạn xem bài viết Cách làm thùng xốp trồng rau thông minh tại nhà để tìm hiểu nhé.
Cách gieo hạt mướp đắng
Sau khi lựa chọn được hạt giống mướp đắng theo yêu cầu, các bạn có thể tiến hành gieo trực tiếp hạt vào thùng xốp rồi phủ đất lên. Tuy nhiên, hạt mướp đắng có vỏ cứng dày nên NNO khuyến khích thực hiện ngâm ủ hạt mướp đắng trước khi gieo. Việc làm này không chỉ giúp hạt nảy mầm nhanh, tỉ lệ nảy mầm cao mà còn giúp loại bỏ các mầm sâu, nấm bệnh bám ở bên ngoài hạt.
Ngâm hạt khổ qua trong nước ấm pha theo tỉ lệ 2 sôi 3 lạnh trong vòng 5 – 6 tiếng, sau đó vớt ra ủ trong khăn ẩm 1 ngày cho hạt nứt nanh. Để hạt nhanh nứt vỏ và nảy mầm, các bạn có thể dùng bấm móng tay, bấm nhẹ phần vỏ ở phía đầu nhọn. Khi thấy hạt đã nứt vỏ, chúng ta tiến hành ươm hạt mướp đắng trong bầu đất hoặc trồng trực tiếp vào thùng xốp luôn. Khi ươm hạt, chú ý cắm phần đầu đã bị nứt nanh xuống đất, rồi lấy đất phủ lên một lớp khoảng 1 cm, rồi tưới nhẹ cho ẩm đất. Sau khoảng 5 – 7 ngày, hạt bắt đầu nảy mầm và lớn dần lên. Tưới ẩm nhẹ hàng ngày, và sau khoảng 3 tuần, cây mướp đắng có thể đạt chiều cao tới 15 cm và ra được 2 – 3 lá thật. Lúc này, nếu ươm hạt khổ qua trong bầu đất, bạn có thể đánh ra để trồng trong thùng xốp, các thùng chứa khác hoặc trồng ở ruộng, vườn.
Cách trồng mướp đắng (khổ qua)
1. Tưới nước, xới đất và vun gốc cho cây mướp đắng
Hàng ngày, chúng ta tưới đủ ẩm cho mướp đắng vào lúc sáng sớm và chiều mát đối với những ngày nắng nóng, còn nếu trời mát thì có thể tưới ngày 1 lần, chú ý tránh làm ngập úng nước trong thùng xốp. Đến thời kì cây mướp đắng ra hoa, cần đảm bảo độ ẩm cho đất khoảng 80 – 85% để khả năng đậu quả cao hơn.
Trong quá trình chăm sóc cây mướp đắng, chúng ta nên xới nhẹ đất, chú ý không xới sát gốc cây để đất được thoáng khí. Nếu gốc cây bị trơ đất thì cần vun đất vào gốc cho cây. Việc vun xới và vun gốc cho cây có thể được thực hiện kết hợp với việc bón thúc cho cây mướp đắng.
2. Bón phân
Để trồng khổ qua trong thùng xốp được sai quả và cho trái ngon, chúng ta cần thực hiện bón phân định kì 7 – 10 ngày một lần. Các bạn có thể sử dụng các loại phân hữu cơ, hoặc bón phân hữu cơ tự ủ tại nhà, kết hợp với phân NPK để cung cấp thêm nguyên tố đa lượng cho cây. Ngưng bón phân vô cơ cho mướp đắng khi cây bắt đầu ra để tránh tồn dư phân bón hóa học trong quả. Sau khi thu hoạch trái khổ qua lần đầu, chúng ta vẫn tiếp tục bón phân định kì, chú ý không nên dùng các sản phẩm phân bón hóa học do các quả ra thường gối nhau, nên khó có thể đảm bảo đủ thời gian cách li phân bón.
Với việc trồng khổ qua trong thùng xốp, chúng ta thường sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ, hoặc tự ủ phân hữu cơ từ rác thải nhà bếp bón vào đất để mang lại những trái khổ qua sạch, an toàn. Đối với những trường hợp trồng mướp đắng với số lượng lớn trên đồng ruộng, ngoài sử dụng các loại phân bón vào đất, người ta còn dùng cách bón phân qua lá với các dung dịch dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng. Dù sử dụng loại phân bón nào, các bạn cũng cần đảm bảo các nguyên tắc bón phân cho cây. Mời các bạn đón đọc tiếp trong bài viết Cách bón phân cho rau, nguyên tắc, cách làm và vài lưu ý nhỏ để thực hiện tốt việc bón phân cho mướp đắng nhé.
3. Làm giàn leo mướp đắng
Mướp đắng là loại thân leo giống như bầu, mướp nên việc làm giàn mướp đắng rất cần thiết để cây sinh trưởng phát triển tốt, và cho sai trái hơn. Cách làm giàn leo mướp đắng không hề khó như các bạn nghĩ, và có nhiều cách có thể áp dụng khi trồng mướp đắng trong thùng xốp.
Các bạn có thể sử dụng các thanh tre nứa, thanh gỗ để làm giàn, hoặc cắm cọc và giăng dây để khổ qua leo bám lên. Chúng ta nên làm giàn leo cho khổ qua sớm, khi cây cao khoảng 25 – 30cm để cây có không gian leo bám, tránh bị đổ hoặc gãy cây. Giàn leo cho mướp đắng cần chắc chắn để tránh trường hợp đổ gãy giàn khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi như mưa bão hoặc cây ra trái nặng giàn.
Xem thêm: Cách làm giàn trồng cây dây leo tại nhà
4. Thụ phấn cho mướp đắng
Một khâu quan trọng trong cách trồng khổ qua mà nhiều bạn không biết đến, đó chính là việc thụ phấn hoa mướp đắng cho cây. Hoa mướp đắng thuộc loại hoa đơn tính, có hoa đực và hoa cái riêng biệt. Các bông hoa có màu vàng tươi, rất thu hút ong bướm và các loài côn trùng khác để giúp chúng thụ phấn. Tuy nhiên, khi trồng mướp đắng trong thùng xốp tại nhà, nhất là trồng ở khu vực đô thị, số lượng côn trùng ít nên khả năng thụ phấn không cao. Chính vì thế, chúng ta nên thụ phấn giúp cho cây, để tỉ lệ đậu quả cao hơn.
Khi thực hiện thụ phấn, chúng ta nên tiến hành vào buổi sáng vì hoa nở vào buổi sáng, và thời gian hoa đực tàn rất sớm. Chúng ta ngắt bông hoa đực, nhẹ nhàng ngắt hết các cánh hoa, chỉ để lại phần nhi hoa, chú ý tránh làm phấn hoa rụng, sau đó ấn nhẹ phần nhị hoa vào bầu nhụy của hoa cái cho các phấn hoa bám vào nhụy. Trong trường hợp cây chỉ có hoa đực mà chưa có hoa cái, các bạn có thể ngắt hoa đực, cho vào túi và để trong cánh cửa ngăn mát tủ lạnh đề chờ vài hôm sau có hoa cái thì thụ phấn cho cây.
Khi hoa nở và được thụ phấn thành công thì khoảng 5 ngày sau, cây bắt đầu cho ra trái khổ qua nhỏ. Những trái non nhú ra từ phần cuống sau khi hoa tàn, dần dần theo thời gian sẽ phát triển to dần lên. Ở giai đoạn này, các bạn nên ngắt bỏ bớt lá quá dày mọc gần quả non để tạo điều kiện cho quả non nhận đủ ánh sáng để phát triển, đồng thời ngắt bỏ các lá già, lá vàng úa.
5. Phòng trừ sâu bệnh gây hại
Trong quá trình gieo trồng mướp đắng, cây sẽ bị một số đối tượng sâu gây hại phổ biến như sâu xanh, ruồi đục trái (hay ruồi vàng), bọ trĩ, hay rầy rệp. Đây cũng là nhóm đối tượng gây hại chủ yếu trên các cây thuộc họ nhà Bầu bí khác. Các bệnh hại chủ yếu trên cây mướp đắng gồm có bệnh phấn trắng, bệnh đốm phấn hay bệnh thán thư.
Để phòng ngừa và hạn chế các loại sâu bệnh gây hại trên cây khổ qua, chúng ta cần chăm bón đầy đủ dinh dưỡng, tưới nước hợp lý và vệ sinh nơi trồng cẩn thận trước và trong quá trình trồng và chăm sóc. Thường xuyên quan sát giàn mướp đắng để sớm phát hiện sâu bệnh gây hại, và áp dụng các biện pháp điều trị kịp thời. Với mục tiêu trồng được những trái mướp đắng sạch, an toàn, các bạn cần đảm bảo đúng quy định khi sử dụng các sản phẩm thuốc hóa học, tốt hơn cả, chúng ta nên sử dụng các sản phẩm sinh học để diệt trừ sâu bệnh gậy hại ở mướp đắng. Mời các bạn theo dõi tiếp bài viết Sâu bệnh gây hại phổ biến ở mướp đắng để tìm hiểu kĩ hơn về các đối tượng gây hại này, đồng thời biết cách phòng trừ chúng nhé.
Thời gian thu hoạch khổ qua
Sau khi gieo trồng mướp đắng khoảng 40 – 50 ngày, các bạn sẽ được thu hái những trái mướp đắng đầu tiên. Thời gian cây ra quả nhanh hay chậm, cho thu hoạch trong thời gian dài hay ngắn còn tùy thuộc vào giống mướp đắng và sự chăm sóc của bạn. Khi hái mướp đắng, các bạn cần lựa chọn đúng thời điểm, tránh hái khi quả còn non hoặc đã già, sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng của trái. Sau khi thu hái mướp đắng, chúng ta vẫn tiếp tục bón phân định kì để cây có đủ dinh dưỡng ra những đợt quả mướp đắng tiếp theo, chú ý nên sử dụng các sản phẩm hữu cơ, tránh dùng các loại phân bón hóa học để mang lại những trái mướp đắng an toàn nhé.
Với những thông tin về cách trồng mướp đắng trong thùng xốp tại nhà, chúc các bạn có những giàn mướp đắng sai quả để bổ sung vào bữa ăn hàng ngày.
Tags: Cây mướp đắng • hotTừ khóa » để Mướp đắng Sai Quả
-
Hướng Dẫn Cách Trồng Mướp đắng Sai Quả Tại Nhà
-
Hướng Dẫn Cách Trồng Mướp đắng Sai Quả Tại Nhà - YouTube
-
Kỹ Thuật Trồng Mướp đắng Sai Quả
-
Kỹ Thuật Trồng Mướp Đắng đúng Cách "cực Sai Quả" - .vn
-
Cách Trồng Mướp đắng ''khổ Qua'' Sạch Tại Nhà Cho Nhiều Quả
-
Mách Chị Em Cách Trồng Mướp đắng Siêu đơn Giản Cho Quả Sai Lúc Lỉu
-
Kỹ Thuật Trồng Mướp đắng Và Cách Chăm Sóc Cho Ra Năng Suất Cao
-
Cách Trồng Mướp đắng Trên Sân Thượng Cho Sai Trĩu Quả - My Garden
-
[BÍ QUYẾT] Trồng Mướp đắng Cho Quả "SIÊU TO KHỔNG LỒ" ❤️
-
Hướng Dẫn Cách Trồng Mướp đắng (khổ Qua) Sai Quả Tại Nhà? - Lisado
-
Cách Trồng Mướp đắng Sai Quả, Tỏa Bóng Mát Trong Vườn Nhà
-
Kỹ Thuật Trồng Mướp Đắng đúng Cách "cực Sai Quả" | GDGKYT
-
Kỹ Thuật Trồng Mướp Đắng đúng Cách "cực Sai Quả"
-
Kỹ Thuật Trồng Mướp Đắng đúng Cách "cực Sai Quả ...
-
Mẹo Trồng Khổ Qua Trên Sân Thượng Cho Quả Sai Hái Mỏi Tay
-
[Ad.] Chăm Sóc Khổ Qua (mướp đắng) Sai Quả Tại Nhà
-
Trồng Khổ Qua (Mướp Đắng) Trong Chậu, Thùng Xốp