Cải Cách Và Phát Triển Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hóa
Có thể bạn quan tâm
Một khi coi cải cách là công cụ phát triển chủ động của con người cũng tức là đòi hỏi con người phải nhận thức được giới hạn của cải cách. Nghiên cứu về cải cách hay cơ sở lý luận của cải cách có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì nó chứng minh sự cần thiết phải tiến hành cải cách thường xuyên và liên tục...
Hiện nay, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Toàn cầu hóa là xu thế khách quan trong sự chung sống của nhân loại mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài. Tuy nhiên, toàn cầu hóa vẫn hầu như chỉ được nhìn nhận như một tiến trình kinh tế hay một tiến trình văn hóa chứ không phải như một tiến trình chính trị. Toàn cầu hóa là dòng chính lưu đang kéo theo sự lan truyền trên khắp thế giới những giá trị phổ biến như nhân quyền, dân quyền, dân chủ, tự do… Cũng chính toàn cầu hóa đang làm thức tỉnh con người về các giá trị, thức tỉnh các quốc gia về năng lực cạnh tranh và hợp tác. Giải phóng năng lực sáng tạo của mỗi người là đòi hỏi tất yếu để mỗi dân tộc nâng cao sức cạnh tranh. Tương tự, phổ biến các giá trị dân chủ là xu thế tất yếu trong thời đại toàn cầu hoá. Tuy nhiên, toàn cầu hóa có những mặt trái mà nhiều người vẫn chưa nhận ra. Thế giới sau sự kiện 11/9/2001 đã bước sang một giai đoạn hoàn toàn khác. Nhiều nhà chính trị, thậm chí nhà chính trị ở cả những quốc gia phát triển, đã không nhận thức được đầy đủ sự chuyển mình này của thế giới để hiểu rằng toàn cầu hóa có những mặt trái vô cùng khủng khiếp, phản ánh những khuyết tật cơ bản của đời sống toàn cầu. Khu vực hóa là một phản ứng đối với trào lưu toàn cầu hoá. Chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan cũng là một phản ứng đối với toàn cầu hoá. Chúng ta đều biết rằng, nhân loại đang được hưởng lợi rất nhiều từ quá trình toàn cầu hóa. Tuy nhiên, vẫn có không ít người, không ít quốc gia, do nhận thức phiến diện nên có những phản ứng tiêu cực đối với toàn cầu hoá. Mặc dù những phản ứng đối với trào lưu toàn cầu hóa về chính trị, kinh tế hay văn hóa là biểu hiện của sức sống, của sự phong phú, sự đa dạng của nhân loại hay sự đa dạng của hành vi tiếp nhận những giá trị phổ biến toàn cầu nhưng rõ ràng chúng phản ánh tình trạng lạc hậu, bảo thủ về văn hoá, chính trị của một bộ phận của nhân loại. Toàn cầu hóa đang làm thức tỉnh nhu cầu cải cách trên quy mô toàn cầu, không chỉ là vấn đề kinh tế, văn hóa mà cả vấn đề chính trị. Cải cách, như đã phân tích trong phần trước cuốn sách, là một hoạt động mang tính thường xuyên của cuộc sống và gắn với quá trình phát triển. Nhưng khác với trước kia, cải cách trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi các quốc gia, các chính phủ phải có nhận thức mới, tư duy mới. Toàn cầu hóa đang tạo ra những dòng dịch chuyển lớn. Đó là những dòng dịch chuyển mang chất lượng toàn cầu với quy mô toàn cầu: dòng di dân từ phương Đông sang phương Tây và dòng di chuyển tiền vốn và công nghệ từ phương Tây sang phương Đông. Sự dịch chuyển con người từ những vùng đất lạc hậu đến châu Âu văn minh và sự dịch chuyển tiền bạc, theo chiều ngược lại, từ châu Âu văn minh đến những vùng đất lạc hậu của thế giới, đang làm rút ruột châu Âu. Trạng thái châu Âu bị rút ruột phản ánh một thực tế là ngay cả châu Âu cũng không nhận thức đầy đủ về những trạng thái phát triển của mặt trái của toàn cầu hoá. Hiện nay, ở châu Âu người ta đang rất sợ các nhà tư bản châu Âu đem tiền ra nước ngoài để đầu tư mà không còn muốn đầu tư ở châu Âu nữa. Vô số bài báo và nhiều nghiên cứu về những cơ hội và cả những thách thức, rủi ro mà toàn cầu hóa mang đến cho các quốc gia, đặc biệt là các nước thế giới thứ ba, nhưng có thể khẳng định là, chưa ai nhìn ra được mặt trái của toàn cầu hóa đối với chính các nước phát triển ở góc độ này. Những dòng dịch chuyển con người, tiền vốn và công nghệ trên phạm vi toàn cầu còn phản ánh một vấn đề nữa, đó là con người với kinh nghiệm của mình vẫn muốn đi tìm cơ hội trở thành triệu phú chứ vẫn không muốn trở thành người hạnh phúc. Châu Âu không nhận ra rằng cái vĩ đại của nó là ở chỗ nó tạo ra một không gian mà con người cảm thấy hạnh phúc và an toàn chứ không phải là nơi kiếm tiền dễ. Nhiều người tìm mọi cách để đến Hoa Kỳ, đến châu Âu với tham vọng làm giàu chứ không phải đến những nơi đó để tìm kiếm một cuộc sống an toàn hay tìm kiếm cảm giác hạnh phúc. Thế nhưng, trên thực tế, khi nghiên cứu về toàn cầu hóa chúng ta đã không nghiên cứu trạng thái tâm lý đang dịch chuyển, trạng thái động của đời sống tâm lý của con người. Con người không ý thức được đầy đủ các ưu thế mà mình có; và người ta vẫn nhận thức ưu thế trong tư duy rất cũ: kẻ giàu hơn thì tìm kiếm ưu thế của mình ở chỗ kẻ ít giàu hơn mà không nhận ra rằng, theo sự khôn ngoan mang chất lượng bản năng của con người thì người ta tìm kiếm hạnh phúc ở những chỗ người ta không hề có ưu thế, thậm chí còn ngược lại. Đấy chính là nghịch lý trong việc hình thành tâm lý hiện đại của con người trong trào lưu toàn cầu hoá. Sự dịch chuyển để tìm kiếm sự yên ổn như vậy của con người có quy mô lớn hơn nhiều so với sự dịch chuyển theo chiều ngược lại và nó có thể tạo ra sự tiêu tốn gấp nhiều lần so với chi phí chống chủ nghĩa khủng bố. Hãy thử so sánh thiệt hại do vụ khủng bố ngày 11/9 gây ra cho Hoa Kỳ với sự đầu tư của Hoa Kỳ cho lượng người nhập cư hàng năm vào lãnh thổ nước này, chúng ta sẽ thấy Hoa Kỳ phải đầu tư lên trên những thân phận chưa được dạy dỗ đầy đủ ấy một số tiền chắc chắn lớn hơn nhiều lần số tiền thiệt hại do khủng bố gây ra. Đó chính là hoạt động có ý nghĩa nhân đạo của những quốc gia phát triển trong việc tái sinh, nâng cao chất lượng và giá trị của con người ở những vùng đất lạc hậu; và là khía cạnh mà có lẽ ngay cả ở những vùng đất phát triển người ta cũng không ý thức được. Tôi cho rằng, thế giới sẽ được xoá đói giảm nghèo bằng một công nghệ nhanh hơn nhiều so với hiện nay bằng cách lôi trở lại những vùng đất lạc hậu những con người đã được đào tạo ở những vùng đất phát triển. Những đối tượng này sẽ là những nhân tố tạo ra sự phát triển ở những vùng đất tăm tối. Chưa có một đề tài nào nghiên cứu một cách tổng thể chi phí của các nước phát triển cho việc "đào tạo lại" như vậy trong điều kiện toàn cầu hoá. Nhân loại cần nhận thức một cách đầy đủ, trọn vẹn và thực dụng các mặt khác nhau của đời sống toàn cầu, biến nhận thức ấy trở thành chương trình hành động để sắp xếp lại một cách hợp lý các dòng dịch chuyển về con người, tiền vốn, công nghệ và tài nguyên để đảm bảo tính cân đối cho sự phát triển toàn cầu. Vậy, đã có thể chế nào, tổ chức nào nghĩ tới và xác lập trách nhiệm cho việc cân đối toàn bộ tiến trình phát triển toàn cầu hay chưa? Hình như vẫn chưa có. Tất cả mới là sự dàn xếp những tranh chấp trong quá trình phát triển toàn cầu, và chỉ dừng ở mức như vậy mà chưa ai thực hiện "xoá đói, giảm nghèo" dựa trên nguyên lý và nhận thức là cần phải tổ chức lại các dòng dịch chuyển toàn cầu. Hơn nữa, những việc đã làm cũng mới dừng ở quy mô quốc gia, thậm chí ở quy mô các đô thị, chứ chưa có sự nâng lên quy mô toàn cầu, bởi người ta vẫn chưa phát hiện hay chưa hiểu được các cơ cấu tinh thần nhân loại nên không có các chương trình tác động chủ quan rộng lớn nhằm điều chỉnh các tiến trình phát triển. Tôi cho rằng đây là một trong những nội dung quan trọng cần phải đưa vào chương trình cải tổ của Liên Hợp quốc. Gần đây, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Kofi Annan đã đề xuất một chương trình cải tổ Liên Hợp quốc, nhưng đáng tiếc là nó không đủ chất lượng của trí tưởng tượng để tạo ra sự thay đổi về chất trong việc hình thành các quyền lực tác động toàn cầu, để qua đó cân đối lại tiến trình phát triển của nhân loại. Hoạt động của Liên Hợp Quốc vẫn tiếp tục dừng ở trạng thái khuyến khích hay trạng thái dàn xếp một cách bản năng cho sự hòa thuận mang tính toàn cầu, mà chưa hình thành chương trình chủ động của một tổ chức có giá trị như là nhà nước toàn cầu trong việc điều phối và cân đối sự phát triển toàn cầu. Hầu như đó vẫn chỉ là một thể chế của sự dàn xếp tranh chấp trong quá trình phát triển chứ không có năng lực tổ chức sự phát triển, hay nói một cách khác là tổ chức quá trình toàn cầu hóa về mặt chính trị. Các nhà chính trị của các nước lớn giờ đây vẫn hẹp hòi trong lợi ích quốc gia mình mà không có tầm nhìn toàn cầu và toàn cầu hoá. Đây quả thực là bài toán khó đối với nhân loại hiện nay vì cái thiếu ở đây không phải là cơ chế mà chính là trí tưởng tượng, là tầm nhìn của các nhà chính trị.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa như vậy, thế giới thứ ba với những vấn đề của mình đang phải đối mặt với bài toán cải cách toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Có thể nói, giải bài toán phát triển của thế giới thứ ba chính là giải bài toán phát triển của thế giới, vì chừng nào thế giới thứ ba chưa ra khỏi quá khứ thì nó tiếp tục là bộ phận gây rủi ro cho nhân loại. Sai lầm cơ bản của các nhà cầm quyền thế giới thứ ba là không ý thức được tính phi dân chủ của chính họ trong việc điều hành xã hội, do đó, đã đẩy xã hội vào tình trạng ngày càng tụt hậu và không thể kiểm soát nổi. Như trên vừa khẳng định, phổ biến các giá trị dân chủ là xu thế tất yếu trong thời đại toàn cầu hoá. Dân chủ hóa là một khái niệm chung, còn cải cách với nội dung dân chủ hóa chính là tổ chức và rèn luyện nền dân chủ. Vì thế, một đòi hỏi có tính tất yếu của cải cách chính trị ở các nước thế giới thứ ba chính là tổ chức và rèn luyện nền dân chủ. Với vai trò là cuộc cải cách trung tâm, cải cách chính trị phải tập trung vào xây dựng lộ trình cho việc tổ chức và rèn luyện nền dân chủ ở những quốc gia này. Vấn đề là phải chăng tổ chức và rèn luyện nền dân chủ chỉ là nhiệm vụ đặt ra đối với thế giới thứ ba? Câu trả lời chắc chắn là không, hay nói một cách rõ hơn, đó là một quá trình liên tục và cần thiết đối với mọi quốc gia chứ không chỉ là vấn đề của những nước chưa có dân chủ thực sự. Thậm chí phải khẳng định là, tổ chức và rèn luyện nền dân chủ là vấn đề lý thuyết (không chỉ đơn thuần là giải pháp) phát triển của cả thế giới hiện nay. Toàn cầu hóa là một tình huống mới, đặt ra yêu cầu cải cách đối với tất cả các nước kể cả các nước phát triển vốn được coi là những tấm gương về dân chủ. Nói cách khác, cải cách chính trị đang trở thành một vấn đề mang tính thời đại. Những sự kiện xảy ra ở châu Âu thời gian vừa qua cho thấy vấn đề của châu Âu không phải là kêu gọi sự đồng thuận cho việc nhất thể hóa mà là vấn đề cải cách châu Âu. Các phản ứng khác nhau đối với Hiến pháp châu Âu đã cho thấy rõ điều đó. Không ai có thể ngờ rằng, cộng đồng các quốc gia văn minh hàng đầu thế giới, tự mãn và tự tin, lại nhanh chóng rơi vào khủng hoảng như thế. Hiến pháp châu Âu, các khế ước của Liên minh châu Âu được xây dựng bởi những bộ óc gọi là siêu việt hàng đầu của nhân loại, trên cơ sở trí tưởng tượng hàng đầu của nhân loại, bỗng trở nên không thích hợp với tình thế phát triển. Chúng cho thấy sự ứng phó của châu Âu không tương xứng với nhận thức của người châu Âu, cũng không tương xứng với những vấn đề của toàn cầu hóa đặt ra. Hơn nữa, nhận thức của các nhà chính trị châu Âu và người dân châu Âu trong quá trình toàn cầu hóa có sự khác biệt lớn, thể hiện qua việc người dân tiếp cận với toàn cầu hóa nhanh hơn các nhà chính trị. Chính Thủ tướng Anh Tony Blair đã nhận ra điều này, và khi phát biểu về kế hoạch của nhiệm kỳ chủ tịch luận phiên EU của nước Anh, ông đã không ngần ngại phê phán "tầm nhìn" của các nhà chính trị châu Âu đồng thời cảnh báo rằng "Chỉ có thay đổi mới giúp Liên minh châu Âu phục hồi sức mạnh và qua đó lấy lại niềm tin của dân chúng". Người dân châu Âu bắt đầu nhận ra một thực tế là các quyền tự do chính trị của họ đã và đang bị vi phạm một cách phổ biến. Còn các nhà chính trị châu Âu thì đã không đủ tầm nhìn để hiểu rằng từ lâu họ cần phải tổ chức và rèn luyện xã hội để thích ứng với những trạng thái phát triển khác nhau của nền dân chủ.
Bản thân nền dân chủ ở châu Âu đã không tự nhiên hình thành mà người châu Âu đã phải trả giá rất đắt cho trạng thái nhận thức hiện nay về dân chủ và tự do của mình. Họ đã phải trải qua hàng trăm năm tranh luận để tìm ra giá trị của tự do, dân chủ, trải qua những cuộc nội chiến triền miên, từ cuộc chiến tranh của Alexandre đệ nhị nhằm tiêu diệt sự bành trướng của Napoleon Bonaparte đến cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, chiến tranh thế giới thứ hai. Hơn nữa, phải trải qua những cuộc nội chiến, người châu Âu mới nhận ra được giá trị của sự thống nhất châu Âu. Sự thống nhất của châu Âu đã được trả giá như vậy, thế nhưng nhận thức về sự thống nhất ấy thì lại chưa được trả giá hay chưa được rèn luyện. Sự tự mãn, sự chủ quan của các nhà lãnh đạo châu Âu thể hiện ở chỗ, cho đến nay vẫn không có một lộ trình cụ thể cho việc rèn luyện dân chủ được hoạch định trên cơ sơ tôn trọng các quyền chính trị của con người. ở châu Âu, người ta vẫn khoanh các quyền con người vào những quyền nhân thân nhỏ bé và tự mãn khi nhấn mạnh về sự tôn trọng các quyền đó của mỗi một cá thể. Trong thời đại toàn cầu hoá, các quyền con người chính là quyền tham gia vào các quyết định chính trị đối với các vấn đề toàn cầu, nhưng các nhà chính trị châu Âu hầu như đã không nhận ra điều đó và đó là cái giá mà họ phải trả. Chẳng hạn, người dân châu Âu đã bắt đầu phản ứng trước việc các nhà chính trị tự động quyết định sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Tôi cho rằng, trong sự sụp đổ của châu Âu và của các tinh thần châu Âu, thì sự sụp đổ đầu tiên chính là sự sụp đổ của đồng tiền. Đó là ví dụ cho thấy các nhà chính trị châu Âu đã không còn tôn trọng các nguyên tắc dân chủ, tức là đã không quan tâm đến tổ chức và rèn luyện nền dân chủ một cách thường xuyên. Nền dân chủ không phải là kết quả của sự giải phóng con người một cách đơn giản. Có được nền dân chủ khó khăn hơn nhiều so với việc phê chuẩn một vài ba đạo luật hoặc hiến pháp trong đó thừa nhận một số quyền tự do của con người. Giải phóng con người chính là tổ chức và rèn luyện thái độ ứng xử của họ đối với tự do và dân chủ. Châu Âu đã không nhận thức được những trạng thái phát triển mới của nền dân chủ, cho nên những người lãnh đạo, những nhà chính trị châu Âu đã vi phạm những nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ. Đây chính là nguyên nhân của những sai lầm của châu Âu thời gian vừa qua. Sự thất bại của EU phải được nhìn nhận không chỉ từ những góc độ, những khía cạnh quan liêu của nó mà phải nhìn vào mặt bản chất của nó. Nếu châu Âu không nhanh chóng nhận thức được điều này thì sự nhất thể hóa sẽ là một quá trình vô cùng gian nan. Hiện nay, các nhà lãnh đạo châu Âu đang giải thích cho dân chúng về mục tiêu thống nhất châu Âu là để cân bằng trong sự đối đầu với Hoa Kỳ. Nhưng người dân thì không quan tâm đến điều đó. Cần phải giải thích cho người dân châu Âu hiểu rằng lợi ích của sự nhất thể hóa lần này không phải là khả năng đương đầu với Hoa Kỳ mà chính là bản thân châu Âu, và lợi ích của từng dân tộc châu Âu. Khi các dân tộc nhận thức được như vậy thì họ sẽ tự nguyện nhất thể hoá, còn nếu như chỉ với mục đích đối đầu với Hoa Kỳ như bây giờ thì thất bại sẽ là điều không thể tránh khỏi. Xu hướng can thiệp vào tự nhiên là một động thái lành mạnh, là một phẩm hạnh của con người. Ai cũng có khát vọng ấy, các nhà chính trị càng phải có khát vọng ấy. Thực tế cuộc sống đòi hỏi các nhà chính trị ở các nước thế giới thứ ba phải can thiệp vào tiến trình phát triển để đưa nước mình đi cùng với các nước phát triển. Nhưng không chỉ đối với các nước thế giới thứ ba, cuộc sống cũng đang đòi hỏi các nhà chính trị của các quốc gia phát triển phải tiến hành các biện pháp "can thiệp", tức tiến hành cải cách. Liệu có sự khác nhau trong tiêu chí cải cách giữa các nước thế giới thứ ba và các nước phát triển không? Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên sáng tạo ra một công nghệ vĩ đại, là "Case Study" (nghiên cứu tình huống) hay nói cách khác là "Occasional Theory" (lý thuyết tình huống). Toàn cầu hóa là một trong những hiện tượng quốc tế có chất lượng tình huống mới trong đó các nhà chính trị ở từng quốc gia cụ thể chưa có những kinh nghiệm ứng phó; và ở trạng thái ngược lại, người ta sẽ hoạch định chính sách cải cách hay tổ chức hành động theo những kinh nghiệm khu vực. Toàn cầu hóa là cơ hội để con người ở mỗi dân tộc từng trải sớm hơn. Cùng với phương tiện thông tin và thương mại toàn cầu con người được thông tin nhiều hơn, và đi cùng với thông tin là sự nở rộ toàn cầu của các hiện tượng phát triển, giúp con người trở thành những kẻ hiện đại ngay trong hang hốc của những vùng đất tăm tối. Khoảng cách giữa một thanh niên ở châu Âu với một thanh niên ở Trung Hoa đang ngày càng ngắn lại. Và nếu các nhà chính trị vẫn cho rằng nhân dân mình còn lạc hậu, còn xa lạ với toàn cầu hóa thì chính họ đang trở nên lạc hậu trong sự quan sát có chất lượng toàn cầu của nhân dân. Chính toàn cầu hóa đã làm xẩy ra một hiện tượng phổ biến toàn cầu khác đó là sự lạc hậu tương đối của các nhà chính trị với nhân dân. Nhân dân tiên tiến hơn các nhà chính trị vì trong chất lượng của các hành vi hàng ngày của họ đã có mật độ rất cao của thông tin chính trị. Cho nên, cùng với sự va chạm với các hiện tượng hàng ngày của cuộc sống, sự giác ngộ chính trị của nhân dân không ngừng tăng lên, và với tốc độ lớn hơn mức tăng tương ứng của các nhà chính trị. Sự lạc hậu tương đối của các chính phủ so với sự phát triển của trí tuệ nhân dân trong phạm vi toàn cầu đang đẩy nền chính trị thế giới đến một trạng thái cực kỳ thú vị, đó là dân trí vượt trội quan trí. Do đó, sự thảo luận giữa các chính phủ không còn thể hiện tính tiên tiến so với cuộc thảo luận giữa các dân tộc. Trong thời đại ngày nay, giao lưu nhân dân đem lại những giá trị tiến bộ không kém so với thảo luận và thỏa thuận giữa các chính phủ. Đó chính là một Case Study mới mà các nhà chính trị không ý thức được. Họ vẫn hành động theo tư duy cũ, theo phương pháp tương tự (analog thinking).Trở lại ví dụ về khủng hoảng ở châu Âu. Các nhà chính trị châu Âu đã không nhận ra rằng, do kinh nghiệm của giao lưu toàn cầu hoá, người dân đã phát triển về trí tuệ đến mức đòi hỏi các quyền chính trị có chất lượng toàn cầu, được tham gia quyết định vào hệ giá trị toàn cầu chứ không đơn thuần là các giá trị nhân thân cụ thể hay các giá trị công dân thông thường theo định nghĩa cổ điển của thế kỷ XX nữa. Hiện tượng lạc hậu tương đối của các nhà chính trị so với nhân dân là một hiện tượng toàn cầu, và hình thành một cách khách quan từ quá trình toàn cầu hoá. Các nhà chính trị cần ý thức được tình huống mới này để có các ứng xử phù hợp; và họ cũng nên hiểu rằng đã đến lúc không thể tiếp tục lối tư duy cũ được nữa. Cuộc sống đang đòi hỏi các nhà chính trị phải có khả năng số hóa tư duy của mình (digital thinking) để tránh việc thừa kế một cách analog tất cả các tình huống quá khứ.Ngày nay, chủ nghĩa tự do về kinh tế và chính trị đã trở thành dòng chính trị chủ lưu toàn cầu, trong khi chủ nghĩa xã hội dân chủ thì khác, nó là sản phẩm của sự cân bằng có tính chất dân tuý của thời đại chiến tránh lạnh giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản. Nếu đặc điểm chính trị cơ bản của thế kỷ XX là hiện tượng lộng hành của nhà nước thì chủ nghĩa xã hội dân chủ là mô hình nhà nước phải chăng tức là nhà nước phúc lợi. Đó là tính chất phải chăng về chính trị trong thế kỷ XX. Nhưng ở những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, khi chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ ở châu Âu thì vấn đề đặt ra là liệu mô hình xã hội dân chủ có tiếp tục là một đại lượng phải chăng nữa không? Tôi cho rằng, khi còn phe xã hội chủ nghĩa thì chủ nghĩa xã hội dân chủ là yếu tố phải chăng của nền chính trị châu Âu. Khi không còn phe xã hội chủ nghĩa nữa thì chủ nghĩa xã hội dân chủ trở thành yếu tố cực đoan, yếu tố lạc hậu của nền chính trị châu Âu. Nói một cách khác, nó thay thế chủ nghĩa cộng sản để đối đầu với chủ nghĩa tự do. Thái độ đối đầu của một số nhà chính trị châu Âu với Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush là một biểu hiện cụ thể về thái độ chính trị của mô hình xã hội dân chủ với chủ nghĩa tư bản tự do. Nó cho thấy rằng ngay cả cánh hữu của châu Âu cũng trở nên lạc hậu trong tiến trình toàn cầu hóa và trở thành yếu tố chính trị cực đoan. Những sự kiện và động thái chính trị kể trên giúp chúng ta nhận thức rằng cần phải đi tìm giá trị hay giới hạn phải chăng về chính trị trong mỗi một thời đại khác nhau, trong những tình huống khác nhau của đời sống phát triển của thế giới. Các câu hỏi đặt ra là: Trong thời đại toàn cầu hóa và với tốc độ phát triển như hiện nay thì liệu nhà nước nên đóng vai trò như thế nào? Trong những dòng dịch chuyển mang tính toàn cầu thì nhà nước phúc lợi tác động lên đâu và đến ai? Sẽ là nhà nước phúc lợi mang tính toàn cầu hay nhà nước phúc lợi khu vực? Nếu là nhà nước phúc lợi toàn cầu thì vai trò của Liên Hiệp Quốc trong khía cạnh phân phối trí tuệ và lợi ích cần được tôn trọng. Còn nếu là nhà nước phúc lợi khu vực thì vấn đề đặt ra là tiến trình co cụm và ngăn cản toàn cầu hóa sẽ diễn ra như thế nào và có dẫn đến các phản ứng cực đoan của xã hội không? Đối mặt với những vấn đề như vậy, chúng ta thấy rằng cải cách không chỉ có ý nghĩa thời sự đối với các nước thế giới thứ ba, mà trong bối cảnh toàn cầu hóa hôm nay đã thực sự trở thành vấn đề toàn cầu. Phải nhắc lại rằng cải cách là sự lựa chọn tối ưu để giải bài toán phát triển của mọi quốc gia. Cần phải dựa vào tiền đề nhận thức một cách trọn vẹn những diễn biến của thời đại dưới động lực của toàn cầu hóa thì con người mới nhận ra sự cần thiết phải tiến hành cải cách. Lý thuyết cải cách với nội dung cơ bản là xây dựng nền dân chủ không phải nhằm vào việc trao lại quyền tự do đơn giản cho con người mà coi cải cách như là một công cụ cơ bản để tổ chức và rèn luyện nền dân chủ. Tiến hành đồng bộ ba cuộc cải cách kinh tế, chính trị và văn hóa đi cùng với cải cách giáo dục là cách vừa làm hợp lý hiện tại, vừa chuẩn bị cho tương lai một cách cân đối, và điều đó đồng nghĩa với tiến trình tổ chức và rèn luyện nền dân chủ trên các lĩnh vực toàn diện của cuộc sống. Nền dân chủ ở châu Âu đã không được tổ chức và rèn luyện theo công nghệ như vậy cho nên đã thất bại. Từ ví dụ của châu Âu, chúng ta nhận ra rằng nhân loại cần phải có một sự tỉnh táo liên tục, cũng là duy trì quá trình nhận thức một cách liên tục về những diễn biến của cuộc sống. Cuộc sống là một tiến trình tự nhiên và liên tục. Mọi sự can thiệp không hợp lý của con người vào nó sẽ gây nên sự ngắt đoạn và có thể dẫn tới những hậu quả vô cùng khủng khiếp. Tiến hành thường xuyên các chương trình cải cách chính là nhằm bảo đảm tính liên tục hay sự phát triển liên tục của cuộc sống. Hơn hết thảy các tầng lớp xã hội khác, các nhà chính trị cần phải có sự tỉnh táo liên tục và đặt mình trong trạng thái luôn luôn sẵn sàng cải cách, nếu không họ sẽ níu kéo cả dân tộc mình vào trạng thái ngày càng lạc hậu với cuộc sống.Cải cách còn là phương pháp thích hợp nhất để bảo đảm tính bền vững của các nguồn phát triển. Trong các nguồn phát triển thì quan trọng nhất là con người. Với vai trò là trung tâm của mọi chương trình cải cách và mọi chương trình hành động xã hội, con người cần được giải phóng để phát triển. Như đã khẳng định trong phần trước của cuốn sách, tự do chính là linh hồn và hạt nhân của cải cách. Tự do là cuộc giải phóng thứ hai, cuộc giải phóng con người. Nếu chưa giải phóng con người thì phải giải phóng con người, và nếu giải phóng xong rồi thì quá trình đó vẫn phải tiếp tục vì ở mỗi một thời đại, với sự tiến bộ xã hội, con người được cấu trúc với các nội dung hoàn toàn khác nhau. Giải phóng con người phải là một quá trình liên tục cùng với sự tăng trưởng các năng lực con người, vì bản chất của việc giải phóng con người chính là giải phóng các năng lực con người. Các nhà lãnh đạo trên thế giới, hơn ai hết, phải hiểu rõ nhiệm vụ này của mình và phải có đủ tài năng và tầm nhìn để có thể hoạch định các chương trình phát triển xã hội, đặc biệt là các chương trình phát triển con người. Đó cũng chính là cách thức giúp tất cả các dân tộc phát triển bền vững và cùng đi đến sự thịnh vượng chung.Một khi coi cải cách là công cụ phát triển chủ động của con người cũng tức là đòi hỏi con người phải nhận thức được giới hạn của cải cách. Nghiên cứu về cải cách hay cơ sở lý luận của cải cách có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì nó chứng minh sự cần thiết phải tiến hành cải cách thường xuyên và liên tục để vừa phát hiện, uốn nắn những khuyết tật của các chương trình hành động xã hội, vừa bổ sung vào các chương trình đó những yếu tố mới của cuộc sống. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn khi nghiên cứu về cải cách chính là thức tỉnh con người về giới hạn của các tác động chủ quan của con người vào tiến trình phát triển tự nhiên, làm sao để trong các hành động này vừa duy trì và phát triển được cuộc sống nhưng vẫn đảm bảo đó là cuộc sống. Ngoài ra, mỗi người, mỗi dân tộc ngày càng phải ý thức rõ hơn về vai trò của mình đối với sự phát triển chung của nhân loại. Với cách tiếp cận vấn đề như vậy, cuốn sách này chính là nghiên cứu lý thuyết về sự can thiệp hợp lý của con người vào tiến trình phát triển tự nhiên của cuộc sống. Những chương trình cải cách hay những chương trình tác động một cách chủ động của con người vào cấu trúc xã hội phải thích ứng với những diễn biến có chất lượng toàn cầu như hiện nay. Sự phát triển bền vững toàn cầu chỉ có thể là kết quả của việc con người tôn trọng tự nhiên, tôn trọng các tiến trình tự nhiên, trong đó có tiến trình phát triển. Tôn trọng tự nhiên chính là tôn trọng sự đa dạng tinh thần của cuộc sống và điều này bảo đảm sự phát triển bền vững và cân bằng của cả tự nhiên lẫn con người. Lý thuyết về tính giới hạn của các hoạt động chủ động của con người, mặc dù là một lý thuyết có tính chất trừu tượng nhưng lại có tính ứng dụng cao vào vấn đề cải cách để giải quyết bài toán phát triển của thế giới thứ ba nói riêng và thế giới nói chung.
Gần đây trong y học xuất hiện một khái niệm mới là y học can thiệp. Có thể hiểu nôm na là những biện pháp y học thuận theo tự nhiên, có nghĩa là can thiệp ít nhất lên cơ thể người bệnh, hay là tối thiểu hóa và hợp lý hóa sự tác động của con người. Như vậy là bằng hoạt động thông minh của con người, sự can thiệp của y học đạt đến giới hạn hợp lý để tạo ra hiệu quả cao nhất. Tôi nhận ra rằng, thế giới đã bắt đầu có những thuật ngữ chuyên môn và thuật ngữ ấy hàm chứa những triển vọng chính trị rất lớn. Các nhà chuyên môn khi men theo tự nhiên đã tạo ra những thuật ngữ, những phát kiến vĩ đại như vậy. Nhiệm vụ của nhà chính trị là bắt chước các nhà chuyên môn để khái quát các hành vi chuyên môn ấy thành hành vi chính trị, thành công nghệ chính trị.
Ngày nay, con người không còn điều kiện, không còn thời gian, không còn cả sự khuất nẻo để muốn làm gì thì làm hay muốn giữ gìn cái mà mình tưởng là có lý một cách chủ quan được nữa. Cần phải hiểu rằng, không phải là chúng ta đấu tranh cho sự có lý của chúng ta mà bằng con đường khoa học, chúng ta phải tìm ra cái có lý thực sự. Cái có lý thực sự là cái đứng vững được trong cuộc sống, đứng vững được trước những diễn biến của cuộc sống và điều này lệ thuộc hoàn toàn vào tầm nhìn của các nhà chính trị và các nhà khoa học. Nói cách khác, chúng ta đang sống trong một thời đại mà nếu muốn làm một nhà chính trị thực sự, một nhà khoa học thực sự thì không thể chỉ tầm chương trích cú, không thể hoài niệm về những giá trị quá khứ. Con người buộc phải có tầm nhìn, phải chuẩn bị rất nhiều thứ nhưng tầm nhìn là sự chuẩn bị căn bản nhất. Chỉ có những nhà chính trị nào có đủ tầm nhìn ấy mới xứng đáng là nhà chính trị trong thế kỷ này.
Từ khóa » Giải Pháp Cho Vấn đề Toàn Cầu Hóa
-
Giải Pháp Toàn Cầu Cho Vấn đề Toàn Cầu - Báo Biên Phòng
-
Giải Pháp Khai Thác Các Cơ Hội Và Biện Pháp Khắc Phục, Thích Nghi ...
-
3 Xu Hướng Thương Mại Toàn Cầu Và Giải Pháp Khắc Phục Khủng Hoảng
-
Toàn Cầu Hóa Văn Hóa Và Mô Hình Phát Triển Văn Hóa Việt Nam ...
-
Tác động Của Toàn Cầu Hóa đến Lối Sống Của Người Việt Nam Hiện Nay
-
Làm Thế Nào để Học Sinh Có Tư Duy Toàn Cầu Hóa | Hội đồng Anh
-
Gợi Mở 4 Giải Pháp Nâng Cao Hiệu Quả Hội Nhập Kinh Tế Quốc Tế
-
Tác động Của Toàn Cầu Hoá, Khu Vực Hoá đối Với Các Nước đang ...
-
Giải Pháp Bền Vững Cho Vấn đề Khủng Hoảng Năng Lượng Toàn Cầu
-
[PDF] đào Tạo Nguồn Nhân Lực Trong Bối Cảnh Toàn Cầu Hóa
-
Toàn Cầu Hóa Trong Giai đoạn Mới Và Một Số Vấn đề đặt Ra Cho Việt ...
-
Những Giải Pháp Có Thể Giúp Nền Kinh Tế Toàn Cầu Phục Hồi Bền ...
-
Tái định Hình Chuỗi Cung ứng Toàn Cầu: Nhận Diện Xu Hướng, Thách ...
-
KHÁI QUÁT CHUNG VỀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ TRONG GIAI ĐOẠN ...