Cảm Biến áp Suất Lốp: Khái Niệm, Phân Loại, Nguyên Lý Hoạt động ...

(News.oto-hui.com) – Cảm biến áp suất lốp là trang bị được đánh giá rất hữu ích trên các dòng xe từ bình dân đến hạng sang. Trong bài viết này, OTO-HUI sẽ cung cấp những thông tin kiến thức về loại cảm biến này.

Cảm biến áp suất lốp là gì?

Cảm biến áp suất lốp hay còn gọi là TPMS, là từ viết tắt của từ Tire Pressure Monitoring System. Nói một cách dễ hiểu thì cảm biến áp suất lốp chính là hệ thống theo dõi áp suất lốp của xe ô tô. Lịch sử cảm biến áp suất lốp được bắt đầu từ những dòng xe Porsche 959 đời 1986, tiếp đó là các dòng xe hạng sang như BMW, Audi, Mercedes… và cho đến tận ngày nay.

Cảm biến áp suất lốp là một thiết bị điện tử nhỏ gọn có thể lập trình được. Nó sẽ liên tục đo áp suất không khí bên trong lốp xe . Cảm biến truyền thông tin đó qua radio tần số thấp tới ECU trên xe và hiển thị đèn cảnh báo trên màn hình taplo. Nó đọc ra theo đơn vị psi và phát sáng đèn cảnh báo màu hổ phách để cảnh báo bạn nếu một hoặc nhiều lốp xe sắp hết hơi.

Phân loại cảm biến áp suất lốp và nguyên lý hoạt động

Ngoài những chiếc xe hạng sang đời mới đều được nhà sản xuất sử dụng cộng nghệ cảm biến áp suất lốp lên xe của mình, những dòng xe phổ biến khác việc trang bị thêm một bộ cảm biến cũng không đòi hỏi quá cao về cả mặt tài chính lẫn kỹ thuật, có thể bạn chỉ cần lắp lên chân van một đầu cảm biến nhỏ như nắp chai hoặc cũng có thể tháo lốp và lắp một chiếc cảm biến lắp ở đằng trong van lốp xe để đảm bảo sự tiện dụng mỗi khi bơm. Hiện tại các loại cảm biến áp suất lốp TPMS đó được chia thành 2 loại chính như sau:

1. Cảm biến áp suất lốp gián tiếp (iTPMS – indirect Tire Pressure Monitoring System)

Là loại cảm biến áp suất lốp TPMS không đo áp suất lốp xe bằng phương thức vật lý mà bằng cách đo tốc độ quay của bánh xe cũng như một số thông số khác để từ đó báo kết quả tới tài xế.

Nguyên lý hoạt động chủ yếu của nó như sau: Những lốp xe non hơi thường có đường kính nhỏ hơn. Điều này tạo sự chênh lệch vận tốc quay với những bánh xe lốp căng, những chỉ số này được đo nhờ một bộ cảm biến tích hợp trên hệ thống phanh ABS và hệ thống ESC (Cân bằng điện tử).

Tuy với tính tiện dụng khi tích hợp sẵn ở trong xe của mình, nhưng cảm biến áp suất lốp gián tiếp không đem lại thông số áp suất lốp chính xác tuyệt đối, nó sẽ chỉ thông báo lốp có cần phải bơm hay không. Ngoài ra mỗi khi lốp xe được bơm căng thì tài xế phải thao tác thủ công thể reset lại bộ cảm biến, sau đó sẽ cần thêm khoảng từ 20 đến 60 phút để cảm biến tính toán lại thông số trên lốp.

Hệ thống này được sử dụng phổ biến ở Châu Âu bởi một đạo luật yêu cầu tất cả các phương tiện đều phải trang bị bộ cảm biến lốp và một lý do khá thú vị đó là người dân ở các nước Châu Âu thường không thích phải đả động quá nhiều tới chiếc xe của mình, việc lắp thêm các bộ cảm biến khác có tính chuẩn xác hơn thường là không cần thiết với họ. Vì vậy chúng ta gần như sẽ chẳng được bắt gặp loại này.

2. Cảm biến áp suất lốp trực tiếp (dTPMS – direct Tire Pressure Monitoring System)

Là loại cảm biến áp suất lốp TPMS bằng phương pháp vật lý với cách gắn ở đầu van lốp xe và đo lượng khí có được trong lốp. Thông thường cảm biến áp suất lốp trực tiếp sẽ truyền phát tín hiệu giữa các đầu cảm biến đến một bộ điều khiển trung tâm hoặc thông qua ứng dụng trên smartphone.

Các loại cảm biến áp suất lốp trực tiếp thường đo áp suất lốp theo thời gian thực, nghĩa là bất cứ khi nào bạn cần kiểm tra áp suất của các lốp có đủ để đi hay không thì chỉ cần bật bộ điều khiển trung tâm hoặc smartphone lên là đủ.

Cảm biến áp suất lốp trực tiếp cũng phù hợp với hầu hết tất cả các phương tiện hai hoặc bốn bánh như hiện nay. Khi cần reset cảm biến áp suất lốp thì không đòi hỏi các công đoạn cầu kỳ bởi bạn chỉ cần giữ nút trên bộ điều khiển hoặc trong mục Cài đặt trên ứng dụng điện thoại.

Đối với loại này cũng chia ra làm 2 loại:

Cảm biến áp suất lốp gắn trong

Là loại cảm biến có cấu tạo hình chiếc van dài và đầu thôi dài ở cuối, ở trong là cảm biến cùng bộ thu phát tín hiệu đến bộ xử lý trung tâm. Cách lắp đặt bộ cảm biến áp suất lốp gắn trong đòi hỏi tài xế phải ra các cửa hàng chăm sóc ô tô hoặc nơi buôn bán phụ kiện ô tô để có thể tháo lốp và gắn các đầu cảm biến này vào van xe của cả 4 lốp.

Với loại cảm biến này, bạn sẽ không phải lo về việc bất tiện trong quá trình sử dụng khi có thể bơm lốp bình thường và không cần phải reset lại cảm biễn mỗi khi bơm lốp. Nhưng một vài điểm bất lợi:

  • Cảm biến gắn trong khi cần phải thay thế hay kiểm tra lại thì phải tháo lốp ra.
  • Trung bình tuổi thọ pin của cảm biến áp suất lốp kéo dài từ 1,5 – 2 năm, nhưng việc gắn trong lốp cũng khiến việc truyền tín hiệu đến bộ điều khiển tiêu tốn nhiều năng lượng của pin hơn, khiến thời lượng pin giảm nhanh hơn bộ cảm biến áp suất lốp gắn ngoài.
  • Khi thay pin cảm biến áp suất lốp gắn trong phải tháo phần che mạch cảm biến khiến cho cảm biến trở nên kém chuẩn xác hơn khi sử dụng lại.

Cảm biến áp suất lốp gắn ngoài

Là loại cảm biến có hình thù như nắp chai được gắn vào phía ngoài của van xe. Cách thức của cảm biến áp suất lốp gắn ngoài cũng giống với cảm biến áp suất lốp gắn trong khi các đầu cảm biến sẽ truyền tín hiệu thu nhận khi đo áp suất của các lốp đến bộ điều khiển trung tâm và từ đó thông báo các chỉ số của lốp xe cho người dùng.

Ưu điểm của loại cảm biến áp suất lốp gắn ngoài so với loại gắn trong này là có thể dễ dàng lắp đặt, có tính năng khoá cứng đầu nối cảm biến chống trộm, tránh bị rung lắc, chống nước, chống bụi, dễ dàng thay pin.

Tuy nhiên có một nhược điểm của loại cảm biến áp suất lốp gắn ngoài đó là cần phải mang theo công cụ mở khoá đầu cảm biến khi bơm lốp.

Tác dụng mà cảm biến áp suất lốp mang lại

Bảo vệ lốp xe luôn được an toàn

Khi bạn trang bị cho xe ô tô của bạn bộ cảm biến áp suất lốp, bạn có thể biết được tình trạng nhiệt độ và áp suất lốp trên xe của mình diễn ra như thế nào? Có ổn định hay không? để có thể đưa ra những phương án xử lý kịp thời, từ đó giúp cho bánh xe luôn an toàn, nâng cao tuổi thọ cho bánh xe ô tô.

Tiết kiệm nhiên liệu một cách tối đa

Khi xe ô tô của bạn không được trang bị cảm biến áp suất lốp, khi bơm lốp quá căng hoặc lốp quá non khiến cho áp suất lốp thấp, vô tình làm tăng ma sát mặt đường dẫn đến tình trạng tốn xăng.

Ngược lại, khi bạn lắp cảm biến áp suất lốp cho xe ô tô, nó sẽ giúp bạn theo dõi và giữ tình trạng áp suất lốp luôn trong tình trạng tiêu chuẩn, nên nó có thể tiết kiệm từ 2 đến 3 % xăng so với lốp non hơi.

Cảm giác lái an toàn và thoải mái hơn

Khi lái xe với lốp xe không quá căng cũng không quá non sẽ tạo cho lái xe cảm giác thoải mái hơn, thì khi di chuyển lái xe cũng tự tin vào tay lái của mình hơn, an toàn hơn.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về cảm biến áp suất lốp. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn những điều thú vị xoay quanh loại cảm biến này.

Tổng hợp

Bài viết liên quan:

  • Hướng dẫn kiểm tra áp suất lốp xe
  • Những điều cần biết về đèn báo áp suất lốp xe TPMS
  • Bridgestone và Microsoft tạo ra hệ thống giám sát phát hiện hư hỏng bề mặt lốp xe

Từ khóa » Cảnh Báo áp Suất Lốp Gián Tiếp