Cách Xác định Doanh Thu Tính Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp - Mới

Doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) là gì? Quy định cách hạch toán, xác định thu nhập chịu thuế và các khoản giảm trừ khi tính thuế TNDN? Anpha sẽ giúp bạn giải đáp tại bài viết dưới đây.

Nội dung chính:

  • I. Quy định doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN)
    • 1. Doanh thu tính thuế TNDN là gì?
  • II. Doanh thu tính thuế TNDN từ các hoạt động kinh doanh
  • III. Doanh thu tính thuế TNDN từ hoạt động tài chính
  • IV. Các khoản giảm trừ doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp
  • V. Doanh thu tính thuế TNDN từ các khoản thu nhập khác
  • VI. Các câu hỏi thường gặp về doanh thu tính thuế TNDN

I. Quy định doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN)

1. Doanh thu tính thuế TNDN là gì?

Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế TNDN là toàn bộ tiền bán hàng hóa, thành phẩm, cung cấp dịch vụ bao gồm cả các khoản thu nhập khác mà doanh nghiệp được hưởng, không phân biệt là công ty đã thu được tiền hay chưa.

  • Doanh thu tính thuế TNDN củ a doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ là doanh thu chưa bao gồm thuế GTGT;
  • Doanh thu tính thuế TNDN của doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu là doanh thu bao gồm cả thuế GTGT.

Tham khảo:

Tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ;

Tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp.

2. Điều kiện ghi nhận doanh thu tính thuế TNDN

Để ghi nhận doanh thu khi bán hàng và cung cấp dịch vụ sẽ có những điều kiện giống và khác nhau.

Bán hàng

Cung cấp dịch vụ

Giống nhau

- Xác định được doanh thu một cách tương đối chắc chắn;

- Bên bán hoặc cung cấp dịch vụ đã thu được hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế;

- Giao dịch bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ có xác định được chi phí liên quan.

Khác nhau

- Người mua đã nhận phần lớn rủi ro và lợi ích của hàng hóa từ người bán;

- Người bán không còn nắm giữ quyền sở hữu hàng hóa đó.

- Xác định được phần công việc dịch vụ đã hoàn thành tại thời điểm ghi nhận doanh thu.

II. Doanh thu tính thuế TNDN từ các hoạt động kinh doanh

Doanh thu từ hoạt động kinh doanh bao gồm doanh thu từ nhiều loại hoạt động kinh doanh khác nhau của doanh nghiệp như: thương mại, dịch vụ, bán hàng trả góp, doanh nghiệp nhận đại lý ký gửi, vận tải hàng không, thuê tài sản, kinh doanh sân gôn, bán vé máy bay, hoạt động tín dụng, hoạt động cung cấp điện, nước sạch, hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh trò chơi có thưởng, kinh doanh chứng khoán...

Sau đây là một số hoạt động thường xuyên xảy ra ở doanh nghiệp, cách hạch toán đối với doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:

➤ Hoạt động kinh doanh thương mại

Thời điểm xác định doanh thu là thời điểm người bán đã chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng hàng hóa cho người mua.

Doanh thu từ hoạt động thương mại được hạch toán vào tài khoản 5111 - Doanh thu bán hàng hóa.

Cách hạch toán:

  • Khi đủ điều kiện ghi nhận doanh thu, kế toán cần ghi:

Nợ TK 111, 112, 131: Tổng tiền nhận được;

Có 5111, 5112: Doanh thu bán hàng hóa hay thành phẩm;

Có 33311: Thuế GTGT phải nộp.

  • Đồng thời ghi nhận giá vốn:

Nợ TK 632: Giá vốn;

Có TK 155,156: Giá trị xuất kho của hàng hóa.

Ví dụ 1:

Công Ty A bán một lô hàng trị giá 250 triệu đồng (giá chưa bao gồm VAT) cho công ty P (bao gồm 100 máy tính để bàn), thuế GTGT 10%, giá vốn là 200 triệu, chưa thu tiền khách hàng. Trong trường hợp này, công ty hạch toán theo Thông tư 200 như sau:

>> Hạch toán doanh thu bán hàng:

Nợ TK 131: 275 triệu;

Có TK 5111: 250 triệu;

Có TK 33311: 25 triệu.

>> Đồng thời hạch toán giá vốn:

Nợ TK 632: 200 triệu;

Có TK 156: 200 triệu.

➤ Hoạt động kinh doanh dịch vụ

Thời điểm xác định doanh thu là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ hoặc hoàn thành từng phần việc cung cấp dịch vụ đối với trường hợp hai bên có thỏa thuận nghiệm thu từng lần.

Cách hạch toán trong trường hợp này được quy định như sau:

Nợ TK 111, 112, 131: Tổng tiền thu được;

Có 5113: Doanh thu cung cấp dịch vụ;

Có 33311: Thuế GTGT phải nộp.

➤ Đối với hoạt động cho thuê tài sản

Là hoạt động doanh nghiệp sở hữu tài sản cho bên đơn vị khác đi thuê trong thời gian nhất định, bên đi thuê sẽ trả tiền đi thuê theo thỏa thuận. Theo đó:

  • Trường hợp bên đi thuê trả tiền theo định kỳ từng kỳ thì doanh thu tính thuế TNDN là số tiền bên đi thuê trả từng kỳ theo hợp đồng. Định kỳ bên cho thuê hạch toán tiền thuê theo hợp đồng cho thuê như sau:

Nợ TK 111, 112: Số tiền tổng nhận thanh toán trước;

Có TK 5113: Doanh thu thuê tài sản;

Có TK 33311: Thuế GTGT phải nộp.

  • Trường hợp bên thuê trả trước tiền thuê cho nhiều năm thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được phân bổ cho số năm trả tiền trước hoặc được xác định theo doanh thu trả tiền một lần.

>> Hạch toán khi nhận tiền trước:

Nợ 1111, 1121: Tổng số tiền được nhận;

Có TK 3387: Số tiền thuê nhiều kỳ chưa thuế;

Có TK 33311: Thuế GTGT.

>> Định kỳ phân bổ doanh thu thuê tài sản:

Nợ TK 3387: Số tiền phân bổ cho kỳ đó;

Có TK 5113: Doanh thu thuê tài sản từng kỳ.

➤ Đối với bán hàng hóa theo phương thức trả góp

Là phương thức bán hàng thu tiền nhiều lần, khách hàng sẽ trả một phần tiền ngay tại thời điểm mua, còn lại sẽ thanh toán nhiều lần ở các kỳ tiếp theo và chịu lãi trên số tiền trả chậm này.

Doanh thu tính thuế TNDN trong trường hợp này là doanh thu bán hàng hóa trả tiền một lần không tính tiền lãi trả góp. Phần lãi do trả chậm sẽ được ghi vào doanh thu chưa thực hiện (3387), cụ thể:

  • Khi bán hàng trả góp, hạch toán như sau:

Nợ 131: Tổng tiền bao gồm cả tiền lãi;

Có 5111: Giá trả tiền ngay chưa bao gồm thuế GTGT;

Có 33311: Thuế GTGT;

Có 3387: Phần lãi do trả chậm, trả góp chưa có thuế GTGT.

  • Hàng kỳ xác định và kết chuyển tiền lãi trả góp:

Nợ 3387: Phần lãi trả trong kỳ;

Có 515: Doanh thu hoạt động tài chính.

➤ Đối với doanh nghiệp nhận làm đại lý ký gửi

Đại lý ký gửi là hoạt động bán hộ hàng hóa để nhận được hoa hồng từ việc bán hàng của doanh nghiệp khác.

Doanh thu tính thuế TNDN là tiền hoa hồng được hưởng theo hợp đồng đại lý.

Khi nhận hàng hóa từ bên doanh nghiệp ký gửi thì hàng hóa này không thuộc quyền sở hữu của bên đại lý nên doanh nghiệp không phải hạch toán mà chỉ cần ghi chép trên file quản lý hàng nhận ký gửi của đơn vị mình.

  • Khi hàng hóa đã bán được, đại lý ghi nhận:

Nợ TK 111, 112, 131: Số tiền thu được từ việc bán hàng;

Có 331: Phải trả cho bên người gửi hàng.

  • Định kỳ theo hợp đồng đại lý, xác định được hoa hồng đại lý nhận được, ghi:

Nợ TK 331: Tổng hoa hồng được nhận bao gồm thuế GTGT;

Có TK 5113: Doanh thu được hưởng;

Có TK 33311: Thuế GTGT phải nộp của khoản hoa hồng được hưởng.

  • Sau khi bù trừ giữa số tiền bán được và hoa hồng được hưởng thì bên đại lý trả tiền cho bên doanh nghiệp gửi hàng:

Nợ TK 331: Phải trả bên người gửi;

Có TK 111, 112: Số tiền bán được sau khi trừ hoa hồng được hưởng.

➤ Đối với kinh doanh đại lý vé máy bay

  • Nếu đại lý bán không đúng giá thì doanh thu tính thuế TNDN là doanh thu bán vé trong kỳ. Kế toán ghi nhận doanh thu theo giá bán cho người mua:

Nợ 111, 112, 131: Tổng tiền nhận được;

Có TK 5113: Doanh thu bán vé;

Có TK 33311: Thuế GTGT của vé bán được.

  • Nếu đại lý bán đúng giá và hưởng hoa hồng thì doanh thu tính thuế TNDN là doanh thu hoa hồng được hưởng và cách ghi nhận giống như đối với doanh nghiệp nhận làm đại lý ký gửi.

Xem thêm: Quy định thuế TNDN.

III. Doanh thu tính thuế TNDN từ hoạt động tài chính

Là doanh thu thu được từ tiền lãi cho vay, lãi tiền gửi ngân hàng, cổ tức lợi nhuận được chia, lãi tỷ giá hối đoái, lãi từ việc chuyển nhượng vốn và doanh thu hoạt động tài chính khác.

Doanh thu hoạt động tài chính là doanh thu chịu thuế TNDN trừ lãi tỷ giá do đánh giá lại những khoản mục có gốc ngoại tệ cuối năm của khoản mục tài sản.

Ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính vào tài khoản 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.

Khi phát sinh doanh thu hoạt động tài chính, kế toán ghi:

Nợ TK 112, 138, 331, 131, 121, 228…;

Có TK 515: Doanh thu hoạt động tài chính.

IV. Các khoản giảm trừ doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp

Trong hoạt động bán hàng có thể phát sinh các nghiệp vụ kinh tế làm giảm trừ doanh thu bán hàng cung cấp dịch vụ trong kỳ như: chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán trả lại.

Nếu doanh nghiệp áp dụng theo Thông tư 200 thì hạch toán các khoản giảm trừ doanh thu vào tài khoản 521 (5211 - Chiết khấu thương mại; 5212 - Hàng bán bị trả lại; 5213 - Giảm giá hàng bán).

Nếu doanh nghiệp áp dụng theo Thông tư 133 thì hạch toán trực tiếp khoản giảm trừ doanh thu vào bên nợ tài khoản 511 “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ”.

1. Chiết khấu thương mại

Chiết khấu thương mại là khoản tiền chênh lệch giữa giá bán và giá niêm yết mà doanh nghiệp giảm trừ cho khách hàng mua sản phẩm, hàng hóa với số lượng lớn.

  • Trường hợp chiết khấu theo từng lần mua thì giá bán trên hóa đơn là giá đã trừ chiết khấu thương mại, trong trường hợp này doanh nghiệp không hạch toán thêm bút toán giảm giá hàng bán mà doanh thu bán hàng phản ánh theo giá đã trừ chiết khấu thương mại;
  • Trường hợp chiết khấu khi đạt số lượng hàng nhất định sau nhiều lần mua hoặc sau khi kết thúc chương trình chiết khấu thì khoản chiết khấu thương mại này được ghi giảm trừ vào giá bán trên hóa đơn GTGT lần cuối cùng.

Nếu lần mua cuối cùng có giá trị nhỏ hơn giá trị chiết khấu của đợt mua hàng đó thì phải xuất hóa đơn riêng để điều chỉnh giảm kèm các hóa đơn trước đó.

Theo đó, quy định hạch toán như sau:

  • Theo Thông tư 200: Sử dụng tài khoản 5211 - “Chiết khấu thương mại’’;

Khi xuất hóa đơn, căn cứ vào số tiền chiết khấu cho khách hàng, kế toán ghi:

Nợ TK 5211: Số tiền chiết khấu chưa thuế GTGT;

Nợ TK 33311: Thuế GTGT chiết khấu thương mại;

Có TK 111, 112, 131: Tổng số tiền chiết khấu.

Cuối kỳ kết chuyển sang bên nợ tài khoản doanh thu để xác định doanh thu thuần:

Nợ TK 511: Doanh thu giảm trừ do chiết khấu;

Có TK 5211: Giá trị chiết khấu.

  • Theo Thông tư 133:

Nợ TK 511: Doanh thu giảm trừ do chiết khấu;

Nợ TK 33311: Thuế GTGT giảm trừ (nếu có);

Có TK 111, 112, 131: Tổng số tiền chiết khấu.

Ví dụ 2: Ngày 05/01/2021, công ty AP ký hợp đồng số 01/2021/AP-HT bán bộ bàn ghế với công ty HT có điều khoản nếu trong năm 2021 mua 10 bộ hoặc lớn hơn thì sẽ được chiết khấu 10% trên giá trị hàng hóa. Giá 1 bộ bàn ghế là 10.000.000đ/1 bộ (chưa VAT). Công ty hạch toán theo Thông tư 200.

  • Ngày 15/01/2021: Công ty HT mua 5 bộ;
  • Ngày 25/07/2021: Công Ty HT mua tiếp thêm 4 bộ;
  • Ngày 20/12/2021: Công Ty HT mua tiếp 2 bộ. Lúc này đã trên 10 bộ nên công ty HT được chiết khấu 10% của toàn bộ đơn hàng trong năm;
  • Số tiền chiết khấu = (5 + 4 + 2) x 10.000.000 x 10% = 11.000.000

➜ Số tiền này lớn hơn giá trị mua cuối cùng (20.000.000đ) nên sẽ viết hóa đơn chung với lần mua cuối cùng, cụ thể như sau:

STT

Tên hàng hóa, dịch vụ

Đơn vị tính

Số lượng (1)

Đơn giá (2)

Thành tiền (3) = (1)*(2)

1

Bộ bàn ghế HP HT000123

Bộ

2

10.00.000

20.000.000

2

Chiết khấu thương mại 10% theo HĐ 01/2021/AP-HT ngày 05/01/2021

Bộ

11

1.000.000

11.000.000

Cộng tiền hàng:

9.000.000

Thuế suất GTGT: 10%, Tiền thuế GTGT:

900.000

Tổng cộng tiền thanh toán:

9.900.000

➜ Hạch toán hóa đơn này như sau:

Ghi nhận doanh thu

Ghi nhận chiết khấu

Nợ 131: 22.000.000

Có 5111: 20.000.000

Có 33311: 2.000.000

Nợ 5211: 11.000.000

Nợ 33311: 1.100.000

Có 131: 12.100.000

➜ Cuối kỳ kết chuyển chiết khấu:

Nợ 5111: 11.000.000

Có 5211: 11.000.000

Ví dụ 3: Tương tự như ví dụ 2 nhưng hợp đồng quy định sẽ chiết khấu 12% nếu trong năm mua đạt được 10 bộ. Trong năm vào ngày 20/12/2021 chỉ mua 1 bộ.

Lúc này công ty được chiết khấu 12% của 10 bộ là 10 x 10.000.000 x 12% = 12.000.000

➜ Số tiền này lớn hơn số tiền lần mua cuối (10.000.000đ) nên hóa đơn cuối cùng sẽ viết bình thường theo giá chưa chiết khấu và sẽ lập thêm 1 hóa đơn điều chỉnh giảm số tiền thuế chiết khấu.

Cách viết hóa đơn chiết khấu trong trường hợp này như sau:

STT

Tên hàng hóa, dịch vụ

Đơn vị tính

Số lượng (1)

Đơn giá (2)

Thành tiền (3) = (1) x (2)

1

Chiết khấu thương mại 12% theo HĐ 01/2021/AP-HT ngày 05/01/2021

Bộ

10

1.200.000

12.000.000

Cộng tiền hàng:

12.000.000

Thuế suất GTGT: 10%, Tiền thuế GTGT:

1.200.000

Tổng cộng tiền thanh toán:

13.200.000

➜ Hạch toán hóa đơn này như sau:

Nợ 5211: 12.000.000

Nợ 33311: 1.200.000

Có 131: 13.200.000

➜ Cuối kỳ kết chuyển

Nợ 5111: 12.000.000

Có 5211: 12.000.000

2. Giảm giá hàng bán

Giảm giá hàng bán là khoản giảm trừ cho khách hàng do hàng hóa hay dịch vụ kém phẩm chất hay lỗi thời. Số tiền giảm giá của hàng hóa dịch vụ đã bán được tính điều chỉnh trên hóa đơn của lần mua cuối cùng hoặc của kỳ tiếp theo hoặc sẽ được lập hóa đơn điều chỉnh giảm giá hàng bán.

Trường hợp lập hóa đơn giảm giá hàng bán thì ta hạch toán giảm doanh thu.

  • Theo Thông tư 200: Sử dụng tài khoản 5213 “Giảm giá hàng bán”. Cách hạch toán tương tự phần chiết khấu thương mại, chỉ cần thay TK 5211 thành 5213 là được;
  • Theo Thông tư 133: Hạch toán trực tiếp khoản giảm giá hàng bán vào bên nợ tài khoản 511 “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ”.

3. Hàng bán bị trả lại

Hàng bán bị trả lại là hàng hóa bị khách hàng trả lại toàn bộ hoặc 1 phần do các nguyên nhân sau: vi phạm hợp đồng kinh tế, hàng kém chất lượng, hết hạn sử dụng hay hàng hóa không đúng chủng loại, quy cách.

Trường hợp người mua đã nhận hàng và người bán đã xuất hóa đơn, nhưng sau đó vì một số lý do mà trả lại hàng hóa thì người mua phải xuất hóa đơn, trên hóa đơn ghi rõ trả lại người bán và lý do trả lại, tiền thuế GTGT (nếu có).

Căn cứ hóa đơn bên mua lập trả lại, người bán hạch toán như sau:

  • Theo Thông tư 200:

>> Phản ánh hàng bán bị trả lại:

Nợ TK 5212: Giá trị hàng hóa bị trả lại chưa thuế GTGT;

Nợ TK 33311: Thuế GTGT hàng hóa bị trả lại;

Có TK 111, 112, 131: Tổng số tiền hàng hóa bị trả lại

>> Phản ánh hàng nhập lại kho:

Nợ TK 155, 156: Giá trị hàng hóa trả lại;

Có TK 632: Giá vốn hàng trả lại.

>> Cuối kỳ kết chuyển sang tài khoản doanh thu để xác định doanh thu thuần:

Nợ TK 5111: Doanh thu bán hàng;

Có 5212: Hàng bán trả lại.

  • Theo Thông tư 133: Không sử dụng tài khoản 5212 mà hạch toán giảm giá hàng bán vào bên nợ TK 5111 như sau:

Nợ TK 5111: Doanh thu giảm trừ do hàng bị trả lại;

Nợ TK 33311: Thuế GTGT của hàng hóa bị trả lại;

Có TK 111, 112, 131: Số tiền hàng bị trả lại.

Ví dụ 4: Tiếp theo ví dụ 1, sau khi nhận hàng, công ty P kiểm tra hàng và quyết định trả lại 50 cái do hàng không đúng chủng loại. Công ty P xuất lại hóa đơn trả lại hàng cho công ty A.

Hạch toán hàng bị trả lại

Nhập lại kho

Nợ TK 5212: 125 triệu đồng;

Nợ TK 33311: 12.5 triệu đồng;

Có 131: 137.5 triệu đồng.

Nợ TK 156: 100 triệu đồng;

Có TK 632: 100 triệu đồng.

Cuối kỳ kế toán

Nợ TK 5111: 125 triệu đồng;

Có TK 5212: 125 triệu đồng.

Xem thêm: Chi phí tính thuế TNDN.

V. Doanh thu tính thuế TNDN từ các khoản thu nhập khác

Thu nhập khác là các khoản thu nhập chịu thuế mà các khoản thu nhập này nhận được không phải từ các hoạt động kinh doanh theo ngành nghề, lĩnh vực doanh nghiệp đã đăng ký, bao gồm:

  • Thu về bán lại, thanh lý TSCĐ của doanh nghiệp;
  • Lãi do chênh lệch đánh giá lại của tài sản mang đi góp vốn hay đầu tư;
  • Thu nhập từ bán và thuê lại tài sản;
  • Các khoản thuế phải nộp cho nhà nước nhưng sau đó được giảm hoặc được hoàn;
  • Thu tiền phạt do vi phạm hợp đồng của khách hàng hay nhà cung cấp;
  • Tiền được bảo hiểm bồi thường;
  • Các khoản nợ phải trả nay nhà cung cấp không nhận;
  • Các khoản phải thu quá hạn lâu năm đã lập dự phòng đưa vào chi phí nay thu lại được;
  • Khoản thưởng nhận được liên quan đến tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ nhưng không tính trong doanh thu;
  • Thu nhập từ quà tặng bằng tiền hoặc hiện vật hoặc giá trị của hàng khuyến mãi không phải trả lại;
  • Các khoản thu nhập khác như tiền thu được từ bán phế liệu, ve chai ở doanh nghiệp…

Thu nhập khác là khoản thu chịu thuế khi tính thuế TNDN, được hạch toán vào tài khoản 711 - Thu nhập khác.

VI. Các câu hỏi thường gặp về doanh thu tính thuế TNDN

1. Công ty tôi kinh doanh về dịch vụ thiết kế website, có 2 trường hợp công ty hay gặp phải: ➜ Trường hợp 1: Công ty ký hợp đồng với khách hàng ngày 10/06/2021, dự kiến ngày nghiệm thu sẽ là ngày 01/07/2021. Sau khi hoàn thành được ½ công việc thì khách hàng thanh toán 50% số tiền vào ngày 20/06/2021. ➜ Trường hợp 2: Công ty chúng tôi ký hợp đồng dịch vụ với khách ngày 15/08/2021, công ty đã hoàn thành và nghiệm thu vào ngày 01/09/2021 nhưng khách hàng chưa thanh toán. Trong từng trường hợp thì công ty chúng tôi ghi nhận doanh thu lúc nào?

Công ty ghi nhận doanh thu trong từng trường hợp như sau:

➜ Trường hợp 1: Trường hợp này công ty sẽ xuất hóa đơn đồng thời ghi nhận doanh thu của 50% hợp đồng vào ngày 15/06/2021 vì lúc này đã xác định được ½ phần công việc.

➜ Trường hợp 2: Khi hoàn thành dịch vụ thì lúc này công ty phải ghi nhận doanh thu và xuất hóa đơn cho khách hàng cho dù khách đã thanh toán tiền hay chưa. Vì vậy ngày ghi nhận doanh thu và xuất hóa đơn trong trường hợp này là ngày 01/09/2021.

2. Công ty có bán đơn hàng 200 triệu (20 bộ bàn ghế) chưa VAT, ngay sau khi nhận được hàng thì bên mua kiểm tra thấy 5 bộ bị trầy xước do vận chuyển. Theo thống nhất thì công ty quyết định giảm giá 10 triệu cho đơn hàng này. Sau khi quyết định giảm mới xuất hóa đơn. Lúc này cách ghi nhận doanh thu và xuất hóa đơn như thế nào?

Lúc này công ty sẽ xuất doanh thu theo giá đã giảm trừ là 190 triệu. Đồng thời ghi nhận doanh thu 190 triệu chứ không cần phải ghi nhận doanh thu 200 triệu rồi thêm bút toán giảm giá hàng bán 10 triệu.

Hoài Thu - Phòng Kế toán Anpha

Từ khóa » Cách Xác định Doanh Thu Khoán