Cách Trồng Rau Má Sạch Bạn Cần Biết!

Mục lục

  • 1. Những điều cần biết về trồng rau má sạch
  • 2. Chuẩn bị đất trồng rau má
  • 3. Gieo hạt giống trồng rau má
  • 4. Chăm sóc rau má
  • 5. Phòng trừ sâu bệnh khi trồng rau má
  • 6. Thu hoạch rau má
Rate this post

Rau má là loại rau thông dụng, cho thu hoạch nhanh và có nhiều giá trị dinh dưỡng. Trồng rau má sạch để làm thương phẩm hoặc thức ăn trong gia đình đang ngày càng được nhiều quan tâm. Cùng Nông nghiệp mới tìm hiểu cách trồng rau má sạch nhé!

1. Những điều cần biết về trồng rau má sạch

Rau má là loại rau khá quen thuộc trong cuộc sống. Rau má có 3 loại:

  • Rau má cọng tím: thân tím, vành lá có răng cưa nhỏ và gai nhỏ
  • Rau má mèo: cây nhỏ, lá nhỏ bò sát mặt đất
  • Rau má mỡ có lá lớn màu xanh mướt, thân dày, cao

Rau má là loại rau có tính mát, chứa nhiều vitamin, chất xơ và các vi lượng tốt cho sức khỏe. Loại rau này thường được sử dụng để nấu canh, ăn sống hoặc xay ép lấy nước, hoặc phơi khô.

trồng rau má

Trồng rau má không khó, tuy nhiên đây lại là loại cây khá nhạy cảm với thời tiết. Trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, nắng nóng hoặc sương mù có thể khiến năng suất rau bị ảnh hưởng. Bạn có thể trồng rau má quanh năm, nhưng thời điểm thích hợp nhất là vào khoảng cuối mùa mưa ( tháng giêng âm lịch).

Rau má là loại rau ưa sáng, vì thế nếu trồng rau má sạch tại nhà, bạn nên chú ý cung cấp đủ ánh sáng cho rau, tốt nhất là trồng ở nơi có ánh sáng mặt trời. Bạn có thể trồng rau má ở ruộng, ở chậu kiểng hoặc trong hộp xốp đều được.

2. Chuẩn bị đất trồng rau má

Rau má khá dễ trồng, có thể sinh trưởng và phát triển trong nhiều loại đất khác nhau, tuy nhiên bạn nên tận dụng đất thịt pha cát, đất tơi xốp, đất phèn để rau má cho năng suất và chất lượng cao nhất.

Tiến hành cày xới cho đất tơi xốp, dọn dẹp cỏ rác. Dùng vôi rải lên mặt ruộng, tiến hành tưới ẩm và phơi để diệt sạch mầm bệnh. Trước khi gieo hạt 10 ngày, tiến hành bón lót các loại phân chuồng ủ hoai mục, phân hữu cơ hoặc các loại tro, trấu để tăng các chất dinh dưỡng cho đất. Tiến hành làm luống thấp, có rãnh nhỏ thoát nước, tránh ngập úng.

Nếu bạn trồng rau má trong chậu hoặc thùng xốp, xới đất tơi xốp rồi dàn đều. Lưu ý chậu, thùng phải thoát nước tốt.

3. Gieo hạt giống trồng rau má

Hiện có nhiều giống rau má khác nhau trên thị trường, tuy nhiên rau má mỡ có thân to, cao, lá to bản xanh mướt tốc độ sinh trưởng nhanh và năng suất cao nên được nhiều người lựa chọn để trồng. Tuy nhiên, cũng có một số người rất ưa chuộng rau má lá nhỏ, có răng cưa nên tùy theo sở thích và mục đích trồng, bạn có thể chọn giống rau má phù hợp.

Rau má

Rau má là loại rau được trồng bằng hạt. Không giống như các hạt giống cây khác, hạt giống rau má rất dễ dàng nảy mầm. Vì vậy bạn hoàn toàn có thể gieo hạt giống trực tiếp xuống đất ẩm mà không cần ngâm trước với nước.

Trước khi gieo, tưới nước cho đất đủ ẩm, rạch những đường thẳng trên đất để gieo hạt thành từng hàng. Bạn cũng có thể rắc đều hạt xuống mặt đất, lưu ý mật độ gieo hạt không nên quá dày. Sau đó, rải một lớp đất mỏng đã trộn với tro trấu hoặc phân chuồng đã sàng kỹ.

Tưới phun nước lên mặt đất vừa gieo hạt để giữ ẩm, trong 3-5 ngày đầu gieo hạt nên phủ một lớp rơm rạ hoặc bạt plastic để vừa giữ ẩm, vừa tránh ánh nắng trực tiếp, sau đó có thể bỏ ra để hạt nảy mầm có thể đón nắng.

4. Chăm sóc rau má

Sau khi gieo hạt 1 tuần, các hạt giống rau má sẽ nảy mầm. Khi đó, tưới nước ngày 2 lần vào khoảng thời gian sáng sớm và chiều mát để cung cấp đủ ẩm cho rau má. Nếu trời mưa, nên thường xuyên kiểm tra tránh tình trạng ngập úng, hạn chế tưới nước.

Sau khi trồng rau má 2 tuần, quan sát mật độ giữa các cây, nếu thấy dày quá nên tỉa bớt để các cây có thể phát triển tốt nhất. Khoảng cách giữa các bụi rau từ 10-15 cm là mật độ lý tưởng để rau má phát triển.

Rau má là loại rau thân bò sát đất, lá, rễ và nhánh mọc ra từ các đốt trên thân, khi già hoa cũng sẽ mọc ra từ đó. Vì vậy, khi trồng rau má, cần kích thích các đốt lá phát triển nhiều, để cây trong tình trạng ra nhiều nhánh non, tránh để cây ra hoa và trái. Nếu muốn thu được năng suất cao, cần chú ý làm sạch cỏ, tưới đủ nước và bổ sung phân bón đầy đủ cho rau má.

cách trồng rau má

Nên sử dụng phân chuồng ủ hoai mục hoặc các loại phân vi sinh để bón cho cây. Nếu trồng rau má trên ruộng với diện tích rộng, cần tiến hành bón thúc bằng phân bón Supe lân, kali, đạm để cung cấp tăng cường dinh dưỡng, giúp cây phát triển tốt. Mỗi đợt bón thúc mỗi loại cách nhau 10-12 ngày.

5. Phòng trừ sâu bệnh khi trồng rau má

Rau má được đánh giá là loại cây dễ trồng và ít sâu bệnh, tuy nhiên khi bạn trồng rau má trên diện rộng không thể tránh khỏi sự tấn công của một số sâu bệnh.

Sâu đỏ là loại sâu nguy hiểm nhất đối với rau má, vì nó cắn phá đọt non, có thể làm giảm tới 50% năng suất rau. Ngoài ra, sâu ăn tạp cắn phá lá rau cũng là kẻ thù của nhiều người nông dân. Những loại sâu bệnh thường xuất hiện vào mùa khô, thời tiết nắng nóng nên bạn cần đặc biệt lưu ý. Khi tiến hành diệt trừ sâu bệnh, cần chọn lựa kỹ các loại thuốc bởi rau má là loại cây rau ăn lá, không thể phun thuốc tràn lan. Đặc biệt cần tuyệt đối tuân thủ thời gian cách ly từ khi phun thuốc đến khi thu hoạch.

6. Thu hoạch rau má

Rau má sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên chỉ khoảng 2 tháng sau khi trồng, mỗi vụ trồng rau má có thể thu hoạch tới 10 đợt. Khi thu hoạch, bạn cắt những cọng lá, để chừa lại phần thân và rễ để rau tiếp tục phát triển và thu hoạch đợt sau.

Sau khi thu hoạch mỗi đợt, tiếp tục bón phân 2 đợt vào các ngày thứ 10 và 20, khoảng 1 tháng sẽ cho thu hoạch lứa kế tiếp.

Rau má quả là loại rau dễ trồng và cho năng suất cao phải không nào? Hy vọng cách trồng rau má sạch mà Nông nghiệp mới cung cấp sẽ giúp bạn trồng thành công giống rau này.

Từ khóa » Cách Trồng Rau Má đạt Năng Suất Cao