Cái Biết Không Là Tánh Biết - Nguyên Thủy Chơn Như

(Trưởng lão Thích Thông Lạc, Trích Những Bức Tâm Thư, tập 1, tr. 29-30)

Nguồn: Sách: Những Bức Tâm Thư - Tập 1

Hỏi: 1- Đức Phật có dạy : “Cái thấy, cái biết, cái nghe không phải của ta, không phải là của ta và không phải là bản ngã của ta”.

Vậy cái thấy ở đây có phải là cái biết của tính thấy hay không? Cái nghe ở đây có phải là cái biết của tính nghe hay không? Cái biết ở đây có phải là cái biết của ý thức hay không? Nếu phải thì có thể gọp chung là cái biết không phải của ta, không phải là của ta và không phải là bản ngã của ta?

Cái biết ở đây là cái biết của 6 thức. Vậy tại sao không thấy đức Phật nói về cái biết của mùi, vị và xúc? Xin Thầy giải thích rõ hơn cho con về điều này.

Đáp: Ở đây các Tổ không nói cái Mùi, cái Vị và cái Xúc, là vì các Tổ sống trong tưởng nên xây dựng cái Thấy, cái Biết và cái Nghe là Phật Tánh. Còn đức Phật nói cái Thấy, cái Nghe, cái Biết, cái Mùi, cái Vị và cái Xúc là trong nhóm sáu thức: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Trong kinh nguyên thủy đức Phật nói rất đầy đủ và dễ hiểu.

1- Cái thấy ở đây là cái thấy của mắt gọi là cái thấy của nhãn căn, chứ không phải cái biết của tính thấy nào ở đây cả. Cái thấy biết ở đây là cái thấy biết của mắt gọi là nhãn thức.

2- Cái nghe ở đây là cái nghe của tai gọi là cái nghe của nhĩ căn, chứ không phải cái biết của tính nghe nào ở đây cả. Cái nghe biết ở đây là cái nghe biết của tai gọi là nhĩ thức.

3- Cái biết ở đây là cái biết của ý gọi là cái biết của ý căn, chứ không phải cái biết ở đây là cái Biết của tính Biết nào cả. Cái biết ở đây là cái biết của ý gọi là ý thức.

Phật thường dạy: Sáu căn, sáu trần và sáu thức, nhưng các con không lưu ý nên không nhớ. Sáu căn, sáu thức, sáu trần gồm có:

1- Nhãn căn là con mắt. Nhãn thức là cái biết của con mắt. Nhãn trần là hình sắc của vạn vật bên ngoài.

2- Nhĩ căn là lổ tai. Nhĩ thức là cái biết của lổ tai. Nhĩ trần là âm thinh của vạn vật.

3- Tỷ căn là lổ mũi.. Tỷ thức là cái biết của lỗ mũi. Tỷ trần là hương vị của vạn vật.

4- Thiệt căn là lưỡi.. Thiệt thức là cái biết của lưỡi. Thiệt trần là mùi vị của vạn vật.

5- Thân căn là cơ thể. Thân thức là cái cảm giác của cơ thể. Thân trần là tính mền cứng nóng lạnh của vạn vật.

6- Ý căn là bộ óc (ý thức). Ý thức là sự phân biệt của bộ óc. Ý trần là từng tâm niệm quá khứ, vị lai và hiện tại.

Sáu căn, sáu trần, sáu thức mới đầy đủ 18 giới của Phật giáo để tạo thành những nhân duyên Xúc, Hữu, Thủ, Sinh, Ưu bi sầu khổ già chết. Muốn biết rõ các duyên này, nên đọc kinh Thập Nhị Nhân Duyên. Các Tổ ít nói đến Mùi, Vị và Xúc, thì đó là một sự thiếu sót, chứ trong kinh Phật dạy rất đầy đủ. Nhưng khi chúng ta học thì hay nhắc đến Sắc, Thinh, Hương (mùi) là xong, còn ít ai nói đến Vị (cay, đắng, ngọt, bùi), Xúc (cảm giác êm, ấm, cứng mềm), Pháp (những niệm trong tâm, vọng niệm). Nhất là kinh sách Ðại Thừa thường nói đến Tánh Biết, Tánh thấy, Tánh Nghe chứ không nói Tánh Mùi, Tánh Vị và Tánh Xúc.

Tóm lại, Tánh Thấy, Tánh Nghe và Tánh Biết trong kinh sách Ðại Thừa đều cho đó là Phật Tánh. Những điều hiểu biết này là do các Tổ hiểu biết trong ảo tưởng. Khi đức Phật xác định thân tâm này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta thì Phật tánh không bao giờ có trong thân tâm này.

***

Từ khóa » Cái Biết Là Gì