Cái Nết đánh Chết Cái đẹp, Hay Cái đẹp đè Bẹp Cái Nết

Từ lâu cái nết vốn đã được các nhà mô phạm, đạo đức, học giả triết gia… tôn vinh lên hàng đầu trong các giáo điều bảo ban cho phái nữ. Thế nhưng, cũng từ xửa từ xưa điều nghịch lý đã hàng xảy ra là vinh quang bao giờ cũng thuộc về tay các tuyệt đại mỹ nhân chứ không chừa chỗ cho hàng đoan trang thục nữ mà không được trời ban cho sắc đẹp. Người đẹp thì cứ mặc tình ngún nguẩy vẫn được cuộc đời chìu chuộng, vẫn có danh phận hơn người, thậm chí tha hồ làm mưa làm gió vẫn có tên trong “lịch sử”. Còn những người xấu xí thường nhận chịu lắm thiệt thòi, khép kín tâm hồn vào nổi mặc cảm mênh mông.

Nhiều nhà nghiên cứu xã hội cho rằng đó không phải là định luật chung mà là “hiện tượng xấu” do tánh háo sắc của số ít đàn ông và sự lạm quyền của một số kẻ giàu có thế lực. Nghe cũng có lý nhưng thật ra “số ít” ấy là bao nhiêu? Có lẽ hơn 99,9% đều có “tật máu xấu”. Thế giới đâu chỉ mỗi Tần Vương si tình, vua Trụ háo sắc, Antone điên đảo, ngay cả vị thần sức mạnh Hercule trong thần thoại Hy Lạp cũng phải tiêu đời trước bóng sắc giai nhân. Cô Tấm, công chúa Lọ Lem trong cổ tích hẳn là đẹp nết số một rồi, nhưng nếu không đẹp người siêu hạng thì chắc gì đã gây nổi ấn tượng trong lòng Hoàng Tử!

Cả trong thời đại vi tính vệ tinh hiện nay cũng chả hơn gì. Người ta vẫn hô hào khen cái nết, nhưng yêu cầu sử dụng phụ nữ và công việc thì hầu hết đều chọn cái đẹp làm tiêu chuẩn đầu tiên! Không ít những nữ sinh viên đóng khung mảnh bằng tốt nghiệp treo trên vách ngắm chờ thời, và cũng không ít các cô “ký điệu” ngồi ỏng ẹo lắc lư trên bàn “bu rô” với văn bằng …bổ túc. Ưu tiên “ngoại hình đẹp” hình như đã trở thành thông lệ trong sự tuyển chọn vào những công việc tầm cao, còn tốt nghiệp “trung học phổ thông” thì đại trà cho công nhân lao động. Người ta bảo “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” nhưng thực tế tủ bàn mica vẫn chạy như tôm tươi, loại ghế bành sofa đời mới bọc simili bên trong toàn cỏ khô vải vụn vẫn đều đều ăn khách.

Phải chăng cái đẹp đã chiếm lĩnh đời thường? “cứu tinh” của các cô gái “trời bắt xấu” ra đời: thời trang, mỹ phẩm, thẩm mỹ viện rộ lên như yêu cầu bức thiết. Khổ nổi! đã xấu thì khó tìm được việc làm tốt, có thu nhập cao, cũng khó kiếm được một ông chồng xịn, làm gì có cửa mà bước vào không gian xa hoa ấy. Rốt cuộc, thời trang chỉ góp phần tôn tạo cho những cô vốn đã đẹp lại càng sang thêm, còn ai xấu cứ than trời thoải mái!

Nhiều bạn có “mặt tiền quá xấu” đã phẫn uất đến nổi muốn đốt sách thánh hiền, muốn dẹp luôn cái nết để xông vào “oánh” nhầu một trận với số phận xem sao. Hỏng to! Nếu để mất cái nết, bạn còn gì mà cân bằng “lực lượng” với cái đẹp của người ta? Hãy bình tĩnh và nhìn mọi sự việc trên góc độ lạc quan để tìm định hướng tiến công thử coi!

Tính vô thường của cái đẹp: Những gì thuộc về vật thể đều không tồn tại với thời gian, huống hồ là sắc đẹp chỉ như một nụ hồn thanh xuân khoảnh khắc. Sự thành công mà nó đem lại chỉ có giá trị cuốn hút nhất thời, dĩ nhiên “cái nhất thời” ấy vẫn có thể khiến một người đẹp đạt được điều mình muốn, nhưng muốn giữ điều đạt được cho lâu dài phụ nữ còn phải có nét đẹp trong tâm hồn nữa. Cô gái xinh đẹp sẽ có lắm người yêu, có khả năng chọn được người chồng như ý, nhưng một người vợ nết na mới gìn giữ được chồng, mới tại nên hạnh phúc đường dài trong hôn nhân. Và như người ta nói: : “hồng nhan đa truân” đẹp mà mất nết thì coi chừng trở thành… “hoa lạc giữa rừng gươm” đấy!

Sự bất biến của cái nết: Những gì thuộc về tinh thần, đạo đức đều có giá trị bất biến. Cái đẹp có giá trị hình thức, cái nết có giá trị nội dung. Ví như một tờ báo có ảnh bìa lộng lẫy, in ấn nhiều màu ngay lập tức sẽ thu hút người mua, nhưng mua báo để đọc chữ chứ không phải để xem hình, nên người ta sẽ dần chán và tắt ngấm niềm háo hức ban đầu. Ngược lại một tờ báo tuy không “bắt nhãn” nhưng người đọc sẽ tuyên truyền lẫn nhau về chất lượng nội dung tốt mà họ “khám phá”, tờ báo ấy ắt phát triển được về lâu dài. Không có ngoại hình, có thể bạn sẽ ít có cơ hội trong bước đầu, nhưng đã tạo được cơ hội, bạn chắc chắn đạt được thành công sự nghiệp. Bởi, các sếp thích chọn người đẹp để…làm kiểng, nhưng chính công việc thì nó chỉ muốn lưu lại những người có tài đức để làm chạy việc.

Do vậy, hãy tự tin: Có nhiều quan lớn đã giả dạng thường dân, có những tay giàu sụ giả vờ nghèo kiết xác để tìm kiếm cho mình một tình yêu chân thật. Vậy hãy xem cái nết như nét đẹp cố tình ẩn giấu bên trong cái “vỏ bọc” xấu xí bề ngoài. Kiêu hãnh với sắc đẹp là tự hạ thấp cái đẹp của mình và ngủ quên giữa muôn trùng cạm bẫy đời thường, nhưng tự tin vào phẩm hạnh đạo đức là biết quý trọng bản thân và là sức mạnh để vượt khó. Trong bộ phim mỹ “khi các soeur hành động” nhận vai chính diện là một nữ diễn viên da đen, dung mạo xấu xí, vóc dáng thô kệch nhưng “nhân vật” ấy đã mở được cánh cổng nghiêm khắc bảo thủ của giáo đường, vượt qua tình huống hiểm nghèo và chiến thắng cái ác nhờ vào lòng tự tin mãnh liệt của mình. Diễn viên đóng vai ấy cũng hoàn toàn thu phục khán giả điện ảnh vì phong cách diễn rất tự tin, nhập vai, linh hoạt. Thế đấy, người ta khoái cái đẹp nhưng lại trọng cái nết, vậy tại sao chúng ta không tự tin…

Và chủ động: Cái đẹp thì chỉ cần liếc qua, người ta đã thấy. Nhưng cái nết thì phải tiếp xúc, phải chuyện trò, quan hệ người ta mới nhận ra. Đó là vấn đề thiệt thòi mà một phụ nữ có ngoại hình xấu phải vượt qua như một thử thách để thể hiện bản lĩnh của chính mình. Đừng vì mặc cảm tự ti, đừng vì câu nệ sĩ diện mà im lặng làm tượng, bởi hoạt bát, năng nổ, bặt thiệp, nhiệt tình không hề đánh mất phẩm cách phụ nữ. Ngậm tăm để làm dáng nhưng mở miệng để làm duyên, các bạn ạ!

Chú ý trang phục: Đừng tưởng người đẹp mặc gì cũng đẹp mà nhầm to, hãy tạo một vòng quanh phố để thử coi, ngắm người hợm hĩnh đến rợn người! cũng đừng cho rằng “trời bắt xấu” thì việc gì vẫn xấu, hãy chọn cách trang phục chững chạc, đứng đắn để tôn thêm phẩm cách của mình, để nét đẹp nết na tỏa ra bên ngoài qua lối phục sức trang nhã và khiêm tốn.

Là một phụ nữ, nếu được đẹp nết đẹp người thì cũng như một đấng mày râu song toàn văn võ, vấn đề rủi may chỉ còn vướng chút tỉ lệ nhỏ nhoi ở số phận. Nhưng nếu chỉ được một trong hai, phải cố mà khắc phục phần còn lại, bởi nói chung, cái đẹp có thể đè bẹp cái nết trong giai đoạn tiên khởi, nhưng cái nết sẽ đánh chết cái đẹp trên đường dài cuộc sống. Do vậy, chớ ưu tư khi mình là người bị “trời bắt xấu” mà hãy lo sợ rằng mình không rèn luyện được nết na phẩm hạnh cho chính bản thân.

Sưu tầm báo Bình Dương CN, 14/9/1997-Huy Tần

Từ khóa » Cái đẹp đánh Bẹp Cái Nết