Cách Tụng Thần Chú Vãng Sanh - - Tuệ Tâm

Thần Chú Vãng Sanh gọi tắt là Chú Vãng Sanh. Tên gọi này không biết bắt nguồn từ đâu? Bởi theo kinh Niệm Phật Ba La Mật thì đây là “Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sinh Tịnh Độ Đà La Ni” do đức Phổ Hiền Bồ Tát nói ra. Như thế, “Thần Chú Vãng Sanh” hay Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sinh Tịnh Độ Đà La Ni là bản thần chú gồm có 10 câu:

  1. Nam Mô A Di Đà Bà Dạ
  2. Đa tha dà đa dạ
  3. Đa địa dạ tha
  4. A Di Rị đô bà tỳ
  5. A Di Rị Đa tất đam bà tỳ
  6. A Di Rị Đa tì ca lan đế
  7. A Di Rị Đa tì ca lan đa
  8. Già Di Nị dà dà na
  9. Chỉ đa ca lệ
  10. Ta Bà Ha.

Kinh được đức Phật thuyết ra, người Ta chẳng chịu đọc lấy một lần, để hiểu nguyên lai Chú do đâu mà có; Lại lầm lạc chạy theo đám đông truyền bá, lâu ngày đến tên thật của chú là gì người ta cũng chẳng biết.

  • Chú Đại Bi Tâm Đà Ra Ni.
  • Chú Lăng Nghiêm, vua của các Thần chú.
  • Lục Tự Đại Minh Thần Chú.
  • Cách tụng chú Chuẩn Đề.
  • Kinh Niệm Phật Ba La Mật.
  • Kinh Thủ Lăng Nghiêm.
  • 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Thần Chú Vãng Sanh
Thần Chú Vãng Sanh

Tụng Thần Chú Vãng Sanh

Cách tụng “chú vãng sanh” vốn chẳng có gì đặc biệt. Theo trong kinh thì: “Người niệm Phật phải giữ giới, ăn chay, thân khẩu ý đều phải thanh khiết. Ngày đêm sáu thời, mỗi thời tụng hai mươi bốn lần. Như vậy, diệt được các tội: Tứ Trọng, Ngũ Nghịch, Thập Ác, và hủy báng Chánh Pháp, thường được Đức A Di Đà hiện trên đỉnh đầu. Hiện đời được an ổn, phước lạc. Hơi thở cuối cùng, được tùy nguyện mà vãng sinh Cực Lạc. Hoặc tụng đến ba chục muôn (300,000) lần, liền thấy Phật ngay trước mặt mình.” Bạn thấy chăng, kinh dạy “người niệm Phật…” trước tiên, nghĩa là trước khi nghĩ đến việc tụng chú, bạn phải là một người hành hạnh niệm Phật!

Thông thường, các Mật chú là trợ hạnh của người học Phật. Bởi như Ngài Phổ Hiền nói: “…Con nay vì thương tưởng chúng sinh nơi thời mạt pháp, khi ấy kiếp giảm, thọ mệnh ngắn ngủi, phước đức kém thiếu, loạn trược tăng nhiều, kẻ chân thật tu hành rất ít. Con sẽ ban cho người Niệm Phật thần chú đà la ni này để thủ hộ thân tâm, nhổ tận gốc rễ nghiệp chướng, trừ sạch phiền não, được mau chóng sinh về Cực Lạc.”

Muốn tụng Chú vãng sanh phải lấy niệm Phật làm chánh hạnh

Theo lời Kinh và chư Tổ dạy thì bạn trì chân ngôn nhưng vẫn phải lấy niệm Phật cầu vãng sanh làm chánh hạnh. Bởi Chú có oai lực hộ thân, giúp tiêu tai chướng nghiệp, giúp người tránh được các chướng nạn; đặc biệt là các chướng duyên do Ma khảo và sự phá hoại tinh vi của Thiên Ma… Việc này khiến người niệm Phật được an ổn trên đường tu trong thời mạt pháp. Nhưng nếu không lấy niệm Phật làm chánh hạnh mà quy hướng thì vẫn là không đúng với tôn chỉ của Kinh.

Bởi kinh Niệm Phật Ba La Mật đức Phật luôn nhấn mạnh: “Muốn vãng sanh về Cực Lạc thì chỉ cần niệm Phật là đủ”. Bạn trước khi tụng chú nên đọc qua Kinh một lần để hiểu rõ hơn.

Thực ra kinh chú nào cũng đều vi diệu cả, sự cảm ứng hơn kém nằm ở nơi tâm người tụng, không ở nơi chú. Việc bạn chí thành, cung kính, thanh tịnh, giữ giới…càng nhiều thì sự linh nghiệm càng cao. Như Kinh Niệm Phật Ba La Mật còn có “Vô Lượng Thọ Như Lai Chân Ngôn” là “pháp tạng bí mật của Phật A Di Đà”, sức hộ trì và sự dễ tụng của chú này vượt xa “Chú Vãng Sanh”. Nhưng bởi ít người biết đến nên thường chọn khó mà bỏ dễ, âu cũng là do sức nghiệp chướng của chúng anh thời mạt mà ra vậy!

Tản mạn về trì chú

Trong một pháp hội cầu siêu cho thai nhi cách đây nhiều năm. Tôi duyên gặp một bậc chân tu hơn 10 năm ròng trì tụng Vô Lượng Thọ Như Lai Chân Ngôn.

Ngài bảo: “Thần chú này có sức phá nghiệp và hộ thân vô cùng linh dị. Tôi mấy chục năm ở trong rừng, cũng nhờ sức của chú mà được an định tu hành. Ngày nay rời Thất lang thang độ sanh phần lớn cũng là nhờ sức hộ trì của Chú.”

Lúc đó tôi hỏi: “Bạch Thầy, nay còn trì tụng nữa chăng?”

Thầy bảo: “Không, chỉ niệm Phật mà thôi.”

Tôi ngạc nhiên hỏi: “10 năm trì tụng không phải là ít, sao Thầy chẳng tụng nữa?”

Thầy bảo: “Sau này xem kỹ lại Kinh Niệm Phật Ba Mật mới hay Phật dạy: “Muốn vãng sanh chỉ cần niệm Phật là đủ!” Tôi nay chỉ muốn theo lời Phật dạy: Lập chánh hạnh niệm Phật mà thôi.

Lại nhân một lần tôi phát sanh chướng nghiệp, mấy ngày liền ốm nằm một mình trong rừng. Khi ấy thân đau mệt rã rời, tâm mịt mờ bấn loạn, nửa câu chú cũng vô phương nhớ ra, huống nữa là trì tụng! Lúc ấy mới hiểu tại sao chư Tổ luôn dặn: “Muốn tụng chú nào cũng cần phải lấy niệm Phật làm chánh hạnh.”

*

Người thời nay đa phần chẳng ý thức được sự hung hiểm của thời Mạt pháp nên tu hành thường loạn động, tạp hạnh tạp tu. Nhiều người ưa tụng chú vì ham thần thông chớ chẳng phải là vì cầu giải thoát. Tâm loạn động, lại chẳng chịu trì giới, một khi ma khảo không kẻ nào ra khỏi được lưới ma.

Bởi thế trong niệm Phật Thập Yếu, Ngài Thiền Tâm bảo: “Sức tu của người thời nay, phần nhiều bị Phiền não ma hoặc Ngoại ma phá hoại, chưa đủ để cho Thiên ma phải ra tay. Loại ma này chỉ đến với những vị tu cao. Nếu Thiên ma quyết phá, những vị sức tu tầm thường khó có hy vọng thoát khỏi. Trong Kinh Lăng Nghiêm, vì thương đường tu nhiều hiểm nạn, đức Phật khuyên các hành giả tham thiền nên kiêm trì mật chú, để được nhờ thần lực gia hộ, thoát khỏi nạn ma thành tựu chánh định.

*

Ấn Quang đại sư đã bảo: “Mới xem qua, dường như Kinh Lăng Nghiêm khác quan điểm với Tịnh Độ, nhưng xét nghĩ sâu mới thấy kinh này trong vô hình đã khen ngợi tuyên dương Tịnh Độ. Tại sao thế? Bởi bậc đã chứng đệ tam thánh quả A Na Hàm, còn có thể bị ma cảnh làm cho thối đọa; thì sự niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ càng nổi bật thêm tánh cách trọng yếu, trong ánh sáng nhiếp hộ của đức A Di Đà không còn nạn ma.”

Cho nên xét luận trên đường hành đạo, khi chưa được sanh về Cực Lạc, thì tu Tịnh Độ cũng có thể bị ma chướng. Song phần nhiều đó là do hành giả không hiểu giáo lý, chẳng khéo trị tâm, để Nội ma phát khởi khiến chiêu cảm Ngoại ma đến phá hoại. Nếu giữ được tâm bình tỉnh, thì với oai lực công đức của câu hồng danh, ngoại ma không làm chi được, và phiền não cũng lần lần tiêu trừ.

Vì thế người tu Tịnh Độ, ma cảnh nếu có cũng là phần ít. Trái lại, người tu thiền ma cảnh hiện nhiều, bởi chỉ nương vào tự lực…”.  Bạn nếu muốn trì tụng “thần chú vãng sanh” nên nhớ kỹ lời Ngài Thiền Tâm dạy.

Bạn thân mến, xin hãy ngồi ngay ngắn, giữ thân tâm thanh tịnh mà xem qua một lần Phẩm thứ bảy, kinh Niệm Phật Ba La Mật, để biết rõ nguồn gốc của “Chú Vãng Sanh”! 

Kinh Chú Vãng Sanh

Kinh Niệm Phật Ba La Mật

Phẩm Thứ Bảy – Khuyến Phát Niệm Phật Và Tụng Đọc Chơn Ngôn

Việt Dịch: Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

*

Lúc bấy giờ, Ngài Phổ Hiền Đại Bồ Tát bạch Phật rằng:

Thưa Thế Tôn, con nay vì thương tưởng chúng sinh nơi thời mạt pháp, khi ấy kiếp giảm, thọ mệnh ngắn ngủi, phước đức kém thiếu, loạn trược tăng nhiều, kẻ chân thật tu hành rất ít. Con sẽ ban cho người Niệm Phật thần chú đà la ni này để thủ hộ thân tâm, nhổ tận gốc rễ nghiệp chướng, trừ sạch phiền não, được mau chóng sinh về Cực Lạc, gọi là:

Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sinh Tịnh Độ Đà La Ni

Nam Mô A Di Đà Bà Dạ

Đa tha dà đa dạ

Đa địa dạ tha

A Di Rị đô bà tỳ

A Di Rị Đa tất đam bà tỳ

A Di Rị Đa tì ca lan đế

A Di Rị Đa tì ca lan đa

Già Di Nị dà dà na

Chỉ đa ca lệ

Ta Bà Ha.

Người niệm Phật phải giữ giới, ăn chay, thân khẩu ý đều phải thanh khiết. Ngày đêm sáu thời, mỗi thời tụng hai mươi bốn lần. Như vậy, diệt được các tội: Tứ Trọng, Ngũ Nghịch, Thập Ác, và hủy báng Chánh Pháp, thường được Đức A Di Đà hiện trên đỉnh đầu. Hiện đời được an ổn, phước lạc. Hơi thở cuối cùng, được tùy nguyện mà vãng sinh Cực Lạc. Hoặc tụng đến ba chục muôn (300,000) lần, liền thấy Phật ngay trước mặt mình.

*

Bấy giờ Ngài Quán Thế Âm Đại Bồ Tát, bước ra trước Phật, bạch rằng:

Nay con nương uy thần của Đức A Di Đà mà ban cho chúng sinh quyết chí niệm Phật thời mạt pháp một chân ngôn, gọi là: Vô Lượng Thọ Như Lai Chân Ngôn. Đây là tạng pháp bí mật của Phật A Di Đà, ẩn chứa vô biên thần lực tự tại bất tư nghị. Nếu hàng Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di lỡ phạm giới căn bản. Tụng xong bảy biến liền trở lại được giới phẩm thanh tịnh.

Tụng xong hai mươi mốt biến, tiêu diệt các tội Tứ Trọng, Ngũ Nghịch, Thập Ác, và tất cả chướng ngại trên bước tu hành đều trừ sạch. Hiện đời an lạc, thuận lợi, được sự nhiếp thọ của Vô Lượng Như Lai. Tụng một muôn lần, tâm Bồ Đề hiển hiện nơi thân không quên mất, thấy Đức Phật phóng quang tụ trên đỉnh đầu. Người niệm Phật lần lần thể nhập tịnh tâm tròn sáng, mát mẻ, tiêu tan tất cả phiền não. Khi lâm chung, hành giả niệm Phật liền thấy Phật A Di Đà cùng vô lượng muôn ức Bồ Tát vây quanh, an ủi, tiếp dẫn. Người niệm Phật tức khắc được sinh về Thượng Phẩm ở Cực Lạc.

Sau đây, con xin tuyên đọc Vô Lượng Thọ Như Lai Chân Ngôn

*

Vô Lượng Thọ Như Lai Chân Ngôn

Na Mô Rát Na Tờ Gia Gia Gia

Na Mắc A Ry Gia

A Mi Ta Pha Gia

Ta Tha Ga Ta Gia

A Rờ Ha Tê

Sam Giắc Sam Bút Đa Gia

Ta Đi Gia Tha

Om

A Mờ Rật Tê

A Mờ Rật Tô Đờ Pha Vê

A Mờ Rật Ta Sam Pha Vê

A Mờ Rật Ta Ga Ri Phê

A Mờ Rật Ta Sít Đê

A Mờ Rật Ta Tê Rê

A Mờ Rật Ta Vi Hờ Rim Tê

A Mờ Rật Ta Vi Hờ Rim Ta

Ga Mi Nê

A Mờ Rật Ta Ga Ga Na

Ki Ti Ka Rê

A Mờ Rật Ta Đun Đa Phi Sờ Va Rê

Sạc Va Rờ Tha Sa Đa Nê

Sạc Va Kác Ma

Ka Lê Sa

Ka Sa

Giăm Ka Lê

Sờ-Va Ha

*

Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát vừa đọc xong bài Chân Ngôn, bỗng vô lượng vô biên vô số thế giới đều chấn động sáu cách, quang minh chiếu rực cả mười phương. Đức Thích Ca cùng Chư Phật khắp mười phương thế giới đồng thanh khen ngợi: Lành thay! Lành thay!

Lúc bấy giờ, Diệu Nguyệt trưởng giả vui mừng vô hạn, liền từ chổ ngồi đúng dậy, vén áo phơi bày vai hữu, đi nhiễu quanh Đức Thích Ca ba vòng, rồi chắp tay, quỳ gối, hướng Phật mà đọc bài kệ khen ngợi:

Đức Thế Tôn, Chính Biến Tri

Tướng hảo đoan nghiêm đều viên mãn.

Rủ Đại Từ Bi vô giới hạn

Mở bày Đại Pháp cứu quần mê

Niệm Phật hiện tiền đắc Phật tướng

Thâm nhập cảnh giới bất tư nghị

Nhân đây, Bồ Tát sơ phát tâm

Quyết định một lòng xưng niệm Phật

Hồng Danh chứa nhóm vô lượng nghĩa

Lợi lạc muôn ức chúng hữu tình

*

Đức Phật Thế Tôn, đấng Vô Thượng

Tri Kiến, Giác Ngộ đều quang minh

Rắc rải Tuệ Nhật khắp mười phương

Rưới trận mưa pháp như Cam Lộ

Niệm Phật Vãng Sinh Cõi Cực Lạc

An nhiên chứng đắc Vô Sinh Nhẫn

Nhân đây Bồ Tát sơ phát tâm

Gìn giữ thân tâm bằng Phật Hiệu

Hồng Danh tỏ ngộ Chân Như Tánh

Dẫn dắt chúng sinh vào Tam Muội

Đức Phật Như Lai, Đấng Bất Động

Chẳng đến, chẳng đi, chẳng đoạn, thường

Xa lìa chấp hữu hoặc chấp vô

Tự tại chỉ bày phương tiện lực

Niệm Phật An Trụ Nơi Bản Giác

Tùy nghi hòa hợp với Tánh Không

Nhân đây Bồ Tát sơ phát tâm

Trang nghiêm tự thân bằng Niệm Phật

Hồng Danh hiển phát Hư Không Tạng

Tức thời thẳng vào Viên Giác Tánh

Con nay xưng tán Đại Đạo Sư

Khen ngợi Hồng Danh Vô Lượng Lực

Nguyện đem hồi hướng khắp chúng sinh

Mong cầu hết thảy cùng Niệm Phật.

*

Lúc bấy giờ, trưởng giả Diệu Nguyệt ở trước Đức Thế Tôn, đọc bài kệ khen ngợi Phật rồi, thành khẩn thưa hỏi thế này:

Kính bạch Thế Tôn, Đấng Toàn Giác Toàn Tri. Kinh này tên gọi là gì? Chúng con phải thọ trì như thế nào?

Phật bảo ông Diệu Nguyệt trưởng giả rằng:

Kinh này gọi là Niệm Phật Ba La Mật Kinh, còn gọi là Xưng Tán Hồng Danh Công Đức Kinh, cũng có tên là Niệm Phật Bát Nhã Tam Muội Kinh. Các người y theo đó mà thọ trì.

Này Diệu Nguyệt, trong thời mạt pháp, các kinh điển Đại Thừa đều diệt tận. Nơi cõi Nam Diêm Phù Đề này chỉ có kinh này tồn tại. Đức Phật A Di Đà cùng Ta, đều rộng mở Đại Từ Bi mà lưu trụ kinh này thêm mười năm nữa. Hai vị Đại Bồ Tát Quán Thế Âm và Phổ Hiền đồng phát nguyện thủ hộ kinh này, và che chở những người niệm Phật, khiến cho những kẻ chống trái và các ác ma không thể làm nhiễu loạn được.

*

Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn nhìn chúng hội đạo tràng mà bảo rằng:

Này đại chúng! Nơi thời kỳ chánh pháp cuối cùng, hoặc về sau nữa, nếu có người nào thọ trì, đọc tụng, suy gẫm, biên chép kinh Niệm Phật Ba La Mật này, thì các ngươi phải biết người ấy trong vô lượng vô biên bất khả tư nghị kiếp lâu xa đã từng gặp gỡ, thân cận, cúng dường tôn trọng Chư Phật. Người ấy vốn thật sự từ Bát Nhã Trí sinh ra, đời đời thực hành giáo pháp Như Lai Vô Tận Tạng.

Này đại chúng! Nơi thời kỳ chánh pháp cuối cùng, hoặc về sau nữa, nếu có người nào thoáng nghe qua kinh Niệm Phật Ba La Mật này, mà phát khởi tín tâm chắc thật, chẳng kinh nghi, thì các ngươi phải biết người ấy ở trong vô lượng vô biên bất khả tư nghị kiếp, lâu xa từng dũng mãnh phát Bồ Đề Tâm, tu Bồ Tát Hạnh không mỏi nhọc, và nơi Chư Phật từng gieo trồng Giải Thoát Đức, Bát Nhã Đức, Pháp Thân Đức, chẳng thể tính đếm thí dụ được.

*

Này đại chúng! Nơi thời kỳ chính pháp cuối cùng, hoặc về sau nữa, nếu có người nào tin nhận, ghi nhớ rõ ràng nghĩa thú của kinh Niệm Phật Ba La Mật này, rồi nương theo đó mà xưng niệm Danh Hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, dẫu chỉ một niệm, hai niệm, cho đến mười niệm, hoặc nhiều lần của mười niệm, thì các ngươi phải biết người ấy chắc chắn được Phật thọ ký, hiểu phát năng lực của Tánh Không, tỏ ngộ Tri Kiến Như Lai, và bước thẳng vào cảnh giới Thánh Trí Tự Chứng.

Này đại chúng! Nếu các ngươi thấy người nào thọ trì kinh này, và thường xuyên niệm Phật, thì phải khởi lòng tôn trọng y như kính ngưỡng Chư Phật vậy. Chớ nên móng tâm ngăn trở người thọ trì kinh này, chẳng được phơi bày lỗi lầm, sai trái của người niệm Phật.

*

Này đại chúng, nên biết rằng, vô lượng vô biên muôn ức na do tha vi trần số Hóa Thân của chư Phật và của Ta khắp tất cả quốc độ trong mười phương cũng đều giảng nói kinh Niệm Phật Ba La Mật, cũng đều khuyến phát chúng sinh siêng năng niệm Phật. Tất cả chư Phật phân thân của ta luôn luôn phóng đại quang minh nhiếp thọ và thủ hộ những chúng sinh niệm Phật, không bỏ rời.

Lúc Phật dạy kinh này xong rồi, chư vị Đại Bồ Tát ở mười phương, chư vị trưởng lão, Thanh Văn, như Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp v.v… cùng các Trời, Rồng, Dạ Xoa, Nhân, Phi Nhân… tất cả đại chúng đều rất hoan hỷ, thọ trì lời Phật dạy, ân cần đảnh lễ mà lui ra.

***

( Thần chú Vãng Sanh )

Tuệ Tâm 2021

4.9/5 - (7 bình chọn)
  • Share on Facebook
  • Tweet on Twitter
  • Share on LinkedIn

Từ khóa » Niệm Chú Vãng Sanh Có Tác Dụng Gì