Cẩm Nang Nhiếp ảnh P2 · ánh Sáng & Góc Chụp - Color ME

Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu một số quy tắc về Ánh sáng và gợi ý Góc chụp, cũng như một vài lưu ý hữu ích để bạn có một bộ ảnh chuyên nghiệp và ấn tượng hơn. Cùng bắt đầu thôi nào !

I. Ánh sáng 

1. Một số lưu ý 

-  Hứng sáng:  Ánh nắng bình minh hoặc hoàng hôn (3 tới 5 giờ chiều) luôn là thời điểm đẹp nhất trong ngày. Khoảng thời gian này giúp bức ảnh có chiều sâu và độ tương phản vừa phải, không bị quá gắt hoặc cháy sáng như thời điểm giữa trưa. 

Hướng hứng sáng lý tưởng là đứng đối diện hoặc đứng xiên với nguồn sáng, và hãy chọn nơi nắng vừa phải thôi nhé

-  Hắt sáng: Nếu bạn không có một tấm hắt sáng như các ekip chuyên nghiệp, bạn có thể tự tạo chúng cho mình. Một quyển sổ trắng lớn hoặc bất cứ bề mặt trắng nào (như bàn ngoài tiệm cafe chẳng hạn) đều ổn nhé. Cách làm này khiến mặt bạn sáng lên và nổi bật hơn rất nhiều đó.

-  Chụp ảnh thiếu sáng: Hãy đánh flash hoặc chọn chế độ ban đêm (chế độ chụp có sẵn trong điện thoại) khi khung cảnh xung quanh quá tối. Tuy nhiên, chụp flash thường khiến ảnh tương phản mạnh, dễ tạo ra trường hợp mặt trắng còn thân người tối. Vì vậy, bạn cần lưu ý để flash ở khoảng cách vừa phải, tránh đặt gần quá nhé.

-  Ánh sáng tự nhiên là nhất: “Thần chú” cho một bức ảnh chất lượng, chính là nguồn sáng tự nhiên đó. Cho dù có bật đèn sáng trưng, thì ảnh indoor thường không có được nước ảnh tự nhiên và chất lượng như ảnh chụp outdoor đâu.

2. Hướng đi của ánh sáng

Hướng trực diện

Chính là nguồn sáng chiếu trực tiếp vào mẫu (hướng 6h). Điểm mạnh của hướng sáng này là ảnh sẽ không có bóng đổ (như hướng xiên), giúp chủ thể hứng trọn ánh sáng tự nhiên, giúp từng chi tiết rõ ràng và nổi bật hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là sẽ khiến bức ảnh “gắt” hơn, dễ bị cháy sáng vì độ tương phản khá mạnh.

Hướng xiên

Ánh sáng xiên cực hữu ích khi bạn muốn một bức ảnh có chiều sâu, vì nó tạo ra hiệu ứng đổ bóng, các vùng sáng, vùng tối rõ ràng. Đây là hướng ánh sáng được ưa chuộng nhất, vì nó sẽ tạo ra các mảng tương phản tự nhiên, từ đó làm chủ thể nổi bật các đường nét, góc cạnh hơn.

Hướng ngược sáng 

Đôi khi bạn cũng có thể cho mình phá vỡ nguyên tắc với một bức ảnh ngược sáng. Cách chụp này giúp bức ảnh có chiều sâu và có cảm xúc hơn. Ví dụ, đối với chụp ảnh chân dung, việc chụp ngược sáng giúp ánh sáng giúp đường viền xung quanh mẫu trở nên nổi và sắc nét hơn (đường viền tóc hoặc đường bao quanh chủ thể), đồng thời cũng làm bộ ảnh deep hơn rất nhiều đó. 

II.  Góc chụp 

Nguyên tắc ⅓: Nguyên tắc đặt chủ thể ở những vị trí thu hút sự chú ý từ người xem. Bạn có thể đọc lại bài viết về Bố Cục trong Nhiếp ảnh tại đây

Chụp ngang tầm mắt 

Đây là góc chụp được ưa chuộng và phổ biến nhất đối với các beginer, vì nó không đòi hỏi nhiều kỹ thuật và căn góc. Góc chụp này thích hợp nếu bạn muốn chụp ảnh thiên nhiên, phong cảnh hoặc ảnh tập thể, giúp gợi nên cảm giác chân thực như khi bạn gặp chính hình ảnh này ngoài đời thực vậy.

Chụp từ dưới lên 

Bí quyết “all-kill” cho những cô nàng chân ngắn, giúp dáng bạn lên hình thon thả và thanh thoát hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của kiểu chụp này là dễ lộ khuyết điểm (ví dụ như cằm nọng hoặc thân trên ngắn, mất cân đối với thân dưới). Bởi vậy, khi đặt ống kính góc thấp, bạn hãy cân nhắc đặt thấp vừa phải thôi nhé.

Chụp từ trên xuống 

Góc chụp này thích hợp với ảnh chân dung hoặc selfie, chính là để khắc phục khuyết điểm lộ “ cằm nọng” mình vừa nhắc tới bên trên. Tương tự, hãy nâng máy lên từ từ để chọn góc, và độ cao cũng nên vừa phải thôi vì cái gì quá cũng dễ “phản chủ” đó. 

Tuy nhiên, có một kiểu chụp lại hiệu quả khi bạn chọn góc cao “quá đà”, đó là kiểu Bird-eye view - Góc chụp mắt chim. Bạn chỉ cần đưa máy song song mới mặt đất và chụp từ đỉnh đầu xuống. Góc này đã quá quen thuộc với các bạn ưa chụp ảnh flatlay, và nó phù hợp để chụp những nội dung cần chú ý vào detail nhiều ( như phụ kiện, đồ ăn, uống... ) hoặc chụp tầm cao ( như khi bạn chụp nền trời lúc đi máy bay chẳng hạn)

Mong rằng những tips trên đây sẽ hữu ích, giúp các beginer chúng mình nắm được một số lưu ý về góc chụp và ánh sáng trong Nhiếp ảnh. Giờ thì cùng xách máy lên và tác nghiệp ngay thôi nào.

Nguồn: https://www.nyfa.edu/student-resources/point-view-photography/

https://www.creativelive.com/photography-guides/lighting-for-beginners

Từ khóa » Khi Chụp ảnh Với ánh Sáng Xiên Thì