Cái Bẫy Hy Sinh - Báo Phụ Nữ

Từ khi có vợ, tôi “lột xác”: áo quần phẳng phiu, cơm nước đâu ra đó. Dù trời nắng hay mưa, dù công ty có tăng ca hay tiệc tùng đột xuất, vợ cũng sấp ngửa đặt đồ ăn online, hay thậm chí gọi điện nhờ… mẹ vợ lo bữa tối cho cha con tôi.

Những ngày đầu hôn nhân, tôi từng mơn man hạnh phúc vì được yêu chiều, chăm bẵm. Ngày đó, tôi không thể ngờ trong “dịch vụ năm sao” là một cái bẫy to đùng của sự hy sinh.

Ảnh mang tính minh họa - SHTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHTTERSTOCK

Vợ tôi hầu như không nghĩ gì cho bản thân. Mục đích sống của vợ là chồng con khỏe mạnh, đẹp đẽ, thăng tiến. Cô ấy có thể hủy hẹn với bạn nếu tôi vô tình nhắn nói “thèm lẩu cua”. Cô ấy dần bỏ tiệm nail, giã từ luôn tiệm gội đầu, và chuyển sang... tự cắt tóc kể từ lúc con cái học trường xa, cần đưa đón.

Việc đưa đón con cái cũng từng tranh cãi nhiều khi tôi muốn giành phần đón con. Nhưng cô ấy chốt hạ: “Đón con là hạnh phúc của em”.

Thời gian đầu, sự gắn bó gia đình là niềm tự hào của tôi. Nhưng càng về sau, niềm tự hào dần trở thành sự ngột ngạt. Từ khi có con, mỗi lần được phân công công tác với tôi đều là cực hình. Vợ không nói gì, nhưng vì gia đình, cô ấy đã hy sinh mọi gặp gỡ lẫn cơ hội công tác. Tôi không thể xách cặp đi vài ngày mà không bận lòng, áy náy.

Tôi từng nhiều lần nhắc vợ sống cho bản thân, năn nỉ cô ấy để bố con tôi được… đói, được ăn ngoài khi cô ấy bận. Nhưng thuyết phục thất bại. Tôi từng hỏi, nếu tôi cũng giống phần đông đàn ông khác, cũng bạn bè chè chén và chỉ biết đến công việc, thì cô ấy sẽ ra sao. Cô ấy nói: chính vì tôi xứng đáng nên cô ấy mới vậy. Nếu tôi cũng như những người đàn ông kia, thì xem như tôi không xứng đáng.

Cứ thế, vợ lầm lũi hy sinh, còn tôi nặng nợ hai chữ “xứng đáng”.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Về cơ bản, tôi vẫn là người đàn ông hạnh phúc. Tôi có thể sống cả đời mà từ chối những gặp gỡ bạn bè, làm việc chừng mực để hiện diện bên gia đình.

Nhưng mới đây, xung đột đã diễn ra ở “đời F1”.

Vài tháng trở lại đây, vợ tôi giận con gái vì con chơi với đứa bạn mà cô ấy nhận xét “nhìn rất gian”. Xung đột liên miên, cho đến một ngày, con bé nhốt mình trong phòng sau “tối hậu thư” của mẹ. Vợ tôi cũng khủng hoảng, thút thít cả ngày vì “thất vọng về con”. Tôi tìm cách tiếp cận con bé thì tá hỏa khi biết nỗi dằn vặt của con.

Hóa ra, trong lúc thuyết phục con, vợ tôi đã dùng đến lý lẽ: “Mẹ không có bạn vẫn sống được, mẹ đã nghỉ chơi cô A., cô B. để tập trung chăm sóc mấy cha con, nay mẹ chỉ mong con nghỉ chơi với một người bạn thôi, sao lại không thể…”.

Con tôi có thể chưa đủ lớn để hiểu hết áp lực nó đang cảm thấy. Nhưng chỉ riêng với việc phải bị giằng xé giữa một bên là sự hàm ơn với nỗi hy sinh của mẹ, một bên là tình cảm với bạn đã đủ làm một đứa trẻ tuổi teen khổ sở.

Sự hy sinh của vợ đã trở thành lý lẽ cho mọi cuộc tranh luận trong nhà. Tôi yêu vợ và chấp nhận “tóm gọn đời mình” để vừa vặn với lựa chọn của cô ấy. Nhưng đến lượt các con - liệu những đứa trẻ có chính kiến có thể sống vừa khuôn trong “đức hy sinh” của mẹ?

Suy cho cùng, là người thân thì thương nhau là đủ, sao lại cần phải hy sinh?

Đức Tuấn

Từ khóa » đàn ông Hy Sinh