Cài Sổ Sức Khỏe điện Tử để Theo Dõi Tiêm Chủng Covid-19 - VnExpress

Theo Bộ Y tế, sổ sức khỏe điện tử tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin tiêm chủng cá nhân vaccine Covid-19, giảm thiểu các thủ tục hành chính. Người dân cài đặt ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử bằng hai cách:

- Đăng ký trên trang web: http://hssk.kcb.vn

- Tải ứng dụng trên điện thoại thông minh (Android và IOS).

Ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" giúp mỗi người theo dõi lịch sử tiêm vaccine Covid-19 và các tình trạng sức khỏe liên quan bản thân, chủ động phản hồi thông tin về phản ứng sau tiêm và tình trạng sức khỏe với cơ quan y tế. Sổ sức khỏe điện tử được bảo mật nhiều lớp, đảm bảo an toàn tuyệt đối toàn bộ thông tin cá nhân.

Bộ Y tế cho biết, các cơ sở y tế đã sử dụng "Hệ thống tiêm chủng quốc gia" được cấp đồng bộ tài khoản để truy cập hệ thống. Cơ sở y tế chưa có tài khoản sẽ được cấp tài khoản mới.

Đối với người dân, hệ thống chủ động gửi tin nhắn tới số điện thoại di động cá nhân đăng ký với đơn vị tiêm chủng, hướng dẫn tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử và thông báo lịch tiêm chủng. Nhờ đó, cơ quan quản lý sức khỏe có thể nhanh chóng phân tích, theo dõi số liệu cho việc triển khai chương trình tiêm trên toàn quốc như xây dựng kế hoạch tiêm theo từng nhóm đối tượng, địa bàn và thời gian; quản lý và theo dõi toàn bộ quá trình tiêm vaccine đồng bộ, chính xác, cập nhật.

Ứng dựng Sổ sức khỏe điện tử giúp theo dõi lịch tiêm chủng ở cơ sở y tế và người dân. Ảnh: Bộ Y tế

Ứng dựng Sổ sức khỏe điện tử giúp theo dõi lịch tiêm chủng ở cơ sở y tế và người dân. Ảnh: Bộ Y tế.

Sáng 8/3, Việt Nam bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine Covid-19. Đây là chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm, phân phối trước cho 13 tỉnh đang có dịch, gồm 14 Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật và 21 cơ sở điều trị Covid-19. Ngoài ra, có 600 liều được sử dụng để kiểm định chất lượng, lưu mẫu tại đơn vị nhập khẩu cùng Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế theo quy định.

Người được tiêm vaccine phải được khám sàng lọc. Nếu bị ho, sốt, khó thở sẽ phải hoãn tiêm. Khi khám sàng lọc, người được tiêm phải thông báo cho nhân viên y tế tiền sử bệnh tật, các bệnh nhiễm trùng cấp tính, mạn tính phải điều trị, điều trị hóa trị, miễn dịch, có tiền sử dị ứng hay sốc phản vệ.

Nhân viên y tế phải tư vấn kỹ lưỡng cho người tiêm về phản ứng có thể xảy ra sau tiêm, như đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, ớn lạnh, sốt... hoặc nặng hơn là phản ứng phản vệ, dị ứng. Khi họ đồng ý, ký vào giấy đồng thuận tiêm vaccine Covid-19, quá trình tiêm mới được tiến hành. Sau đó, người tiêm sẽ được giữ lại điểm tiêm chủng theo dõi 30 phút và tự theo dõi tại nhà trong vòng vài ngày.

Bộ Y tế yêu cầu các điểm tiêm chủng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh bảo quản vaccine đảm bảo yêu cầu. Điểm tiêm chủng cũng phải trang bị hộp chống sốc, phòng trường hợp xảy ra tai biến sau tiêm.

Thùy An

  • Bắt đầu tiêm vaccine Covid-19
  • Sáng 8/3 không thêm ca Covid-19
  • Nửa năm đàm phán mua vaccine Covid-19

Từ khóa » Cài đặt Hssk