Cảm Nhận 13 Câu Thơ Giữa Đất Nước ""Đất Là Nơi Anh đến Trường ...

Cảm nhận 13 câu thơ giữa từ “Đất là nơi anh đến trường…Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng” trong đoạn trích Đất Nước (Trường ca Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm)

Trước khi văn học viết ra đời, tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc đã được nhân dân ta gửi vào cái vươn vai của chàng Phù Đổng qua câu chuyện cổ, hay từng câu hò ví dặm, điệu Nam Ai, Nam Bình…Đến khi con chữ được trang trọng viết lên từng trang sách, chủ đề đất nước hiện ra rõ nét qua hào khí của người anh hùng chống Tống, qua niềm tự hào dân tộc của vị tướng vừa thắng trận trở về hát khúc khải hoàn. Ý niệm về đất nước luôn hiện hữu trong đời sống tinh thần của mỗi con người. Đặc biệt qua cái nhìn của một nhà thơ nhiều suy tưởng – Nguyễn Khoa Điềm –  Đất Nước trở nên cụ thể, sống động và gần gũi đến lạ thường. Mạch cảm xúc dồi dào xen chất chính luận của nhà thơ đã khơi nguồn cho những định nghĩa về Đất Nước hết sức độc đáo qua 13 câu thơ giữa đoạn trích Đất Nước.

“Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất Nước là nơi ta hò hẹn

Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”

Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”

Thời gian đằng đẵng

Không gian mênh mông

Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ

Đất là nơi Chim về

Nước là nơi Rồng ở

Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”

Vừa là một người làm nghệ thuật vừa công tác nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước, Nguyễn Khoa Điềm đã mang chất chính luận, nhiều suy tưởng của thời đại để dẫn đường cho cảm xúc nồng nhiệt trữ tình. Thế nên những sáng tác của ông tuy không quá nhiều về số lượng nhưng lại có sức nổi bật về chất lượng. Chính sự tinh tế, nhạy cảm cần có của một nhà thơ và chất trí tuệ ẩn mình đã làm nên sức sống bền bỉ của thơ ông nói chung và trường ca Mặt đường khát vọng nói riêng.

         Trường ca Mặt đường khát vọng được nhà thơ viết trong một hoàn cảnh đặc biệt năm 1971. Thời gian này cả nước đang gồng mình chống lại sự bắn phá từ mọi phía của Mỹ. Và trong giai đoạn nước rút của cuộc chiến, chúng ta cần nhiều hơn tinh thần yêu nước, sức trẻ sục sôi để xuống đường, tham gia vào các phong trào đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ. Chính lúc này tiếng nói của giới văn nghệ sĩ cần hơn bao giờ hết và cũng vang vọng hơn bao giờ hết. Bài ca chim Chơ Rao của Thu Bồn réo rắt về một vùng đất Tây Nguyên anh hùng. Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh âm vang trong đoàn quân giải phóng tiến đến ngày độc lập. Trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm đã gửi một lời chào, một tiếng nói báo động đến tuổi trẻ không thể cứ ngồi yên mà phải sục sôi dũng khí, phải để tình yêu tổ quốc dẫn đường mà biết sống xa nhau khi tổ quốc cần. Đoạn trích Đất Nước thuộc chương 5 của bản trường ca, mượn cuộc trò chuyện giữa “anh” và “em” để bàn về những bình diện khác nhau có mặt của Đất Nước.

          Khi đã luận giải về cội nguồn hình thành Đất Nước, nhà thơ cho chúng ta khám phá nhiều hơn về định nghĩa Đất Nước mà trước hết Đất Nước được nhìn từ bình diện không gian địa lý.

“Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất Nước là nơi ta hò hẹn

Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”

Nghệ thuật chiết tự vận dụng linh hoạt trong câu thơ mở đầu. Hai thành tố “Đất” và “Nước” tách ra. Mỗi thành tố được cảm nhận ở nét riêng sau đó lại hợp thành “Đất Nước”. Cách chiết tự này giúp ta có cái nhìn khái quát về nguồn cội, mọi gắn kết hiện tại cũng bắt đầu từ những yếu tố đơn lẻ. Quy luật tất yếu của cuộc sống chính là kết hợp những gì hài hoà lại với nhau tạo thành một thể thống nhất lâu dài. Đất là nơi anh học từng con chữ, tìm đến tương lai. Nước là nơi em để tuổi thơ mình thấm đẫm giọt phù sa nặng trĩu. Hai câu thơ mở ra một khoảng trời bình yên nhiều mơ mộng. Hoá ra Đất Nước có từ những điều giản dị, tưởng bình thường mà lại phi thường. Đất Nước ngọt ngào qua ánh nhìn của đôi trẻ yêu nhau. Không khô khan, trừu tượng, tình yêu Đất Nước đặt cạnh tình yêu đôi lứa để thấy rằng Đất Nước trong quan niệm của nhà thơ là nơi bắt đầu hạnh phúc, là nơi ươm mầm sự sống.

          Điệp ngữ “Đất Nước” đứng đầu mỗi câu thơ nhấn mạnh Đất Nước chính là cảm hứng khởi nguồn cho mạch thơ dâng trào trên đầu ngọn bút. Mỗi lần xuất hiện là hình tượng Đất Nước thêm một khám phá mới mẻ. “Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”. Chất liệu dân gian xuất hiện không ít trong đoạn thơ làm nền cho tư tưởng chủ đạo lấy nhân dân làm trung tâm. Đất Nước này là Đất Nước của nhân dân. Chiếc khăn thương nhớ năm nào trong bài ca dao đã biến hóa thành chiếc khăn mà “em” đã đánh rơi trong nỗi nhớ âm thầm. Vẫn chiếc khăn kỷ niệm nhưng không phải để lau nước mắt u sầu cho một mối tình câm lặng mà để chứng kiến cái e ấp, dịu dàng của người con gái đang hạnh phúc với tình yêu. Điều mà nhà thơ muốn nói là mối quan hệ máu thịt giữa tình yêu đôi lứa với tình yêu quê hương, Đất Nước, giữa khái niệm về những điều bình dị hằng ngày với định nghĩa về Đất Nước vẹn tròn.

          Một lần nữa, thi nhân tách yếu tố “Đất Nước” thành “Đất” và “Nước” mà mỗi thành tố như thế gắn với hai đối tượng thiêng liêng của Tổ quốc là rừng và biển.

“Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”

Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”

Câu hò Bình – Trị – Thiên vang lên dìu dặt nhớ đến những tâm tình sâu nặng của con người đất Thần kinh

“Con chim phượng hoàng bay ngang hòn núi bạc

Con cá ngư ông móng nước biển khơi

Gặp nhau đây xin phân tỏ đôi lời

Kẻo mai kia con cá về sông Vịnh, con chim nọ đổi dời về non xanh”

Phải yêu quê hương và am hiểu mỗi ngõ ngách tâm hồn của người lao động thì nhà thơ mới có thể chắt lọc cái tinh tế nhất của hình ảnh ca dao mà tái hiện ở diện mạo mới nhưng vẫn giữ được linh hồn cũ. Con chim phượng hoàng là huyền thoại, hòn núi bạc là ước mơ sung túc, an bình cũng là chốn trở về. Huyền thoại, ước mơ làm nên văn hoá dân gian, mà văn hoá dân gian làm nên Đất Nước. Hình tượng con cá ngư ông sống trong hò và trường tồn trong tâm thức của dân gian về một vị thánh thần phù trợ cho biển yên, sóng lặng, cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chim về rừng, cá ra khơi, Đất Nước từ đây mở ra với hai hình ảnh to lớn, thiêng liêng. Kết hợp với những miền không gian sinh hoạt, không gian lao động từ con đường đến trường, dòng sông, cây đa, bến nước hẹn hò đến núi rừng đại ngàn và biển cả bao la, cái nhìn của nhà thơ đi từ cụ thể đến bao quát, từ gần đến xa, không gian Đất Nước cũng liên tục mở rộng ra trước mắt.

          Những câu thơ tiếp theo, Đất Nước được định nghĩa trên bình diện của thời gian lịch sử mà ở đó có sự chuyển tiếp của bình diện không gian.

          “Thời gian đằng đẵng

Không gian mênh mông”

Hai câu thơ giàu tính hình tượng với từ láy tượng hình “đằng đẵng”, “mênh mông” gắn với phạm trù thời gian và không gian Đất Nước. Ở đó “đằng đẵng” vừa có nghĩa chiều dài thời gian vô tận vừa tạo cảm giác cho người nghe về sự triền miên, xuyên suốt. “Mênh mông” tạo hình ảnh Đất Nước rộng lớn không biên giới. Với cách nói này, nhà thơ khắc hoạ được quá trình phát triển của Đất Nước vừa mở rộng ra theo chiều ngang, chiều cao địa lý vừa vươn mình theo chiều sâu của thời gian. Câu thơ cũng là khát vọng bất tử, trường tồn của Đất Nước được vĩnh cửu hóa trong dòng chảy của thời gian không gian.

          Theo thời gian, nhà thơ cắt nghĩa Đất Nước trong bản chất gần gũi, đời thường và cả bản sắc nồng nàn, bình dị mang trong ấy là hơi thở của huyền thoại dân gian.

“Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ

Đất là nơi Chim về

Nước là nơi Rồng ở

Lạc Long Quân và Âu Cơ

Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”

Cũng phép điệp “Đất là”, “Nước là”, “Đất Nước là”, nhà thơ đã gắn kết muôn triệu tấm lòng thành một tấm lòng. Hai tiếng “dân mình” nghe trìu mến như tiếng gọi thiêng liêng của những người có chung một bào thai “đồng bào”. Thế nên Đất Nước chính là nơi dân mình “đoàn tụ”. “Đoàn tụ” thông thường dùng để chỉ những người gặp gỡ lại nhau sau bao ngày xa cách. Nhưng “đoàn tụ” mà nhà thơ muốn nói đến nghiêng về ý nghĩa sự hội tụ, gặp gỡ của nhân dân trên môt không gian địa lý. Hiểu như thế mới thấy được tình đoàn kết, gắn bó, san sẻ của nhân dân ta khắp mọi miền.

          Hình ảnh “Chim” và “Rồng” cũng như “Đất Nước” được nhà thơ dùng lối viết hoa để từ một danh từ chung cụ thể hóa thành tên riêng của hai nhân vật huyền thoại Lạc Long Quân, Âu Cơ. Cách viết hoa này cũng được xem là một thủ pháp nghệ thuật làm nổi bật hình tượng được nói đến và thái độ trân trọng của nhà thơ dành cho Đất Nước, cho tổ tiên, giống nòi mình. “Chim về” gợi nhớ mẹ Âu Cơ đưa 50 con lên núi, “Rồng ở” ngụ ý chỉ Lạc Long Quân đem 50 con về biển cả. Định nghĩa Đất Nước dựa trên truyền thuyết giải thích dòng máu “con rồng cháu tiên” không phải là điều mới mẻ. Tuy nhiên cái thú vị của thơ Nguyễn Khoa Điềm là từ chỗ chất liệu cũ mà tìm ra cách thể hiện mới. Lối chiết tự “Đất là”, “Nước là” kết hợp với phép liệt kê “nơi Chim về”, “nơi Rồng ở” để chúng ta cùng hoài niệm về Long Quân, Âu Cơ và hình ảnh trăm con trong bọc trứng. Cũng từ đất, Đất Nước ra đời theo bước chân của vị vua Hùng mở cõi.

          Hàng loạt những hình ảnh thiêng liêng, cao quý “Chim”, “Rồng”, “Lạc Long Quân”, “Âu Cơ”, “bọc trứng” trong khổ thơ cũng là hình ảnh đã đi sâu vào tiềm thức dân gian làm nên bản sắc dân tộc. Bản sắc ấy không gì khác ngoài tình đoàn kết, yêu thương, san sẻ gói gọn trong hai tiềng gọi “đồng bào”. Bản sắc Đất Nước còn nằm ở chim lạc, giống rồng tiên dựa trên sự lý giải của nhân dân về cội nguồn Đất Nước. Vậy nói cách khác bản sắc Đất Nước đã hòa cùng bản sắc nhân dân. Sự chuyển hóa lẫn nhau giữa dân và nước, giữa những điều bình thường, dung dị và những điều thiêng liêng, cao quý sẽ hài hoà làm một. Đó không gì khác là nhân dân đã tạo ra Đất Nước.

          Cũng mạch cảm xúc tâm tình giữa “anh” và “em” kết hợp hình ảnh thơ gần gũi, bình dị, giọng điệu thơ giàu chất trữ tình, suy tưởng, Nguyễn Khoa Điềm đã có sự cắt nghĩa mới mẻ về Đất Nước trên nhiều phương diện không gian, thời gian và cả trong tâm thức dân gian. Nhiều phép liệt kê, chiết tự tạo sự đồng vọng nhiều chiều để từ đó đánh thức tình cảm và cả lý trí con người về một Đất Nước vẹn toàn, to lớn, có cả chiều sâu văn hoá, chiều rộng không gian địa lý và chiều dài lịch sử.

          Câu thơ vang lên giữa tiếng đạn bom và tiếng động cơ phản lực mà vẫn giữ được sự trong trẻo của tình yêu Đất Nước và niềm tự hào chất chứa qua mỗi dấu câu. Nguyễn Khoa Điềm đã thực sự hoàn thành trọng trách của một người nghệ sĩ dùng ngòi bút của mình đấu tranh. Chẳng cường điệu, phô trương, chẳng hô hào, kêu gọi, nhà thơ chọn con đường đánh vào tình cảm để sợi dây rung động vang lên trong lòng thế hệ trẻ về một Đất Nước đã có trong tiềm thức. Chắc hẳn con đường tình cảm này sẽ khơi gợi ý thức hệ và tác động mạnh mẽ đến tư tưởng của thanh niên, học sinh trong giai đoạn ác liệt của cuộc chiến. Đâu chỉ thế, sợi dây rung cảm mà nhà thơ dày công kết nối đã dẻo dai bám vào đời sống hôm nay, nhắc nhở thế hệ sau này trọng trách với Đất Nước mình cũng là trách nhiệm gánh vác tương lai dân tộc.

“Khi đất nước Việt Nam mang hình tia chớp

Rạch chân trời một lối đến tương lai”

(Trích trường ca Đất nước hình tia chớp – Trần Mạnh Hảo)

Từ khóa » Cảm Nhận đoạn đất Là Nơi Anh đến Trường