Cách Xưng Hô Trong Tiếng Việt - Điều Cần Biết Trong Giao Tiếp

“Lời nói không mất tiền mua,

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”

--- Ca dao Việt Nam ---

Từ xa xưa, người Việt đã răn dạy con cháu lễ nghĩa trong giao tiếp qua ca dao, tục ngữ, và các câu chuyện cổ. Những nét tốt đẹp ấy vẫn còn được lưu truyền đến cuộc sống hiện đại, và xưng hô là một trong những bí kíp về việc khéo ăn, khéo nói trong giao tiếp.

Xưng hô đúng mực không chỉ là biểu hiện của việc bạn sử dụng tiếng Việt thành thạo ra sao, mà còn thể hiện môi trường giáo dục bạn được tiếp nhận từ bé đến lớn và cho thấy bạn là người thế nào trong việc đối nhân xử thế.

Cũng như nhiều nước Á Đông, Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ nền văn hóa Nho giáo - tôn trọng lễ nghĩa, điều đó được thể hiện trong lời nói, ngôn từ.

Dù là đất nước trong quá khứ hay diện mạo hiện tại của Việt Nam, thì ở các lớp học, trường học cho trẻ thơ, các thầy cô giáo vẫn dạy con trẻ rằng, “Tiên học Lễ, hậu học Văn.”

Lễ nghĩa trong ngôn từ của tiếng Việt không giống như kính ngữ trong tiếng Hàn - có sự thay đổi của từ trong “từ thường” và “kính ngữ”; cũng không giống như trong tiếng Trung có sự phân biệt giữa 你 với 您, kết hợp với cách dùng từ uyển chuyển; thì trong tiếng Việt, sự kính trọng, tinh tế trong trò chuyện thể hiện qua cách xưng hô và các trợ từ cuối câu.

Nhiều bạn bè, người quen của tôi thường nói rằng, họ thích cách xưng hô thân mật của người Việt, họ có thói quen dùng “阿姨”, “g哥哥”, “姐姐” thay vì dùng “你” trong xưng hô. Điều này khiến cho người nghe có cảm giác thân thiết. Đó là do bởi thói quen của người Việt khi sử dụng tiếng Trung.

Nhưng đối với những người nước ngoài học tiếng Việt Nam mà nói, cách xưng hô trong tiếng Việt là một bài toán hóc búa đối với họ. Không chỉ vì tiếng Việt khó phát âm, mà còn bởi cách xưng hô trong tiếng Việt quá đa dạng: Anh, chị, em, cô, dì, chú, bác,... và có sự phân biệt giữa từng vùng miền khác nhau.

Tuy là đa dạng như vậy, nhưng cách xưng hô trong tiếng Việt là cách xưng hô có quy tắc trong bất quy tắc, trong bài viết này, chúng tôi giản lược giới thiệu 5 cách phân biệt (bất thành văn) trong xưng hô của tiếng Việt và đưa ra vài ví dụ theo ngôn ngữ miền Bắc.

1. Tuổi tác

Đây là quy tắc cần biết khi chúng ta tiếp xúc với những người mới quen, thì cần xưng hô thế nào cho lịch sự mà thân thiện. Đầu tiên, chúng ta sẽ phân biệt về giới tính: nam giới thì dùng “anh”, “chú”, “bác”, “ông”; nữ giới thì dùng “chị”, “cô”, “bác”, “bà”. Tiếp đến, chúng ta cần ước lượng độ tuổi để biết được vai vế trong xưng hô, với người nhỏ tuổi hơn thì có “em”, “cháu”; với người lớn tuổi hơn thì có “anh”, “chị”, “cô”, “chú”, “bác”, “ông”, “bà”,...

Nếu như người nghe nhỏ hơn người nói (mình) vài tuổi, thì ta gọi người đó là “em”, xưng là “anh” - nếu bạn là nam giới; “chị” - nếu bạn là nữ giới.

Nếu người nghe nhỏ hơn chúng ta nhiều tuổi, thì ta gọi người nghe là “cháu” và tùy vào vai vế của người nói với cha mẹ của người nghe để xưng hô. Ví dụ, bạn nhỏ tuổi hơn cha mẹ của người nghe thì bạn dùng “chú” - nếu bạn là nam; dùng “cô” nếu bạn là nữ; nếu bạn lớn tuổi hơn cha mẹ của người nghe, thì bạn xưng là “bác”.

Còn nếu bạn là người nhỏ tuổi hơn người nghe, nếu người nghe lớn hơn bạn một vài tuổi, bạn xưng “em” và gọi người nghe là “anh” - nếu người nghe là nam giới; “chị” - nếu người nghe là nữ giới.

Nếu người nghe lớn hơn bạn nhiều tuổi, thì bạn xưng cháu và ước lượng tuổi của họ với cha mẹ mình để tìm cách xưng hô phù hợp. Nếu họ ít tuổi hơn cha mẹ - bạn gọi là “cô” (đối với nữ giới), gọi là “chú” đối với nam giới. Nếu họ có vẻ nhiều tuổi hơn cha mẹ bạn, thì bạn gọi bằng “bác”. Nếu họ cao tuổi hơn nữa, tầm ngang tuổi với ông bà bạn, thì bạn gọi “ông” đối với nam giới, gọi “bà” đối với nữ giới.

Xin được tóm tắt thành bảng dưới đây để bạn dễ theo dõi:

Nhưng cũng có một điều thú vị trong cách xưng hô - đặc biệt được ứng dụng với phái nữ, là nếu như người nghe là nữ giới mà hơn tuổi bạn không quá ít, cũng không quá nhiều, đừng do dự mà hãy gọi họ là “chị”, xưng “em”, chắc chắn bạn sẽ ghi điểm và tạo được thiện cảm với người nghe. Bởi, người nghe sẽ được tạo cảm giác mình là người trẻ trung, điều đó còn hơn cả một lời khen xinh đẹp đấy!

2. Huyết thống, quan hệ gia đình

Trong tiếng Việt, đối với mối quan hệ huyết thống thì mọi nguyên tắc về tuổi tác đều được cất sang một bên.

Người trong nhà sẽ không xưng hô theo sự chênh lệch về tuổi tác mà dựa theo mối quan hệ huyết thống trong gia đình. Và có sự phân biệt giữa họ nội và họ ngoại như trong tiếng Trung.

Với bậc cha chú của cha mẹ, chúng ta xưng cháu và gọi là “ông” - đối với nam giới, gọi là “bà” - đối với nữ giới.

Với những người có bậc anh, chị của cha mẹ, chúng ta xưng là “cháu” và gọi họ là “bác” - với những người có vai vế lớn hơn cha mẹ.

Với những người có vai vế nhỏ hơn cha mẹ, có sự khác biệt giữa họ nội và họ ngoại.

Đối với họ nội (có quan hệ họ hàng với bố của người nói), chúng ta xưng “cháu” và gọi họ là “chú” - nếu người nghe là nam giới; gọi họ là “cô” - nếu người nghe là nữ giới.

Đối với họ ngoại (có quan hệ họ hàng với mẹ của người nói), chúng ta xưng “cháu” và gọi họ là “cậu” - nếu người nghe là nam giới; gọi họ là “dì” - nếu người nghe là nữ giới.

Đối với những người cùng thế hệ với người nói, chúng ta xưng “em”, gọi người nghe là “anh” - nam giới, “chị” - nữ giới nếu trong gia đình, vai vế của cha mẹ họ lớn hơn cha mẹ mình; xưng là “anh” - nếu người nói là nam giới, xưng là “chị” - nếu người nói là nữ giới và gọi người nghe là “em”, khi mà vai vế trong gia đình của cha mẹ người nghe nhỏ hơn vai vế của cha mẹ người nói.

Điều này lý giải vì sao chúng ta có thể thấy một người lớn tuổi xưng “em” và gọi một người khác là “anh” mặc dù xét về tuổi tác thì “em” lớn hơn “anh” nhiều tuổi. Đó chỉ đơn giản là họ có mối quan hệ họ hàng với nhau.

3. Địa vị, chức vụ, công việc xã hội

Đây cũng là một trong những quy tắc xưng hô đối với người mới quen/biết nhưng chúng ta biết về địa vị, chức vụ hoặc công việc của họ. Ví dụ, chúng ta có thể xưng là “em”, “cháu”, “tôi” và gọi người đối diện là “bác sỹ” - với những người làm nghề y. Học trò xưng “em” và gọi giáo viên là “thầy” - nếu người nghe là nam giới, “cô” - nếu người nghe là nữ giới.

4. Tự ti nhi tôn nhân

Đây là cách xưng hô thể hiện sự tôn trọng người nghe trong tiếng Việt, họ đặt mình ở vị trí thấp hơn, đặt người nghe ở vị trí cao hơn. Ví dụ như “tệ xá” - là cách dùng khiêm nhường để xưng hô về bản thân; hoặc là “quý công ty” là cách thể hiện sự tôn trọng đối với người nghe.

5. Trọng nam khinh nữ

Trong văn hóa Nho giáo vẫn luôn tồn tại tư tưởng trọng nam khinh nữ, mặc dù đến nay, tư tưởng này ít nhiều đã được cải thiện nhưng thói quen trong cách sử dụng ngôn ngữ vẫn còn được bảo lưu đến hiện tại, như là trong xưng hô, chúng ta vẫn thường quen dùng những từ dành cho nam giới lên trước, những từ dùng cho nữ giới đặt phía sau, như “ông bà”, “anh chị”….

Nhưng trong cuộc sống hiện đại, người Việt Nam vẫn giữ thói quen xưng hô theo thứ tự nam nữ không phải bởi còn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, mà bởi cách xưng hô như vậy phù hợp với quy tắc thanh vần mà thôi, bởi vậy bạn đừng lo mình sẽ bị đánh giá là trọng nam khinh nữ nếu gặp những người lớn tuổi hơn, bạn mở lời bằng câu chào: “Cháu chào ông bà!” hay “Em chào anh chị!” nhé.

Trong tiếng Việt có muôn vàn cách xưng hô, và ngay chính những người bản địa Việt Nam đôi khi cũng thấy khó khăn trong việc lựa chọn cách xưng hô trong giao tiếp. Thậm chí, từ nhỏ, trong những bài học tiếng Việt, chúng tôi cũng từng học rằng, “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” vậy nên nếu bạn đang học tiếng Việt, cũng đừng nản lòng. Cách xưng hô - chỉ là một phần thể hiện sự thiện chí trong lời nói. Điều quan trọng nhất vẫn là tấm lòng, khi bạn chân thành giao tiếp với người đối diện, thì dù ban đầu bạn có thể chưa chọn được cách xưng hô chính xác, bạn hãy yên tâm, bởi những người bạn Việt Nam rất hiếu khách và nồng hậu, họ sẽ không tỏ ra bất bình mà còn chỉ bạn cách xưng hô thế nào cho phù hợp đấy!

Từ khóa » Bạn Còn Gọi Là Gì