Cách Tụng Niệm Chú Đại Bi đúng Phương Pháp - Kiến Thức Phật Giáo

Chú Đại Bi thường xuyên được các Phật tử tụng niệm để cầu mong sự gia hộ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tụng niệm thần chú đúng cách để nhận được hết thẩy những lợi lạc này. Vì lẽ đó, Hoa Sen Phật xin mạn phép chia sẻ một số cách giúp hành giả tụng niệm Chú Đại Bi đúng theo phương pháp nhà Phật.

Chú Đại Bi là gì?

Chú Đại Bi là một thần chú dài bao gồm 84 câu do chính Bồ tát Quan Thế Âm thuyết ra và được chư Phật ấn chứng mà gần nhất là đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngoài tên Chú Đại Bi, thần chú có nhiều tên gọi khác nhau như Quảng đại Viên mãn, Vô ngại Đại bi, Cứu khổ Đà la ni,…

Ngoài ra, quý độc giả cũng nên biết là dù có tên gọi Chú Đại Bi nhưng theo Phật học thì đây là một dạng Đà-la-ni, một đoạn văn bản tương tự như thần chú nhưng dài hơn. Do đó, Chú Đại Bi là tên gọi tắt của Đại Bi Tâm Đà-la-ni.

Những danh hiệu trên là do Đức Phật trực tiếp hướng dẫn cho ngài A Nan và Đại chúng biết đến để truyền dạy cho người đời. Bài chú này được cho là phát xuất từ kim khẩu của Bồ tát Quán Thế Âm, thường được gọi là thần Chú hay linh Chú. Chỉ có những ai tin và thành tâm niệm Chú Đại Bi thì mới có Đại bi tâm.

P/s: Độc giả có thể xem thêm ý nghĩa của Chú Đại Bi trong một bài viết khác trên website để hiểu rõ hơn về thần chú này.

Nên tụng Chú Đại Bi khi có bàn thờ Phật

Theo nhà Phật, hành giả nên tụng niệm thần chú nói chung và Chú Đại Bi nói riêng khi nhà có bàn thờ Phật. Nếu như trong nhà bạn không có bàn thờ Phật thì có thể lên chùa tụng niệm để nhận được sự gia hộ của chư Phật, tăng thêm sức khỏe, mối quan hệ và chất lượng tinh thần cho bản thân.

Chú Đại Bi được Đức Quán Thế Âm Bồ Tát dùng hồng danh 81 vị Phật chuyên diệt trừ tà ma quấy nhiễu. Chính vì vậy, bài chú có uy lực rất mạnh. Khi càng có nhiều người cùng tụng chú thì cộng hưởng nguồn năng lượng và ánh sáng trí tuệ ngày càng một lớn mạnh sẽ tiếp dẫn những linh hồn, vong linh những người đã khuất trong phạm vi tác động đi siêu thoát.

Tuy nhiên, vẫn có một số linh hồn còn lang thang trên cõi này vì duyên nghiệp chưa dứt, vẫn còn mang nặng duyên với trần gian, chưa từ bỏ được những tham lam, thói hư tật xấu của người phàm. Vì vậy, họ vậy còn phải tu hành để trả nghiệp hoặc trầm luân hồi.

Khi ở nhà, bạn cũng có thể tụng chú nhưng tác dụng không đủ mạnh như khi có bàn thờ Phật. Khi ấy, sức mạnh không đủ để giải thoát mà vô tình khiến cho những linh hồn đó bị đánh đập, đày đọa. Lúc trì tụng, sức mạnh của câu thần chú có thể bảo vệ bạn nhưng khi dừng lại, thần chú có thể sẽ gây rắc rối cho bạn.

Mỗi câu thần chú đều có những lợi ích và tác dụng khác nhau, được sử dụng trong những hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy, tụng niệm Chú Đại Bi là tốt nhưng nên cần cân nhắc thật kĩ, tốt nhất là nên tụng ở chùa hoặc các đạo tràng lớn, như thế sẽ tránh những điều xấu, phản tác dụng mà còn giúp các vong linh khác cũng được nhận hưởng những lợi ích này. Chùa là nơi tụng niệm thần chú phát huy sức mạnh tốt nhất.

Khi tụng Chú Đại Bi rất cần sự kiên trì và vững vàng trong tâm, đôi khi nghiệp quả nặng thì không thể một lần mà trả hết. Bên cạnh đó, việc lên chùa tụng chú là đặc biệt quan trọng, nhờ vậy bạn sẽ được cộng hưởng nguồn sức mạnh từ Chư Phật, Chư Pháp, Chư Tăng và các Phật tử đồng tu.

Chú ý âm lượng và giai điệu

Khi tụng Chú Đại Bi thì hành giả nên tụng nhanh, lớn tiếng, âm thanh trầm hùng, mục đích để không bị buồn ngủ, mất tập trung hay tâm trí rối loạn. Âm thanh trầm hùng khi tụng như tiếng nói thức tỉnh vị Phật bên trong mỗi người cũng như những người xung quanh.

Điều quan trọng nhất khi tụng Chú Đại Bi là khởi tâm trong sáng, khích lệ, phấn chấn, do đó, việc tụng chú tập thể sẽ có lợi ích hơn là tụng niệm một mình. Đây cũng là cách tốt nhất cho những người mới bắt đầu tụng chú nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Ngoài ra, bạn cũng có thể đọc nhép miệng hay đọc thầm chỉ riêng mình nghe, hoặc bạn có thể niệm thầm không ra tiếng, ngồi niệm bằng cách quán tưởng, cách này cũng dành cho các bậc hành trì lâu năm.

Nói chung, dù là bạn áp dụng cách tụng niệm nào đi chăng nữa thì cái tâm trong sạch, rũ bỏ những thói hư tật xấu là quan trọng nhất và luôn chánh niệm trong mọi tư thế đi, đứng, nằm, ngồi đều nghĩ đến Phật, nghĩ đến những điều tốt đẹp đó mới chính là cách tu dưỡng tốt nhất.

Khoảng thời gian phù hợp để tụng Chú Đại Bi

Một điều nữa mà tất cả chúng ta đều cần phải biết trong việc tụng niệm Chú Đại Bi là thành tâm buông bỏ những mưu cầu bất thiện. Đây cũng chính là tâm niệm mà Bồ Tát Quan Âm muốn chúng sanh thực hành.

Bởi vì điều này, nên chúng ta có niệm thần chú bất cứ lúc nào, chỉ cần tâm trong sạch. Tuy nhiên khi niệm thần chú, hãy chọn những chỗ yên tĩnh, để bản thân có thể thoải mái, tĩnh tâm, không để những chuyện xung quanh ảnh hưởng, như vậy sẽ làm phản tác dụng của việc tụng niệm thần chú.

Nếu ở nhà có bàn thờ Phật, thì bạn nên ngồi ở đó để tụng. Vì đó là không gian tốt nhất để bạn có thể tập trung, cũng là nơi có khả năng cộng hưởng nguồn năng lượng tích cực phát ra khi bạn tụng Chú Đại Bi.

Nghi thức hành lễ tụng niệm Chú Đại Bi

Hành giả ngồi xuống theo tư thế kiết già hay bán già cũng được miễn sao thấy thoải mái nhất. Gõ 3 tiếng chuông và hướng tâm theo tiếng chuông ngân. Điều này giúp hành giả thanh lọc nội tâm, tiêu trừ các tội chướng thân khẩu ý để bắt đầu bước vào nghi thức trì tụng Chú Đại Bi.

1. Tịnh Pháp Giới và Tam Nghiệp Chơn Ngôn

ÁN LAM (21 lần)

Án ta phạ bà phạ, truật đà ta phạ, đạt ma ta phạ bà phạ, truật độ hám (3 lần)

2. Tác Bạch Cúng Hương

Có nhiều bài nguyện hương khác nhau, hành giả có thể tự chọn bài nguyện hương quen thuộc của mình.

Hương thơm giăng bủa

Thánh đức tỏ tường

Bồ Đề Tâm rộng chẳng suy lường

Tùy chỗ phóng hào quang

Lành tốt phi thường

Dâng cúng Pháp trung vương

NAM MÔ HƯƠNG CÚNG DƯỜNG BỒ TÁT, MA HA TÁT. (3 lần).

3. Đảnh lễ chư PHẬT, BỒ TÁT

Nhất tâm đảnh lễ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn. (Chuông, 1 lạy).

Nhất tâm đảnh lễ Tây Phương Cực Lạc Thế Giới A-Di-Đà-Thế Tôn. (Chuông, 1 lạy).

Nhất tâm đảnh lễ Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Thế Tôn. (Chuông, 1 lạy).

Nhất tâm đảnh lễ Quá Khứ Vô Lượng Ức Kiếp, Thiên Quang Vương Tịnh Trụ Thế Tôn (Chuông, 1 lạy).

Nhất tâm đảnh lễ Quá Khứ Vô Lượng Kiếp, Chánh Pháp Minh Thế Tôn (Chuông, 1 lạy).

Nhất tâm đảnh lễ Thập Phương Nhứt Thiết, Chư Phật Thế Tôn (Chuông, 1 lạy).

Nhất tâm đảnh lễ Hiền Kiếp Thiên Phật, Tam Thế Nhứt Thiết Chư Phật Thế Tôn (Chuông, 1 lạy).

Nhất tâm đảnh lễ Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni Thần Diệu Chương Cú. (Chuông, niệm 3 lần, 3 lạy).

Nhất tâm đảnh lễ Quán Âm Sở Thuyết Chư Đà La Ni, Cập Thập Phương Tam Thế Nhứt Thiết Tôn Pháp.(Chuông, niệm 3 lần, 3 lạy).

Nhất tâm đảnh lễ Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát.(Chuông, niệm 3 lần, 3 lạy).

Nhất tâm đảnh lễ Đại Lực Đại Thế Chí Bồ Tát Ma Ha Tát (Chuông, 1 lạy).

Nhất tâm đảnh lễ Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát(Chuông, 1 lạy).

Nhất tâm đảnh lễ Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Ma Ha Tát (Chuông, 1 lạy).

Nhất tâm đảnh lễ Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát Ma Ha Tát (Chuông, 1 lạy).

Nhất tâm đảnh lễ Tổng Trì Vương Bồ Tát Ma Ha Tát (Chuông, 1 lạy).

Nhất tâm đảnh lễ Thập Phương Tam Thế, Nhứt Thiết Bồ Tát Ma Ha Tát (Chuông, 1 lạy).

Nhất tâm đảnh lễ Ma HA Ca Diếp Tôn Giả, Vô Lượng Vô Số Đại Thanh Văn Tăng, Chư Lịch Đại Tổ Sư (Chuông, 1 lạy).

4. Đại bi phát nguyện

Nếu hành giả đang tụng Chú Đại Bi tại chùa hay một đạo tràng, người chủ trì sẽ dâng lời phát nguyện này, các hành giả khác chỉ nhẩm đọc theo và lắng lòng suy nghĩ theo lời nguyện.

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm, Nguyện con mau biết tất cả Pháp.

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm, Nguyện con sớm được mắt trí huệ.

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm, Nguyện con mau độ các chúng sanh.

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm, Nguyện con sớm được phương tiện khéo.

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm, Nguyện con mau lên thuyền bát nhã.

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm, Nguyện con sớm được qua biển khổ.

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm, Nguyện con mau được giới định đạo.

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm, Nguyện con sớm lên non niết bàn.

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm, Nguyện con mau về nhà vô vi.

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm, Nguyện con sớm đồng thân pháp tánh.

Nếu con hướng về nơi non đao, Non đao tức thời liền sụp đổ.

Nếu con hướng về lửa, nước sôi. Nước sôi, lửa cháy tự khô tắt.

Nếu con hươngs về cõi địa ngục, Địa ngục liền mau tự tiêu tan.

Nếu con hướng về loài ngã quỷ, Ngã quỷ liền được tự no đủ.

Nếu con hướng về chúng Tu la, Tu la tâm ác tự điều phục.

Nếu con hướng về các súc sanh, Súc sanh tự được trí huệ lớn.

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm (10 lần) (chuông, lạy)

5. Thần Chú Đại Bi

Tụng 5 , 7 hoặc 21 biến và hành giả nên chia câu cho dễ tụng.

Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát (3 lần)

Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà ra ni.

Nam mô hắc ra đát na đá ra dạ da. Nam Mô A rị da. Bà lô kiết đế thước bát ra da. Bồ đề tát đỏa bà da.

Ma ha tát đỏa bà da. Ma ha ca lô ni ca da. Án. Tát bàn ra phạt duệ. Số đát na đát toả. Nam mô tất kiết lật đỏa y mông a rị da. Bà lô kiết đế thất Phật ra lăng đà bà.

Nam mô na ra cẩn trì. Hê rị ma ha bàn đà sa mế. Tát bà a tha đậu du bằng. A thệ dựng. Tát bà tát đa (na ma bà tát đa). Na ma bà dà. Ma phạt đạt đậu. Đát điệt tha. Án. A bà lô hê. Lô ca đế. Ca la đế. Di hê rị. Ma ha bồ đề tát đỏa. Tát bà tát bà. Ma ra ma ra. Ma hê ma hê rị đà dựng.

Câu lô câu lô kiết mông. Độ lô độ lô phạt xà da đế. Ma ha phạt xà da đế. Đà ra đà ra. Địa rị ni. Thất Phật ra da. Giá ra gía ra. Mạ. Mạ phạt ma ra. Mục đế lệ.

Y hê di hê. Thất na thất na. A ra sâm Phật ra xá lợi. Phạt sa phạt sâm. Phật ra xá da. Hô lô hô lô ma ra. Hô lô hô lô hê lị. Ta ra ta ra. Tất rị tất rị. Tô rô tô rô. Bồ đề dạ Bồ đề dạ.

Bồ đà dạ Bồ đà dạ. Di đế rị dạ. Na ra cẩn trì. Địa rị sắc ni na. Bà dạ ma na. Ta bà ha. Tất đà dạ. Ta bà ha. Ma ha tất đà dạ. Ta bà ha.

Tất đà dủ nghệ. Thất bàn ra dạ. Ta bà ha. Na ra cẩn trì. Ta bà ha. Ma ra na ra. Ta bà ha. Tất ra tăng a mục khê da. Ta bà ha.

Ta bà ma ha a tất đà dạ. Ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ. Ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ. Ta bà ha. Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ. Ta bà ha.

Ma bà lỵ thắng yết ra dạ. Ta bà ha. Nam mô hắt ra đát na đá ra dạ da. Nam mô a rị da. Bà lô kiết đế. Thước bàn ra dạ. Ta bà ha.

Án. Tất điện đô. Mạn đa ra. Bạt đà dạ. Ta bà ha. (3 lần)

6. Hồi hướng công đức

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đều trọn thành Phật đạo (3 lạy).

Tụng kinh, trì chú cũng là một cơ hội mà chúng ta trả ơn cửu huyền thất tổ. Vì vậy, sau khi tụng Chú Đại Bi xong, hành giả có thể đọc bài nguyện do mình soạn sẵn để gửi đến chư Phật và Bồ tát, hồi hướng công đức và gia hộ cho cửu huyền thất tổ.

Sau khi cầu nguyện xong, hành giả không nên vội đứng lên mà dành 5 phút để “xả thiền”. Đó là hít một hơi dài đưa oxy xuống bụng rồi từ từ thở ra. Nhẹ nhàng lay chuyển vai, cổ và thân trên khoảng 5 lần cho cơ bắp thư giãn. Tiếp đó, hành giả dùng tay xoa nhẹ 2 mắt, xoa bóp 2 bắp chân để máu huyết lưu thông. Nếu thấy mọi thứ đều trở về trạng thái bình thường thì hành giả có thể đứng lên kết thúc buổi trì tụng Chú Đại Bi.

Nên nhớ rằng, các bạn có thể đọc nhiều Kinh Phật nhưng Phật là tại tâm. Điều quan trọng nhất là tâm bạn phải hướng về Phật. Bạn có thể tụng Chú Đại Bi ở nhà để cầu an, cầu sức khỏe, mong có được tinh thần minh mẫn. Theo một số người, khi niệm thần chú, hành giả nên quay mặt về hướng Đông để gửi đi năng lượng bình an cho toàn thể nhân loại.

Ngoài ra có một số nhà sư cho rằng, Chú Đại Bi không phải là mạnh nhất, tâm của người niệm mới chính là chìa khóa tạo ra sức mạnh. Tâm không tốt thì tụng niệm thần chú bao nhiêu lần cũng không có tác dụng mà ngược lại còn tạo ra kết quả xấu. Đó là lý do mà Phật dạy “Giới – Định – Tuệ“, giữ giới trong sạch thì tâm mới tĩnh, tâm định tĩnh như mặt hồ lặng yên thì mới thấy rõ ánh sáng trí tuệ. Nhưng khi bạn biết cách tụng Chú Đại Bi, bạn sẽ biết cách làm thế nào để giữ giới, làm thế nào để tĩnh tâm và từ đó trí tuệ phát sinh.

Hoa Sen Phật

Bài liên quan sẽ được cập nhật sau!

Từ khóa » Cách Niệm Chú đại Bi