Cảm Nghĩ Về Người Thân (ông, Bà, Cha, Mẹ, Anh, Chị, Bạn, Thầy, Cô...)
Có thể bạn quan tâm
Bài văn biểu cảm về con người lớp 7
- 1. Lập dàn ý cho bài văn biểu cảm về con người lớp 7
- 2. Viết bài văn biểu cảm về ông nội lớp 7
- 3. Viết bài văn biểu cảm về bố lớp 7
- Cảm nghĩ về người thân: Cảm nghĩ về bố mẫu 1
- Cảm nghĩ về người thân: Cảm nghĩ về bố mẫu 2
- Cảm nghĩ về người thân: Cảm nghĩ về bố mẫu 3
- 4. Viết bài văn biểu cảm về mẹ lớp 7
- Dàn ý Cảm nghĩ về mẹ
- Cảm nghĩ về người thân: Cảm nghĩ về mẹ mẫu 1
- Cảm nghĩ về người thân: Cảm nghĩ về mẹ mẫu 2
- Cảm nghĩ về người thân: Cảm nghĩ về mẹ mẫu 3
- 5. Viết bài văn biểu cảm về bà lớp 7
- 6. Viết bài văn biểu cảm về thầy cô giáo lớp 7
- Cảm nghĩ về người thân: Cảm nghĩ về thầy cô giáo
- Cảm nghĩ về người thân: Cảm nghĩ cô giáo
- 7. Viết bài văn biểu cảm về anh chị em lớp 7
Viết bài văn biểu cảm về con người (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, bạn, thầy, cô...) lớp 7 với các đoạn văn mẫu hay và đa dạng sẽ giúp các em có thêm tài liệu tham khảo, để học tập tốt môn Ngữ văn 7.
1. Lập dàn ý cho bài văn biểu cảm về con người lớp 7
a) Mở bài: Giới thiệu về người mà em muốn biểu cảm (bố, mẹ, ông, bà, anh, chị, thầy cô, bạn bè…)
b) Thân bài:
- Miêu tả về người mà em muốn biểu cảm:
- Năm nay người đó bao nhiêu tuổi? Hiện đang làm công việc gì?
- Vóc dáng, gương mặt, phong cách ăn mặc của người đó như thế nào? Có gì đặc biệt?
- Tính cách của người đó ra sao?
- Biểu cảm về người mà em đã giới thiệu:
- Mối quan hệ giữa em và người đó như thế nào? Có thân thiết, khăng khít không?
- Người đó đối xử với em như thế nào? Có tốt không? Kể một vài sự việc thể hiện điều đó
- Người đó đã giúp em những gì? Đem đến cho em những cảm xúc như thế nào?Em có yêu quý, trân trọng, biết ơn người đó không?
- Khi lâu ngày không gặp gỡ người đó, em căm thấy thế nào? Khi được gặp lại họ, em cảm thấy ra sao?
- Em mong muốn làm những gì cho người đó?
- Em có cảm thấy tự hào về người đó và muốn giới thiệu người đó với bạn bè của mình không?
c) Kết bài: Khái quát tình cảm, cảm xúc của em dành cho người mình vừa biểu cảm
2. Viết bài văn biểu cảm về ông nội lớp 7
Thế mà đã hai năm kể từ ngày ông ra đi, nhanh thật. Thời gian không thể xóa đi kỉ niệm về ông, về tình yêu ông dành cho cháu, những ngày tháng tươi đẹp khi mà cháu chưa mất ông nhưng nó cũng đã xóa đi phần nào nỗi đau, nỗi nhớ và lòng xót xa của cháu. Ôn đã ra đi thật nhẹ nhàng và thanh thản, tưởng như chỉ là một giấc mơ, nhưng nào có phải và nỗi đau lại quặn thắt trong lòng.
Nhưng thôi, khi nhắc về ông, không nên nói đến những nỗi buồn, bởi nhắc đến ông là nhắc đến một tấm gương sáng ngời về nghị lực, ý chí vượt lên trên khó khăn và thêm vào đó là một tài năng và những phẩm chất tuyệt vời.
Cuộc đời ông luôn gặp nhiều khó khăn, bất trắc, nhiều trở ngại to lớn nhưng không gì có thể ngăn cản ông vượt lên. Lên bốn tuổi, cái tuổi mà con người ta mới bập bẹ nói, lững chững tập đi, ông đã không còn bố nữa. Vài năm sau, mẹ ông cũng ra đi và nằm lại nơi nào ông cũng không biết. Người ta nói:
“Mồ côi cha ăn cơm với cáMồ côi má lót lá mà nằm”
Thế mà chỉ mười năm đầu đời, ông đã không còn cả cha lẫn mẹ. Đau khổ là thế, nhưng đến năm 20 tuổi ông vẫn là một trong những học sinh xuất sắc của thành phố Huế. Hoạt động cách mạng, bị giặc bắt, tra tấn dã man, hành hạ đánh đập tàn bạo để đến mấy chục năm sau ông vẫn chịu di chứng: đó là căn bệnh suyễn. Và chắc chắn rằng nếu ông có những trận đòn ác liệt ấy thì đến hôm nay, lúc cháu đang viết những dòng này, có thể ông vẫn ngồi bên và mỉm cười với cháu, một nụ cười chất phác, hiền hậu mà cháu đã mất… Giữ vững những phẩm chất của một Đảng viên Cách mạng, ông được ra tù, thế nhưng không được đền đáp mà ông còn bị nghi ngờ, bị coi là lí lịch không rõ ràng. Bất công đến như thế nhưng ông vẫn sống, sống cho đời, làm việc cho đất nước và đã khẳng định được mình, ông làm nghề nhà giáo, trở thành Hiệu trường của trường Đại học sư phạm Huế và những học trò của ông hiện nay không thiếu những người thành đạt, trở thành hiệu trưởng của trường này, thứ trường kia. Ông không chỉ là tình yêu, là người ông mà còn là niềm tự hào lớn lao của cháu, còn nhứ khi cháu mới bốn, năm tuổi gặp bạn bè cháu khoe rằng: “Tao không biết ba tao làm nghề gì, nhưng ông tao là một nhà khoa học”. Đối với cháu lúc áy, ông là to lớn nhất, giỏi giang nhất, vì đại nhất, ông là “một nhà khoa học” cơ đấy. Rồi thì lớn lên, hiểu rõ về ông hơn, cháu lại càng tự hào hơn khi cháu học lớp bảy, lớp của cháu có sử dụng cuốn sách mà ông viết. Cháu vẫn không sao quên được niềm sung sướng khi chỉ tay vào cuốn sách và hỏi: “Chúng mày có biết cuốn sách này của ai viết không? Ông tao đấy, ông tao chính là người viết cuốn sách này”. Và nhìn những đứa bạn trố mắt, trầm trồ đọc ba chữ “Lê Đình Phi” cháu cảm thấy lòng mình lâng lâng. Ôi thật tự hào và hạnh phúc biết bao! Nay, ông không còn nữa, những niềm tự hào ấy vẫn sẽ theo cháu suốt cuộc đời.
Nhưng có tự hào bao nhiêu cháu vẫn ước gì mình được như xưa, được có ông bên cạnh, chỉ bảo ân cần. Nhớ sao những ngày xưa ấy, ông dắt tay cháu đi bộ trên đài Nam giao, chỉ cho cháu xem những ông Phật đứng, Phật nằm, kể cho cháu nghe những câu chuyện thật hấp dẫn. Hay chỉ cách đây vài năm, ông vẫn ngồi trên ghế nhựa, phe phẩy chiếc quạt, hỏi han, trò chuyện cùng cháu, cười với cháu và đố cháu những bài toán nho nhỏ. Ở nơi ông cháu luôn tìm thấy chốn yên bình nhất, thanh thản nhất. Ba mẹ có đôi khi giận dữ la mắng, đánh đập khi cháu hư. Những lúc ấy, cháu lại chạy đến với ông, lại ngồi cạnh ông, cười với ông, gần ông cháu lại thấy quên đi tất cả nỗi buồn.
Nhưng nay! Cháu đã mất ông rồi! Hụt hẫng làm sao, đau đớn làm sao! Cháu không còn chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất. Lấy ai an ủi cháu và để cháu tâm sự? Buồn quá! Biết làm sao đây. Ông ơi! Ở trên ấy ông có nghe những lời cháu không ông? Chắc chắn ông sẽ nghe được rằng cháu thật lòng yêu ông! Yêu ông nhiều lắm!
3. Viết bài văn biểu cảm về bố lớp 7
Cảm nghĩ về người thân: Cảm nghĩ về bố mẫu 1
Bố là người mà em luôn yêu quý và kính trọng nhất trên cuộc đời này.
Năm nay bố của em ba mươi tám tuổi, là một thợ mộc lành nghề. Hằng ngày, bố làm việc với những khúc gỗ trong xưởng. Người lúc nào cũng đầy bụi gỗ. Bóng dáng của bố bởi thời gian dài làm việc vất vả mà trở nên hơi còng rồi. Nhưng trong mắt em, bố vẫn là một người anh hùng cao lớn và vĩ đại. Làn da của bố ngăm đen, khỏe mạnh. Mái tóc lúc nào cũng được cắt ngắn, nay đã lấm tấm tóc bạc rồi. Đặc biệt nhất, chính là đôi bàn tay đầy những vết chai sạn của bố. Không hiểu sao mà em lại thích được cầm đôi bàn tay ấy đến thế.
Em yêu bố của em lắm, như bố vẫn luôn yêu thương em. Cũng như bao người đàn ông khác, bố trầm tính, nghiêm khắc và luôn hi sinh thầm lặng cho gia đình. Trong kí ức của em, rất hiếm khi có thể thấy bố ngồi nghỉ ngơi. Lúc nào bố cũng tất bật làm việc. Từ sáng sớm bố đã thức dậy để ra xưởng gỗ, tối muộn mới về. Hôm nào không ra xưởng, bố ra vườn cuốc đất trồng rau. Rồi sửa lại, dọn dẹp đồ đạc trong nhà. Tuy vất vả nhưng lúc nào bố cũng chăm lo cho em đầy đủ, không để em phải thiếu thứ gì. Có lẽ đó chính là tình thương của một người cha. Nó khác với sự quan tâm, đùm bọc từng chút một của mẹ. Người bố cũng yêu thương, che chở nhưng lại bao dung hơn, rộng lớn hơn. Bố để em tự đi trên đôi chân mình, có thể sẽ vấp ngã, buồn thương. Nhưng rồi, bố sẽ luôn ở sau, nâng đỡ em tiếp tục tiến tới. Chính bóng dáng ấy của bố truyền cho em niềm tin và sức mạnh, rằng yên tâm thôi, bố vẫn sẽ mãi luôn ở đây. Chỉ qua một ánh mắt, một nụ cười, một cái xoa đầu của bố, là em đã cảm nhận được tất cả tình yêu thương vĩ đại ấy.
Mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút em luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi được làm con của bố. Em sẽ cố gắng thật nhiều, để có thể trở thành đứa con ngoan, đem lại niềm vui cho bố.
Cảm nghĩ về người thân: Cảm nghĩ về bố mẫu 2
Cánh cò cõng nắng qua sôngChở luôn nước mắt cay nồng của cha...
Mối khi nghe câu ca dao ấy, trong em lại dâng lên những tình yêu thương dành cho người bố kính yêu của mình.
Bố em là một người bố tuyệt vời. Cả đời của ông làm lụng vất vả, chỉ mong sao con cái có được cuộc sống đầy đủ, không phải thiếu thốn như mình. Lớn lên trong một gia đình nghèo khó, nên bố em chỉ học hết cấp hai đã phải nghỉ học. Vì vậy, ông đã gắn bó với cái nghề thợ xây suốt gần hai mươi năm nay. Công việc vất vả, dãi nắng dầm mưa khiến làn da bố đen sạm, bàn tay đầy những vết chai sạn. Mỗi khi đi làm về, trông bố đều vô cùng mệt mỏi, ông ngồi ở sân đến khi đỡ mệt mới vào nhà.
Ấy vậy mà, đối với em và chị hai, bố luôn vô cùng hào phóng. Bố cho chúng em được học hành đầy đủ, thậm chí là đi học thêm ngoại ngữ ở trung tâm. Vì trường học cách xa nhà, nên bố mua cho mỗi đứa một chiếc xe đạp. Áo quần, ăn uống, lúc nào bố cũng cố gắng mua đủ cho hai chị em, để chúng em không phải khao khát, thèm thuồng. Bố bảo: Cuộc đời bố đã khổ rồi, nên bây giờ chỉ mong các con được sống cho đủ đầy. Các con phải cố gắng mà học hành cho giỏi, để sau này đỡ phải vất vả. Đừng có như bố… Mỗi khi nói như vậy, ông lại nhìn ra xa, vô định. Ánh mắt bố lúc ấy trông rất nặng nề, nặng bởi những lo toan của cuộc sống và nặng cả vì những nỗi buồn, sự tiếc nuối.
Từ nhỏ đến lớn, bố chưa bao giờ đánh em và chị hai cả. Khi hai đứa làm gì sai, bố sẽ bắt ngồi vào góc nhà, đến bao giờ nhận ra lỗi sai và xin lỗi thành khẩn thì mới thôi. Ấy vậy mà cả hai chị em đều rất ngoan. Hầu như chẳng bao giờ để bố phải phiền lòng cả.
Mỗi ngày em luôn cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt để làm bố vui lòng. Em mong sao, mình lớn lên nhanh chóng để có thể giúp đỡ cho bố đỡ vất vả hơn.
Cảm nghĩ về người thân: Cảm nghĩ về bố mẫu 3
Trong cuộc sống hàng ngày, có biết bao nhiêu người đáng để chúng ta thương yêu và dành nhiều tình cảm. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng, người thân yêu nhất của bạn là ai chưa? Với mọi người câu trả lời ấy có thể là ông bà, là mẹ, là anh chị hoặc cũng có thể là bạn bè chẳng hạn. Còn riêng tôi, hình ảnh người bố sẽ mãi mãi là ngọn lửa thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn tôi mãi tận sau này.
Bố tôi không may mắn như những người đàn ông khác. Trong suốt cuộc đời bố có lẽ không bao giờ được sống trong sự sung sướng, vui vẻ. Bốn mươi tuổi khi chưa đi được nửa chặng đời người, bố đã phải sống chung với bao nhiêu bệnh tật: Đầu tiên đó chỉ là những cơn đau dạ dày, rồi tiếp đến lại xuất hiện thêm nhiều biến chứng. Trước đây, khi còn khỏe mạnh, bao giờ bố cũng rất phong độ.
Thế nhưng bây giờ, vẻ đẹp ấy dường như đã dần đổi thay: Thay vì những cánh tay cuồn cuộn bắp, giờ đây chỉ còn là một dáng người gầy gầy, teo teo. Đôi mắt sâu dưới hàng lông mày rậm, hai gò má cao cao lại dần nổi lên trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió. Tuy vậy, bệnh tật không thể làm mất đi tính cách bên trong của bố, bố luôn là một người đầy nghị lực, giàu tự tin và hết lòng thương yêu gia đình.
Gia đình tôi không khá giả, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng tiền bố mẹ kiếm được hàng ngày. Dù bệnh tật, ốm đau nhưng bố chưa bao giờ chịu đầu hàng số mệnh. Bố cố gắng vượt lên những cơn đau quằn quại để làm yên lòng mọi người trong gia đình, cố gắng kiếm tiền bằng sức lao động của mình từ nghề xe lai.
Hàng ngày, bố phải đi làm từ khi sáng sớm cho tới lúc mặt trời đã ngả bóng từ lâu. Mái tóc bố đã dần bạc đi trong sương sớm. Công việc ấy rất dễ dàng với những người bình thường nhưng với bố nó rất khó khăn và gian khổ. Bây giờ có những lúc phải chở khách đi đường xa, đường sốc thì những cơn đau dạ dày của bố lại tái phát.
Và cả những ngày thời tiết thay đổi, có những trưa hè nắng to nhiệt độ tới 38-48 độ C, hay những ngày mưa ngâu rả rích cả tháng 7, tháng 8, rồi cả những tối mùa đông lạnh giá, bố vẫn cố gắng đứng dưới những bóng cây kia mong khách qua đường. Tôi luôn tự hào và hãnh diện với mọi người khi có được một người bố giàu đức hy sinh, chịu thương, chịu khó như vậy.
Nhưng có phải đâu như vậy là xong. Mỗi ngày bố đứng như vậy thì khi trở về những cơn đau quằn quại lại hành hạ bố. Nhìn khuôn mặt bố nhăn nhó lại, những cơn đau vật vã mà bố phải chịu đựng, tôi chỉ biết òa lên mà khóc. Nhìn thấy bố như vậy, lòng tôi như quặn đau hơn gấp trăm ngàn lần. Bố ơi, giá như con có thể mang những cơn đau đó vào mình thay cho bố, giá như con có thể giúp bố kiếm tiền thì hay biết mấy? Nếu làm được gì cho bố vào lúc này để bố được vui hơn, con sẽ làm tất cả, bố hãy nói cho con được không?
Những lúc ấy, tôi chỉ biết ôm bố, xoa dầu cho bố, tôi chỉ muốn với bố đừng đi làm nữa, tôi có thể nghỉ học, như vậy sẽ tiết kiệm được chi tiêu cho gia đình, tôi có thể kiếm được tiền và chữa bệnh cho bố. Nhưng nếu nhắc đến điều đó chắc chắn là bố sẽ buồn và thất vọng ở tôi nhiều lắm.
Bố luôn nói rằng bố sẽ luôn chiến đấu. Chiến đấu cho tới những chút sức lực cuối cùng để có thể nuôi chúng tôi ăn học thành người. Bố rất quan tâm đến việc học của chúng tôi. Ngày xưa bố học rất giỏi nhưng nhà nghèo bố phải nghỉ học. Vào mỗi tối, khi còn cố gắng đi lại được, bố luôn bày dạy cho mấy chị em học bài.
Trong những bữa cơm bố thường nhắc chúng tôi cách sống, cách làm người sao cho phải đạo. Tôi phục bố lắm, bố thuộc hàng mấy nghìn câu Kiều, hàng trăm câu châm ngôn, danh ngôn nổi tiếng…
Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng tự giác học tập. Tôi sẽ làm một bác sĩ và sẽ chữa bệnh cho bố, sẽ kiếm tiền để phụng dưỡng bố và đi tiếp những bước đường dở dang trong tuổi trẻ của bố. Tôi luôn biết ơn bố rất nhiều, bố đã dành cho tôi một con đường sáng ngời, bởi đó là con đường của học vấn, chứ không phải là con đường đen tối của tiền bạc. Tôi sẽ luôn lấy những lời bố dạy để sống, lấy bố là gương sáng để noi theo.
Và tôi khâm phục không chỉ bởi bố là một người giỏi giang, là một người cao cả, đứng đắn, lòng kiên trì chịu khó mà còn bởi cách sống lạc quan, vô tư của bố. Mặc dù những thời gian rảnh rỗi của bố còn lại rất ít nhưng bố vẫn trồng và chăm sóc khu vườn trước nhà để cho nó bao giờ cũng xanh tươi.
Những giỏ phong lan có bao giờ bố quên cho uống nước vào mỗi buổi sáng; những cây thiết ngọc lan có bao giờ mang trên mình một cái lá héo nào? Những cây hoa lan, hoa nhài có bao giờ không tỏa hương thơm ngát đâu? Bởi đằng sau nó luôn có một bàn tay ấm áp chở che, chăm sóc, không những yêu hoa mà bố còn rất thích nuôi động vật.
Tuy nhà tôi bao giờ cũng có hai chú chó con và một chú mèo và có lúc bố còn mang về những chiếc lồng chim đẹp nữa. Và hơn thế, trong suốt hơn năm năm trời chung sống với bệnh tật, tôi chưa bao giờ nghe bố nhắc đến cái chết, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trốn tránh sự thật, bố luôn đối mặt với “tử thần”, bố luôn dành thời gian để có thể làm được tất cả mọi việc khi chưa quá muộn.
Nhưng cuộc đời bố bao giờ cũng đầy đau khổ, khi mà cả gia đình đã dần khá lên, khi các chị tôi đã có thể kiếm tiền, thì bố lại bỏ chị em tôi, bỏ mẹ, bỏ gia đình này để ra đi về thế giới bên kia. Bố đi về một nơi rất xa mà không bao giờ được gặp lại. Giờ đây khi tôi vấp ngã, tôi sẽ phải tự đứng dậy và đi tiếp bằng đôi chân của mình, bởi bố đi xa, sẽ không còn ai nâng đỡ, che chở, động viên tôi nữa.
Bố có biết chăng nơi đây con cô đơn buồn tủi một mình không? Tại sao nỡ bỏ con ở lại mà đi hả bố? Nhưng con cũng cảm ơn bố, bố đã cho con thêm một bài học nữa, đó chính là trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta hãy trân trọng những gì đang có, hãy yêu thương những người xung quanh mình hơn, và đặc biệt hãy quan tâm, chăm sóc cho bố của mình, tha thứ cho bố, khi bố nóng giận và nỡ mắng mình bởi bố luôn là người yêu thương nhất của chúng ta.
Bố ra đi, đi đến một thế giới khác, ở nơi đó bố sẽ không còn bệnh tật, sẽ thoát khỏi cuộc sống thương đau này. Và bố hãy yên tâm, con sẽ luôn nhớ những lời dạy của bố, sẽ luôn thương yêu, kính trọng biết ơn bố, sẽ sống theo gương sáng mà bố đã rọi đường cho con đi. Hình ảnh của bố sẽ luôn ấp ủ trong lòng con. Những kỷ niệm, những tình cảm bố dành cho con, con sẽ ôm ấp, trân trọng, nó như chính linh hồn của mình.
>> Tham khảo thêm các bài văn mẫu Cảm nghĩ về bố tại đây.
4. Viết bài văn biểu cảm về mẹ lớp 7
Dàn ý Cảm nghĩ về mẹ
1. Mở bài: Giới thiệu về người mà em yêu thương nhất đó là mẹ.
2. Thân bài:
- Mẹ là người sinh thành, người nuôi nấng ta lớn lên mỗi ngày.
- Mẹ là người quan tâm đến tôi nhất và cũng là người mà tôi yêu thương và mang ơn nhất trên đời này.
- Mẹ luôn chấp nhận hy sinh vô điều kiện vì chúng con.
- Nhắc lại những kỉ niệm nhớ mãi về hai mẹ con.
- Mẹ luôn ở bên cạnh tôi, vừa làm mẹ, vừa làm bạn để tâm sự cùng tôi, luôn giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách...
3. Kết luận: Tình cảm của con đối với mẹ - Chính mẹ là người đã mang đến cho con thứ tình cảm thiêng liêng, con mãi yêu mẹ, mong mẹ sống mãi bên con.
Cảm nghĩ về người thân: Cảm nghĩ về mẹ mẫu 1
Đêm nay con ngủ giấc trònMẹ là ngọn gió của con suốt đời.
Trong cuộc đời này, có ai lại không được lớn lên trong vòng tay của mẹ, được nghe tiếng ru hời ầu ơ ngọt ngào, có ai lại không được chìm vào giấc mơ trong gió mát tay mẹ quạt mỗi trưa hè oi ả. Và trong cuộc đời này, có ai yêu con bằng mẹ, có ai suốt đời vì con giống mẹ, có ai sẵn sàng sẻ chia ngọt bùi cùng con như mẹ. Với tôi cũng vậy, mẹ là người quan tâm đến tôi nhất và cũng là người mà tôi yêu thương và mang ơn nhất trên đời này.
Tôi vẫn thường nghĩ rằng mẹ tôi không đẹp. Không đẹp vì không có cái nước da trắng, khuôn mặt tròn phúc hậu hay đôi mắt long lanh… mà mẹ chỉ có khuôn mặt gầy gò, rám nắng, vấng trán cao, những nếp nhăn của cái tuổi 40,của bao âu lo trong đời in hằn trên khóe mắt. Nhưng bố tôi bảo mẹ đẹp hơn những phụ nữ khác ở cái vẻ đẹp trí tuệ. Đúng vậy, mẹ tôi thông minh, nhanh nhẹn, tháo vát lắm. Trên cương vị của 1 người lãnh đạo, ai cũng nghĩ mẹ là người lạnh lùng, nghiêm khắc. có những lúc tôi cũng nghĩ vậy. nhưng khi ngồi bên mẹ, bàn tay mẹ âu yếm vuốt tóc tôi, mọi ý nghĩ đó tan biến hết. Tôi có cảm giác lâng lâng, xao xuyến khó tả, cảm giác như chưa bao giờ tôi được nhận nhiều yêu thương đến thế. Dường như 1 dòng yêu thương mãnh liệt qua bàn tay mẹ truyền vào sâu trái tim tôi, qua ánh mắt, đôi môi trìu mến, qua nụ cười ngọt ngào, … qua tất cả những gì của mẹ. tình yêu ấy chỉ khi người ta gần bên mẹ lâu rồi mới cảm thấy được thôi. Từ nhỏ đến lớn, tôi đón nhận tình yêu vô hạn của mẹ như một ân huệ, một điều đương nhiên. Trong con mắt một đứa trẻ, mẹ sinh ra là để chăm sóc con. Chưa bao giờ tôi tư đặt câu hỏi: Tại sao mẹ chấp nhận hy sinh vô điều kiện vì con? Mẹ tốt, rất tốt với tôi nhưng có lúc tôi nghĩ mẹ thật quá đáng, thật… ác. Đã bao lần, mẹ mắng tôi, tôi đã khóc. Khóc vì uất ức, cay đắng chứ đâu khóc vì hối hận. Rồi cho đến 1 lần… Tôi đi học về, thấy mẹ đang đọc trộm nhật ký của mình. Tôi tức lắm, giằng ngay cuốn nhật ký từ tay mẹ và hét to: “Sao mẹ quá đáng thế! Đây là bí mật của con, mẹ không có quyền động vào. Mẹ ác lắm, con không cần mẹ nữa!” Cứ tưởng, tôi sẽ ăn một cái tát đau điếng. Nhưng không mẹ chỉ lặng người, hai gò má tái nhợt, Khóe mắt rưng rưng. Có gì đó khiến tôi không dám nhìn thẳng vào mắt mẹ. Tôi chạy vội vào phòng, khóa cửa mặc cho bố cứ gọi mãi ở ngoài. Tôi đã khóc, khóc nhiều lắm, ướt đẫm chiếc gối nhỏ. Đêm càng về khuya, tôi thao thức, trằn trọc. Có cái cảm giác thiếu vắng, hụt hẫng mà tôi không sao tránh được. Tôi đã tự an ủi mình bằng cách tôi đang sống trong một thế giới không có mẹ, Không phải học hành, sẽ rất hạnh phúc. Nhưng đó đâu lấp đầy được cái khoảng trống trong đầu tôi. Phải chăng tôi thấy hối hận? Phải chăng tôi đang thèm khát yêu thương? … Suy nghĩ miên man làm tôi thiếp đi dần dần. Trong cơn mơ màng, tôi cảm thấy như có một bàn tay ấm áp, khẽ chạm vào tóc tôi, kéo chăn cho tôi. Đúng rồi tôi đang mong chờ cái cảm giác ấy, cảm giác ngọt ngào đầy yêu thương. Tôi chìm đắm trong giây phút dịu dàng ấy, cố nhắm nghiền mắt vì sợ nếu mở mắt, cảm giác đó sẽ bay mất, xa mãi vào hư vô và trước mắt ta chỉ là một khoảng không thực tại. Sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi cảm thấy căn nhà sao mà u buồn thế. Có cái gì đó thiếu đi. Sáng đó, tôi phải ăn bánh mì, không có cơm trắng như mọi ngày. Tôi đánh bạo, hỏi bố xem mẹ đã đi đâu. Bố tôi bảo mẹ bị bệnh, phải nằm viện một tuần liền. Cảm giác buồn tủi đã bao trùm lên cái khối óc bé nhỏ của tôi. Mẹ nằm viện rồi ai sẽ nấu cơm, ai giặt giữ, ai tâm sự với tôi? Tôi hối hận quá, chỉ vì nóng giận quá mà đã làm tan vỡ hạnh phúc của ngôi nhà nhỏ này. Tại tôi mà mẹ ốm. Cả tuần ấy, tôi rất buồn. Nhà cửa thiếu nụ cười của mẹ sao mà cô độc thế. Bữa nào tôi cũng phải ăn cơm ngoài, không có mẹ thì lấy ai nấu những món tôi thích. Ôi sao tôi nhớ đến thế những món rau luộc, thịt hầm của mẹ quá luôn. Sau một tuần, mẹ về nhà, tôi là người ra đón mẹ đầu tiên. Vừa thấy tôi, mẹ đã chạy đến ôm chặt tôi. Mẹ khóc, nói: “Mẹ xin lỗi con, mẹ không nên xem bí mật của con. Con … con tha thứ cho mẹ, nghe con.” Tôi xúc động nghẹn ngào, nước mắt tuôn ướt đẫm. Tôi chỉ muốn nói: “Mẹ ơi lỗi tại con, tại con hư, tất cả tại con mà thôi.” Nhưng sao những lời ấy khó nói đến thế. Tôi đã ôm mẹ, khóc thật nhiều. Chao ôi! Sau cái tuần ấy tôi mới thấy mẹ quan trọng đến nhường nào. Hằng ngày, mẹ bù đầu với công việc mà sao mẹ như có phép thần. Sáng sớm, khi còn tối trời, mẹ đã lo cơm nước cho bố con. Rồi tối về, mẹ lại nấu bao nhiêu món ngon ơi là ngon. Những món ăn ấy nào phải cao sang gì đâu. Chỉ là bữa cơm bình dân thôi nhưng chứa chan cái niềm yêu thương vô hạn của mẹ. Bố con tôi như những chú chim non đón nhận từng giọt yêu thương ngọt ngào từ mẹ. Những bữa nào không có mẹ, bố con tôi hò nhau làm việc toáng cả lên. Mẹ còn giặt giũ, quét tước nhà cửa… việc nào cũng chăm chỉ hết. Mẹ đã cho tôi tất cả nhưng tôi chưa báo đáp được gì cho mẹ. Kể cả những lời yêu thương tôi cũng chưa nói bao giờ. Đã bao lần tôi trằn trọc, lấy hết can đảm để nói với mẹ nhưng rồi lại thôi, chỉ muốn nói rằng: Mẹ ơi, bây giờ con lớn rồi, con mới thấy yêu mẹ, cần mẹ biết bao. Con đã biết yêu thương, nghe lời mẹ. Khi con mắc lỗi, mẹ nghiêm khắc nhắc nhở, con không còn giận dỗi nữa, con chỉ cúi đầu nhận lỗi và hứa sẽ không bao giờ phạm phải nữa. Khi con vui hay buồn, con đều nói với mẹ để được mẹ vỗ về chia sẻ bằng bàn tay âu yếm, đôi mắt dịu dàng. Mẹ không chỉ là mẹ của con mà là bạn, là chị… là tất cả của con. Con lớn lên rồi mới thấy mình thật hạnh phúc khi có mẹ ở bên để uốn nắn, nhắc nhở. Có mẹ giặt giũ quần áo, lau dọn nhà cửa, nấu ăn cho gia đình. Mẹ ơi, mẹ hy sinh cho con nhiều đến thế mà chưa bao giờ mẹ đòi con trả công. mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất, cao cả nhất, vĩ đại nhất. Đi suốt đời này có ai bằng mẹ đâu. Có ai sẵn sàng che chở cho con bất cứ lúc nào. Ôi mẹ yêu của con! Giá như con đủ can đảm để nói lên ba tiếng: “Con yêu mẹ!” thôi cũng được. Nhưng con đâu dũng cảm, con chỉ điệu đà ủy mị chứ đâu được nghiêm khắc như mẹ.
Con viết những lời này, dòng này mong mẹ hiểu lòng con hơn. Mẹ đừng nghĩ có khi con chống đối lại mẹ là vì con không thích mẹ. Con mãi yêu mẹ, vui khi có mẹ, buồn khi mẹ gặp điều không may. mẹ là cả cuộc đời của con nên con chỉ mong mẹ mãi mãi sống để yêu con, chăm sóc con, an ủi con, bảo ban con và để con được quan tâm đến mẹ, yêu thương mẹ trọn đời. Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất trên đời này. Tình cảm ấy đã nuôi dưỡng bao con người trưởng thành, dạy dỗ bao con người khôn lớn. Chính mẹ là người đã mang đến cho con thứ tình cảm ấy. Vì vậy, con luôn yêu thương mẹ, mong được lớn nhanh để phụng dưỡng mẹ. Và con muốn nói với mẹ rằng: “ Con dù lớn vẫn là con mẹ / Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con. ”
Cảm nghĩ về người thân: Cảm nghĩ về mẹ mẫu 2
Vẫn biết thế gian có muôn ngàn vẻ đẹp nhưng có lẽ đối với tôi, nụ cười của mẹ đẹp nhất trần đời. Bạn sẽ cười khi tôi nói thế, thật sự là không biết từ bao giờ tôi đã yêu nụ cười của mẹ. Mặc dù, mẹ không đẹp như bao người khác nhưng tôi lớn khôn, biết yêu thương, trưởng thành như ngày hôm nay, nụ cười ấy luôn dõi theo từng bước chân, từng hơi thở, từng khúc ngoặt của tôi trong cuộc đời.
Nụ cười của mẹ tôi rất đẹp. Nó đẹp như mặt trăng đêm rằm tròn đầy. Nó đẹp như nước hồ mùa thu. Nó đẹp như những bông hoa hải đường mới nở rung rinh trong nắng sớm ban mai. Và có biết bao lần, tôi đã đem nụ cười đẹp rạng rỡ đó vào cả trong giấc mơ.
Nghe bà nội kể lại, từ khi cất tiếng khóc chào đời, tôi đã được đón nhận một món quà vô giá đó là nụ cười của mẹ. Đó là nụ cười yêu thương, trìu mến. Chắc hẳn lúc đó mẹ tôi rất hạnh phúc vì đã sinh ra tôi. Trong tình yêu thương của mẹ, tôi đã lớn dần lên, trưởng thành dần lên, và trong những bước rẽ của tuổi thơ ấy không bao giờ thiếu vắng nụ cười của me. Nụ cười đó luôn ở bên tôi, sát cánh bên tôi để động viên, khích lệ tôi vượt qua mọi khó khăn, vấp ngã.
Nghe bố tôi kể lại, lúc 1 tuổi, là độ tuổi tập đi tập nói, mẹ bận trăm công nghìn việc của gia đình, của cơ quan nhưng vẫn thu xếp công việc để dạy dỗ tôi. Mẹ kiên nhẫn uốn nắn từng từ, từng chữ sao cho tôi nói được những từ đơn giản như ba, bà, mẹ… Khi tiếng nói mama, baba được tôi cất lên cũng là khi mẹ nở nụ cười nụ cười sung sướng mãn nguyện vì bao nhiêu công lao của mẹ dạy tôi nói đã được đền đáp. Khi tôi tập đi, mẹ cầm hai tay tôi, dắt tôi đi. Bàn chân bé xíu, non nớt bước từng bước loạng choạng và thỉnh thoảng tôi lại vấp ngã. Những khi ấy, mẹ không đỡ tôi dậy mà dang rộng vòng tay và nói: “Đến đây với mẹ nào con. Con gái yêu của mẹ, con làm được phải không? Đứng dậy và bước tới đây đi con.” Những lời động viên ấy, những lời khích lệ ấy đã giúp tôi có những bước đi chắc chắn. Nghe lời kể mộc mạc chân thành của bố, tôi cảm động vô cùng và tôi cũng nhận ra rằng: không ai tốt với tôi bằng mẹ không ai yêu thương tôi bằng mẹ. Sau này, tôi mới hiểu tại sao khi tôi vấp ngã mẹ không đỡ tôi lên. Không phải là mẹ không thương tôi mà mẹ muốn tôi tự đứng dậy, trưởng thành hơn sau những vấp ngã.
Bây giờ, tôi đã lớn hơn, đã là một học sinh lớp 7, tôi đã cảm nhận được tình yêu thương của mẹ dành cho tôi là vô cùng to lớn. Tôi làm sao quên được kỉ niệm cách đây 6 năm về trước mẹ không ngủ, mẹ xem lại mọi thứ đã chuẩn bị cho tôi, cho ngày khai trường đầu tiên của tôi
Lần đầu tiên tôi được lãnh phần thưởng mẹ cười. Nụ cười của niềm vui, niềm tự hào, hãnh diện. Thích nhất những lúc cả gia đình quây quần bên nhau, mẹ tôi lại nở một nụ cười tươi rói, nụ cười của hạnh phúc gia đình. Nụ cười của mẹ đã mang đến cho tôi bao hạnh phúc.
Không phải lúc nào nụ cười cũng nở trên môi mẹ, tôi ân hận vì những lần làm mẹ buồn, để những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt mẹ. Vắng đi nụ cười hiền dịu ấy, tôi cảm thấy trống trọi, cô đơn và hiu quạnh vô cùng. Mẹ ơi, con xin lỗi, xin lỗi vì những lời nói dối, những hành động hỗn xược đã làm cho người sinh ra con phải buồn lòng.
Nụ cười của mẹ tôi là như thế đấy. Chính nhờ nụ cười đó mà tôi có thể vượt qua mọi khó khăn, đứng dậy sau những vấp ngã trong học tập và cuộc sống. Tôi sẽ cố gắng học tập, chăm ngoan để nụ cười luôn nở trên môi mẹ tôi
Cảm nghĩ về người thân: Cảm nghĩ về mẹ mẫu 3
Con vẫn thường hay tự hào nhiều lắm vì đôi bàn tay trắng trẻo, mịn màng của mình. Thỉnh thoảng con còn khoe với bạn bè những ngón tay thon nhỏ với móng tay dài có phủ một lớp sơn bóng hồng thật đẹp. Nhìn đôi bàn tay ấy, khối đứa bạn cùng lớp phải ghen tị với con vì đôi bàn tay đã cho mọi người biết rằng con rất được cưng chiều và không phải làm nhiều việc.
Thế rồi tới ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 vừa rồi, nhìn đôi bàn tay Mẹ uyển chuyển, nhanh nhẹn bọc quà hàng cho khách con mới biết rằng đôi bàn tay con làm sao sánh nổi đôi bàn tay mẹ. Tay con nhỏ xinh và ngày càng đẹp trong khi con quá vô tâm để đến tận bây giờ mới nhận ra đôi bàn tay mẹ đang ngày càng thô ráp, chai sạn và to hơn. Chính bàn tay ấy đã cho con được sống trong tình yêu thương và sự chăm sóc của mẹ. Đôi bàn tay ấy làm đồ ăn, chải đầu, gấp chăn màn cho con mỗi sáng. Cũng chính đôi bàn tay ấy, hằng ngày nấu cơm, dọn nhà, trồng rau, nuôi gà. Đôi bàn tay ấy không ngần ngại nhúng xuống làn nước lạnh giá để quần áo con được thơm tho, sạch sẽ. Mặc dù nhà mình có máy giặt nhưng mẹ bảo giặt máy quần áo dễ hư và bạc màu lắm. Đôi bàn tay ấy ngày ngày cân đo đong đếm từng chút mắm muối, bạc tiền. Đôi bàn tay ấy đặt lên vai con mỗi khi con làm được một điều tốt và ôm con thật chặt khi con vấp ngã trên đường đời.
Đôi bàn tay em chỉ biết tới những đồ ăn ngon. Đôi bàn tay con chỉ biết cặm cụi trên sách vở và những bộ quần áo đẹp. Đôi bàn tay cha ngày đêm miệt mài bên bàn vi tính. Còn đôi bàn tay mẹ ngày ngày làm những việc nhỏ nhưng đã cho con biết bao điều lớn lao, cao cả. Trong khi đôi bàn tay con chỉ biết bấm lia lịa trên bàn phím máy tính hay điều khiển tivi, đôi bàn tay mẹ lại tính từng con số xem tiền điện tháng này đã vượt mức chưa. Trong khi bố vừa đi uống bia với bạn bè về thì trên tay mẹ là một ly nước chanh mát lành. Trong khi trời nóng nực lại mất điện, đôi bàn tay mẹ phe phẩy chiếc quạt nan cho con giấc ngủ ngon.
Đã bao lần mẹ ngồi nhìn con sơn móng tay và lần nào như thế con cũng muốn làm đẹp cho mẹ nhưng mẹ đều từ chối. Và đến bây giờ con đã hiểu, là phụ nữ mẹ cũng muốn làm đẹp lắm chứ nhưng vì con, vì bao việc vẫn đang chờ đôi bàn tay mẹ nên mẹ sẵn sàng hi sinh tất cả vì con, vì chồng. Trải qua bao tháng năm thăng trầm, đôi bàn tay ấy hẳn đã mệt mỏi nhiều thế nhưng vẫn chưa một ngày được ngơi nghỉ, chưa một ngày con nắm thật chặt đôi bàn tay ấy mặc dù có khi con dành cả buổi để chơi game, đọc truyện.
Mẹ à, con đã quá vô tâm, quá ích kỷ khi chỉ biết đón nhận những ân cần, chăm lo từ đôi bàn tay mẹ và cho rằng đó là điều dĩ nhiên bà mẹ nào cũng dành cho con cái của mình. Đôi khi con làm mẹ hạnh phúc vì những thành tích mà con đạt được nhưng cũng có quá nhiều lần con để sự vô tâm và những niềm vui của cá nhân khiến mẹ buồn, khiến đôi tay mẹ phải đặt lên lau nước mắt.
Ôi! Đôi tay mẹ tôi! Con yêu đôi bàn tay ấy biết bao nhiêu. Đôi bàn tay xương xương, chai sạn vì chồng con. Đôi bàn tay không ngừng vun vén cho gia đình một hạnh phúc vẹn tròn.Với con, mãi mãi đó vẫn là đôi bàn tay đẹp nhất, thân thương nhất trong cuộc đời mình!
>> Tham khảo thêm các bài văn mẫu Cảm nghĩ về mẹ tại đây.
5. Viết bài văn biểu cảm về bà lớp 7
Từ nhỏ, em đã được lớn lên trong vòng tay dịu dàng của bà. Vì bố mẹ đi làm xa ở khu công nghiệp, mỗi tháng chỉ về nhà một lần rồi lại vội đi ngay. Nên trong kí ức của em, từng mảnh ghép chỉ toàn hình bóng của bà.
Lúc em còn bé, bà em đã ngoài sáu mươi tuổi. Mái tóc bạc pha ít sợi đen được buộc gọn phía sau. Cái lưng hơi còng xuống. Cùng những bộ đồ bà ba hơi cũ nhưng sạch sẽ, gọn gàng. là những hình ảnh vô cùng quen thuộc của em về nhà. Đến bây giờ em vẫn còn nhớ lắm đôi bàn tay của bà. Đôi bàn tay nhăn nheo, khô cứng. Mỗi khi khẽ vuốt tóc hay má em đều thật dịu dàng. Em thích nhất, chính là khi được ngồi trong lòng bà, nghe bà kể những câu chuyện từ ngày xửa ngày xưa, về ông thần núi, bà thần mưa… Nằm im trong lòng bà, hít lấy cái mùi hương trầu móm mém, rồi khẽ chìm vào giấc ngủ. Ấy chính là thiên đường của em thuở còn thơ.
Hồi ấy, nhà neo người, đi đâu bà cũng dẫn em theo. Từ ra đồng đến vào bếp rồi đi chợ, không lúc nào là phải tách nhau ra. Bà thay mẹ, thay cả cha chăm sóc, nuôi dạy em khôn lớn. Bà đút em ăn, vỗ về em trong từng giấc ngủ, chăm sóc những lúc ốm đau. Cũng là bà đã cầm tay em run run hướng dẫn từng nét chữ đầu tiên. Cái lưng còng của bà một mình gồng gánh biết bao điều.
Với tâm hồn ngô nghê khờ dại của em lúc ấy, bà vô cùng to lớn và vĩ đại. Không dì có thể làm bà sợ, từ con sâu lớn trên cây mít, đến ông ba bị trong lời kể của ông hàng xóm. Dù trời mưa to, nắng lớn thế nào, bà vẫn có thể ra vườn hái rau, nấu cơm. bà chẳng bao giờ biết đau, biết mệt - em luôn cho là như thế. Những nỗi đau, vất vả, lo toan, nhớ thương con bà dấu đi, chỉ để lại những ấm áp, tươi vui, vẽ nên cho em một tuổi thơ màu hồng. Mãi đến khi lớn lên chút nữa, khi bà đã đi về nơi rất xa, em mới nhận ra những nỗi niềm ấy.
Giờ đây, em đã là cô bé học sinh lớp 7. Có thể tự mình đến trường không cần ai dẫn trước. Có thể tự mình đi ngủ không cần ai vỗ về kể chuyện xưa. Có thể tự mình thổi nguội một củ khoai nướng mà không cần chờ người giúp. Thế nhưng, đôi lúc, em lại chẳng thấy vui gì cả. Chỉ ước gì, ngủ một giấc, rồi khi mở mắt ra, sẽ lại trở thành một cô bé nhỏ con, lóc cóc chạy theo phía sau người bà với tấm lưng còng ấy. Những mơ ước về tuổi thơ tươi đẹp đó, cứ mãi đi theo em cho đến suốt cuộc đời.
>> Tham khảo thêm các bài văn mẫu Cảm nghĩ về bà tại đây.
6. Viết bài văn biểu cảm về thầy cô giáo lớp 7
Cảm nghĩ về người thân: Cảm nghĩ về thầy cô giáo
Ngày xửa ngày xưa, trái đất tưới thắm hót ca chào mừng một cô giáo tương lai ra đời... Thiên sứ đã giao nhiệm vụ cho cô giáo ấy phải đưa những cô, cậu bé lần lượt lên đò sang bờ bên kia của kiến thức và đỉnh cao của thành đạt.... Đều đặn hằng năm cô giáo ấy lại đón rồi đưa, lại chắp thêm đôi cánh cho mấy đứa nhóc tẹo vừa ngoan vừa dễ thương và hãy còn ngây ngô khờ khạo bay vào trời xanh... (trích lưu bút)
Thế đấy các bạn ạ...Thầy cô của chúng ta hàng năm đều thầm lặng đưa đò, đưa chúng ta đến đỉnh cao của thành đạt...nhưng có bao giờ khi thành đạt xong chúng ta đã quay lại thăm hỏi thầy cô chưa? Phần lưu bút ở trên là của cô giáo lớp 5 viết cho mình...bạn sẽ không biết được niềm vui của những người thầy, người cô khi thấy học trò mình thành đạt...và bạn sẽ càng không thể biết được cảm giác hạnh phúc của thầy cô khi thấy những chuyến đò đã qua sông rồi nhưng vẫn luôn nhớ đến chuyến đò năm cũ...
Nhiều khi những cử chỉ nhỏ bé của bạn thôi nhưng cũng đủ kết thành vòng hoa tô thắm cho cái nghề cái nghiệp của thầy cô...
20/11 lại sắp đến rồi...năm nay tôi không thể về thăm trường được nhưng vẫn muốn gửi một chút tấm lòng theo gió, theo mây vượt ngàn dặm để gửi đến thầy cô những lời biết ơn trân tình nhất.....
Vượt gió, vượt mâyVượt ngàn đại dươngCon đến bên Người......những chuyến đò thầm lặng....
Quay tới quay lui, lại một mùa 20/11 nữa về. Từ giảng đường thênh thang bâng khuâng nhìn lại mái trường xưa... Cuộc đời em là mười hai mùa 20/11, 12 mùa mưa nắng, 12 mùa buồn vui.. còn thầy chỉ là cả đời đưa đò.. thầm lặng.. Em biết khóc, biết cười trước những cảnh đời.. biết đứng lên khi té ngã.. biết nhặt lấy cây gai trên đường để bảo vệ bàn chân những người đi sau. Em biết thế nào là hy sinh, thế nào là cuộc sống.. biết yêu gia đình và yêu quê hương.. Thầy dạy em biết quý thời gian, trọng chữ tín, biết giữ lòng trong sạch.. để ngẩn cao đầu với bạn bè.. Cuộc đời thầy đưa biết bao người qua dòng sông tri thức.. Dòng sông vẫn cứ êm trôi.. tóc thầy bạc đi, mắt thầy nheo lại nhưng vẫn luôn vững tay chèo và hết lòng vì thế hệ trẻ.. bao nhiêu người khách đã sang sông ? bao nhiêu khát vọng đã vào bờ ? bao nhiêu ước mơ thành sự thực..? Có mấy ai sang bờ biết ngoái đầu nhìn lại thầy ơi.
Xin dành riêng nơi đây để chúng em nhìn lại dòng sông xưa, nhìn lại thầy, nhìn lại chính bản thân mình. Và gửi tới thầy cô lời biết ơn trân trọng nhất.
Cảm nghĩ về người thân: Cảm nghĩ cô giáo
Mái trường là ngôi nhà thân yêu của em. Đó là tổ ấm gia đình mà linh hồn của trường là thầy, cô giáo. Năm nay em học lớp năm, lớp cuối cùng của bậc tiểu học. Em sắp sửa tạm biệt mái trường thân yêu đã gắn bó với em năm năm trời. Khi xa trường điều mà em muốn nói đầu tiên là lòng biết ơn vô hạn với thầy cô giáo. Cô Hằng ơi, người mà em ngậm ngùi thương nhớ nhất là cô.
Cô Hằng nếu còn sống năm nay khoảng ba mươi tuổi . Ngày cô dạy em lớp một, cô còn trẻ lắm. Trong kí ức của em còn lưu giữ một cô giáo dáng vẻ cao ráo thanh mảnh . Ngày đầu tiên đi học lớp một, ngày đầu tiên vào học lớp hai cô đều mặc áo dài màu hoàng yến. Cô có khuôn mặt nhỏ,gò má hơi cao cằm thuôn. Sống mũi cao nên các nét của khuôn mặt sáng rõ. Em còn nhớ cô hay cười . Nụ cười xòa trẻ trung. Có khi cô tủm tỉm cười để lộ lúm đồng tiền tròn sâu nơi má như dấu phẩy rất có duyên. Đôi mắt hai mí dài đen. Cô thường buộc tóc cao gọn gàng, phía trước có hai mái trông cô càng trẻ hơn.
Ba năm đã trôi qua, thỉnh thoảng em vẫn gặp cô giáo dạy lớp ba, lớp bốn. Nhưng cô Hằng mãi mãi không còn trên sân trường nữa. Nhưng những kỉ niệm về cô thì em không bao giờ quên .
Ngày đầu tiên vào lớp một, hầu như bạn nào cũng khóc . Lớp nhốn nháo, lộn xộn. Bạn nào cũng ngơ ngơ ngác ngác , chưa biết tên nhau. Cô liền tổ chức trò chơi đoàn tàu. Cô làm đầu tàu, các bạn nối đuôi theo. Nhà ga là tên của mỗi bạn. Thế là tiếng cười đã thay cho tiếng khóc. Chúng em đã biết tên của nhau. Cô có đôi tai rất thính, phát hiện rất nhanh bạn nào phát âm sai. Cô sửa từng người một. Cô uốn từng nét chữ, nét thẳng, nét cong, nét thắt. Khó nhất là chữ k, o, miệng đứa nào cũng tròn theo chữ. Cô luôn nhắc cầm bút cho đúng, ngồi cho thẳng, đừng để mắt cận thị.
Cô hay đứng trên bục giảng đi đi lại lại trong lớp để bao quát học sinh . Bạn nào nói chuyện hay không chép bài, không làm bài tập là cô biết ngay. Giọng cô rõ ràng truyền cảm vang vọng. Ai học giỏi siêng năng cô khen ngợi tặng quà. Quà của cô nhỏ bé có khi là chiếc kẹo, cặp nơ nhưng ai cũng thích. Cô có tài kể truyện vui, truyện cổ tích. Lớp em như nín thở lắng nghe câu chuyện của cô
Vậy mà cô Hằng đã ra đi mãi mãi. Cô bị tai nạn giao thông… Cô ra đi vào mùa phượng nở. Khi đó chúng em đang nghỉ hè. Có bạn viếng được cô, có bạn không biết được. Từ đó hoa phượng trong em như một sự chia li. Mỗi lần nhìn lên màu phượng đỏ, lòng em lại nhớ tiếc thương cô.
Giờ đây sắp sửa xa ngôi trường thân yêu, lòng em trào dâng niềm thương nhớ. Biết bao kỉ niệm trong sáng, êm đềm của tuổi học trò bên mái trường dấu yêu mà thầy cô đã vun đắp cho chúng em. Cô Hằng đã ra đi mãi mãi nhưng em tin rằng bóng cô vẫn hiển hiện trong sân trường, trong trái tim chúng em.
>> Tham khảo thêm các bài văn mẫu Cảm nghĩ về thầy, cô tại đây.
7. Viết bài văn biểu cảm về anh chị em lớp 7
Trong gia đình tôi,mẹ; chị là người quan tâm yêu thương tôi nhiều nhất. Vì chị luôn biết tôi là một con người yếu đuối, muốn người khác quan tâm mình. Đối với tôi, bài văn cảm nhận về người chị thật quá khó nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều cái thuận lợi đối với tôi. Hi vọng qua lần này tôi sẽ hiểu và cảm nhận chị gái tôi nhiều hơn
Mỗi lần trời mưa dông em chỉ nhớ tới chị, một người chị ngày đem lo cho e gái mình, em rất muốn dành thời gian tâm sự cũng chị nhưng em không có cơ hội. Hôm nay, trời đã cho em cơ hội đó, cho em có khả năng viết bài văn cảm nhận về người chị. Có lẽ đây là lần đầu tiên em viết những dòng tâm sự cùng chị. Có thể những dòng chữ này không thể nói hết được những suy nghĩ của em về chị, bởi những tình cảm em dành cho chị từ trong sâu thẳm tâm hồn khó có thể nói hết bằng lời.
Người ta thường nói “Một giọt máu đào còn hơn ao nước lã” để nói đến sự gắn kết vốn có của tình thân, nhưng với em lúc này thì mọi suy nghĩ về chị đã xoá tan đi sự hoài nghi đó.
Khi con người ta đang ở tột cùng của sự đớn đau tuyệt vọng thì cũng chính là lúc người ta nhìn thấy tình cảm của người khác dành cho mình một cách rõ nét nhất. Có thể nói những ngày qua là những ngày em thấy mình thật hạnh phúc. Sự quan tâm, săn sóc của chị dành cho em đã làm cho em thật sự xúc động. Em nhận ra rằng bao giờ chị cũng là người đầu tiên và cũng là người cuối cùng ở bên cạnh em trong mọi lúc vui buồn em có. Một lời động viên, một sự chia sẻ dẫu nhỏ nhoi nhưng nếu xuất phát từ con tim sẽ làm cho người nhận cảm thấy thật ấm áp, và đó cũng sẽ là động lực để họ mạnh mẽ hơn, cứng cáp hơn trước cuộc sống đầy thăng trầm, nghiệt ngã.
Chị yêu thương!
Trong cuộc đời mình có lẽ đây là lần đầu tiên em thương yêu và quý trọng một người không phải chị ruột của mình đến vậy. Một năm không phải là dài, nhưng chừng đó cũng đủ cho em nhận rõ sự gắn kết đang ngày một lớn dần trong em. Và em hiểu rằng trong trái tim em chị đã chiếm một vị trí quan trọng…
Mấy ngày qua tinh thần em không được tốt, chuyện gia đình đã làm cho một con người cứng rắn như em mềm yếu đi rất nhiều…Bờ vai yêu thương của chị đã chìa ra đúng lúc để những giọt nước mắt của em thấm ướt trái tim nhân hậu của chị. Chị đã ngồi hàng giờ bên máy tính cùng em dù chúng ta chẳng nói với nhau một lời nào nhưng vẫn cảm nhận được nỗi đau đang len lỏi trong tim từng người. Và đó cũng chính là giây phút em nhìn thấy rõ lòng chị nhất chị thân yêu ạ.
Cảm ơn chị về tất cả. Tình yêu thương và lòng nhân ái của chị sẽ theo em trên suốt chặng đường đời và chị sẽ mãi là người chị gái thương yêu nhất của em.
-----------------------------------------------------------------------------------------
Ngoài ra, chúng tôi còn hướng dẫn viết các Bài văn mẫu lớp 7 CTST khác, cùng các bài Soạn văn chi tiết và Ngắn gọn môn Ngữ văn lớp 7 Chân trời sáng tạo Tập 2 . Mời các bạn tham khảo.
Từ khóa » Viết Văn Biểu Cảm Về Người Thân
-
Cảm Nghĩ Về Người Thân Yêu Tuyển Tập 84 Bài Văn Mẫu Lớp 7
-
Đoạn Văn Nêu Cảm Nghĩ Về Người Thân Trong Gia đình
-
Top 8 Bài Cảm Nghĩ Về Người Thân Siêu Hay - Lớp 7
-
Biểu Cảm Về Người Thân ❤️️ 15 Bài Văn Cảm Xúc Hay Nhất
-
14 Bài Cảm Nghĩ Về Người Mẹ Thân Yêu Của Em
-
Phát Biểu Cảm Nghĩ Về Người Thân - Thủ Thuật
-
Cảm Nghĩ Về Người Thân Lớp 7 Ngắn Gọn, Hay Nhất - TopLoigiai
-
6 Bài Văn Mẫu Cảm Nghĩ Về Người Thân Trong Gia đình Hay Nhất
-
[Văn Lớp 7] Biểu Cảm Về Người Thân [người Chị] – Bài Viết Số 3
-
Viết đoạn Văn Biểu Cảm Về Người Thân - Lê Minh Bảo Bảo
-
Cảm Nghĩ Về Người Thân ❤️️ 16 Bài Văn Cảm Nhận Hay
-
Viết đoạn Văn Biểu Cảm Về Cảm Nghĩ Về Người Thân Của Mình - Em ơi
-
Cảm Nghĩ Về Người Thân Lớp 7 – 3 Bài Văn Biểu Cảm Về Mẹ, Bà, ông ...
-
Cảm Nghĩ Về Người Thân Trong Gia đình | Văn Mẫu 7 - Đọc Tài Liệu