Cái Mặt Thì Rứa, Cái Tề Thì Răng? - CAND

  • Giật tràng vá vạt

Chà, có phải bịa, đó không? Không hề. Tôi vừa đọc trên Facebook nọ mẩu đối thoại này:

- Mi đi ga ni?

- Ga ni. Mi đi ga mô?

- Ga tê.

- Ga tê ga chi?

- Ga Lăng Cô tề.

- Răng đông như ri?

- Ri mà đông chi!

- Rứa mi ra ga mô?

- Ra ga Nam Ô.

- Khi mô mi đi?

- Chừ, chứ khi mô.

- Mi lo đi mi.

- Ừ, tau đi nghe mi!

Nghe cứ líu lo như chim. Thích lắm. Chưa hết đâu. Vẫn còn nhiều nữa. Đâu phải chỉ lúc trao đổi thân mật, nhiều người đã đưa vào thơ, nhạc. Trước mắt, này cô Hai ơi, ta nghe nhạc cho rộn chút xíu nhá. Vì rằng, làm nên sự phong phú, đa dạng nhiều sắc thái trong tiếng Việt, còn phải kể đến thổ âm, thổ ngữ của từng vùng miền. Do đó, trong sáng tác văn học nghệ thuật, nhiều tác giả đã vận dụng một cách tinh tế, có chọn lọc khi sử dụng khiến ca từ trở nên đắc địa hơn và phù hợp với giai điệu dân ca của vùng đất đó. Nhờ vậy, khi phổ biến, ca khúc đó có lợi thế dễ đi vào lòng người.

Thí dụ, ca khúc “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết: “Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh. Nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông La”. Tương tự, “Mưa trên phố Huê”ë, nhạc sĩ Minh Kỳ đã viết: “Chiều mưa, phố xưa u buồn, có ai mong đợi một người biền biệt nơi mô?”. Với từ “mô” dù mang sắc thái địa phương nhưng có lẽ ai cũng hiểu “đâu/ đi đâu/ ở đâu”. Không chỉ có thế, nhạc sĩ Phạm Duy viết ca khúc “Bên nớ bên ni”, có đoạn: “Em có nghe bên ni lạnh như bên nớ. Phút giây chia lìa, trong lòng cũng phải đèo mong”. Bên ni là “bên này”; bên nớ là “bên ấy/ bên đó”. Thế nhưng ở đoạn khác, lại có câu: “Bên tê thành phố tráng lệ, giai nhân nằm khoe lỏa thể. Bên ni phố vắng, ôi lòng ngoại ô”. Bên tê lại được hiểu “bên kia”. Nói cách khác, ni, nớ, tê tùy theo ngữ cảnh, ta có thể hiểu là bên này, bên nọ, nhằm chỉ hai hướng trái ngược nhau. Trong ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân có câu: “Rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi” - ta hiểu “chừ” là chỉ thời gian hiện tại như bây chừ/ bây giờ. Còn có thể kể thêm đôi từ nữa, chẳng hạn nhạc sĩ Lê Xuân Hòa có ca khúc “Răng anh nỏ vê”ì. Răng là “sao/ tại sao”; nỏ là “chẳng/ không” là một cách đặt câu nghi vấn v.v…

Sở dĩ chọn thủ pháp này, nghĩ cho cùng tác giả mong muốn ca khúc của mình mang sắc thái vùng miền rõ nét nhất, càng dễ lay động lòng người. Rõ ràng, ta có thể xác định đây là cách nói/ giọng nói của người miền Trung. Với mẩu trò chuyện ở ga Lăng Cô, nói tắt một lời, ta hiểu ni là này, chỗ này, cái này; mô: đâu, ở đâu, cũng có thể hiểu là khi nào, lúc nào? Tê là kia; tề là kìa; ri: thế này; rứa: vậy, thế; chi: gì, cái gì; Răng: sao, sao vậy, thế nào? Nhưng răng không chỉ có thế.

Thử nghe mẩu đối thoại này: Hai cậu học trò đến nhà rủ bạn đi học, nghe chó sủa ran, sợ quá, không dám vào nhà. Lập tức có tiếng bạn từ nhà nói vọng ra: “Đẩy cổng vào nhà đi, sợ chi mi, con chó không răng mô”. Có phải con chó rụng hết răng nên không thể cắn? Răng mô: sao đâu, đâu nào.

Nghe vậy, dù muốn vào nhưng vẫn ngần ngừ, vẫn sợ nên bạn nọ quay sang hỏi bạn đi cùng: “Mi dám vô không?”. Nghe hỏi, bạn này bèn trả lời: “Mi răng, tau rứa” - tức “Ai sao, tui vậy”. Còn nếu dù bạn ngần ngại, không dám bước tiếp nhưng mình đã quyết theo ý thì cứ việc hiên ngang đẩy cổng bước vô: “Mi rứa, tau ri”. Rồi lại hỏi: “Tao rứa, mi răng?”. Ca dao Quảng Bình có câu: “Răng chừ cạn lạch Lũy Thầy/ Sông Gianh hết chảy, dạ này mới hết thương”. Răng chừ: lúc nào, bao giờ. “Bỏ nhau răng rứa mà đành?/ Nhớ khi ăn cạnh, nằm cành bên nhau”. Răng rứa” là sao thế, sao vậy? Nghe răng rứa rứa răng trìu mến quá, phải không?

Có trường hợp, cơm nước xong, người chồng hỏi vợ: “Dạo ni, thằng Tèo học hành ra răng hè?”. “Hè” tương đương như “nhỉ/ nhé”, còn nhằm gợi sự đồng tình, nhấn mạnh tùy ngữ cảnh. Cô vợ bảo: “Mình hè, hắn học chi chi lạ, học cả đêm lẫn ngày”. Từ “hè” ở đây lại được hiểu “này/ nì”. Nghe thế, người chồng cả cười: “Lạ chi, học rứa có chi chi mô”. Ta hiểu “chi chi” nhằm chỉ cấp độ cao hơn “chi”.

Lại nữa, các cô cậu học trò bảo nhau: “Đi học hè!” - chẳng dính gì đến chuyện học thêm trong dịp hè, chỉ hàm ý rủ nhau đi học. Nếu trở thành nghi vấn, câu trên ắt phải là “Đi học hỉ?”; hoặc “Đi học he?”. “He” cũng tựa như “hè”. Ở Huế có câu hò đối đáp thật hay:

Tiếng đồn anh học đã thông

Con diều bay qua đó mấy cái lông anh hè?

Nếu đổi qua cách nói của người miền Bắc, ắt thành thơ… “Bút Tre” mất thôi. Câu đối lại thông minh cực:

Em về gánh cạn nước sông

Anh đây đếm được mấy cái lông con diều

Cách đối đáp này, rõ ràng “Kẻ tám lạng, người nửa cân”. Mà, rủ nhau/ cùng nhau làm chung một việc nặng nhọc gì đó cũng gọi là hè, chẳng hạn, “Nhiều người hè nhau đẩy xe lên dốc”. Ới, cô Hai có nhớ đến câu hò đẩy thuyền ở Quảng Bình? Nhớ à. Thì đây:

Hai bên đứng lại hai hàng

Người mụi, kẻ lái rập ràng cho mau

Hè, hè, hè...

Ba từ “hè” nối tiếp nhau trở thành khẩu lệnh biểu thị sự đồng tình. Thật ngộ cho cách phát âm của người miền Trung, nghe du dương mà cũng lạ tai ra phết. Nếu người Huế, người Quảng Nam nói: “Rứa, tối ni đi xem hát tuồng hè?” thì người Phú Yên lại phát âm “hè” thành “hé”: “Dẫy, tối ni đi xem hát tuồng hé”? Nếu cùng đồng hương Núi Nhạn, nghe không rõ ắt họ hỏi lại: “Bạn vừa nói cái gì hẽ?” - còn người Huế, người Quảng Nam, nếu không nói “hè” thì dùng “hỉ” cũng không sao: “Bạn vừa nói cái chi hỉ?”. “Hẽ/ hỉ” tựa như “hả”: Thế hả? Vậy hả? Mà, kể ra cũng ngộ khi nghe bạn hỏi: “Dẫy, tối ni đi xem hát tuồng hé?”. Người bạn Phú Yên kia muốn hỏi lại cho chắc ăn, câu nghi vấn lại là: “Dẫy na?”.

Học trò trong Quảng ra thi

Thấy cô gái Huế, chân đi không đành

Không riêng gì người Quảng, không ít người vùng miền khác cho biết họ cũng mê tít, bởi lẽ lúc nghe các nàng phát âm từ “ri, răng, rứa” diệu vợi quá chừng. Có trường hợp, khi đến thăm thầy, đang lúc pha trà, thầy bày vẽ/ chỉ vẽ cho cậu học trò: “Em phải làm như ri nè”, là phải làm như thế này, thế này. Bắt chước theo, nếu cậu học trò người Huế hỏi lại thì cách phát âm là: “Dạ, em làm rứa có đúng không thầy?”.

Quan sát nẫy giờ, thấy thiếu cái gì đó, thầy đưa tay chỉ: “Rứa cũng được, nhưng em còn phải thêm cái nớ”, tức còn phải thêm cái kia. Bằng không, cũng có thể thầy bảo: “Rứa cũng được, nhưng em còn phải thêm cái tê”. Tê là kia. Chưa hiểu rõ ý thầy, cậu học trò hỏi lại: “Dạ, cái tê là cái chi?”. Thầy đưa tay chỉ vào vật cụ thể gì đó rồi nhã nhặn: “Cái tê đó tề”. Thực hiện xong, cậu học trò dò hỏi ý: “Dạ, em làm rứa, thầy thấy răng? Có được không thầy?”. Thầy đáp: “Rứa rứa” - là cũng được, tạm được.

Có câu thơ của Mường Mán, vận dụng chỉn chu cách nói của người Huế: “Sáng vàng thu trời mưa nho nhỏ/ Chờ ai răng o nớ, mưa tề”. Tề ở đây là “kìa”. “Mưa tề” không liên quan gì đến địa danh như Quang Dũng viết: “Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến/ Quạnh vắng chiều sông lạnh đất Tề”. Trong lúc đóng cái tủ, cầm thanh gỗ lên đo rồi làm dấu, người cha bảo: “Ri dài quá, con tề đi”. Tề là chặt/ cắt/ tiện bớt cho bằng, cho đều. “Hai ta như đũa trong kho/ Không tề, không tiện, không so cũng bằng” (ca dao).

Từ “tề” này cũng “lắm chuyện”.    

Cái mặt thì rứa, cái tề thì răng? -0

Ảnh: L.G 

Thời kháng chiến “chín năm”, có thể là lần trước nhất xuất hiện “tề” - hiểu theo nghĩa vùng do địch chiếm đóng, dựng lên bộ máy chính quyền theo chúng, do đó, mới xuất hiện làng tề, hội tề, phá tề, tề ngụy… Và ngoạn mục nhất vẫn là sự xuất hiện thành ngữ mới “Ấm ớ hội tề”, Đại từ điển tiếng Việt (1999) giải thích: “Có thái độ không dứt khoát, việc gì cũng tỏ ra không hẳn biết mà cũng không hẳn không biết, giống như người làm việc ở cơ quan làng, xã vùng bị tạm chiếm thời trước (gọi là hội tề) vừa bị sức ép của trên, vừa bị dân chống đối, nguyền rủa nên thường phải tỏ ra không dứt khoát trong mọi chuyện để tránh sự trừng phạt trên xuống, dưới lên”. Hiểu thế này, có lẽ câu thơ của Quang Dũng phải là “Quạnh vắng chiều sông lạnh đất tề” - ngụ ý “đất tề” là vùng tạm chiếm, chứ không phải “đất Tề”. Khi bàn về thái độ của người đàn ông đã có vợ, hắn ta bị bắt quả tang lúc léng phéng mèo mỡ, Hồ Xuân Hương bèn làm thơ trêu:

Ngoảnh mặt sang Tề, e Sở giận,

Quay đầu về Sở, sợ Tề ghen.

Thái độ lúng búng như chó ăn vụng bột, lúng túng như thợ vụng mất kim, ấp a ấp úng, đúng là “Ấm ớ hội tề”. Thật ngộ, một khi ai đó đang sống trong vùng kháng chiến, vì lý do gì đó rời bỏ, quay về vùng tề thì lại gọi “dinh tê/ rinh tê”. Do cơn cớ gì cái dấu huyền trong chữ “tề” trong đất tề/ làng tề bị mất tiêu? Không ai có thể trả lời nổi, vì “dinh tê/ rinh tê” là phát âm mượn từ tiếng Pháp rentrer: trở về/ quay lại nằm trong ngữ cảnh như nhà phê bình Vũ Ngọc Ngọc Phan viết trong hồi ký Những năm tháng ấy (NXB Văn Học-1987): “Một số anh chị em văn nghệ sĩ xuống Rừng Thông, Cầu Bố buôn bán, và rồi họ không kiếm sống được nên đã rinh tê”(tr. 387).

Lại thử đọc câu ca dao xứ Huế: “O tê o tể o tề/ Cái mặt thì rứa, cái tề thì răng?”. Tề ở câu bát đã lái sang nghĩa khác, ngon ơ bà ờ, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Hiểu sao? “Nhạy cảm” quá đi mất, tôi đây đành nín khe, đành thin thít như thịt nấu đông, đành câm như hến. Cho nó lành.

Thời kháng chiến chống Pháp, Lưu Trọng Lư viết bài thơ “O đi tiếp tế”, có câu: “Xuân gầy ba bảy/ Da tuyết vàng khè/ O sợ chồng chê/ Nhưng o vẫn bước/ Mình lo việc nước/ Chồng chê "mược" chồng”. O là cô gái trẻ, cũng chỉ người phụ nữ đã có chồng, tùy vai vế mà xưng hô. Chẳng hạn, lúc đang làm bếp, nhìn quanh không thấy, cô con dâu lễ phép: “O ơi, cái thớt đâu hè?”. O ở đây đích thị là bà cô, tức chị hoặc em của cha chồng. Thành ngữ có câu: “Giặc nhà Ngô không bằng bà cô bên chồng”, “Ông chú bà cô”. Thế nhưng khi chị dâu hỏi em chồng, lại xưng bằng… cô! Chẳng hạn, “Cô Ái ơi, cái thớt nhà mình treo ở mô?”. Oái oăm thiệt.

Ta trở lại với mẩu đối thoại của vợ chồng nọ về chuyện học hành của con. Sau đó, người chồng hỏi tiếp: “Thằng Tèo rứa, còn thằng Tý răng?”. Cô vợ than phiền: “Úi chà, nỏ học hành chi, hắn đang o cái o bán bánh bèo”. O ở đây là ve/ tán/ cua gái. Ối dào, thằng Tý mới nứt mắt, mặt búng ra sữa, hỉ mũi chưa sạch đã ri, đã rứa, rứa ngày sau cơm cháo ra răng hé? Tôi nói rứa, cô Hai thấy răng hè?

Từ khóa » Cái Ni Là Gì