Cảm Nhận 2 Khổ Thơ Cuối Tràng Giang - Huy Cận - Văn Mẫu 11
Có thể bạn quan tâm
Cảm nhận 2 khổ thơ cuối bài thơ Tràng giang – Huy Cận – Văn mẫu 11
“Buồn gieo theo gió veo hồ,
Đèo cao quán chật, bến đò lau thưa.
Đồn xa quằn quại bóng cờ,
Phất phơ buồn tự thuở xưa thổi về.”
(Chiều xưa – Huy Cận)
Thơ Huy Cận trước Cách mạng choáng ngợp nỗi buồn. Cái buồn thấm vào từng cơn gió, bến đò. Cái buồn “quằn quại” đau nỗi đau thân phận và cái buồn của vạn năm nào còn “phất phơ” trong tâm hồn người trai đa sầu, đa cảm. Phải chăng thơ thích hợp cho giọng điệu u sầu để rồi tiếng nói thứ nhất khi thi nhân bật lên giữa cuộc đời cũng là những trang thơ mênh mông buồn như mênh mông sóng nước. Buồn cho phận mình, khóc cho phận đời giữa muôn trùng vũ trụ để thấy phận người sao mỏng manh, bé nhỏ, trôi nổi giữa dòng Tràng giang, lạc loài giữa bao la trời rộng. Nguồn cảm hứng nhân thế đã thổi hồn vào từng khổ thơ Tràng giang mà mỗi khổ là một bức tranh tâm trạng. Tràng giang không chỉ là cảnh sông nước rợn ngợp nỗi sầu và những phận đời bé nhỏ. Ở hai khổ thơ cuối bài, Tràng giang còn hiện ra với niềm khao khát được giao cảm cùng cuộc đời và tâm trạng nhớ quê ở Huy Cận.
“Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
…
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
“Sinh ra ở miền sơn cước” tâm hồn chàng trai trẻ Huy Cận thấm đẫm hình ảnh dung dị của cuộc sống, năng lực cảm thụ, sự nhạy cảm trước những gì tinh tế của vạn vật đã giúp Huy Cận có sự gắn bó sâu nặng đối với quê hương. Vì thế nên dù cùng mang nỗi buồn thời đại nhưng hồn thơ Huy Cận vẫn trong sáng, nhẹ nhàng, vẫn chan chứa tình người, tình quê và hơn hết là khao khát tìm được sự đồng điệu từ cuộc đời. Về hình thức thơ, Huy Cận còn chịu nhiều ảnh hưởng của thơ trung đại về một số thi liệu mang tính ước lệ, tượng trưng nhưng cách nhìn của nhà thơ lại hoàn toàn mới lạ. Vì thế mà mỗi hình ảnh ta tìm thấy ở linh hồn sống động chứ không phải chỉ là khái niệm trừu tượng. Bên cạnh thi liệu cũ thì nhà thơ vẫn có những sáng tạo độc đáo trong việc đưa thi liệu mới, gần gũi, đời thường vào thơ và quan trọng hơn cả là cái tâm đứng giữa cuộc đời.
Tràng giang ra đời năm 1939, khi Huy Cận còn học ở trường Cao đẳng Canh nông Hà Nội. Trong lúc tâm trạng cô đơn, lạc lõng và nỗi nhớ quê da diết, nhà thơ đã lấy hình tượng con sông Hồng mênh mông để gửi vào vũ trụ nỗi sầu muôn thuở. Tràng giang ban đầu có tên Chiều trên sông sau đó chính nhà thơ đổi thành nhan đề mang âm hưởng cổ kính thích hợp để bộc lộ nỗi sầu muôn thuở. Nhan đề Tràng giang cũng là một yếu tố nghệ thuật mà nhà thơ sử dụng. Tràng giang ngoài nghĩa sông dài thì với âm tiết mở có khả năng diễn đạt không gian bao la, khoáng đạt và vô tận. Không chỉ thế, Tràng giang còn là tiếng gọi tha thiết của một con người ý thức được thân phận cô đơn, lạc lõng trong lúc đất nước bị đô hộ, dù thế vẫn khao khát được giao cảm cùng cuộc sống.
Đứng trước cảnh mênh mông đất trời thì những vật nhỏ bé như bờ bến bỗng trở nên cô liêu, trơ trọi, thân phận con người như trước một trận phong ba, mọi thứ đều bị cuốn sạch chỉ còn lại là nỗi hoang mang, lo lắng. Điều đáng trân trọng trong tâm hồn đa cảm của nhà thơ là thái độ sống không buông xuôi, không để nỗi buồn khiến bản thân mình trở nên bế tắc. Huy Cận tìm kiếm mọi sự sống để mong có được mối đồng cảm dù chỉ là nhỏ nhoi từ bên ngoài. Thế nhưng ở khổ thơ thứ ba, chúng ta nhìn thấy sự kiếm tìm ấy trở thành vô vọng khi mà mọi mối liên hệ giữa các sự vật đều mờ nhạt.
“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”
Nỗi buồn về thân phận, kiếp người trong bài thơ mỗi lúc một thu nhỏ lại, mỗi lúc một lộ dần ra và cũng tô đậm thêm sự vô định với hình ảnh “bèo dạt”. Không còn là cành củi khô, cồn nhỏ hay bến cô liêu, cánh bèo mới thật sống động khi ẩn dụ cho những phận người trôi dạt. Hình ảnh này xuất hiện nhiều trong thơ ca, âm nhạc gắn với ý nghĩa bé mọn, hẩm hiu. Cũng nét nghĩa ấy, nhà thơ đưa vào “hàng nối hàng” để mong chỉ sự tương đồng, gắn kết. Tuy vậy “hàng nối hàng” chỉ tô thêm sự giống nhau của những thân phận cùng chung nỗi buồn chứ không khiến cho nỗi buồn được sẻ chia. Vậy nên trong câu thơ vẫn là dấu hiệu rời rạc, chia lìa không biết phương hướng là về đâu.
Không gian vô tận được bộc lộ qua từ láy “mênh mông” đặt trước câu thơ “mênh mông không một chuyến đò ngang”. Cái “mênh mông” của “sông dài, trời rộng” và cả cái sâu thẳm của “nắng xuống trời lên sâu chót vót” gói gọn vào “mênh mông” để một lần nữa tạo nên sự đối lập giữa cái vô hạn của vũ trụ và cái hữu hạn, nhỏ bé của con người. Trong hoàn cảnh ấy, con người khao khát được sống như Huy Cận muốn tìm được một chút gì nối liền hai bờ hoặc sang bên kia sông cho khoảng cách của vạn vật gần gũi nhau thêm. Vậy mà “không một chuyến đò sang”, “không cầu gợi chút niềm thân mật”. Điệp từ “không” nhấn mạnh sự phủ định vốn chẳng có điều gì xuất hiện chứng tỏ sự có mặt của sự sống con người. Lấy cái không để nói cái có, có ở đây là có sự cô đơn của một con người cố gắng tìm mối đồng cảm nhưng dường như càng tìm càng tuyệt vọng.
Đoạn thơ không có bóng dáng sự sống đừng nói chi đến con người. Giá mà có một chiếc cầu bắt qua hai bờ để hai thế giới kia không còn song song hoặc ít nhất cũng có con đò be bé với người lái đò đưa khách sang sông thì cũng bớt vắng lặng. Tâm hồn nhà thơ không thể ở mãi bên bờ này càng không thể sang bên kia nên điểm nhìn chỉ nương theo cánh bèo cứ trôi vô định và những bờ bãi nối tiếp nhau.
“Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”
Trong câu thơ đã có một nét vẽ với hai màu xanh, vàng quen thuộc của đồng quê, cũng là hai màu chủ đạo trong bức tranh thiên nhiên mùa thu. Tuy vậy cái xanh, vàng này không hề nổi bật hay trở thành biểu tượng của sắc màu sự sống, hy vọng bởi lẽ nó liền kề, nối đuôi nhau trong chữ “tiếp”. Sự chuyển giao liên tục của “tiếp” chỉ khiến cho hai sắc màu trở nên đơn điệu khi lặp lại không thay đổi. Sự lặp lại này được đặt trong từ láy “lặng lẽ” tô đậm sự vắng vẻ, cô tịch của cảnh vật. Bờ, bãi hai bên sông như được nới rộng ra theo cái nhìn của nhà thơ, sự nới rộng này đồng nghĩa với sự choáng ngợp của không gian, sự vô cùng của đất trời. Thế nên cái bờ xanh, bãi vàng kia chỉ góp thêm cho bức tranh buổi hoàng hôn nỗi buồn không kể siết.
Khổ thơ là tiếng nói da diết của Huy Cận muốn tìm sự đồng điệu từ vạn vật nhưng càng tìm càng thấy chỉ là xa xôi, cách trở, chia lìa của dòng sông mênh mông không có cả nhịp cầu, con đò. Trong cái bất tận của trường giang, ta nghe thấy cả tiếng gọi đò vô vọng của một chàng trai khao khát được yêu nhưng càng yêu thương lại càng sầu khổ.
Cảnh hoàng hôn hiu hắt càng hiện ra rõ nét ở khổ thơ cuối ẩn chứa trong ấy là nỗi lòng của một người nặng tình yêu quê hương.
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”
Bức tranh cuối của cảnh Tràng giang rợn ngợp là những nét vẽ bầu trời, cánh chim, áng mây quen thuộc trong thơ Đường. Chất liệu Đường thi xuất hiện nhiều trong khổ thơ cuối nhưng lại không chi phối cảm xúc của người thời đại, Huy Cận vẫn để lại những dấu ấn rất riêng không lẫn vào đâu. Từ chiều ngang của bên kia sông, những bờ bãi kế tiếp, đôi mắt của thi nhân hướng lên chiều cao của bầu trời. Hình ảnh “lớp lớp mây cao”, “núi bạc” đối lập với hình ảnh “chim nghiêng cánh nhỏ”, phép đối lập này đã xuất hiện trước đó nhưng đến khổ thơ này lại mang một diện mạo mới với nỗi đau thân phận.
Đoạn thơ giàu hình ảnh “mây cao”, “núi bạc”, “chim”, “bóng chiều sa” đây đều là hình ảnh hùng vĩ, nên thơ được thiên nhiên tạo nên kết hợp với từ láy “lớp lớp” càng gợi ra sự tráng lệ của vũ trụ trong lúc mặt trời sắp lặn. Từng đám mây trắng xếp lại thành từng lớp. Lớp này đến lớp khác “đùn” lại thành “núi bạc”. Chữ “đùn” mang tinh thần của vị Thi thánh Đỗ Phủ.
“Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng
Tái thượng phong vân tiếp địa âm”
(Lưng trời sóng gợn lòng sông thẳm
Mặt đất mây đùn cửa ải xa)
Tuy vậy mỗi chữ “đùn” lại xuất hiện trong trạng thái khác nhau. Mây trong thơ Đỗ Phủ “đùn” lại sát mặt đất tạo thành khối ngoài cửa ải khiến không gian như chật hẹp thì mây trong cách sáng tạo của Huy Cận lại “đùn” thành từng cụm trên cao tạo ra không gian thăm thẳm choáng ngợp ánh nhìn.
Khi mà mọi sự giao cảm từ cuộc sống đã mất hết tín hiệu thì nhà thơ gửi lòng vào một cánh chim nghiêng. Cánh chim kia dẫu nhỏ bé vẫn là sự sống, vẫn là điều mong mỏi của con người muốn thoát ra khỏi kiếp đời vô định, thoát ra khỏi không gian mênh mông của vũ trụ. Thế nhưng cánh chim có cố gắng đến đâu cũng không bao giờ bay khỏi bầu trời khi bóng chiều đã sa, khi ánh sáng chỉ còn lại thưa thớt, yếu ớt. So với bầu trời hùng vĩ kia thì cánh chim thật bé nhỏ. Cánh chim ẩn dụ cho những phận đời bé mọn, có dùng hết sức của đôi cánh cũng không thoát khỏi cái vô cùng. Sự cô đơn chưa tìm được mối giao hòa nay lại phải xót xa cho chính đôi cánh nhỏ bé kia. Câu thơ còn là tấm lòng thương cảm của nhà thơ dành cho những phận đời yếu đuối trước thời cuộc, bất lực trước thời gian.
Cánh chim đâu chỉ chở mình nó mà dường như còn mang nặng cả thời gian trên đôi cánh. “Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa”. Câu thơ gợi cho chúng ta nét nghĩa sự chuyển động của cánh chim kéo theo sự chuyển động bóng chiều. Như thế cánh chim nhỏ bé ấy lại chở cả hoàng hôn trên đôi cánh. Cái “nghiêng” của nó mới thật sự đáng thương làm sao, như cái nghiêng của một thân phận đơn độc gánh trên vai cái khôn cùng của kiếp người. Kiếp người của nhà thơ và “vạn kiếp phôi pha” đang đau nỗi đau sống trên quê hương mà vẫn thấy chơi vơi, xa lạ.
Chẳng còn mượn cơn sóng gợn, cành củi khô, bến cô liêu…để mà nói hộ tâm tình, càng về cuối cái tôi của nhân vật trữ tình càng hiện ra qua nỗi nhớ da diết với quê nhà.
“Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
Cách nói “lòng quê” đâu chỉ hiểu là tấm lòng của thi nhân đối với quê hương mà còn tình đất, tình người nặng trĩu của quê hương dành cho những đứa con xa. Tấm lòng quê luôn rộng mở như mênh mông sóng nước nhưng cũng “chót vót” nỗi buồn khi chẳng được sẻ chia, đồng cảm. Có những nỗi sầu muộn càng cố gửi theo từng đợt sóng thì chỉ thấy “dợn dợn” cùng con nước. Từ láy “dợn dợn” là cách nói sáng tạo của nhà thơ. “Dợn dợn” vừa tả hình mà vừa tả tình. Nó mang cả sự mênh mông của chiều rộng và sự sâu thẳm của chiều sâu. Sóng “dợn dợn” là ngọn sóng liên tục, triền miên kéo theo những đợt sóng sau và tiếp nối ngọn sóng trước. Cái “dợn dợn” tương xứng với cái “gợn” của của bức tranh hoàng hôn đầu. Từ “sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp” đến “Lòng quê dợn dợn vời con sóng” tạo nên một vòng tuần hoàn khép kín, ở đó chỉ có sóng nước và sông dài, trời rộng. Cơn sóng lòng vỗ từ khi con thuyền xuôi mái nước đến “chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa”. Vỗ từ độ người thanh niên đa cảm biết ôm nỗi sầu với gió trăng đến tận khi lòng người thanh niên ấy phấp phới ngọn cờ sắc đỏ. Mối tình quê, lòng quê dai dẳng theo từng đợt sóng trào vỗ mãi không thôi.
Vẫn là chất liệu Đường thi nhưng không hẳn Đường thi, Huy Cận đã mượn khói sóng từ thơ Thôi Hiệu thành không khói sóng trong lòng mình để bộc lộ được “lòng quê”.
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”
(Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai)
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu” cảnh vật không chỉ là cái vô tri mà cũng mang linh hồn của vũ trụ. Cảnh sầu gợi cho lòng người những mối cảm hoài không nguôi. Thế nên khi nhìn thấy khói sóng phủ trên sông trong lúc hoàng hôn buông xuống, Nhà thơ xưa đã chợt nhớ đến quê hương mình. Cái xa cách trong lòng người được khói sóng vô hình bắt nhịp cầu để đến bên bờ xứ sở mình. Còn Huy Cận, nhà thơ của thế sự u hoài chẳng cần đợi khói sóng gợi tình mà nỗi nhớ quê hương đã thường trực tự bao giờ. Vì thường trực nên lúc nào cũng âm ỉ khôn nguôi. Câu thơ cuối đã phần nào gợi mở căn cơ nguồn cội của nỗi sầu trải dài khắp bài thơ. Phải chăng vì nhà thơ “nhớ nhà”, nhớ quê nên nhìn đâu cảnh vật cũng đượm buồn “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Truyện Kiều – Nguyễn Du). Đâu chỉ là một nỗi nhớ quê nhà thông thường khi phải sống xa quê. Nỗi nhớ này xuất phát từ niềm đau phận mình, phận người khi phải sống trong cảnh nước mất nhà tan, nhân dân chịu đời lầm than, nô lệ. Nếu đã không thể làm chủ được quê hương thì có sống trên mảnh đất quê cũng thấy xa quê vời vợi.
Hai khổ thơ cuối bài bổ sung cho bút pháp cổ điển kết hợp hiện đại có trong bài thơ. Bút pháp này vừa gợi dáng vấp Đường thi trong nỗi sầu thiên thu của kiếp người vừa lột tả được cái tôi thời thế muốn bước những bước vững chãi về phía trước mà chẳng thể tìm được con đường chân lý nên chỉ đành lòng để tâm hồn mình chơi vơi trong dòng sông cuộc đời.
“Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước
Chọn một dòng hay để nước trôi?”
(Dậy lên thanh niên – Tố Hữu)
Đoạn thơ còn ghi nhận những nét sáng tạo độc đáo của Huy Cận với bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình, hệ thống từ láy biểu cảm tạo tính nhạc, khơi nguồn cho những cơn sóng lòng mỗi lúc một triền miên, lan toả. Nhịp thơ da diết, cuộn trào như từng đợt sóng cũng là nét nghệ thuật tiêu biểu làm nên chất thơ Huy Cận giàu tình cảm, nặng u hoài.
Bức tranh đẹp mà buồn của Tràng giang đã chuyển mình thành cơn sóng ngầm ẩn sâu đáy nước trong veo. Sóng vẫn gợn, dù âm thầm nhưng bền bỉ, da diết không sao kể xiết. Nỗi lòng ấy là tâm sự của lớp thanh niên trước Cách mạng khi họ ý thức được cảnh tình quê hương mình, hiểu được trách nhiệm bản thân nhưng chẳng tìm ra được lối đi đúng đắn. Nỗi bất lực về cuộc đời, nỗi thất vọng về bản thân đã khiến cho tâm hồn họ bao giờ cũng mang nỗi niềm riêng chỉ biết mượn vũ trụ bao la mà trốn tránh. Thương cho đất nước cũng là thương cho ông cha ta, thế hệ người đi trước đã phải sống một đời buồn tẻ, âm thầm. Có cất tiếng kêu thương cũng không có lời hồi đáp. Cánh cửa cuộc đời im ỉm đóng còn cửa lòng thì rộng mở.
“Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời,
Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khoá”
(Chế Lan Viên)
Từ khóa » Cảm Nhận Hai Khổ Thơ Cuối Bài Tràng Giang
-
Phân Tích Hai Khổ Thơ Cuối Bài Tràng Giang - Huy Cận
-
TOP 12 Mẫu Phân Tích 2 Khổ Cuối Bài Tràng Giang - Văn 11
-
Phân Tích Hai Khổ Thơ Cuối Bài Tràng Giang - Thủ Thuật
-
Phân Tích Hai Khổ Thơ Cuối Bài Tràng Giang Của Huy Cận (Dàn ý + 6 ...
-
Phân Tích 2 Khổ Cuối Bài Tràng Giang ❤️️13 Mẫu Khổ 3 4 Hay
-
Phân Tích Hai Khổ Thơ Cuối Bài Tràng Giang - Yêu Trẻ
-
Phân Tích Hai Khổ Thơ Cuối Bài Tràng Giang - Huy Cận - TBDN
-
Phân Tích Hai Khổ Thơ Cuối Bài Tràng Giang Của Huy Cận - .vn
-
Phân Tích Hai Khổ Thơ Cuối Bài Tràng Giang Hay Nhất - TopLoigiai
-
Phân Tích 2 Khổ Cuối Bài Tràng Giang Của Tác Giả Huy Cận, Top ...
-
Cảm Nhận Về 2 Khổ Thơ Cuối Trong Bài Tràng Giang
-
Dàn ý Cảm Nhận 2 Khổ Cuối Của Bài Tràng Giang - Huy Cận
-
Phân Tích Hai Khổ Thơ Cuối Bài Tràng Giang - Thư Viện Hỏi Đáp
-
Cảm Nhận 2 Khổ Thơ Cuối Bài Tràng Giang Của Huy Cận [Top Bài ...