Cái Răng - Chợ Nổi Văn Hoá Sông Nước
Có thể bạn quan tâm
Nổi bật trong những khu chợ nổi đặc trưng nơi sông nước miền Tây, chợ nổi Cái Răng được xem là tấp nập nhất và là nơi thu hút một lượng lớn khách du lịch đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp và không gian văn hóa đặc sắc của thành phố Cần Thơ.
“Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng
Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn
Em treo bẹo Cái Răng, Ba Láng
Ta thương hồ Vàm Xáng, Cần Thơ.”
Bởi sự tích hợp nhiều giá trị độc đáo về văn hóa và kinh tế, Chợ nổi Cái Răng được tạp chí du lịch Rough Guide (Anh) bình chọn là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới, được nằm trong danh sách 6 chợ nổi đẹp nhất châu Á do trang web youramazingplaces đề xuất. Ngày 10/3/2016, chợ nổi Cái Răng đã chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL. Theo đó, nhân kỷ niệm 56 năm Ngày Du lịch Việt Nam (09/7/1960 - 09/7/2016), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ đã phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Cái Răng tổ chức “Ngày hội du lịch Chợ nổi Cái Răng”, kết hợp với lễ đón nhận Quyết định công nhận văn hóa Chợ nổi Cái Răng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2019, Cần Thơ (nơi có con kênh từ Bến Ninh Kiều đến Chợ Nổi Cái Răng) vinh dự được trang ảnh Getty Images đưa vào danh sách 15 con kênh đào đẹp nhất thế giới, bên cạnh những kênh đào nổi tiếng trên thế giới khác như Venice, Amsterdam, Brimingham,…
Được xem là khu chợ trên sông lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, chợ nổi Cái Răng xuất hiện vào những năm đầu thế kỷ XX với hơn 100 năm hình thành và phát triển. Trải qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử từ thời Phong kiến, Pháp thuộc, Việt Nam Cộng Hòa… đến ngày đất nước thống nhất. Trong giai đoạn này, giao thông đường bộ chưa thực sự phát triển rộng khắp, kéo theo là nhu cầu trao đổi, vận chuyển và mua bán hàng hóa của người dân ngày càng được chú trọng. Đường thủy trở thành tuyến giao thương huyết mạch của nhiều tỉnh thành tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lúc bấy giờ. Thông qua xuồng, ghe, tắc ráng của nhiều thương lái từ các tỉnh lân cận như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An,… đổ về nơi mà được người ta ví von ca ngợi là vùng đất Tây Đô, từ đó chợ nổi dần dần phát triển một cách nhộn nhịp và vô cùng tấp nập đến tận thời điểm hiện tại, rồi trở thành một nét đặc trưng của vùng sông nước Tây Đô.
TÊN GỌI
Về tên gọi Cái Răng, có nhiều tài liệu nghiên cứu về cái tên của khu chợ nổi vô cùng độc đáo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long này. Từ xa xưa, vùng đất phương Nam vốn là địa bàn của ba dân tộc anh em Kinh, Khmer, Hoa cùng sinh sống, đặc biệt là dân tộc Khmer. Chính vì vậy, tên gọi của các địa danh và vùng đất phần lớn được đặt tên theo tiếng nói của dân tộc này. Cái Răng cũng là một địa danh có nguồn gốc từ chữ "karan" nghĩa là "cà ràng (ông táo) theo tiếng Khmer. Theo tác giả Vương Hồng Sển, ông vốn là người có hiểu biết sâu rộng về miền Nam, rất được kính trọng trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam, nêu rõ trong cuốn "Tự vị tiếng nói miền Nam” (Nhà xuất bản Văn hóa, 1993) ở mục từ “Cái Răng”, trang 98 của mình rằng:
"Cà ràng hình thù như con số 8 để nằm, một đầu là ba ông Táo lú đầu lên cao để đội nồi ơ siêu trách, còn một đầu kia nắn cái bụng chang bang dài dài vừa vặn với cây củi chụm, bụng này chứa được tro nhiều không rơi rớt ra ngoài, lại ấm cúng che kín gió, mau chín mau sôi. Truy nguyên ra, trong sách Pháp, Le Cisbassac chẳng hạn, và nhiều sách khác đã có từ lâu vẫn ghi: "Krôk kran: rạch Cái Răng, nay cứ lấy điển này làm chắc, một đàng khác hỏi thăm người cố cựu bản xứ thuật rằng ngày xưa, không biết từ đời nào, nguyên người Thổ (Cơ Me) ở Xà Tón (Tri Tôn) chuyên làm nồi đất và "karan" chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông cái đến đậu ghe nơi chỗ này để bán, năm này qua năm nọ, chầy ngày người mình phát âm "karan" biến ra "Cái Răng" rồi trở nên địa danh thiệt thọ của chỗ này luôn".
Vốn có công dụng tương tự một cái ấm đun nước, Karan được xem như một vật dụng quen thuộc trong cuộc sống của mỗi gia đình tại thời điểm đó. Nhờ công dụng và sự tiện lợi vốn có, chúng được bộ phận người Khmer ở Xà Tón (Tri Tôn, An Giang) lúc bấy giờ sản xuất bên cạnh nồi đất, rồi được mang đi giao thương khắp các tỉnh thành. Do Cần Thơ là trung tâm kinh tế và trao đổi hàng hóa sầm uất nhất đồng bằng sông Cửu Long, vốn vang danh là Thủ phủ Miền Tây, nên nhiều thương lái mang Karan đến buôn bán tại nhiều khu chợ ở đây, đặc biệt là chợ nổi phồn hoa nhất của vùng đất này. Từ đó, Karan theo ghe lớn đến Chợ Nổi Cái Răng ngày nay ngày một nhiều. Dần dần, theo thói quen người ta bắt đầu gọi khu chợ này là chợ Karan theo phiên âm của tiếng Khmer. Về sau, Karan được biến tấu theo ngôn ngữ sinh hoạt của bà con Miền Tây mà thành Cái Răng, rồi trở thành địa danh như ngày nay.
Thêm vào đó, cũng có rất nhiều truyền thuyết để giải thích cho tên gọi của khu chợ nổi độc đáo này, theo sau đó là sự dí dỏm và hài hước của những người con nơi miền sông nước. Truyền thuyết kể rằng, từ thuở khẩn hoang, lập ấp, có một con cá sấu cực kỳ lớn dạt vào vùng đất này, răng nó cắm vào miệng đất ở đây. Và rồi, người ta dùng tên Cái Răng để đặt cho khu chợ nổi hình thành tại mảnh đất này.
Từ ngàn xưa, đất phương Nam nổi tiếng là vùng hoang vu rừng rậm. Khi chưa có sự khai phá của con người, đây vốn là nơi thiên nhiên hoang sơ, là chỗ trú ẩn và sinh sống của nhiều loài thú dữ, đặc biệt là chúa tể vùng đầm lầy - Cá Sấu."dưới sông sấu lội trên rừng cọp um”. Bởi đặc tính hung dữ có thể cướp đoạt tính mạng của bất cứ kẻ đoản mệnh nào, cá sấu vốn được xem là biểu tượng của bóng tối và cái chết, là thần cai quản số phận, và là nổi ám ảnh từ ngàn đời của người dân sống tại những vùng đất hoang sơ bao đời nay. Chính vì thế, hình ảnh cá sấu được xuất hiện nhiều trong những áng văn thơ, truyền thuyết, sự tích dân gian ly kì của cha ông ta thuở khai hoang, mở cõi.
Truyền thuyết về con cá sấu thích nghe hát bội
Truyền thuyết về Đầu Sấu, Cái Răng kể rằng ( theo Ngọc Anh, (2000), Báo Cần Thơ xuân): “Ngày xưa, ở Vàm sông Cần Thơ, nơi giáp giới giữa hai làng Thường Thạnh và Tân An, tương truyền rằng có một con sấu rất lớn và hung dữ. Khi sấu nổi lên nó to bằng chiếc xuồng ba lá, dài 5-6 thước, có hai hàng đèn sáng rực trên lưng. Nhiều người đi qua khúc sông này bằng xuồng, ghe đã bị con sấu nổi lên quật chìm và cắp đi mất xác.
Điều lạ là con sấu rất mê xem hát bội. Những lần đình làng tổ chức cúng lễ thượng điền, hạ điền có mời gánh hát bội về diễn, con sấu đều trườn lên bãi nằm xem. Đám đông đang xem hát trên sân đình hoảng loạn, bỏ chạy tứ phía. Nhưng thấy con sấu chẳng làm hại ai, chỉ nổi lên xem hát bội nên người ta quay lại, chẳng còn sợ hãi nữa. Ông xã trưởng còn sai người làng ném đồ cúng xuống cho sấu ăn. Dân làng quen dần với việc sấu xem hát bội cúng đình hàng năm.
Chung quanh sấu coi hát bội cũng có câu chuyện: Năm đó, trong làng có một người lực điền yêu và làm đám cưới với một cô thôn nữ ở làng bên. Đám rước dâu có hàng chục xuồng, ghe, có dàn nhạc lễ, trống kèn... vui như ngày hội. Khi đám rước đi ngang khúc sông nọ, bất thần con sấu nổi lên, nó quật đuôi thật mạnh làm chìm 3-4 chiếc xuồng, ghe. Những người đi trong đám rước ném bỏ lễ vật, cố chèo chống, bơi lội thoát thân. Khi đã lên được trên bờ, điểm mặt từng người lại thì thấy mất tích cô dâu. Chú rể đau đớn, vật vã...
Anh ta về rắp tâm giết cho bằng được con sấu, trả mối hận mất vợ. Anh gom góp hết vốn liếng, gia sản đi mời cho bằng được 3 gánh hát bội nổi tiếng trong vùng và vận động trai tráng ở các làng hợp sức với anh.
Đêm đó, gánh hát bội đầu tiên dựng rạp hát phía trong vàm rạch từ rất sớm. Con sấu nghe tiếng trống, tiếng đàn, nổi lên bơi vào xem. Khi gánh hát đầu tiên hạ màn, thì cách đó không xa, đi sâu vào con rạch, gánh hát bội thứ hai bắt đầu khai diễn. Trong khi đó, hàng trăm trai làng lặng lẽ, thay phiên nhau đốn gỗ, xóc trụ, đào đất đắp một con đập to ngoài đầu vàm. Khi con sấu xem xong gánh hát bội thứ ba ở sâu trong ngọn rạch thì trời cũng vừa ửng sáng, nước đang ròng chỉ còn khoảng một phần ba sông, con đập cũng vừa hoàn thành.
Con sấu uể oải bơi ra sông cái sau một đêm trắng xem hát. Nhưng không còn kịp nữa, nó bị chặn lại bằng con đập khi ra đến đầu vàm. Từ trên bờ, hàng ngàn mũi lao bằng gốc tầm vông già vạt nhọn, những mũi chĩa đinh ba... nhắm ngay con sấu phóng tới. Tiếng hò hét vang động... Chàng lực điền giành phần phanh da, xả thịt con sấu.
Con sấu hung dữ bị xả thịt, “chỗ cái đầu trôi đến là rạch Đầu Sấu, chỗ bộ da trôi đến là rạch Cái Da, chỗ bộ răng trôi đến nay là chợ Cái Răng”."
VỊ TRÍ
Chợ nổi Cái Răng nằm trên trục đường thủy sông Hậu - kênh Xáng Xà No nối Cần Thơ đến các tỉnh thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Khi mới hình thành Chợ nổi Cái răng nằm ở vị trí chiến lược, nơi giao nhau giữa bốn con sông (Cần Thơ, Đầu Sấu, Cái Sơn, Cái Răng Bé), và nằm liền kề với chợ Cái Răng tọa lạc trên bờ như ngày nay. Về sau do hoạt động buôn bán tấp nập trên khu chợ này gây ảnh hưởng ít nhiều đến mạng lưới giao thông đường thủy, bởi tại thời điểm đó đường thủy là con đường huyết mạch, nắm giữ chiếc chìa khóa mấu chốt trong giao thương và vận chuyển hàng hóa cho toàn bộ khu vực các tỉnh miền Tây lúc bấy giờ. Chính vì thế, chợ được dời qua khỏi cầu Cái Răng về phía Phong Điền, cách vị trí cũ khoảng 1km.
Hiện tại, Chợ nổi Cái Răng nằm ở phía hạ lưu sông Cần Thơ thuộc quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, cách cầu Cái Răng khoảng 600m, trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6 km đường bộ và mất 30 phút nếu đi bằng thuyền từ Bến Ninh Kiều.
Với diện tích mặt nước tương đối rộng, thuận lợi cho hoạt động họp chợ, trao đổi hàng hóa của bà con trong khu vực, chiều rộng chiếm luồng ngang sông trung bình 100-120m, chiều dọc sông khoảng 1300-1500m, vào khoảng 300-400 ghe họp chợ mỗi ngày. Sẽ mất khoảng 30-40 phút thời gian di chuyển bằng tàu, và khoảng hơn 1 giờ nếu di chuyển bằng ghe nhỏ khi đi từ bến Ninh Kiều. Nhưng đây sẽ là một cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm cung đường qua một trong những con kênh đào đẹp nhất châu Á.
Nếu theo chỉ dẫn của bản đồ, từ bến Ninh Kiều bạn sẽ phải di chuyển qua 3 cây cầu là cầu Quang, cầu Hưng Lợi và cuối cùng là cầu Cái Răng, chợ An Bình và chợ nổi Cái Răng nằm cách cầu Cái Răng khoảng 200m. Chính vì thế nếu bạn không thích di chuyển nhiều bằng đường thủy, và muốn hạn chế chi phí di chuyển, thì từ Chợ An Bình cách chợ nổi Cái Răng khoảng 100 m sẽ là một lựa chọn tuyệt vời. Bạn có thể gửi xe và đi tàu ngay tại bến ra chợ nổi Cái Răng để khám phá khu chợ tấp nập và vô cùng độc đáo này một cách thuận tiện và tốn ít thời gian hơn.
THỜI GIAN HOẠT ĐỘNG
Không giống với hầu hết những khu chợ trên đất liền, vào lúc tờ mờ sáng khi bầu trời còn đẫm sương đêm là thời điểm chợ nổi bắt đầu hoạt động. Thậm chí, vào khoảng 3-4 giờ là nhiều tàu, thuyền, ghe đầy ấp nông sản của thương lái khắp nơi đã đổ về họp chợ. Đây thường là khoảng thời gian khách sĩ mua hàng hóa về bán lại ở các khu chợ trên đất liền. Chính vì chợ hoạt động từ sáng sớm đến khoảng 8 - 9 giờ thì vãn, nên từ 5 giờ 30 phút - 6 giờ là thời điểm thích hợp nhất để chiêm ngưỡng khung cảnh hối hả, tất bật và đầy náo nhiệt bởi tiếng máy ghe nổ ầm ì, tiếng nói cười hối hả của những thương lái, tiếng rao bán, mặc cả của người dân tại khu chợ khác biệt rất khó nhầm lẫn với bất kỳ một nơi nào khác trên lãnh thổ hình chữ S. Đây cũng được xem là thời điểm tuyệt vời để thưởng thức bình minh tuyệt đẹp trên sông dọc theo dòng chảy của đôi bờ sông Hậu. Trên con đò nhỏ, lênh đênh giữa bốn bề sông nước, bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp ngủ quên của thiên nhiên miền sông nước trong khoảnh khắc những tia nắng đầu tiên của ngày mới xé tan bức màn tối đen của bầu trời đêm với con trăng lưỡi liềm lơ lửng trên đầu, nhường lại không gian ngự trị cho mảng màu hồng của ánh mặt trời rực lửa cùng những đám mây lác đác trên mặt sông.
ĐẶC ĐIỂM
Là một biểu tượng cho nền văn hóa đời sống sông nước ở miền Tây, Chợ nổi Cái Răng là đầu mối chuyên cung cấp các loại nông sản, trái cây, hàng tiêu dùng và những thực phẩm tươi sống do người dân tự tay chăm bón. Hàng trăm con thuyền lớn nhỏ ngược xuôi, tụ về buôn bán kín cả một khúc sông, chở đầy các loại mặt hàng khác nhau được vận chuyển đi khắp các nơi, kể cả sang Campuchia và Trung Quốc. Từ dưa hấu, bưởi, xoài, chôm chôm, nhãn,.. đến các mặt hàng độc đáo như xăng dầu, quần áo, mỹ phẩm, thuốc tây, bánh kẹo cũng đều được có mặt trên khu chợ nổi mang đậm nét văn hóa vùng sông nước này. Ghe người Việt chủ yếu bán rau củ, nông sản, các loại trái cây do chính họ chăm bón, tưới tiêu. Ghe người Khmer bán những sản phẩm vốn làm nên tên gọi của khu chợ nổi độc đáo này bao đời nay - cà ràng (bếp bằng đất nung). Còn nhà bè của người Hoa thì bán tạp hóa... Thêm vào đó, bức tranh sinh hoạt miền sông nước của khu chợ này được tô điểm thêm phần tấp nập và đặc sắc bởi một số lượng lớn ghe chở đồ gia dụng, gốm sứ từ Biên Hòa, Sài Gòn, Lái Thiêu, ghe chở lá lợp nhà, chiếu, than đước, thủy sản từ Cà Mau, Rạch Giá.
Thêm vào đó, thanh âm cuộc sống của bức tranh sông nước hữu tình ở chợ nổi Cái Răng được tô điểm thêm phần náo nhiệt và sống động bởi tiếng mời chào mua bán vô cùng sôi nổi. Chợ luôn mang đến sự nhộn nhịp kỳ lạ bởi những ghe di động bán đồ ăn, thức uống trên sông nhằm phục vụ nhu cầu của tham quan của khách du lịch.
Đối với du khách, đến chợ nổi Cái Răng không chỉ để trải nghiệm không khí hối hả tấp nập, ghe thuyền xuôi ngược rộn ràng kín một khoảng sông, chiêm nghiệm cảm giác bồng bềnh theo từng con sóng, rồi lặng nghe âm thanh nhộn nhịp của người mua kẻ bán, mà đây còn là cơ hội tìm hiểu nét văn hóa chào hàng vô cùng độc đáo chỉ có ở chợ nổi miền tây sông nước. Giữa hàng trăm chiếc thuyền mọc san sát, mênh mông bốn bề sông nước, một cây sào dài chống ngay trước mũi ghe để treo các loại hàng hóa cần bán mà con miền Tây quen gọi là cây bẹo xuất hiện như một chiêu thức marketing chào hàng thú vị, giúp cho người mua hàng có thể tìm ra sản phẩm cần mua một cách nhanh chóng và dễ dàng. Hơn thế đây cũng phương thức góp phần tạo cho khung cảnh chợ nổi thêm sinh động bởi hình ảnh đa sắc màu ấy.
Cây bẹo được xem là hình ảnh nổi bật nhất trong việc buôn bán ở chợ nổi của vùng sông nước phương Nam. Đặc biệt, hình ảnh cây bẹo ở đây dần dần hình thành một đặc trưng riêng biệt mà theo cách gọi của người dân miền Tây là 4 “treo”:
Treo thứ nhất, “treo gì bán nấy”, treo những món hàng muốn rao bán để thu hút, mời gọi người mua. Chẳng hạn người bán xoài họ sẽ treo xoài lên trên cây bẹo, ghe bán khoai lang thì vài củ khoai sẽ được treo lủng lẳng trên cây bẹo. Một hình thức chào hàng vô cùng độc đáo như một lời rao bán sản phẩm thầm lặng đã đề cập ở trên.
Treo thứ hai, “treo mà không bán” Đây là xào treo treo quần áo của bà con theo nghiệp thương hồ, nhiều thế hệ cùng sống và sinh hoạt trên những chiếc ghe. Chúng được xem là tổ ấm, là những căn hộ di động trên sông nước, nương mình theo dòng chảy của con sông mà nuôi nấng bao thế hệ. Ở tổ ấm độc đáo này, ta sẽ bắt gặp những hình ảnh quen thuộc ở bất cứ ngôi nhà trên bờ nào, chẳng hạn như hoa kiểng, vật nuôi, tivi màu, đầu dĩa, dàn âm thanh,.. hay thậm chí cả xe gắn máy. Đây là sẽ là dịp để du khách tìm hiểu và hòa mình vào bức họa đầy màu sắc và đầy khác biệt của người dân quanh năm rày đây mai đó, gắn cuộc đời mình mình với sông với nước, nhưng tâm hồn lại hồn hậu, giản dị và cực kỳ hiếu khách của những con người vùng sông nước Hậu Giang hữu tình.
Treo thứ ba, “không treo mà bán” Chợ nổi Cái Răng ngày nay được biết đến như một địa điểm du lịch vô cùng hấp dẫn của cả du khách trong và ngoài nước. Những chiếc thuyền nhỏ len lỏi vào không gian đông vui tấp nập, chen vào cặp sát nạm thuyền của những tiểu thương buôn bán trên sông, phục vụ các loại thức ăn nhẹ, giải khát như bánh, phở, hủ tiếu, cà phê… cho người đi chợ, lẫn khách du lịch trong mỗi dịp đến với khu chợ nổi này.
Nếu đến chợ nổi Cái Răng mà không thưởng thức những tô hủ tiếu nóng hổi, tô bún riêu thơm phức cùng ly cà phê sóng sánh béo ngậy ngay trên thuyền thì quả thật sẽ là một thiếu sót. Hãy thử tưởng tượng, giữa không gian mênh mông sông nước, ngồi lặng nghe tiếng nhịp chèo gõ vào mạn thuyền hòa cùng thanh âm tưng bừng rộn rã của hoạt động buôn bán, lướt qua những căn nhà nổi trên sông in bóng những hàng dừa xanh, trên tay bạn là ly cà phê sữa đá béo ngọt thơm ngon cùng tô hủ tiếu ngọt ngào đậm vị được đôi bàn tay của người dân miền Tây mang tất cả những tinh túy của ẩm thực xứ sở mà hòa quyện vào một món ăn. Đây sẽ là một trải nghiệm khó quên khi đặt chân đến mảnh đất của những con sông, của hệ thống kênh rạch xinh đẹp của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Treo thứ tư, “treo cái này nhưng bán cái khác” hay còn được gọi là “bẹo lá bán ghe”. Thay vì treo nông sản hay hàng hóa, thì cây bẹo treo toàn những tàu lá dừa hay một tấm lá lợp nhà. Đây được mặc định hiểu là chủ nhân của chiếc ghe, tàu hay thuyền đó muốn bán chúng đi. Nguyên nhân là vì theo văn hóa của người miền Tây thì lá dừa, vốn là vật dụng làm nhà, mà nhà chính là mái ấm bao đời nay của họ. Rao bán lá dừa đồng nghĩa là rao bán mái ấm nơi mình đang sinh sống.
LỄ HỘI CHỢ NỔI CÁI RĂNG
Nhằm kỷ niệm ngày thành lập ngành du lịch Việt Nam (09/7/1960 – 09/7/2018) và tôn vinh, quảng bá hình ảnh, văn hóa con người của vùng sông nước miền Tây nói chung cũng như Chợ nổi Cái Răng nói riêng, Lễ hội chợ nổi Cái Răng là hoạt động đặc sắc, thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan, được tổ chức vào đầu tháng 7 hàng năm.
Những hoạt động chính thường được diễn ra tại lễ hội này là: Văn nghệ, gian hàng truyền thống và hội chợ, Diễu hành tàu trên sông; triễn lãm sách, Giao lưu đờn ca tài tử, hò Cần Thơ và ảnh và các gian hàng giới thiệu du lịch của các công ty du lịch tại Cần Thơ, Các gian hàng ẩm thực; Chương trình văn hóa, văn nghệ tổng hợp…
Đây là cơ hội để các công ty du lịch có điều kiện quảng bá thương hiệu và góp phần đưa Di sản Văn hóa Chợ nổi Cái Răng đến gần du khách, qua đó bảo tồn và phát triển chợ nổi.
Chợ nổi Cái Răng là nơi lưu giữ tinh hóa văn hóa của vùng sông nước miền Tây. Bức tranh sặc sỡ đầy màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng của những chiếc ghe neo đậu chật cả một khúc sông chở đầy các loại nông sản tươi ngon, mát lành, tiếng nói cười ấm áp, tiếng chào hàng đầy mê hoặc của các thương lái, nét phong tục, tập quán sinh hoạt cùng sự thật thà chất phát của người dân thương hồ nơi miền sông nước chắc chắn sẽ khiến du khách thập phương choáng ngợp, say mê và không nỡ rời bước khi đặt chân đến mảnh đất này trong hành trình khám nét đẹp văn hóa độc đáo tại vùng sông nước Tây Đô.
Từ khóa » Hình ảnh Sông Nước Cần Thơ
-
Chợ Nổi Cái Răng Cần Thơ - Trải Nghiệm độc đáo Tại Miền Tây Sông ...
-
Cần Thơ: Du Lịch Sông Nước Tây Đô “khoác áo Mới”
-
Về Miền Sông Nước Cần Thơ Lưu Luyến Chợ Nổi Cái Răng - Vietravel
-
Cần Thơ: 'Đô Thị Miền Sông Nước' Lan Tỏa Hình ảnh An Toàn Và ấm áp
-
Khám Phá Chợ Nỗi Cần Thơ Và Văn Hóa Sông Nước Miền Tây › Tin Tức
-
Cần Thơ Lọt Top 9 Thành Phố Sông Nước Nổi Tiếng Thế Giới, Báo Mỹ Ca ...
-
Cần Thơ Thủ Phủ Miền Sông Nước - Báo Dân Sinh
-
Cầu đi Bộ Ninh Kiều Cần Thơ – Cầu đi Bộ đầu Tiên ở Miền Tây
-
50 Hình ảnh Bến Ninh Kiều Cần Thơ Mới Nhất
-
Cần Thơ Dự Kiến Tổ Chức Hội Nghị Xúc Tiến, Quảng Bá Du Lịch Tại ...
-
Những Hình ảnh Chưa Từng Có Của Chợ Nổi Cái Răng Những Ngày ...
-
Mênh Mông Sông Nước Cần Thơ Qua ống Kính Của Phóng Viên Báo ...
-
Miền Tây Sông Nước Nhìn Từ Trên Cao - VnExpress Du Lịch