CẢM NGHĨ VỀ NGHỀ DẠY HỌC - TRƯỜNG VIỆT MỸ VŨNG TÀU

Cảm nghĩ về nghề dạy học

       Trong mỗi chúng ta đều có những định hướng, những ước mơ về tương lai của mình. Có người muốn trở thành bác sĩ để cứu chữa cho mọi người, có người lại mơ ước trở thành chú bộ đội để bảo vệ biên cương. Ai cũng có ước mơ, hoài bão của riêng mình và tôi cũng như vậy. Ngay từ lúc còn là một cô học trò nhỏ, tôi đã mơ ước sau này được trở thành cô giáo đứng trên bục giảng và tiếp tục kế nghiệp nghề của mẹ tôi và đó cũng là lời khuyên của bố tôi dành cho con gái.  Cuối cùng sau bao nhiêu năm miệt mài học tập và rèn luyện, tôi đã thực hiện được ước mơ của mình trở thành một cô giáo dạy Tiểu học.

          Tôi còn nhớ rất rõ ngày tôi nhận quyết định về dạy học tại một ngôi trường vùng xa của dân tộc người Hoa. Một ngôi trường mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Để tới được ngôi trường tôi phải vượt qua 17 cây số đường đất đỏ và với 4 lần té ngã lấm lem mới tới được. Ngôi trường hiện ra trước mắt tôi là mái nhà được lợp bằng cây cỏ tranh và bốn bức tường được bao quanh bởi những tấm đan bằng cây tre. Tôi rất ngỡ ngàng và lo lắng. Thực tế nó khác xa những gì tôi tưởng tượng. Nhưng rồi nhìn các em học sinh với đôi mắt trong veo, quần áo lấm lem, líu lo lễ phép chào, tôi đã gạt đi mọi âu lo trong lòng và bắt đầu với một ngày mới. Tôi đã bắt đầu với nghề của mình như thế đấy.

          Nghề dạy học đòi hỏi người đứng trên bục giảng phải có bản lĩnh, biết chịu đựng và vượt khó trước mắt, đem hết sức mình cống hiến cho những thế hệ tương lai của đất nước. Một nghề mà cho dù hoàn cảnh, cuộc sống có khó khan đến mấy, cũng chẳng ai cho phép mình được u sầu, bất mãn trước học trò của mình. Nhưng nhìn những ánh mắt hồn nhiên, trong sáng của các con đã làm sống dậy tâm hồn và tiếp thêm nguồn động lực cho tôi cố gắng vượt qua mọi khó khăn phía trước để thực hiện nhiệm vụ giáo dục của mình. Mỗi ngày lên lớp nhìn thấy học trò trong tôi có biết bao cảm xúc dâng trào, biết bao mơ ước về một ngày mai tươi sáng. Những người thầy giáo, cô giáo như những con đò cần mẫn chở khách sang sông mong đến ngày cập bến. Mỗi ngày trôi qua lại có thêm một niềm vui mới. Những con đò ấy cứ âm thầm lặng lẽ suốt ngày đêm bỏ lại sau lưng bao nỗi nhọc nhằn, bước qua mọi khó khăn phía trước với ý chí kiên cường lái con đò tri thức cập bến được bình an. Tôi ý thức được trách nhiệm của mình là phải bồi dưỡng tri thức, làm chủ công nghệ, khắc phục những khó khăn bằng sức lực, trí tuệ và lòng yêu nghề. Đặc biệt là đối với một giáo viên phải nỗ lực phấn đấu, rèn luyện không ngừng để có được bản lĩnh, phẩm chất tốt đẹp của một nhà giáo đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về tri thức, về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ mà xã hội cần.

        Là những nhà giáo, chúng ta có thể tự hào và hãnh diện khi nói về nghề nghiệp của mình. Từ xưa, ông bà ta đã đúc rút: “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy” hay “Không thầy đố mày làm nên”… Thế nên không tự hào sao được khi những người theo nghề được ví là “Những kỹ sư tâm hồn”, sự nghiệp giáo dục luôn được đánh giá là “Sự nghiệp trăm năm”… Với những mức độ khác nhau, tôi tin rằng, nghề giáo chân chính thì thời nào cũng đáng được trân trọng và thực tế luôn được trân trọng.

        Không tự hào, không đáng trân trọng sao được khi những cô giáo, thầy giáo vẫn đang ngày ngày đứng trên bục giảng, tiếp xúc với nhiều đối tượng học sinh khác nhau, có em ngoan, có em chưa ngoan, có em giỏi, có em chưa giỏi nhưng với thiên chức cao cả mà xã hội đã giao, người giáo viên vẫn luôn trao cho các em những phần quà bằng nhau, đó là món quà tri thức. Có thể nói, công lao của thầy cô giáo luôn gắn bó với sự thành công trong tương lai của mỗi người, mỗi thế hệ. Người giáo viên không chỉ bằng năng lực nghề nghiệp, nghệ thuật dạy học để khơi dậy hứng thú và niềm vui trong hoạt động học tập, kích thích học sinh tự tìm tòi, khám phá và chiếm lính kiến thức mà còn dạy các em thành người, dạy những điều hay lẽ phải, rèn luyện kĩ năng sống, giúp các em phát triển toàn diện.

        Được trở thành một nhà giáo với trách nhiệm cao cả mà xã hội giao cho, tôi sẽ cố gắng để trở thành một người giáo viên tốt, tiếp thêm tay chèo để lái con đò tri thức được cập bến thành công. Để thực hiện được điều đó tôi phải lao động thật nghiêm túc, không ngừng học tập, rèn luyện, luôn tu dưỡng đạo đức và nâng cao trình độ của mình.

        Chỉ những ai đã và đang đứng trên bục giảng thì mới cảm nhận được niềm hạnh phúc và sự cao quý  của nghề. Tôi rất tự hào về nghề mà mình đã chọn.

                                                                                                                                                                        Giáo viên

                                                                                                                                                               Nguyễn Thị Tuyết (Trường Tiểu học Việt Anh)

Từ khóa » Suy Nghĩ Về Nghề Giáo Hiện Nay