Cái Bi Là Gì?

1,3K

Phạm trù cái bi là gì? Bản chất và các biểu hiện của cái bi

Mục lục ẩn Khái niệm Bản chất của cái bi Các dạng bi khác nhau

Khái niệm

Cái bi là phạm trù mỹ học cơ bản chỉ sự thất bại hay cái chết của cái đẹp trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với lực lượng đối lập; là thắng lợi của lực lượng phản động, lạc hậu trước các lực lượng cách mạng, tiến bộ; là những hy sinh, tổn thất mà phía cách mạng phải gánh chịu trong cuộc đấu tranh với giai cấp lạc hậu.

Bản chất của cái bi

a. Cái bi là sự xung đột giữa yêu cầu tất yếu về mặt lịch sử với việc không đủ khả năng thực hiện được yêu cầu đó trong thực tiễn. Bản chất thẩm mỹ của cái bi là sự xung đột dẫn đến mất mát đau thương. Song, không phải mọi sự xung đột dẫn đến mất mát đau thương đều là cái bi. Cơ sở để xem xét việc nảy sinh cái bi là sự xung đột giữa yêu cầu tất yếu về mặt lịch sử với việc không đủ khả năng thực hiện được yêu cầu đó trong thực tiễn (C. Mác). Như vậy, những xung đột thông thường của đời sống không phải cơ sở nảy sinh cái bi. Chẳng hạn, những xung đột giữa những anh chàng nghiện rượu, tranh giành đất đai để rồi chém giết nhau. Do đó, những chết chóc đau khổ thường tình không nằm trong phạm trù cái bi của mỹ học. Nghệ sĩ Anh thế kỷ XIX, John Ruskin phân biệt:Thơ chỉ có thể lên tiếng với nỗi buồn của cô gái khóc cho tình yêu trong trắng bị tan vỡ, chứ không thể viết về giọt nước mắt của kẻ hà tiện đánh mất tiền. Ở đây có hai loại nước mắt, nước mắt cúa cái bi (nước mắt của cô gái) và nước mắt của cái hài (nước mắt của anh chàng hà tiện). Chỉ thuộc về cái bi những hy sinh tổn thất có ý nghĩa xã hội mang tính quy luật trong sự phát triển lịch sử.

Bi kịch cá nhân xảy ra trong tình yêu, trong gia đình, ngoài xã hội cũng có thể là cái bi, nếu đằng sau nó cũng chứa những xung đột xã hội, mang tầm vóc lịch sử. Chẳng hạn bi kịch số phận Chí Phèo (trong Chí Phèo), Hămlét (trong Hămlét), Mácbet (trong Mácbét), Lỗ Thị Phượng (trong Lôi vũ)… Các bi kịch xã hội như thoái trào cách mạng, tổn thất lớn lao của cuộc chiến đấu của quần chúng cách mạng cũng thuộc về cái bi. Chẳng hạn, phong trào Công xã Pari, 1871 ở Pháp.

b. Bi kịch làm trong sạch hóa những cảm xúc… Bi kịch có tác dụng to lớn trong việc thanh khiết hóa tâm hồn con người. Aristốt, nhà triết học, mỹ học thời Hylạp cổ đại cho rằng: Bi kịch là sự bắt chước các hành động nghiêm túc và cao thượng, hành động này có một quy mô nhất định, Bi kịch nhằm miêu tả những con người tốt nhất. Nhân vật và lực lượng bi kịch có sức mạnh lớn lao, có ý chí mạnh mẽ, có lý tưởng đẹp đẽ, có khát vọng chân chính. Nhân vật bi kịch thất bại thậm chí bị tiêu diệt. Nhưng đặc trưng thẩm mỹ của cái bi lại không bi. Aristốt cũng đã từng khẳng định: bi kịch làm trong sạch hóa những cảm xúc thông qua sự khêu gợi sự xót thương và khủng khiếp. Cảm xúc thẩm mỹ đối với cái bi vẫn là tình cảm tích cực, vẫn là vui, phấn chấn… Chứ không phải là cảm xúc bi quan, tiêu cực.

Mỹ học tôn giáo nhấn mạnh tính chất công bằng của việc trừng phạt con người và những tội lỗi muốn mưu toan chống lại thế giới. Cách giải thích này tạo ra ở con người trạng thái nhẫn nhục, chịu đựng, phục tùng số mệnh, định mệnh. Mỹ học tư sản quan niệm cái bi như là sự bi đát của con người trước cuộc đời; như là sự xung đột vĩnh hằng giữa thân phận nhỏ nhoi của con người và sự vĩnh hằng bất tận của tạo hóa. Mỹ học Phong kiến phương Đông, cũng bị chi phối khá nặng nề của tư tưởng định mệnh. Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều từng giải thích về tiếng khóc chào đời của con người lúc sơ sinh:

Thảo nào khi mới chôn rau

Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra

Thực ra, xung đột bi kịch dấy lên ở con người những rung động thẩm mỹ sâu sắc. Nó khơi dậy ở con người tình cảm cao cả, lành mạnh, kích thích những hành động mãnh liệt, thúc đẩy con người đấu tranh vì hạnh phúc, tôi luyện con người.

c. Cảm xúc thẩm mỹ của cái bi là cảm xúc vui: Tại sao cảm xúc thẩm mỹ trong bi kịch lại là cảm xúc vui? Khi nhìn những diễn viên trình diễn những bi kịch, ta nhỏ lệ biểu lộ sự đồng tình hay lòng trắc ẩn, mà mặt mày như tươi tỉnh sáng lạn, tâm tư dàn trải thoải mái. Máu và nước mắt thường đem lại cho ta những ý nghĩ ngọt ngào tươi mát hơn là những nụ cười hoan hỉ. Vậy cảm xúc vui tươi trong bi kịch do đâu mà có? Phương Tây có nhiều cách giải thích khác nhau.

Platon, với quan điểm của mình là xuất phát điểm cho thuyết Vui cười trước tai họa của thiên hạ, ông cho rằng nỗi sầu muộn là những đức tính yếu kém của con người, cần phải vứt bỏ. Âúy vậy mà bi kịch lại kích thích nó lên. Như thế là không đạo đức. J. J. Rousseau tiếp tục thuyết này, cho rằng bi kịch là biểu lộ niềm hân hoan khoái lạc trước tai họa. Cho nên, ông khuyến cáo người ta chớ nên mở kịch trường. Sau này E. Faguet khai triển tư tưởng của J. J. Rousseau, cho rằng: con người là một mãnh thú, tìm khoái lạc trước đau khổ của kẻ khác. Ông chứng minh điều đó ơ: những cuộc thi đấu giữa người và thú trong thời Lamã; những cuộc đấu bò rừng ở Tây Ban Nha, những vụ hành hình tàn khốc đối với kẻ khác tôn giáo thời Trung cổ; người ta thích đọc báo về những tin tức các vụ đâm chém nhau… Thực ra, nếu đúng như vậy thì việc gì phải bỏ tiền ra xem những cảnh tưởng tượng mà không tìm đến những cảnh thực.

E. Burker (Anh quốc thế kỉ XVIII) đưa ra thuyết ngược lại với thuyết tính ác, là thuyết tính thiện. Cảm giác vui trong bi kịch là do lòng trắc ẩn, hay đồng tình tâm. Chính những sự rủi ro bất hạnh ấy cũng khiến ta cảm thấy khoan khoái. Con người ta thích pháp trường hơn kịch trường. Nghĩa là, chúng ta thương xót cho Hămlét, nên rất vui khi thấy nhân vật này chết một cách bi thảm.

Dubos (Pháp quốc, thế kỉ XVII), Thomas (đại học Colombia) lại giải thích bằng nguyên nhân tâm lí. Theo họ, bản tính con người vốn hiếu động, thích những cảm giác mạnh. Sự kích thích càng mạnh thì cảm xúc vui càng đậm. Bi kịch là liều thuốc công hiệu giúp con người vui. Bi kịch lấy chết chóc làm đề tài. Mà, chết là tai họa khủng khiếp. Do đó, bi kịch là đá nam châm mạnh nhất gây kích động cho óc tưởng tượng. Nhưng thế thì, tại sao tai họa thực ngoài đời không làm cho con người thích. Nhưng tai họa tưởng tượng trong nghệ thuật lại làm người ta thích. Fontenelle cho rằng khoái lạc và đau khổ tuy khác nhau nhưng nguyên nhân chỉ là một. Giống như sự gãi cào ngoài da, gãi cào mạnh thì đau, nhẹ thì thích thú. Bi kịch là đem những sự đau khổ thực lên sân khấu. Tuy đó là thực tại, nhưng lại không phải là thực tại. Những cảm giác đau khổ khi đứng trước những nạn nhân vô cớ bị tai họa giảm bớt đi, thành ra những nỗi vui thích.

Schiller & Hegel (Đức quốc thế kỉ XVIII) dùng quan điểm triết học để giải thích. Sự xung đột vũ trụ là điều tất yếu. Có xung đột thì có đấu tranh, đấu tranh mới có ý thức đạo đức, có ý thức đạo đức mới tìm thấy khoái lạc. Nguồn vui lớn nhất sẽ đạt được từ sự phấn đấu cam go với nghịch cảnh, trong đó chứa đựng đau khổ. Vũ trụ là một khối lý tính vừa xung đột, vừa hài hòa. Ví dụ sự xung đột của con người vừa muốn làm trung thần, vừa muốn làm người con hiếu thảo. Mâu thuẫn này không thể dung hoà, trở thành bi kịch. Đứng trên quan điểm vũ trụ thì bi kịch là luật của tạo hóa, là công lý vĩnh cửu. Khi xem kịch ta thấy được tính chất công lý vĩnh cửu, do đó ta khoái. Những người này viện dẫn vở bi kịch Ăngtigôn của Sôphốcl: Polinice con của quốc vương xứ Thèbes sau khi cha chết, mượn lính nước địch để giành ngôi vua. Tân vương Créon giết kẻ phản bội, cho cho phơi thây, cấm mai táng. Antigon, em ruột của Polinice, cháu ruột Créon không nỡ nhìn thi hài anh ruột phơi, nên tìm cách che đậy. Nàng đính hôn với con trai Creon là Hemon. Antigon bi xử chém. Hemon tự treo cổ cho vẹn tình. Theo Hegel, Créon đại diện cho lý tưởng pháp luật, Antigon đại diện cho lí tưởng anh em. Hai lý tưởng đều chính đáng nhưng trên quan điểm vũ trụ thì mâu thuẫn. Schopenhauer lại cho rằng đời là bể khổ, con người ngụp lặn trong tai họa nghiệp chướng nhưng không chịu khước từ bởi do dục sinh tồn kiềm chế. Bi kịch dạy cho con người biết ý thức tất cả đều hư không để thoạt nhiên đại ngộ. Nhân vật bi kịch khác người ta ở chỗ biết rõ tình thế mà buông tay đầu hàng, biết khước từ. (Còn ta bị dục vọng kìm hãm). Nhưng chính khước từ là thắng lợi. Quả là nhiều nhân vật bi kịch trước khi hấp hối đã khước từ. Nhưng không phải mọi nhân vật bi kịch đều khước từ. Macbeth chết than trời, Othello trong khi tự sát cũng hận người (không khước từ). Triết gia Đức thế kỉ XIX, Nietzsche cho rằng thế giới đầy tai họa nghiệp chướng nhưng nếu ta vứt bỏ được những ràng buộc, bủa vây của thế giới thực tại đầy hẹp hòi để đứng trên cao nhìn lại, thì lại thấy nó là một bức tranh kỳ vĩ, đẹp lạ lùng. Cũng như Thượng đế sau khi sáng tạo ra vũ trụ, tự mình nhìn lại, nó như một tác phẩm nghệ thuật.

Freud với lí luận về mặc cảm Oedipus, cho rằng văn minh là cái vỏ che đậy tâm địa dã man của con người. Tâm địa chứa chất dục vọng, mà mãnh liệt nhất là tính dục. Nhưng dục vọng và đạo đức, pháp luật mâu thuẫn dẫn đến dục vọng bị dồn ép thành mặc cảm. Mặc cảm không phát tiết được có thể phát sinh bệnh thần kinh hay thác loạn. Có lúc dục vọng có thể hóa trang để có thể vượt khỏi sự kiểm soát của ý thức. Bi kịch là một hiện tượng, một biểu hiện. Mặc cảm này được gọi mặc cảm Oedipus. Mỗi người đều có mặc cảm Oedipus. Khi xem vở kịch này dục vọng ta được thỏa mãn một cách gián tiếp, cho nên ta phát sinh niềm vui trong khi xem kịch.

Tất cả những kiến giải vừa nêu đều không giả thích được một cách đúng đắn nguyên nhân cái vui trong bi kịch. Vậy nguyên nhân đúng đắn là ở đâu? Bi kịch là một thứ tác phẩm nghệ thuật, xem bi kịch là một thứ kinh nghiệm mỹ cảm. Kinh nghiệm mỹ cảm xuất hiện khi ta trực giác hình tướng sự vật. Trong lúc thưởng ngoạn ta quên hẳn lợi hại của thực tế mà đứng ở địa vị khách quan để quan sát, coi vũ trụ và đời sống là một bức tranh. Tai họa thực trong đời sống khiến ta thương xót và lo sợ, nhưng tai họa trong kịch, sau giây phút lo sợ là nguồn vui. Sở dĩ như vậy là vì, khoảng cách tâm ly Giữa người xem và những cảnh trên sân khấu có một khoảng cách không quá xa, không quá gần. Không quá xa, để thấy rằng sự kiện trên sân khấu là hợp lý, hợp tình. Không quá gần, để xem không ngộ nhận bi kịch trên sân khấu là cuộc sống thực tế. Phàm bi kịch chân chính thì không được tả thực. Phàm khán giả kịch chân chính thì không cho tình cảm thực dụng xen lấn vào mỹ cảm. Những tình cảm phát tán trong bi kịch khác tình cảm phát tiết trong thực tế. Trong tâm tư khán giả, thế giới kịch là biệt lập, không liên can đến lợi hại thực tế. Khi thưởng ngoạn kịch, khán giả hội tụ tinh thần, bị sức lôi cuốn của sân khấu, do đó cũng sống hăng say, cũng hoạt động phát tán tình cảm. Nhưng phát tán này kèm theo sự sảng khoái, khác kinh nghiệm thường nhật là đèo bòng phiền lụy, bực bội, lo âu.

Hơn nữa, cảm xúc vui trong bi kịch, xuất phát từ chỗ, không phải cái chất, hay sự thất bại của con người. Mà là, ở chỗ con người dám chấp nhận thất bại, dám hi sinh vì những lí tưởng cao cả.

Các dạng bi khác nhau

a. Bi kịch cái mới trong thế yếu: Đây là loại bi kịch có tính chất lịch sử. Bản chất thẩm mỹ của cái bi trong loại bi kịch này là Sự xung đột giữa yêu cầu tất yếu về mặt lịch sử và tình trạng không thể thực hiện được trong thực tế (C. Mác). Cái mới, cái cách mạng đang trong thế yếu, chết, hoặc thất bại. Nhân vật của cái bi này chết một cách vĩ đại vì họ đang đại diện cho trào lưu lịch sử. Họ trở nên anh hùng vì động cơ, hành động, do trách nhiệm trước lịch sử. Lịch sử mãi mãi ca ngợi sự thất bại của nghĩa quân Yên Thế với cái chết của Hoàng Hoa Thám. Hoặc lịch sử sẽ ghi nhớ mãi mãi Phạm Hồng Thái với tiếng bom Sa Điện.

b. Bi kịch của cái mới trong hoàn cảnh trớ trêu: Đây cũng là cái bi lịch sử, bi kịch lịch sử. Cái mới cách mạng đã ở thế thắng trên toàn cục. Nhưng một bộ phận nào đó lâm vào hoàn cảnh trớ trêu, khiến người anh hùng sa cơ. Chẳng hạn, Chiến bại, Đội cận vệ thanh niên của Phađêép; Hùng & Rin trong Bài ca con chim Chơrao; Võ Thị Sáu trong Mùa hoa lêkima…

c. Bi kịch của sự lầm lạc của cái cũ: Cái cũ muốn trở thành cái bi, theo Mác, phải xét theo 3 tiêu chí: 1, Cái cũ chưa mất hết vai trò lịch sử, chưa trở thành cái xấu. 2, Bản thân cái cũ còn tin vào tính chất hợp lý của mình. 3, Những con người đứng về phía chế độ cũ không phải là sự lầm lạc có tính chất cá nhân, mà là sự lầm lạc có tính chất lịch sử toàn thế giới. Chính vì vậy, cái chết của nó là bi kịch (Mác). Bản chất cái bi của sự lầm lạc của cái cũ là do chưa nhận ra được tính tất yếu về mặt lịch sử. Chẳng hạn, Đônkihôtê. Ông ta có lý tưởng nhưng lý tưởng lạc hậu, đấu tranh cho lí tưởng nhưng không ý thức được rõ ràng nó mà chỉ hành động theo thói quen. Nhưng người như Đônkihôtê thất bại là tất yếu. Vì, đơn thương độc mã. Sự thất bại của vua Duy Tân và việc bị Pháp bắt đày đến trọn đời, cũng là một ví dụ.

d. Bi kịch của cái xấu: Đây là bi kịch của chính tội ác, chứ không phải bi kịch của cái đẹp, cái tốt hay sự lầm lạc. Ở đây người ta không lấy nước mắt răn đời, không lấy xót thương làm luyến tiếc. Mà lấy sự khủng khiếp để nhắc nhở con người chớ làm điều khủng khiếp. Aristốt nói về đặc trưng thẩm mỹ của loại bi kịch này: Bi kịch làm trong sạch hóa những cảm xúc tương tự qua cách khêu gợi sự thương xót và khủng khiếp. Chẳng hạn bi kịch của cái xấu qua vở kịch Macbét. Ở bi kịch này, lòng tham và tội ác bị trừng trị. Đây là một bi kịch chính trị- xã hội. Tác giả lên án chế độ tập quyền chuyên chế triều Giêm I, tên vua bạo tàn Anh quốc đầu TK

đ. Bi kịch của sự lầm lạc, kém hiểu biết, ngu dốt: Bi kịch này được nêu ra như là bài học xương máu trên đường đời để nhắc nhở cảnh tỉnh. Bi kịch về sự kém hiểu biết liên quan đến sự ngu dốt của con người. Sự ngu dốt là con quỷ mà chúng ta e rằng nó còn gây ra nhiều bi kịch. Chẳng hạn, câu chuyện An Dương Vương; bi kịch Othello; bi kịch Êđíp làm vua; Truyện Người con gái Nam Xương.

Thuộc về cái bi này còn có bi kịch do tai nạn, sức mạnh mù quáng của tự nhiên. Ví dụ, cái chết của người đi thám hiểm.

e. Bi kịch của những khát vọng cá nhân chính đáng: Đây là bi kịch những nỗi đau đời thường tình (lẽ sống, tình yêu, sứ mệnh con người, nói chung). Ở bi kịch này, xung đột gay gắt giữa khát vọng chính đáng của con người và khả năng của bản thân không thể thực hiện được. Ví dụ bi kịch của Thị Kính trong chèo Quan âm Thị Kính; của Maxlôva trong tiểu thuyết Phục sinh của L.Tônxtôi, của Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du…

5/5 - (1 bình chọn)Bài viết liên quan:
  1. Phạm trù mỹ học là gì?
  2. Cái đẹp là gì? Biểu hiện & các quan điểm về cái đẹp
  3. Cái cao cả là gì?
  4. Cái hài là gì?
Mỹ học đại cươngPhạm trù mỹ học

Từ khóa » Cái Bi Trong Mỹ Học