Cái Quạt Và Những Làn Gió Văn Hóa! - Công An Nhân Dân

  • Văn hóa xin lỗi
  • Cần một bản lĩnh văn hóa để vượt qua “virus” kì thị
  • “Khan hiếm” không gian văn hóa sáng tạo

Theo nhiều chứng cứ khảo cổ học, văn bản học... cái quạt đã có từ hơn 4.000 năm trước Công nguyên, được người Ai Cập sử dụng đầu tiên với chức năng chính là làm mát và đuổi côn trùng. Loại quạt lớn, cố định, theo mô tả có hình bán nguyệt, được làm từ lông thú (thường là đà điểu). Loại quạt cầm tay (có tên Flabellum) được dùng trong các nghi lễ.

Người Ai Cập cổ xem quạt như một vật linh thiêng, là biểu tượng của quyền năng. Hai chiếc quạt tay được tìm thấy trong ngôi mộ của Hoàng đế Tutamkhamun nói lên điều ấy. Trong đó có một chiếc bằng vàng, chiếc còn lại được làm bằng gỗ mun dát vàng và gắn đá quý.

Theo thời gian, người Do Thái cổ, Ba Tư, và La Mã... dùng quạt để tạo gió làm mát, rồi các công năng khác ra đời để phục vụ con người: Để che nắng mưa; đựng đồ ăn nhẹ; dùng để chào hỏi; để biểu lộ tâm trạng; để che khiếm khuyết trên khuôn mặt... Theo nhiều sách viết về phong tục thời trung đại thì phụ nữ châu Âu thường dùng quạt “làm duyên” để che mặt trong những buổi lễ hay gặp gỡ bạn khác giới...

Thời kỳ thịnh hành nhất của cái quạt cầm tay ở vào khoảng thế kỷ XVIII. Hoàng gia Pháp đặc biệt ưa chuộng những chiếc quạt sang trọng, đắt giá, mang tính nghệ thuật cao. Ngôn ngữ ước lệ của chiếc quạt trở nên hết sức phong phú được xã hội quý tộc thượng lưu kiểu cách sử dụng, như: Vuốt cây quạt đang gấp lại là “Chúng mình nói chuyện với nhau đi!”; Tự quạt cho mình bằng bàn tay trái: “Có người đang để ý chúng mình đấy!”; Đưa quạt tới lui bằng bàn tay phải: “Cảm ơn anh, em có người khác rồi!”...(!?)

Cái quạt và những làn gió văn hóa! -0
 Chiếc quạt xếp làm từ vàng lá!

Ở phương Đông công dụng, ý nghĩa biểu tượng của chiếc quạt cũng thật rộng rãi. Là phương tiện không thể thiếu để phái nữ thể hiện tính e lệ, duyên dáng. Với đàn ông quạt là biểu trưng cho trí tuệ và quyền lực. Với người Nhật Bản, chiếc quạt được các thầy tu sử dụng trong các buổi hành lễ. Những chiếc quạt tay bằng kim loại còn là vũ khí lợi hại của các võ sĩ samurai.

Nhiều sách cổ Trung Quốc khẳng định chiếc quạt ra đời từ nước họ chính là mô phỏng theo cánh của con dơi, mà con dơi, theo văn hóa Trung Hoa là vật lành, điềm lành nên chiếc quạt đều được mọi giới yêu quý. Trong “Tây du ký” có cây quạt ba tiêu thần thánh của Thiết Phiến công chúa (là vợ của Ngưu Ma Vương, mẹ của Hồng Hài Nhi). Quạt có công năng kỳ diệu có thể biến to thu nhỏ, quạt một cái thì lửa tắt, quạt hai cái thì gió nổi, quạt ba cái thì mưa xuống. Tại sao lại gọi là “ba tiêu”? Vì “ba tiêu” có nghĩa là cây chuối, quạt giống với tàu lá chuối nên gọi ba tiêu. Theo ngũ hành, cây chuối thuộc âm, kỵ dương nên quạt này dùng dập lửa Hỏa Diệm Sơn. Người thường dân Trung Hoa cổ hay dùng quạt nhỏ cũng gọi là ba tiêu, thường làm bằng lá cọ...

Trong “Tam quốc diễn nghĩa” hình ảnh Khổng Minh Gia Cát luôn có cái quạt lông. Ra trận ông lấy cái quạt làm hiệu lệnh chỉ huy. Nó vừa dùng để làm mát nhưng rất nhiều lần làm “nổi gió” dữ dội để thổi bay quân đối phương!

Truyền thuyết cổ Trung Hoa kể cây quạt được tạo ra bởi thần Nữ Oa. Thời đó trên mặt đất chỉ có hai người là Nữ Oa và Phục Hy cùng ở trên ngọn núi Côn Sơn. Nữ Oa đan quạt bằng cỏ dùng để che mặt khi ngượng ngùng xấu hổ. Từ sau thời nhà Hán, hình dáng, cấu tạo của quạt đã đa dạng hơn rất nhiều, có các loại quạt hình tứ giác, hình tròn, hình lục giác. Đến thời nhà Tống đã có quạt lụa xếp có thể xếp và gấp lại, được vẽ tranh ảnh hay chữ nghĩa lên quạt. Ban đầu quạt lụa hình tròn mô phỏng vầng trăng rồi các biến thể ra đời với những hình dạng khác như hình bầu dục, cánh hoa mai, hoa hướng dương... Từ đó dần dần quạt xếp cầm tay (giấy, lụa) trở thành tác phẩm nghệ thuật phổ biến.

Ở ta, nhà bác học Lê Quý Ðôn (1726 - 1784), trong tác phẩm “Vân đài loại ngữ” cho biết: Từ rất lâu người Việt dùng quạt bằng lông chim và quạt bồ quỳ (làm bằng lá cọ). Đến khoảng thế kỷ X thì có loại quạt giấy xếp (gọi là tập diệp). Ở nông thôn phổ biến là quạt mo. Mo cau mới rụng được cắt thành hình quạt, phơi khô, ép cho khỏi vênh. Rất đơn sơ, chất phác, giản dị, trở thành một biểu tượng cho nếp sống nhà quê Việt.

Cái quạt và những làn gió văn hóa! -0
 Cảnh trong vở chèo “Quan âm Thị Kính”.

“Truyện Kiều” là kết tinh của văn hóa Việt, tất nhiên phải có hình tượng quen thuộc này. Trong danh tác, cái quạt xuất hiện 5 lần. Cái quạt luôn ở bên cạnh Kim Trọng: “Sẵn tay bả quạt hoa quỳ/ Với cành thoa ấy tức thì đổi trao” (câu 357, 358) và trở thành tín vật thề non hẹn biển của Kim - Kiều. “Quạt hoa quỳ” là quạt bằng lá cọ vẽ hoa. Dùng quạt này cho thấy vị thế xã hội của chàng Kim cũng chỉ là tầng lớp trung lưu, kẻ sĩ. Kiều bị người ta thử tài bằng cách làm bài thơ vịnh cái quạt: “Đắn đo cân sắc cân tài/ Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ” (câu 639, 640).

Kiều nhớ về người yêu, tất nhiên cái quạt là tâm điểm của nỗi nhớ ấy: “Kể từ khi gặp chàng Kim/ Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề” (câu 728, 729). Kiều nghĩ về cha mẹ, nghĩ về bổn phận chưa tròn của người con, mùa đông ấp cho (bố mẹ) ấm, mùa hè quạt cho (bố mẹ) mát: “Xót người tựa cửa hôm mai/ Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ” (câu 1043, 1044). Kiều nghĩ về mình, thương mình: “Thương càng nghĩ, nghĩ càng đau/ Dễ ai rấp thảm quạt sầu cho khuây” (câu 1681, 1682). “Quạt sầu” đa nghĩa, có thể hiểu quạt cho nỗi sầu “bay” đi, cũng có thể hiểu gửi nỗi sầu vào cái quạt, cái quạt cũng như người, biết sầu, biết đau...

Quạt giấy trở thành một đạo cụ không thể thiếu trên sân khấu cổ truyền, nhất là trong chèo cổ. Người diễn viên dùng để múa, cơ bản hơn là tạo ra những tượng trưng ước lệ cho nhiều ý nghĩa khác trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Khi nhân vật là học trò thư sinh xòe quạt, nhìn chăm chú, miệng đọc (kiểu như) “Quan quan thư cưu” thì cái quạt được giả định là cuốn sách. Khi nhân vật có chức sắc đọc chiếu chỉ vua ban cũng xòe quạt, thái độ kính cẩn nhìn vào “quạt” mà đọc (!). Có khi là biểu trưng cho cái roi. Nhân vật gấp quạt, lấy đó làm vũ khí cùng những hành động chiến đấu... Rồi quạt là cái ô che đầu. Nhân vật xòe quạt ra, làm động tác giương ô…

Là người Việt, rất nhiều người thuộc và hiểu ý nghĩa bài thơ “Cái quạt” của Hồ Xuân Hương. Tả cái quạt nhưng phải hiểu đấy là tả người thiếu nữ: “Mười bảy hay là mười tám đây”, là vừa nói về tuổi vừa chỉ số lượng cái nan quạt. Phong cách ỡm ờ, hai mặt của một thiên tài phát huy cao độ: “Chành ra ba góc da còn thiếu/ Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa”. Nhờ vậy mà được vua mến, chúa yêu! Thế là bọn chúng bị Bà “giải thiêng”, hạ bệ từ cao xuống thấp. Thì ra vua chúa gì chúng nó, chẳng qua cũng chỉ là những kẻ tầm thường “yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày” cái “quạt” kia! Lấp ló sau hình tượng “cái quạt” ấy chính là “cái này” đầy tinh quái!!!   

Bài ca dao “Thằng Bờm” là một câu chuyện có nhân vật, có tình huống, tình tiết, có kịch tính cao trào, có kết thúc. Đây là kết cấu đặc trưng của truyện cười dân gian: Sử dụng hình thức tăng cấp và kết thúc bất ngờ, đột ngột. Bắt đầu chỉ là “cái quạt mo”, phú ông đòi đổi “ba bò chín trâu”, rồi “ao sâu cá mè”, đến “ba bè gỗ lim” đến “bầy chim đồi mồi”. Cuối cùng kết thúc đột ngột bật ra là “nắm xôi”. “Nắm xôi” chỉ “ngang giá” với “cái quạt mo”. Tiếng cười bật ra từ cái “ngang giá” ấy. Câu chuyện vui vẻ, nhân vật cười, bạn đọc cười. Những nụ cười dân chủ! Khép lại là hình ảnh “Bờm cười” rất ý vị và đa nghĩa.

Có thể hiểu đây là câu chuyện vui, là tiếng cười vui. Đằng sau đó là khát vọng nhân văn trong sáng đến tận cùng: Người già cả, giàu có, vương giả (như phú ông) cũng như kẻ trẻ tuổi, nghèo khó, phận mọn (như thằng Bờm) đều nên vui vẻ, thoải mái, lạc quan bình đẳng như nhau. Khi đạt đến độ “lão thực” an nhiên, tự tại thì tài sản vật chất quý giá như “ba bò chín trâu” hay “bầy chim đồi mồi” cũng đều chỉ như cái “quạt mo”, hay “nắm xôi” mà thôi. “Hãy quẳng gánh lo (vật chất) đi mà vui sống!”. Sự vui vẻ, vô tư, thoải mái mới là tài sản tinh thần đáng quý nhất?!

Từ khóa » Hình ảnh Chiếc Quạt Giấy