Cái Giá Của Việc Làm Kẻ Bàng Quan đứng Nhìn Nạn Nhân Bị Bắt Nạt

Những đứa trẻ đứng chung quanh lặng lẽ nhìn người bạn trong lớp bị nắm tóc giúi xuống đất, chà mặt xuống nền đất đá lởm chởm. Chúng không làm gì cả, có lẽ chỉ hơi khó chịu vì phản ứng tự nhiên của thần kinh bị kích thích khi chứng kiến cảnh bạo lực. Nhưng bạo lực lại là thứ chúng quen thuộc nhất trong xã hội ngày nay, từ đời sống đến phim ảnh. Không dưới một lần chúng chứng kiến cảnh những cặp vợ chồng lăn xả vào nhau chửi bới trên đường phố, đôi khi cha mẹ chúng còn dừng xe lại để đứng xem. Hay những ông hàng xóm lạng quạng vác ghế phang nhau sau trận nhậu say xỉn, miệng chửi rủa tục tĩu vang ầm cả khu xóm. Chúng thấy những điều đó cũng bình thường, vì ai cũng cho là bình thường. Chắc hẳn cái gọi là xã hội thì ở đâu cũng thế, cả bên ta lẫn bên Tây. Vì thế chúng lại tiếp tục đứng nhìn đứa bạn cùng lớp đang bị "hành hình" chỉ vì cái tội gọi là "nhìn đểu".

Khi chống lại nạn bắt nạt trong học đường, chúng ta thường chỉ chú ý đến việc tìm phương cách trừng phạt trẻ bắt nạt và chương trình phòng ngừa cho nạn nhân. Thật sự trong một vụ bắt nạt, nhất là việc hành hung công khai trong sân trường hay trên đường từ trường đến nhà, còn có sự hiện diện của một nhân tố khác đóng vai trò quan trọng trong chuyện bắt nạt, đó là những đứa trẻ bàng quan đứng xem chung quanh. Chuyện đứng xem "đánh nhau" là chuyện bình thường trong xã hội Việt Nam, từ đánh ghen đến đánh trộm, đánh "tay đôi" hay "hội đồng" để dằn mặt hay trấn lột. Chuyện gỡ bom mìn mà dân tình còn hớn hở đứng chung quanh xem thì nói gì đến chuyện đánh nhau, cũng như xem một trận chọi trâu đá gà. Nhưng lâu nay chúng ta không thực sự hiểu biết và đánh giá đúng vai trò của kẻ bàng quan trong những vụ xô xát đó.

Những đứa trẻ bàng quan không hoàn toàn đóng vai trung lập khi chứng kiến những vụ ẩu đả và bắt nạt trong học đường; chúng có thể là giải pháp nhưng cũng có thể là kẻ tòng phạm cho các vụ xung đột đó. Nghiên cứu của giáo sư Debra Pepler từ đại học York ở Canada cho thấy một số trẻ bàng quan xúi giục hay khuyến khích hành động bắt nạt bằng cách chỉ trỏ, cười nói, cổ vũ...trực tiếp khuyến khích sự liều lĩnh của trẻ bắt nạt; thậm chí một số trẻ khi chuyện bắt nạt hay ẩu đả bắt đầu cũng nhao vào ăn có đánh hôi. Hầu hết những đứa trẻ còn lại thụ động chấp nhận chuyện bắt nạt xảy ra trước mắt bằng cách theo dõi nhưng không làm gì cả. Nghiên cứu của giáo sư Wendy Craig và Debra Pepler cũng như của giáo sư Christina Salmivalli của đại học Turku ở Phần Lan cho thấy trẻ đứng chung quanh dù không làm gì vẫn đang đóng vai khán giả mà trẻ bắt nạt được khích lệ để bắt đầu và còn kéo dài "màn biểu diễn". Nguy hiểm hơn nữa khi hiện nay điện thoại thông minh đã đóng vai trò khán giả ảo cho trẻ bắt nạt, khi một đứa trẻ trong đám quay màn đánh nhau để phát trực tiếp hoặc sau này trên Youtube hay Facebook. Không gì đúng hơn câu thành ngữ "Im lặng là đồng loã" trong trường hợp này. Vả lại "đám đông thầm lặng" không chỉ có ở trẻ em mà còn ở người lớn, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Bao nhiêu người Đức trong thời Đệ nhị thế chiến đã không can thiệp vào hành động diệt chủng của chính quyền Đức Quốc Xã mà còn làm kẻ "bàng quan" tẩy chay cửa hàng hay ngưng giao du với người Do Thái?

Tại Hoa Kỳ, trung bình mỗi ngày có hơn 160 ngàn học sinh phải ở nhà vì sợ bị bắt nạt khi đến trường và trong 40% người tự tử đã từng bị bắt nạt trong cuộc đời mình. Đến 86% trẻ cho biết chúng đã từng chứng kiến các vụ bắt nạt và có đến 90% trẻ cho biết không thích thấy trẻ khác bị bắt nạt. Mặc dù không thích thấy, dưới 20% trẻ cố gắng can thiệp trong khi chúng không biết là nếu can thiệp, chúng có thể ngăn chặn trong vòng 10 giây trên 50% vụ bắt nạt. Chúng không can thiệp vì nghĩ không phải là chuyện của mình, sợ chính mình bị hại hay cũng trở thành nạn nhân ngay lúc đó hoặc bị trả thù, thấy mình bất lực vì yếu đuối hay sợ hãi. Ngoài ta một số trẻ vì những mối mâu thuẫn riêng với nạn nhân lại tin rằng nạn nhân đáng bị bắt nạt.

Trẻ không phải không chịu những hậu quả của việc đóng vai bàng quan. Khi chứng kiến những bạo hành, hệ thần kinh cụ thể là hệ thần kinh giao cảm của chúng vẫn bị kích động, mà sau đó nếu không được hoàn toàn giải toả, nó có thể gây thành những chấn thương tâm lý. Ở một số trẻ, chúng ta có thể quan sát những biểu hiện cụ thể một vài ngày sau đó. Chúng có vẻ lo lắng và sợ hãi, rối loạn bữa ăn và giấc ngủ. Trong suy nghĩ, chúng có thể sợ mình sẽ trở thành nạn nhân trong tương lai khi thấy chính mình cũng đơn độc và yếu đuối. Ở một số trẻ khác, việc thấy bất nhẫn nhưng không dám làm gì có thể đem lại những hậu quả lâu dài khi chúng cảm thấy bất lực và yếu hèn, hoặc xấu hổ và mặc cảm tội lỗi đã không làm gì để bảo vệ nạn nhân. Những cảm giác này sẽ theo chúng đến suốt cuộc đời, tê liệt với những cảnh bạo hành diễn ra chung quanh từ gia đình, khu xóm đến xã hội, nhận chìm sự bất lực trong nghiện ngập hay tự dối mình khi lên án nạn nhân và biện hộ cho kẻ bạo hành.

Thật ra, chỉ cần một chút can đảm, kiến thức và kỹ năng, trẻ bàng quan có thể đóng một vai trò tích cực trong việc ngăn chống một vụ bắt nạt hay xô xát. Một số trẻ dũng cảm có thể trực tiếp can thiệp, bằng cách làm nhụt chí trẻ bắt nạt như tỏ thái độ không đồng ý và phê phán hành động bắt nạt, yêu cầu hay thuyết phục trẻ bắt nạt chấm dứt hành động của mình, bảo vệ nạn nhân khi đến đứng bên cạnh hay hỏi chuyện, hô hào những người đứng xem phản đối hành động bắt nạt hay đi gọi người lớn can thiệp. Nghiên cứu của giáo sư Christina Salmivalli và đồng sự ở đại học Turku cho thấy học sinh thường hay nhìn qua bạn bè để xem phải hành động ra sao khi chứng kiến một vụ bắt nạt. Tất cả những hành động trên dù trực tiếp hay gián tiếp ngăn chặn chuyện bắt nạt đều cần sự can đảm và khảng khái tối thiểu. Điều quan trọng nhất để chuyển từ ý thức kẻ bàng quan sang kẻ can thiệp là suy nghĩ những chuyện xảy ra trước mắt cũng là một phần trách nhiệm của mình, hiểu tính chất liên đới của mọi thành viên trong một môi trường học đường và xã hội; suy nghĩ gì, nạn nhân có phạm sai lầm gì thì đó cũng là một nhân vị có nhân phẩm không thể trừng phạt bằng bạo lực bởi một cá nhân hay tập thể không có thẩm quyền nào đó.

Hiện nay những chương trình phòng chống bắt nạt tại Việt Nam vẫn còn quá hiếm hoi. Việc tập huấn cho nhân viên và nhà trường cũng như thầy cô chưa được phổ quát và thường xuyên, lại vẫn còn chưa theo một tài liệu nghiên cứu thực địa trong bối cảnh xã hội và văn hoá Việt Nam mà còn dựa vào những phát kiến và kinh nghiệm nước ngoài. Theo nghiên cứu của giáo sư Jessica Trach và đồng nghiệp ở đại học British Columbia và Fraser Valley ở Canada, việc giáo dục học sinh tiểu học bỏ thái độ bàng quan để can thiệp có hiệu quả hơn việc giáo dục trẻ lớn hơn ở độ tuổi trung học, với chứng cứ là trẻ nhỏ thường hành động trực tiếp như can thiệp, giúp nạn nhân và báo với người lớn, trong khi thái độ thụ động hay đôi khi tấn công trẻ bắt nạt tăng dần với độ tuổi.

Một hành động tưởng có thể chỉ là thoáng qua như khoanh tay đứng nhìn một vụ bắt nạt trên sân trường có thể định hình thái độ và tình cảm của trẻ suốt đời. Trẻ sẽ đi qua cuộc sống sợ hãi bất cứ mọi xung đột vì e rằng mình sẽ trở thành nạn nhân. Chính sự sợ hãi này đã tước đi của trẻ cơ hội học hỏi những kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong những mối giao tiếp xã hội. Tâm lý thụ động và sợ hãi đó thật ra không cứu được trẻ trong đường dài mà lại tạo điều kiện để cho trẻ trở thành nạn nhân trong tương lai. Vì những kẻ bắt nạt, dù là ông chồng, ông chủ, hay là ông hành xóm, luôn thính mũi trước mùi sợ hãi và nhanh mắt trước vẻ run rẩy. Ngược lại, khi một đứa trẻ được cung cấp cho những kỹ năng can thiệp xung đột và giải quyết mâu thuẫn ngay từ lúc nhỏ, cũng như phương pháp điều hoà những cảm xúc tức giận lẫn sợ hãi, chúng sẽ cảm thấy mạnh mẽ hơn trong đời sống với tiềm năng tự giải quyết những vấn đề liên quan đến mình. Và có lẽ quan trọng không kém, trẻ sẽ không còn thấy mình là người bàng quan, đứng bên lề xã hội và đất nước của mình.

Tài liệu tham khảo tiếng Anh:

Craig, W. M., Pepler, D., & Atlas, R. (2000). Observations of bullying in the playground and in the classroom. School Psychology International, 21(1), 22-36.

Trach, J., Hymel, S., Waterhoise, T., & Neale, K. (2010). Bystander responses to school bullying: A cross-sectional investigation of grade and sex differences. Canadian Journal of School Psychology, (25)1, 114-130.

------Trích từ cuốn sách Dạy con trong "hoang mang", chuyển hoá chính mình để giáo dục trẻ thơ, tập 2- tiến sỹ Lê Nguyên Phương

Từ khóa » Hài Tục Tĩu Cu Bự Xin Việc